Tường thuật chuyến thăm mục vụ
của ÐTC Gioan Phaolô II Tại CROAT
Ngày cuối cùng: Chúa Nhật 4/10/98
Thánh lễ bên bãi biển tại Split

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Tường thuật chuyến viếng thăm mục vụ của ÐTC Gioan Phaolô II Tại CROAT. Ngày cuối cùng: Chúa Nhật 4/10/98: Thánh lễ bên bãi biển tại Split.

Chúa Nhật 4/10/98,là ngày cuối cùng của chuyến viếng thăm mục vụ của ÐTC tại Cộng Hòa Croatie. Những ai theo dõi chuyến viếng thăm được truyền hình trực tiếp, đều phải công nhận rằng: một quốc gia mới thoát chế độ cộng sản và chiến tranh tàn phá trong những năm vừa qua, đã tổ chức cuộc tiếp đón và hai thánh lễ vĩ đại và chu đáo như vậy, thật là một cố gắng đáng cảm phục.

Số người Công Giáo Croat chiếm hơn 80 phần trăm, nghĩa là khoảng 3 triệu 500 ngàn trong số 4 triệu 600 ngàn dân cư. Số người tham dự thánh lễ tại Ðền Thánh Ðức Mẹ Bistrica khoảng nửa triệu. Số người tham dự thánh lễ bên bãi biển Split Chúa Nhật 4/10/98 cũng ngang với con số hôm trước. Có tới một triệu người dự hai thánh lễ do ÐTC cử hành trong chuyến viếng thăm lần thứ hai này, nghĩa là cứ ba người Công Giáo Croat, thì có một người tham dự thánh lễ trong những ngày này, không kể những người dự thánh lễ qua đài truyền hình.

Cuộc đón tiếp ở Zagreb, Bistrica và Split rất nồng hậu. Chính Phủ cộng tác chặt chẽ với Giáo Hội để cùng tổ chức chuyến viếng thăm này. Báo chí Croat đều ca tụng ÐTC là người Bạn của Croat và quả quyết: trong các vĩ nhân thế giới ít người hiểu biết dân tộc Croat như ÐTC Gioan Phaolô II (báo Slobadna Dalmacja).

Thánh lễ sáng Chúa Nhật 4/10/98 bên bãi biển Adriatique được cử hành lúc 10:45 sáng. ÐTC từ Zagreb tới Split bằng máy bay. Tại sân bay quốc tế này, ÐTC được Ðức Giám Mục Giáo phận Split, ông Thị Trưởng và chính quyền dân sự, quân sự địa phương tiếp đón. Cũng từ phi trường quốc tế này, ÐTC lên máy bay để trở về Roma, sau cuộc gặp gỡ các giáo lý viên, các Phong Trào và Hội Ðoàn Giáo Hội, giới trẻ tại Ðền Thánh Ðức Mẹ "Gospa od Otoka" của Giáo Phận Split.

Split là thành phố lớn thứ hai của Croat sau thủ đô Zagreb; dân cư khoảng 200 ngàn. Split là cửa biển lớn và xưa kia thuộc Ðế Quốc Roma. Hoàng Ðế Diocleziano, sau khi từ bỏ ngai vàng, đã về hưu tại đây và xây cất lầu đài lớn lao với 12 ngọn tháp. Split cũng là một giáo phận được thành lập từ lâu đời. Ðạo Công Giáo được rao giảng tại Croat ngay từ các thế kỷ đầu. Nền văn hóa Croat là nên văn hóa Kitô. Nhờ đó, sau hơn 40 năm dưới chế độ cộng sản bách hại, Giáo Hội Công Giáo phục hồi nhanh chóng. Hai thánh lễ và nhất là cuộc gặp gỡ giới trẻ với ÐTC vào lúc 18 giờ Chúa Nhật minh chứng sức sống của Giáo Hội Croat như thế nào. Trong lời cầu chúc "Một Mùa Xuân mới" cho Croatie, ÐTC đã thấy Mùa Xuân này đang đến với dân tộc Croat.

Trong bài giảng thánh lễ, một lần nữa ÐTC kêu gọi hòa giải cho các dân tộc miền Balcan. Ngài nói: "Hòa bình không phải là một ảo tưởng. Tại Croatie, tiếng súng yên lặng từ ba năm nay. Nhưng chiến tranh bùng nổ tại Kosovo, nơi có tới 90% người dân gốc Albania. Ngài nói: Ước gì sự hiểu biết nhau, sự tôn trọng nhau, tha thứ và hòa giải chiếm chỗ của bạo động và của tàn phá. Ðể đạt tới mục tiêu này, với tinh thần liên đới, cộng đồng quốc tế cần phải giúp đỡ khẩn cấp, kịp thời".

