Bàn về Ý Nghĩa lịch sử sâu xa Triều Giáo Hoàng vĩ đại của Ðức Gioan Phaolô II.
Ngày 16.10.1978, Ðức Hồng Karol Wojtyla, 58 tuổi, Tổng Giám Mục giáo phận Cracovia, người Ba Lan, được bầu làm Giáo Hoàng. Trong Mật Viện, khi thấy số phiếu dần dần đổ dồn mỗi lúc mỗi thêm vào tên của Vị Ðồng Hương của mình, Ðức Hồng Y Stefan Wyszynski, Tổng Giám Mục Warsawa và Giáo Chủ Ba Lan, đã nói nhỏ với Ðức Karol Wojtyla rằng: "Nếu các Vị Hồng Y chọn Cha, Cha hãy chấp nhận, bởi vì Cha sẽ đưa Giáo Hội vào Ngàn Năm thứ ba". Một lời tiên tri đang được thực hiện, một giấc mơ đang được cụ thể hóa trong dịp mừng kỷ niệm 21 năm Triều Giáo Hoàng của Ðức Gioan Phaolô II, một Triều Giáo Hoàng đang tiến đến ngưỡng cửa của Ngàn Năm Thứ Ba.
Ðức Gioan Phaolô II, một khuôn mặt hiền hậu, sẽ dẫn đưa Giáo Hội vào Kỷ Nguyên mới qua Cửa Năm Thánh 2000. Ngài sống gần gũi với con người, cách riêng với những người đau khổ. Nữ Tu Marcella Farina, Dòng Salésíenne, nhà thần học, giải thích về dung mạo tinh thần của Ðức Gioan Phaolô II như sau: "Trong đời sống của ngài, ÐTC biểu lộ kinh nghiệm của một khuôn mặt người mẹ và người cha của Thiên Chúa và của Giáo Hội. Tôi luôn luôn suy tư về khuôn mặt này và đối chiếu với khuôn mặt của Don Bosco, bởi vì Don Bosco từ nhỏ đã mất người cha và đã trở nên người cha của giới trẻ. ÐTC, từ nhỏ, đã mất người mẹ và ngài đã nhấn mạnh trong giáo huấn của ngài và vẫn luôn luôn tiếp tục làm như vậy, khuôn mặt "người mẹ" của Giáo Hội. Giáo hội cởi mở trong việc đối thoại liên tôn, qua việc giá trị hóa các nguồn gốc chung và số phận chung. Ðức Gioan Phaolô II là một vị Giáo Hoàng lữ hành; Ngài sắp lên đường viếng thăm Ấn Ðộ và Cộng Hòa Georgia vào đầu tháng 11/1999 tới đây và đang ước mong thực hiện các cuộc hành hương khác tại Ai Cập, Thánh địa và những nơi của các Tổ Phụ trong Cựu Ước. Về những tiếp xúc này, giáo sư Alberto Piattelli, thuộc cộng đồng Do Thái ở Roma, phát biểu như sau: "Về phía Do Thái, chúng tôi phải nhớ rằng: Ðức Gioan Phaolô II đã hoạt động cho việc đối thoại với cộng đồng Do Thái. Ngài đã xúc tiến đề tài này với nhiều biểu lộ: những biểu lộ này làm cho ngài trở thành một vị Giáo Hoàng thực sự là người Bạn của các người Do Thái. Rảo bước theo các chặng đường của Abraham còn có nghĩa là nhắc lại cho chúng ta quan niệm độc thần, một quan niệm không những về thần học, liên hệ đến Thiên Chúa, nhưng xét đến cùng, còn liên hệ đến việc hiệp nhất tất cả nhân loại". Ðức Gioan Phaolô II là một vị Giáo Hoàng chiếm giải vô địch trong nhiều khía cạnh của lịch sử các Vị Kế Nghiệp Phêrô. Sau đây là những con số vô địch trong 21 năm của Triều Giáo Hoàng được báo chí và Ðài Phát Thanh Vatican nêu lên trong dịp mừng kỷ niệm 21 năm Ðức Krol Wojtyla được bầu làm Giáo Hoàng.
* Trong 21 năm (16.10.1978~1999), Ðức Gioan Phaolô II đã triệu tập bẩy lần "Hội Ðồng Hồng Y" để phong những vị Hồng Y mới; tính cho tới nay đã có 157 vị được lãnh tước phẩm quan trọng này. Viện Hồng Y hiện nay gồm 153 vị, trong đó có 127 vị do chính Ðức Gioan Phaolô II phong lên.
* Từ ngày lên làm Giáo Hoàng cho tới nay, ÐTC đã bổ nhiệm 2,800 giám mục trong số 4,200 giám mục hiện nay trên thế giới. Ngài đã gặp từng vị , có vị đã gặp tới ba, bốn lần, trong 21 năm, cách riêng trong các chuyến viếng thăm "Tòa Thánh", do Giáo Luật ấn định cứ 5 năm một lần.
* Trong 21 năm, Ðức Gioan Phaolô II đã công bố 13 Thông Ðiệp - nhiều Tông Thư, Tông Huấn và Tông Hiến và từng trăm sứ điệp trong các dịp khác nhau. ÐTC đã chủ tọa 14 khóa họp của Thượng Hội Ðồng Giám Mục thế giới: 5 khóa thường lệ, một ngoại lệ và 8 khóa đặc biệt: một khóa riêng về Hòa Lan, một về Liban, hai khóa về Châu Âu và một khóa về Châu Phi, Châu Mỹ, Châu Á và Châu Ðại Dương.
