Ðức Gioan Phaolô II mừng sinh nhật thứ 79 (18/05/1920-1999).
Ðức Karol Wojtyla sinh ngày
18 tháng 5 năm 1920 tại Wadowice, thuộc Giáo
Phận Krakow (Cracovia).
Thụ phong Linh Mục ngày 01.11.1946;
được bổ nhiệm làm Giám
Mục hiệu tòa Ombi ngày 4.07.1958 và
được tấn phong ngày 28.09 cũng
năm 1958.
Thăng Tổng Giám Mục giáo phận
Krakow ngày 13.01.1964;
được tấn phong Hồng Y ngày
26.6.1967;
sau cùng được chọn làm Vị
Kế Nghiệp Thánh Phêrô ngày
16.10.1978.
Cũng ngày 18.5.1998, cách đây đúng một năm, ÐTC mừng sinh nhật thứ 78, bằng việc viếng thăm mục vụ tại một Giáo Xứ Roma. Ngày đó, các trẻ em trong Giáo Xứ tụ họp chung quanh ngài và hô to: "Auguri, auguri al Santo Padre! Viva il Papa, Viva il Papa: Chúc mừng, chúc mừng ÐTC! Hoan hô, hoan hô ÐTC!" Sau Thánh lễ, trước mặt các trẻ em và người lớn trong giáo xứ, ngài nói: "Tôi cảm thấy mình là một Linh Mục tuổi tác. Trước các trẻ em ngây thơ, trong sạch, tôi nghĩ: cả tôi nữa ngày xưa cũng như các trẻ em này. Nhưng bây giờ tôi thuộc vào hạng những người lớn tuổi."
Thuật lại sự kiện này, ký giả Domenico del Rio, chuyên về các vấn đề tôn giáo và Vatican, viết trên nhật báo Công Giáo Tương Lai số ra ngày 18.05.99 như sau: "Ðây không phải là một suy tư chua cay, luyến tiếc. Công nhận trở nên lớn tuổi, đối với Ðức Karol Wojtyla, có nghĩa như là một thúc đẩy tiến đến tương lai. Thực sự trước khi từ giã giáo xứ để trở về Vatican, ngài đã chào các tín hữu như sau: "Arrivederci nel terzo Millennio", có nghĩa là: Xin hẹn gặp lại trong ngàn năm thứ ba. Ký giả viết tiếp: "Cũng ngày hôm nay, 18.05.99, Ðức Karol Wojtyla mừng 79 tuổi. Cả hôm nay nữa tôi luôn luôn thấy "Vị có tuổi này" tiến bước với nghị lực thiêng liêng, không những tiến đến, mà còn tiến qua khỏi Năm 2000, tiến đến Ðại Toàn Xá của cuối thế kỷ này, cuối Ngàn Năm thứ hai này".
Cách đây gần 100 năm, đầu thế kỷ này, tức năm 1900, lúc khai mạc Năm Thánh, Ðức Leo XIII (1878-1903) như một nhà văn Latinh và một thi sĩ nổi tiếng, đã làm một bài thơ, dĩ nhiên bằng latinh, để cảm tạ Chúa đã ban cho ngài sống tới 90 tuổi và đồng thời khuyên mọi người tuân giữ các giới răn Chúa, rồi ngài kết thúc bằng lời cầu xin sau đây: "Xin Thiên Chúa ban cho thế kỷ mới này hạnh phúc hơn thế kỷ qua đi".
Cả Ðức Karol Wojtyla cũng là một thi sĩ. Ngài viết hai câu thơ sau đây, đáng suy tư: "Vào đúng lúc của nó, niềm hy vọng vươn lên từ tất cả những nơi phải chịu quyền thống trị của sự chết". Ðây là hai câu thơ ÐTC đã viết năm 1975, là năm Ðức Phaolô khai mạc Năm Thánh thường lệ. Vào "đúng lúc", và lúc đúng đó "chính là năm Thánh". Cả ngày hôm nay, ngày sinh nhật của ngài, lúc đang tiến về Năm Thánh 2000, chúng ta đang chứng kiến có nhiều nơi phải dưới "quyền thống trị của sự chết". Cả những ngày lễ cũng thường bị đánh dấu bằng đau khổ, bằng máu lửa chiến tranh tại nhiều miền trên thế giới.
Vì thế, có người nẩy sinh ý nghĩ so sánh "Ðồi Vatican như đồi Calvario". ÐTC vác thánh giá leo lên đồi này. Ngài là hình ảnh những đau khổ của nhân loại. Chính Ðức Gioan Phaolô II đã có một quan niệm rõ ràng về Sứ mệnh của Vị Giáo Hoàng: một sứ mệnh đau khổ, sứ mệnh thúc đẩy các tín hữu trung thành với Chúa Kitô và cũng là sứ mệnh thông phần vào những khóc than của tất cả nhân loại, cách riêng của những người đau khổ, nghèo đói, bị loại ngoài lề xã hội. Chính Ðức Gioan Phaolô II đã nói lên ở Fatima, khi ngài đến hành hương tại đây để tạ ơn Ðức Mẹ đã cứu sống trong vụ mưu sát ngày 13.05.1981 như sau: "Vị kế nghiệp Thánh Phêrô xuất hiện như một chứng nhân của các đau khổ vô biên của con người, như chứng nhân của các đe dọa đè nặng trên các quốc gia và trên nhân loại".
ÐTC luôn luôn nhớ câu thơ ngài đã viết ra: "Vào đúng lúc, hy vọng vuơn lên từ mọi nơi bị quyền thống trị của sự chết". Tương lai không ở trong tay một người nào ở trần gian này. Nhưng chắc chắn Ðức Gioan Phaolô II sẽ tiến đến năm 2000, lữ hành như tất cả Dân Chúa trong sa mạc, hăng say tìm một đất hứa mới, một tương lai mới. Và "Tương lai này được Ðức Phaolô VI đã đặt cho một tên mới rất ý nghĩa: "Văn minh của Tình Yêu". Ðức Wojtyla đang tiến đến nền văn minh này với nhiều hăng say, và với biết bao mệt nhọc ngài đang kéo theo mình tất cả nhân loại ra khỏi một mùa lịch sử lâu dài mà ngài thấy bị đánh dấu bởi "nền văn hóa sự chết".
Trong ngày lễ, chúng ta phải luôn luôn dành chỗ cho hy vọng, cho an vui. Trong chuyến thăm viếng thăm thứ năm tại Pháp (tháng 9 năm 1996), ở thành phố Reims, ÐTC nói: "Khi đêm tối che phủ chúng ta, chúng ta phải nghĩ tới rạng đông sẽ đến". "Trong lúc đúng, hy vọng vuơn lên từ các nơi bị dưới quyền thống trị của sự chết". "Arrivederci nel Terzo Millennio: Hẹn gặp lại nhau trong Ngàn Năm thứ ba": "một ngàn năm hạnh phúc hơn ngàn năm đang qua đi."