Một dấu hiệu hy vọng về hòa giải giữa các dân tộc và các tôn giáo trong miền Balcan được thấy trong thánh lễ Chúa Nhật 4/10/98: Ðại Diện Giáo Hội Chính Thống đã đến dự thánh lễ. Trong chuyến viếng thăm năm 1994 Giáo Hội này không muốn hiện diện, dù được mời.

Tại Croatie, chiến tranh không còn nữa, nhưng đã để lại những dấu vết bi thảm. ÐTC nói ngài gần gũi tất cả những ai chưa được tin tức đích xác về các người thân yêu của mình bị mất tích. Từng ngàn người bị chôn vùi trong một huyệt chung. ÐTC nói: Chúng ta hãy tưởng đến thành phố "tử đạo" Vukovar, bất hạnh nằm trong miền đông Slavonia, nơi có các chủng tộc khác nhau, nhưng nhất là phong phú về dầu hỏa.

Sau đó, ÐTC nhắc đến vấn đề thiếu nhà ở: một vấn đề nhân đạo, phức tạp và đau thương. Tại Croat, trong thời kỳ chiến tranh có khoảng 145 ngàn nhà ở bị phá hủy. Nhiều người di tản lúc chiến tranh, nay trở về, không có nhà ở, vì đã bị người khác chiếm. Vấn đề rất trầm trọng về các người già cả. Với tiền lương hưu trí, họ không thể sống cả tháng. Phải làm gì đây? ÐTC nói: "Ðức tin luôn luôn đòi dấn thân phục vụ người khác". Thực sự Giáo Hội Công Giáo Croat dấn thân nhiều trong vấn đề xã hội và được Caritas Ý giúp đỡ để huấn luyện một Phong Trào Tự Nguyện địa phương hữu hiệu.

Dù có nhiều vấn đề khó khăn, ÐTC tỏ lạc quan, bởi vì qua việc lấy lại tự do và nền dân chủ, thì việc chờ đợi một Mùa Xuân mới về Ðức Tin trên Ðất Nước này là điều hợp lý. ÐTC nói: "Các tín hữu Kitô của Ðất Croat này hôm nay được mời gọi đem lại một bộ mặt mới cho Quê Hương, nhất là bằng việc dấn thân lấy lại trong xã hội các giá trị đạo đức luân lý, bị đe dọa và phá hủy bởi các chế độ độc tài trước đây và bởi chiến tranh vừa qua. Bổn phận này đòi nhiều nghị lực và ý chí cương quyết. Ðây là một bổn phận khẩn cấp, bởi vì không có các giá trị cao cả, không thể có tự do và dân chủ đích thực.

ÐTC giải thích: Các tín hữu Kitô Croat vì thế phải chiến đấu một trận chiến tốt lành bằng việc nhớ lại các chứng nhân anh hùng của mình: các vị tiền nhân, như thánh Dominio thành Split, và như các chứng nhân thời nay, như Ðức Hồng Y Stepinac thành Zagreb, được tôn phong Chân Phước hôm thứ Bảy 3/10/98. Ðây là những chứng nhân đức tin đã biết minh chứng sức mạnh của Tin Mừng bằng hy sinh cả sự sống. Một bổn phận lớn lao, nhưng Thiên Chúa giúp đỡ sự hèn yếu của chúng ta. ÐTC nhắc lại lời Chúa trong bài Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay: "Nếu các con có đức tin bằng hạt cải, các con có thể di chuyển núi non". "Ðức tin - lời ÐTC - không tìm kiếm những sự khác thường, nhưng cố gắng làm cho mình trở nên người hữu ích bằng cách phục vụ anh chị em trong viễn tượng của Nước Trời. Sự cao cả của đức tin ở tại sự khiêm tốn. "Chúng ta là những đầy tớ vô ích". Một đức tin khiêm tốn là một đức tin đích thực. Và một đức tin đích thực, dù nhỏ "như hạt cải" có thể làm những việc lớn lao".

