Bài phỏng vấn ÐHY TGM Thành Phố Mexico
nhân chuyến thăm Mexico của ÐTC

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Bài phỏng vấn Ðức Hồng Y Tổng Giám Mục Thành Phố Mexico nhân chuyến viếng thăm của ÐTC.

Chúng tôi kính mời quý vị và các bạn theo dõi bài phỏng vấn Ðức Hồng Y Noberto Rivera Carrera, Tổng Giám Mục giáo phận Thành Phố Mexico, do đài Vatican và Nhật Báo Công Giáo Tương Lai tại Ý thực hiện, nhân chuyến viếng thăm của ÐTC tại Mexico.

Hỏi - Lần thứ nhất ý tưởng về Châu Mỹ như là một Lục Ðịa duy nhất được ÐTC nói đến tại Santo Domingo năm 1992, và sau đó trong Thượng Hội Ðồng Giám Mục. Nhưng làm thế nào để cụ thể hóa việc nhìn xa thấy rộng này của ÐTC?

Ðáp - Trước hết và nhất là hãy tạo nên một môi trường hiệp thông giữa các Giám Mục và tất cả các lãnh vực mục vụ. Cần khởi sự từ việc tổ chức một khóa huấn luyện để chuẩn bị cho các linh mục Hoa Kỳ, hiện đang làm việc cho các người nói tiếng Tây Ban Nha, như vậy để các vị này đi vào trong nền văn hóa Châu Mỹ Latinh. Rồi một công việc khác phải làm trong lãnh vực phụng vụ và các phương tiện truyền thông xã hội, để làm cho mọi người hiểu về Châu Mỹ trong sự khác biệt của các tình hình tại đây.

Hỏi - Một trong các bài Sách Thánh được dùng trong Thánh Lễ, trong chuyến viếng thăm của ÐTC được trích từ thư của Thánh Phaolô gủi cho tín hữu Galat, trong đó Thánh Tông Ðồ chống lại những chia rẽ. Nhưng cả ngày nay nữa, lợi dụng chuyến viếng thăm của ÐTC không phải là một nguy hiểm sao?

Ðáp - Nguy hiểm luôn luôn có, không những trong đức tin mà thôi, nhưng trong cả chính trị nữa: nhiều nhóm có thể lợi dụng cho lợi ích của mình. Vì thế, chúng tôi, các Giám Mục, đã nhấn mạnh rằng ÐTC đến để rao giảng Chúa Kitô, không phải để giải quyết các vấn đề hoặc để ủng hộ người nào cả. ÐTC đến để rao giảng Tin Mừng, không đến để làm chính trị, ngài không phải là kỹ sư, không phải là nhà kinh tế.

Hỏi - Thượng Hội Ðồng Giám Mục đã nói đến "việc toàn cầu hóa" tình liên đới. Ðề tài này có được ghi vào trong chương trình hành động của Hoa Kỳ và Mexico hay không?

Ðáp - Tại Hoa Kỳ và tại cả Mexico nữa, có những nhóm rất hài lòng về đường lối chính trị kinh tế này, bởi vì đang làm giầu cho họ. Trên thực tế, phần đông dân chúng là nạn nhân của đường lối chính trị kinh tế này, hiện nay đang thống trị phần nào đó khắp nơi. Ngày nay người ta bắt đầu yêu cầu các chính phủ đưa ra những thay đổi, để kinh tế đặt con người cụ thể vào trung tâm.

Hỏi - Còn Về những tham nhũng, Ðức Hồng Y nghĩ sao?

Ðáp - Không phải chỉ có tham những trong kinh tế mà thôi, nhưng trong cả nhiều thực tại khác nữa, tại Bắc Mỹ từ quan điểm luân lý, còn tại nơi đất nước chúng tôi, thì có thể nói về các đề tài chính trị nhiều hơn. Nhưng dù sao đây là một tiếng kêu, để khởi sự việc tái rao giảng Tin Mừng, bởi vì chỉ có tình yêu thương mới có thể giúp chúng ta trở nên liên đới với nhau mà thôi.

Hỏi - Tại Izamal năm 1993, trong chuyến viếng thăm Mêhicô lần thứ ba, ÐTC đã ủng hộ người dân thổ cư. Trong sáu năm qua tình hình có khá hơn không?

Ðáp - Trong sáu năm nay người ta đã nói nhiều về người dân thổ cư của chúng tôi, nhưng nhiều nguời nói lên như một lá bài, một quảng cáo. Trong khi đó thì những người dân thổ cư nầy còn sống trong những điều kiện tồi tệ hơn, sánh với sáu năm về trước đây. Cần để cho họ tự làm nên lịch sử của họ, chúng ta không cần phải chỉ đường cho họ, mà chính họ sẽ tìm ra con đường, nếu chúng ta để họ tự do đi đến một kiểu mẫu phát triền riêng của họ.

Hỏi - Trong bang Yucatan, có rất nhiều nhà thờ Tin Lành. Phải chăng đây là trách nhiệm của Giáo Hội, đáng lẽ phải rao giảng Tin Mừng nhiều hơn nữa?

Ðáp - Tôi nghĩ đúng như vậy. Chúng tôi đã bỏ qua nhiều thực tại và cần có sự hiện diện sống động hơn của Giáo Hội. Chúng tôi không cần phải chiến đấu chống các giáo phái, nhưng chống chính chúng tôi, khi chúng tôi không thi hành bổn phận Chúa đã gọi chúng tôi và trao trách nhiệm thi hành.

Hỏi - Ðối với việc linh hoạt một đức tin bình dân từ trước tới giờ vẫn luôn luôn mạnh mẽ, Ðức Hồng Y nghĩ sao?

Ðáp - Một trong các vấn đề lớn lao của Mexico và của Châu Mỹ là sự tách biệt giữa đức tin và đời sống. Một thời, lòng sùng đạo bình dân tách hẳn khỏi dấn thân xã hội. Ngày nay người ta đang tìm liên kết đời sống và đức tin, nghĩa là mối quan hệ giữa cái mình sống trong đức tin và thực tại hằng ngày.


Back to Radio Veritas Asia Home Page