Ðức Gioan Phaolô II là bị Giáo Hoàng lữ hành trên các ngả đường thế giới để rao giảng Chúa Kitô, Ðấng cứu thế duy nhất của nhân loại, theo chương trình của Triều Giáo Hoàng mà ngài đã phác họa trong Thông điệp đầu tiên "Ðấng cứu chuộc con người", "Redemptor Hominis". "Chúa Giêsu Kitô là trung tâm Vũ trụ và trung tâm lịch sử", đó là Lời mở đầu của Thông Ðiệp, được công bố Mùa Xuân năm 1979 và được nhắc đến trong bài giảng ngày lãnh nhận Chức Vụ Chủ Chăn toàn thể Giáo Hội (22.10.78): "Anh chị em đừng sợ, hãy mở cửa rộng đón nhận Chúa Kitô". Là Vị Giáo Hoàng Lữ Hành: Ngài đã thực hiện 88 chuyến viếng thăm quốc tế (ngoài nước Ý): chuyến sau cùng tại Cộng Hòa Slovenia ngày 19.09.99 vừa qua. Ngoài ra ngài còn thực hiện 137 chuyến viếng thăm mục vụ tại nước Ý (ngài vừa là Chủ Chăn toàn Giáo Hội, vừa là Giám Mục Roma, đồng thời là Giáo Chủ nước Ý) và khoảng 700 lần viếng thăm các nơi khác nhau trong Thành Roma và trong Giáo Phận Roma. Ngài đã viếng thăm 287 trong số 325 giáo xứ Roma, không kể những chuyến viếng thăm các Dòng Tu, các Ðại Học, các Chủng Viện, Bệnh Viện, nhà Dưỡng Lão, nhà giam, trường học v.v... Với các chuyến viếng thăm quốc tế và tại Ý, Ðức Gioan Phaolô II đã vượt qua 1,150,000 (một triệu một trăm năm mươi ngàn cây số), nghĩa là hơn 27 lần chu vi Trái Ðất và gần 3 lần khoảng cách giữa Trái Ðất và Mặt Trăng.
Ngoài các chuyến viếng thăm, trong 21 năm:
ÐTC đã chủ tọa
921 buổi tiếp kiến chung, với tổng
cộng khoảng 14 triệu rưởi tín
hữu tham dự, đến từ
khắp nơi trên thế giới.
Ngoài ra còn có khoảng 600 ngàn người dự các thánh lễ do ÐTC chủ sự, hơn 100 ngàn người được tiếp trong các buổi tiếp kiến riêng.
Như vậy, cho tới lúc này (cuối năm 1999), ÐTC đã gặp một triệu 200 ngàn tín hữu.
Trong 21 năm Triều Giáo Hoàng, đã có 64 quốc gia thiết lập quan hệ ngoại giao lần thứ nhất và 6 quốc gia khác đã tái lập, sau thời gian gián đoạn, với Tòa Thánh, trên cấp bậc Sứ Thần và Ðại Sứ. Theo niên giám Tòa Thánh, cho tới lúc này, đã có 168 quốc gia có đại diện ngoại giao cạnh Tòa Thánh.
Về vấn đề Phong Chân Phước và Hiển Thánh: trong thời gian 21 năm, Ðức Gioan Phaolô II đã tôn phong lên Bậc Chân Phước 923 Vị Ðầy Tớ Chúa trong 114 lễ nghi và lên Bậc Hiển Thánh 284 vị Chân Phước (trong số này có 117 Vị Chân Phước Tử Ðạo Việt Nam và 104 Chân Phước Tử Ðạo Ðài Hàn) trong 37 lễ nghi.
Tháng Hai năm 1984, ÐTC lập Viện Gioan Phaolo II để cứu nạn hạn hán tại miền Sahel (Châu Phi) và cũng tháng 2 năm 1992, Quỹ "Phát triển các dân tộc" (Populorum Progressio) để thăng tiến các dân tộc thổ cư nghèo khổ tại Châu Mỹ Latinh. Ngoài ra, ÐTC còn lập Hàn Lâm Viện Tòa Thánh về Sự Sống và Hàn Lâm viện Khoa Học Xã Hội. Ngài đã lập Ngày thế giới bệnh nhân được cử hành hằng năm vào ngày 11 tháng 2, lễ Ðức Mẹ hiện ra tại Lộ Ðức, và Ngày Quốc Tế Giới Trẻ, trong Năm Thánh kỷ niệm 1950 năm Ơn Cứu Chuộc, tức vào năm 1983-1984.
Ký giả Orazio Petrosillo của nhật báo "Người Ðưa Tin" (Il Messaggero, tờ báo lớn nhất và được đọc nhiều hơn cả ở Roma) đã tuyên bố trên đài phát thanh Vatican hôm 16.10.1999 vừa qua như sau: "Tôi ưa thích các con số, vì tôi nghĩ rằng các con số là cách tốt hơn cả để chụp hình" đúng về Triều Giáo Hoàng của Ðức Gioan Phaolô II. Tôi nghĩ rằng: Triều Giáo Hoàng này (hiện được xếp vào hạng thứ 10 xét về thời gian của lịch sử) cũng là Triều Giáo Hoàng vĩ đại đối với hoạt động mục vụ, đối với mức độ lớn lao của việc làm. Dĩ nhiên không có một nhân vật nào trong lịch sử của tất cả nhân loại đã được một số người đông đảo như vậy tuốn đến để được thấy và được nghe. Tôi làm bản thống kê đúng hết sức có thể: đã có khoảng 100 triệu người đích thân thấy ngài tại Roma và khoảng 200 triệu trong 930 địa điểm mà ngài đã viếng thăm, (không kể các người đã theo dõi Ðài Truyền Hình và Phát Thanh). Ðức Gioan Phaolô II thực là một Vị Giáo Hoàng của quần chúng, của những đám đông biển người, là Vị lãnh Ðạo tinh thần uy tín nhất hiện nay trên thế giới.