Một tin vui mừng trong thánh lễ sáng Chúa Nhật 4/10/98: theo nguồn tin Croat, có 2,000 người Công Giáo đến từ Quốc Gia Serbie. Ðây là lần thứ nhất nhà cầm quyền Serbie (thù dịch Croatie) mở biên giới cho các tín hữu Công Giáo đến gặp ÐTC và dự thánh lễ.

Cùng đồng tế với ÐTC có nhiều Hồng Y, Tổng Giám Mục và Giám Mục đến từ các nước ngoài, như thứ Bẩy 3/10/98 vừa qua trong thánh lễ Phong Chân Phước. Nóc che Lễ đài là hình chiếc thuyền buồm và bên cạnh bàn thờ có cây thánh giá. Hai biểu hiệu rất ý nghĩa: Thánh Giá ám chỉ Chúa Giêsu Kitô, Ðấng Cứu Chuộc nhân loại - Chiếc thuyền buồm chỉ Giáo hội luôn tiến ra khơi, dù gặp sóng gió bão táp cũng không sợ chi, vì có Chúa luôn ở với và hướng dẫn Giáo Hội. Thánh lễ diễn ra trong bầu khí trang nghiêm, sốt sắng. Nhiều người rước lễ từ nơi ÐTC; họ quì gối cách cung kính. Ca đoàn đông đảo, gồm hai ngàn ca viên đến từ các giáo xứ của giáo phận.

Trong bài suy ngắm vắn tắt trước Kinh Truyền Tin cuối thánh lễ Chúa Nhật tại Split, ÐTC nhắc đến nhiều vấn đề với lo lắng và run sợ, trong đó ngài nhắc riêng đến thảm trạng Kosovo, bên cạnh Croat. Ngài cầu nguyện cho Croat được hưởng một Mùa Xuân mới của đức tin, trong bối cảnh tái rao giảng Tin Mừng; ngài căn đặn các tín hữu Kitô vềù "bổn phận khẩn cấp" đem lại bộ mặt mới cho Quê Hương.

Thánh lễ kết thúc vào lúc 13 giờ. Trước khi ra về, ÐTC chúc mừng lễ Quan Thầy của nhiều vị. Ngài nói: Hôm nay Lễ Thánh Phanxico thành Assisi. Và ngài chúc mừng các vị có tên thánh Phanxico: Tổng thống Tudjman, Ðức Hồng Y Kuharic, cựu Tổng Giám Mục Zagreb, Ðức Tổng Giám Mục hồi hưu của Giáo Phận Split, Ðức Giám Mục giáo phận Banja Luka bên Bosnia Erzegovina.

Rồi ngài nói thêm: Xin Thánh Phanxicô đem hòa bình đến trong miền Bosnia. Với tất cả những ai mang tên thánh Phanxico - chắc nhiều lắm - xin Thánh Phanxico đem hòa bình đến trong tâm hồn họ và cho cả thế giới nữa. Xin Thánh Phanxico chúc lành cho Nước Ý (Quan Thầy quốc gia này) và các dân tộc miền Balcan.

Rời lễ đài, ÐTC lên xe đến kính viếng Nhà Thờ Chính Tòa và sau đó trở về Tòa Giám Mục tiếp Hội Ðồng Giám Mục Croat, rồi dùng cơm trưa với các Hồng Y, Giám Mục và đoàn tùy tùng của ngài.

Sau giờ nghỉ trưa, ÐTC gặp các giáo lý viên, các phong trào và hội đoàn Giáo Hội, giới trẻ Croat, cả nam nữ tu sĩ, chủng sinh và sinh viên đại học tại quảng trường Ðền Thánh Ðức Mẹ của Giáo Phận Split. Sau dó, ÐTC đi phi trường quốc tế Split. Tại đây có lễ nghi từ biệt, chào cờ Tòa Thánh và Quốc Gia Croat; ÐTC cám ơn tất cả mọi người về sự tiếp đón nồng hậu, và một lần nữa nhắn nhủ những người Công Giáo Croat hãy dấn thân xây dựng quê hương, dựa theo những giá trị Kitô.

Theo chương trình dự tính trước, thì máy báy của ÐTC đáp xuống sân bay quân sự Ciampino-Roma lúc 20:30; nhưng lúc 20 giờ ÐTC còn ở sân bay Split. Dù sao, ÐTC đã về đến Roma bằng an, kết thúc tốt đẹp ba ngày viếng thăm Cộng Hoà Croat.


Back to Radio Veritas Asia Home Page