Vài Nét về Ðức cố Giáo Hoàng Phaolô VI và Ðức Gioan Phaolô II: hai vị Giáo Hoàng của thời hậu Công Ðồng Vatican II.
Ðức Gioan Phaolô II vẫn gọi Ðức Phaolô VI là "người Cha và là Thầy" của mình. Ngài nhắc đến Ðức Phaolô VI rất nhiều lần. Năm 1982, ngài đã đến Brescia, giáo phận gốc của Ðức Phaolô VI để tưởng niệm và kính viếng các di tích của Vị Giáo Hoàng thời danh này. Hằng năm, ngày mồng 6 tháng 8, kỷ niệm Ðức Phaolô VI qua đời tại Castelgandolfo, Ðức Gioan Phaolô II cử hành thánh lễ cầu nguyệïn và tưởng niệm Vị Tiền Nhiệm. Sau vụ làm án phong Thánh tại Brescia, Milano và Roma, Ðức Gioan Phaolô II đã tuyên bố Ðức Phaolô VI là "Ðầy tớ Chúa". Ðây là bước đầu tiên tiến đến việc phong Chân Phước. Chúa Nhật vừa qua 20.09.98, Ðức Gioan Phaolô II trở lại viếng thăm Brescia để chủ sự thánh lễ bế mạc kỷ niệm 100 năm sinh nhật của Ðức Phaolô VI. (26.9.1897 - 1997-1998).
Ðức Gioan Phaolô II gọi Ðức Phaolô VI là người Cha và là Thầy. Việc tôn kính và yêu mến này không gây ngạc nhiên cho ai cả. Chính Ðức Phaolô VI đã đặt ngài làm Tổng Giám Mục Cracovia và sau đó phong ngài lên bậc Hồng Y, lúc mới 47 tuổi. Rồi Mùa Chay năm 1976, Ðức Phaolô VI mời Ðức Hồng Y Karol Wojtyla giảng tuần tĩnh tâm tại Vatican, cho Giáo Triều Roma với sự tham dự của ngài. Trong tuần tĩnh tâm vị giảng thuyết giải thích về đề tài: "Chúa Kitô: dấu hiệu gây mâu thuẩn trên thế gian này".
Rồi vào Mùa Hè 1978, trong khi Ðức Hồng Y Wojtyla đang nghỉ tại miền núi Bieszczady, ở mạn Nam Ba Lan, Ðức Phaolô VI qua đời tại Castelgandolfo vào đêm ngày 6.08.1978. Ðược tin sáng hôm sau, qua đài phát thanh, Ðức Hồng Y liền bỏ miền núi, trở về nhà để chuẩn bị lên đường đi Roma dự lễ an táng Ðức Cố Giáo Hoàng và bầu Giáo Hoàng mới. Ðến Roma, ngài thấy thi hài Ðức Phaolô VI trong quan tài bằng gỗ thông, đặt trong Ðền Thờ Thánh Phêrô cho dân chúng kính viếng và cầu nguyện. Lễ an táng trọng thể được cử hành tại Quảng Trường Thánh Phêrô. Quan tài được đặt trên một thảm đỏ trải dưới đất. Một lễ nghi an táng đơn sơ. Theo di chúc, Ðức Phaolô VI xin được chôn cất trong Hầm Ðền Thờ Thánh Phêrô, và chôn xuống lòng đất, với bia đá ghi tên tuổi và Triều Giáo Hoàng, không xây mộ cao và long trọng. Và có lẽ đây là "hình ảnh" cảm động và sau cùng của "người Cha và người Thầy" được ghi sâu vào tâm trí của Ðức Karol Wojtyla mãi cho tới ngày nay. Hình ảnh này đã được Ðức Gioan Phaolô II gợi lại trong bài giảng thánh lễ bế mạc 100 năm sinh nhật Ðức Phaolô VI. Ðức Phaolô VI đã tiếp tục và hoàn tất Công Ðồng Chung Vatican II do Dức Gioan XXIII khởi xướng. Ngài đã thi hành giáo huấn Công Ðồng trong một giai đoạn chuyển tiếp, đầy khó khăn và đau khổ. Nhưng ngài đã chịu đựng trong âm thầm, trong cầu nguyện, trong hy sinh và trong can đảm. Ðức Gioan Phaolô II cũng lèo lái con thuyền Phêrô trong giai đoạn không phải đễ dàng cho Giáo Hội và cho thế giới. Người thời đại đang bị lạc hướng trước những giáo thuyết, những biến cố mới và những thay đổi dồn dập và nhanh chóng. Ðức Phaolô VI và Ðức Gioan Phaolô II có rất nhiều điểm giống nhau. Nếu Ðức Gioan Phaolô II là một vị chủ chăn lưu động qua các chuyến viếng thăm mục vụ trong và ngoài nước Italia, thì trước ngài, Ðức Phaolô VI đã là người mở đường xông pha ra khỏi Roma và biên giới nước Ý. Trong 10 chuyến viếng thăm quốc tế, Ðức Phaolô VI đã đi thăm Châu Á, Châu Ðại Dương, Châu Phi, Chãu Mỹ và Châu Âu. Ngài là vị Giáo Hoàng thứ nhất đọc diễn văn tại trụ sở Liên Hiệp Quốc, trước những vị đại diện các quốc gia trên cả thế giới: một biến cố lịch sử.
