Chúa Giêsu và Phêrô
SIMON PETER

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines


IX.
Thủ Lãnh Nhân Loại
của Giáo Hội Thần Thiêng

Chúa Giêsu trao cho Phêrô quyền trên Giáo Hội mà Chúa thiết lập trên Ðá Tảng Phêrô như sau:

Thiên Chúa muốn đưa nhân loại lên trở về cùng Ngài. Và Chúa Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, khi nhập thể làm người, đã kết hợp một cách kỳ diệu nơi chính mình hai bản tính chung lại với nhau: Thiên tính và Nhân tính. Con Thiên Chúa xuống thế làm người, để con người, mỗi người chúng ta được trở thành con cái Thiên Chúa. Và ý định của Thiên Chúa thật rõ ràng. Ðó là: con người, mỗi người chúng ta, trở về với Ngài, bước vào Nước Trời, nhờ qua một cộng đoàn, một giáo hội được Chúa Giêsu Kitô thiết lập trên Ðá Tảng Phêrô: Con là Ðá, trên Ðá Tảng nầy, Thầy sẽ xây Giáo Hội của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho con chìa khóa Nước Trời; dưới đất con cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy. Duới đất con tháo cởi điều gì, thì trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy. (Mt 16,18-19).

Giáo Hội là một thực tại nhân trần vì bao gồm những con người cụ thể tin nhận Chúa Giêsu Kitô. Nhưng đồng thời giáo hội cũng là một thực tại thần thiêng, vì đó là Nhiệm Thể của Chúa Giêsu Kitô. Trong nhiệm thể nầy, Chúa Thánh Thần không ngừng tác động, để liên kết mỗi thành phần lại với nhau và với Chúa Giêsu. Thực tại nhân trần hữu hình của Giáo Hội cần được điều hành, hướng dẫn bởi một thẩm quyền, để duy trì sự hiệp nhất và gìn giữ giáo lý của Chúa, Ðấng sáng lập Giáo Hội, được luôn tinh tuyền nguyên vẹn.Và Chúa Giêsu đã trao cho Phêrô, một con người phàm trần, những quyền năng thần thiêng, để chu toàn tác vụ điều hành giáo hội Chúa. Khi nói với Phêrô: Thầy trao cho con chìa khóa Nước Trời; sự gì con cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc", Chúa Giêsu không phải chỉ trao cho Phêrô "danh dự đứng đầu các tông đồ mà thôi", "danh dự đứng đầu giáo hội Chúa mà thôi", nhưng là quyền hành thật sự để chu toàn một trách vụ đặc biệt, trên mọi trách vụ được trao ban cho các tông đồ.

Và chúng ta có thể nói, khi chọn một con người như Phêrô, một con người có những khuyết điểm, cho một trách vụ cao cả như vậy, Chúa Giêsu đã chấp nhận những liều lĩnh. Khi chọn Phêrô làm Ðá Tảng của Giáo Hội, và khi trao quyền thần linh cho con người Phêrô, Chúa Giêsu có phương thế của Ngài, để vượt qua được những khuyết điểm của Phêrô. Chúa biết Phêrô sẽ chối Chúa trong biến cố Vượt Qua Ngài sẽ trải qua; nhưng Chúa nhắc Phêrô: Khi con chỗi dậy, thì hãy nâng đỡ củng cố đức tin của anh em con.

Sách Tông Ðồ Công Vụ có ghi lại vài chi tiết quan trọng cho ta thấy Phêrô đã thi hành quyền hành thần linh Chúa trao cho, để hướng dẫn Giáo Hội Chúa như thế nào. Chính Phêrô là kẻ đứng lên tuyên bố quyết định phải chọn một nguời mới thay thế chổ của Giuđa, để duy trì con số 12 tông đồ. Chính Phêrô đã đứng lên tuyên bố nhân danh các tông đồ khác và quyết định cho việc rao giảng Tin Mừng Chúa Phục Sinh ra ngoài ranh giới Giêrusalem, ra ngoài ranh giới Dân Israel. Nhưng cũng có lúc Phêrô cho thấy khuyết điểm của mình, không dám hòa mình với anh chị em tin Chúa không phải là người Do Thái, khi tông đồ Phaolô đến thăm cộng đoàn nơi đó. Và như chúng ta biết, Tông đồ Phaolô đã trách Phêrô về điều nầy; nhưng dù có trách Phêrô, Phaolô không bao giờ chống lại hay loại bỏ quyền hành của Phêrô trên giáo hội của Chúa. Hơn nữa, để vượt qua sự nghi ngờ của những kẻ thù không muốn cho Ngài rao giảng Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh, thánh Phaolô đã nại đến uy tín của Phêrô, đã công khai nhắc lại rằng, khi ngài ăn năn trở lại, ngài có lên Giêrusalem để gặp Phêrô và ở lại với Phêrô trong vòng 15 ngày, để kiểm điểm giáo lý ngài rao giảng là đúng thực. Chính tông đồ Phêrô chủ sự Công Ðồng đầu tiên của Giáo Hội Chúa, công đồng Giêrusalem, vào năm 51. "Hãy chăn dắt chiên con, chiên Mẹ của Thầy", đó là mệnh lệnh cuối cùng của Chúa Giêsu Phục Sinh cho Phêrô, trong lần hiện ra nơi bờ biển hồ Tibêria, để xác nhận lại việc Ngài đã trao quyền hành thần thiêng cho Phêrô, mặc dù Phêrô đã chối Ngài ba lần, trong cuộc Thương Khó vừa qua. Ðiều an ủi nhất cho Phêrô có thể là lời quả quyết chân thành của Chúa, là sẽ luôn luôn cầu nguyện cho Phêrô: Thầy cầu nguyện cho con, để rồi, khi con đứng dậy, con củng cố anh em con." Tác vụ của Tông đồ Phêrô vẫn được tiếp tục trong dòng lịch sử qua bao thế kỷ, cho đến ngày hôm nay, do bởi những Ðấng kế vị Thánh Phêrô. Những danh gọi "Ðức Thánh Cha", "Ðức Giáo Hoàng", "Ðức Giáo Chủ", "Vị Giám Mục Roma", không quan trọng, và có thể thay đổi theo thời đại. Nhưng tác vụ của Phêrô, cùng với quyền hành thần linh, "trói buộc hay tháo cởi", luôn luôn nguyên vẹn, cho đến tận cùng thời gian. Những sự yếu đuối, cả tội lỗi của con người, của những kẻ được Chúa chọn, không thể nào làm hư hay thay đổi chuơng trình cứu rỗi của Thiên Chúa trong lịch sử nhân loại.

Chúng ta hãy mặc lấy những tâm tình của cộng đoàn tín hữu đầu tiên mà kính trọng, mến yêu, vâng phục và cầu nguyện cho Ðấng kế vị Thánh Phêrô hướng dẫn giáo hội Chúa. Thánh Phêrô và Ðấng kế vị ngài trong dòng lịch sử luôn luôn có hai trợ lực hữu hiệu: đó là sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần và lời cầu nguyện của các thành phần giáo hội Chúa trên trần gian.


Back to Radio Veritas Asia Home Page