Cuộc phỏng vấn
Ðức Tổng Giám Mục giáo phận Zagreb
dành cho tuần báo "Gia Ðình Kitô"

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Cuộc phỏng vấn Ðức Tổng Giám Mục giáo phận Zagreb dành cho tuần báo "Gia Ðình Kitô" (Famgilia Cristiana).

Hỏi: Thưa Ðức Cha, những vấn đề nào là những vấn đề lớn hơn cả của xã hội Croat?

Ðáp: Trước mắt chúng tôi đang có vấn đề của việc chuyển tiếp, như các nước vừa thoát chế độ cộng sản; nhưng tại nước chúng tôi vấn đề trầm trọng hơn, vì chúng tôi bị chiến tranh trong ba năm vừa qua. Việc chuyển tiếp mang theo nhiều biện pháp khó khăn để tiến đến nền dân chủ và canh tân hóa xã hội. Chiến tranh đã để lại cho chúng tôi những thù ghét, những thù địch... Vấn đề này đòi hỏi nơi mọi người một sự dấn thân lớn lao để đi đến hòa giải và tha thứ.

Hỏi: Việc chuyển tiếp diễn tiến như thế nào?

Ðáp: Ban đầu có nhiều lạc quan. Nhiều người nghĩ rằng việc chuyển sang kinh tế thị trường sẽ làm cho dân giầu nước thịnh. Họ quên rằng chế độ cộng sản cũng đã để lại một tâm trạng ít sáng tạo, cậy dựa vào Ðảng và Nhà Nước. Hiện nay một phần dân chúng trở nên nghèo và một nhóm nhỏ trở nên giầu hơn. Ðây chính là cái làm cho nhiều người thất vọng.

Hỏi: Trong sứ điệp Lễ Giáng Sinh năm vừa qua, Ðức Cha đã nói đến những cơ cấu tội lỗi. Chính phủ xem ra khó chịu, nhưng phe đối lập hoan hô. Vậy Ðức Cha không sợ bị lợi dụng sao?

Ðáp: Việc phản đối mãnh liệt là dấu chỉ rằng tôi đã động chạm đến một vấn đề thực tại của xã hội Croat. Giáo Hội không làm chính trị, không đọc diễn văn về chính trị, nhưng về luân lý và nền luân lý này phát xuất từ Phúc Âm. Trong tình trạng cụ thể của chúng tôi, chúng tôi phải đòi sự công bình và sự rõ ràng trong việc xử dụng công quĩ . Sự "rõ ràng" ở đây có nghĩa là, thí dụ như việc tư hữu hóa, phải theo đúng luật lệ khách quan, không phải chỉ nhằm làm lợi cho những ai cầm quyền hay liên hệ đến người cầm quyền mà thôi.

Hỏi: Ngoài việc kêu gọi hành động đúng luân lý, luật pháp, vậy Giáo Hội Công Giáo có những bổn phận nào đối với xã hội Croat hiện nay?

Ðáp: Trong thời gian 50 năm sống trong chế độ cộng sản Titô, Giáo Hội bị cưỡng ép sống thụ động, đóng kín; ngày nay Giáo Hội phải cởi mở và dấn thân rao giảng Tin Mừng. Ðể đạt mục đích này, các cơ quan của Giáo Hội có vai trò rất quan trọng, trong sự tham dự vào công việc rao giảng Tin Mừng, như Hội Ðồng mục vụ chẳng hạn, do Công Ðồng Vatican II đã chỉ định, nhưng tại đây chưa được thực hiện. Tôi nhận thấy sự kiện rất quan trọng này là các người giáo dân đang được chuẩn bị tại các Phân Khoa Thần Học. Chắc chắn sau này họ sẽ là những giáo sư, giáo viên rất hữu ích cho việc giảng dạy đạo trong các trường Nhà Nước; đồng thời họ sẽ đem đến những kinh nghiệm và những cái nhìn mới cho các cộng đồng Công Giáo chúng tôi.

Hỏi: Tại Cộng Hòa Croat, các tín hữu Chính Thống thuôïc số rất nhỏ bé. Sau chiến tranh giữa người Serbi và Croat, xem ra có sự va chạm giữa hai bên Chính Thống và Công Giáo. Xin Ðức Cha cho biết về mối quan hệ đại kết giữa hai Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống tại Croat như thế nào?

Ðáp: Trong lãnh vực này, sự dấn thân trong việc hòa giải và tha thứ là điều rất quan trọng. Tha thứ cho người khác và cũng xin tha thứ nữa, như ÐTC Gioan Phaolô II đã nói trong chuyến viếng thăm Zagreb cách đây 4 năm. Tôi đã nhiều lần tiếp xúc và có những mối quan hệ tốt với Ðức Tổng Giám Mục Giáo Hội Chính Thống tại Zagreb, Ðức Jovan. Những tiếp xúc này sẽ tiếp tục. Nhưng tôi tin chắc rằng: công việc đại kết tốt hơn cả là công việc được biểu lộ trong đời sống, công việc đi từ cơ cấu cơ bản, từ nguời dân. Trên phương diện này, tôi lạc quan, vì các tín hữu của các Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống, muốn xích lại gần nhau.

Hỏi: Thưa Ðức Cha, đây là câu hỏi sau cùng. Xin Ðức Cha cho biết về những giáo huấn chính yếu của Ðức Hồng Y Stepinac.

Ðáp: Thực sự có nhiều lắm. Ðức Hồng Y Stepinac là Vị Anh Hùng, Vị Tử Ðạo của sự hiệp nhất Giáo Hội. Là một chứng nhân của nhân quyền, vì ngài bênh vực hăng say mà không sợ ai cả, dưới chế độ Phát Xít, Nát Xít cũng như dưới chệ độ Mác Xít. Ngài còn là gương mẫu của lòng ái quốc chân chính, vì ngài biết bênh vực các giá trị và truyền thống tốt lành của dân tộc mình mà không xúc phạm đến các truyền thống của người khác. Từ nhiều năm tại Croat, người ta cấm nói đến Ðức Hồng Y Stepinac, cho dù người dân vẫn coi ngài như Vị Anh Hùng và Vị Thánh. Ngày nay ngài được tôn phong lên bậc Chân Phước Tử Ðạo: đây là một vinh dự và an ủi lớn lao cho tất cả những ai, theo gương ngài, đã can đảm chống lại những chế độ độc tài, và cho những ai tin rằng, sau Thiên Chúa, con người là giá trị cao trọng hơn hết.


Back to Radio Veritas Asia Home Page