Từ lúc được bầu làm Giáo Hoàng, Ðức Gioan Phaolô II đã và còn đang theo con đường mục vụ và truyền giáo lưu động nầy của "người Cha, người Thầy". Trong 20 năm làm Giáo Hoàng, Ðức Gioan Phaolô II đã thực hiện hơn 80 chuyến viếng thăm quốc tế.
Ðức Montini và Ðức Wojtyla cả hai là những vị Giáo Hoàng của đối thoại với Thế Giới, với các tôn giáo lớn và của việc cổ võ sự hiệp nhất giữa các giáo hội Kitô. Ðức Phaolô VI đã khiêm tốn xin tha thứ và sẵn sàng tha thứ về tất cả những gì sai lỗi đã xẩy ra trong quá khứ. Ngài đã gặp Ðức Giáo Chủ Chính Thống Athenagoras đệ nhất và cả hai cùng tuyên bố xóa bỏ mọi việc lên án cho nhau trong dĩ vãng. Ðức Gioan Phaolô II cũng theo một đường lối này với tất cả sự hăng say, được biểu lộ trong Thông điệp "Về Hiệp Nhất Kitô". Ngài viết: "Các tín hữu Kitô được mời gọi cùng nhau xét lại quá khứ đau buồn của mình và những vết thương sâu đậm mà quá khứù kia vẫn tiếp tục in trong tâm hồn".
Ðức Phaolô VI và Ðức Gioan Phaolô II đều có những phê phán rất nghiêm nhặt về thời đại lịch sử mà chúng ta đang trải qua. Ðức Phaolô VI nói: "Satan đang thổi vào thế giới này". Ðức Gioan Phaolô II gọi thế kỷ này là "thế kỷ của sự chết". Nhưng cả hai cùng đọc lịch sử như các tiên tri của Do Thái xưa kia: trước hết có những đau khổ, những đảo lộn vật chất: kinh tế, chính trị, luân lý, rồi sau đó, có việc trở lại với Thiên Chúa. Hai vị Giáo Hoàng nhìn vào tương lai với nhiều hy vọng và với con mắt đức tin vào Chúa Quan Phòng.
Ðức Montini, trong sự hăng say của ngài đối với tương lai Giáo Hội và nhân loại, nói lên lời tiên tri sau đây: "Thời đại chúng ta, thời đại mà Công Ðồng là người giải thích và hướng dẫn, đòi một tự do. Chúng ta sẽ có một thời đại tự do hơn trong đời sống Giáo Hội và do đó trong đời sống của mỗi một người con Giáo Hội, nghĩa là ít bị áp đặt bởi những luật lệ bất công và cấm đoán bên trong".
Ðức Wojtyla trái lại diễn tả tương lai này như một thời đại "của ơn thánh", như "một sự hoàn tất chương trình Tình Yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại và đối với mỗi một người trong chúng ta. Một rạng đông mới xem ra xuất hiện trên trời của lịch sử. Ngài mời gọi các tín hữu trở nên ánh sáng và muối ướp thế giới, một thế giới đang rất cần đến Chúa Kitô, Ðấng Cứu chuộc con người". Ðức Montini đã đặt một tên rất tốt đẹp cho rạng đông, cho tương lai này. Ðó là tên gọi: "Nền văn minh của Tình Yêu". Trong bài giảng Chúa Nhật vừa qua 20/09/98, Ðức Gioan Phaolô II nói: "Nền văn minh của Tình Yêu này phải được xây dựng trên công bình và tình liên đới, không phải trên việc bố thí chút tiền bạc, cơm ăn, áo mặc cho người nghèo khổ".
Ðức Phaolô VI và Ðức Gioan Phaolô II, cả hai, là những bậc Lãnh Ðạo Tinh Thần lỗi lạc của cuối thế kỷ 20 này, không những đối với lịch sử Giáo Hội, nhưng đối với cả lịch sử Thế Giới nữa.