Sau khi Phêrô tuyên xưng: Thầy là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, Chúa Giêsu liền nói với Ông: Nầy Simon-Phêrô, con thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mạc khải cho con điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Ðấng ngự trên trời. Còn Thầy, Thầy bảo cho con biết: Con là Phêrô, nghĩa là Ðá Tảng, trên Tảng Ðá nầy, Thầy sẽ xây Giáo Hội của Thầy. (x. Mt 16, 17-18).
Biến cố xảy ra tại vùng gần thành Cêsarê Philiphê thật quan trọng. Chúng ta trở lại chiêm ngắm thêm một lần nữa. Ðây không phải chỉ có một lời tuyên xưng của Phêrô mà thôi, nhưng có hai lời tuyên xưng, của Phêrô và của Chúa Giêsu. Lời tuyên xưng thứ nhất của Phêrô: "Thầy là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa", làm sáng danh Thiên Chúa, Ðấng yêu thương con người, đến độ sai Con Một Mình xuống trần làm người để cứu rỗi con người. Lời tuyên xưng của Phêrô nhìn nhận chương trình của Thiên Chúa đang diễn ra trong lịch sử con người. Ðáp lại lời tuyên xưng nầy, và có thể nói, dựa trên lời tuyên xung nầy, Chúa Giêsu tuyên bố vinh hạnh của Phêrô, vừa đồng thời cũng là vinh hạnh của con người, của tất cả mọi người được quy tụ lại trong một đại gia đình của Thiên Chúa, trong một cộng đoàn của những con cái Thiên Chúa: "Nầy Simon Phêrô, Con là Ðá Tảng, trên tảng đá nầy, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy." Phêrô tuyên xưng vinh quang của Thiên Chúa. Chúa Giêsu tuyên bố vinh quang của Phêrô được chọn làm Ðá Tảng, và sự chọn lựa đó bền vững muôn đời. Dù cho Phêrô có thế nào đi nữa, nhưng Thiên Chúa không thay đổi chương trình, không hủy bỏ sự chọn lựa: Phêrô, Con là Ðá Tảng, trên Tảng Ðá nầy, Thầy sẽ xây Giáo Hội của Thầy. Và vinh quang của Phêrô được Chúa Giêsu tuyên bố ra đây, không phải là vinh quang để Phêrô khoe khoang hay hưởng thụ quyền lực và danh vọng, mà là vinh quang của Thập Giá, của hy sinh chiến đấu, của việc phải từ bỏ mọi sự, cho đến cả mạng sống của mình nữa. Và chúng ta đã biết rõ con đường vinh quang Thập Giá mà Phêrô đã trải qua. Phêrô chỉ vừa mới tuyên xưng một sự thật "Thầy là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống", thì Chúa Giêsu tiếp đó mà tuyên bố một sự thật khác nữa: Trên Ðá Tảng là chính con đây, Thầy sẽ xây Giáo Hội của Thầy.
Phêrô mới nhìn nhận Mầu Nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa, nơi chính con người Giêsu thành Nazareth, đang đứng trước mặt mình đây. Chúa Giêsu liền mạc khải thêm mầu nhiệm Nhập Thể thường hằng mãi mãi trong lịch sử cho đến tận cùng của Con Thiên Chúa, không phải trong một con người, mà trong mọi người được quy tụ lại trong một cộng đoàn, một giáo hội của Nguời. Giáo Hội là Mầu Nhiệm Nhập Thể kéo dài mãi mãi của Con Thiên Chúa. Giáo Hội nầy mà chúng ta đang là thành phần, là Giáo Hội Chúa Giêsu muốn thành lập như là "giáo hội của Thầy". Theo nguyên ngữ, từ Giáo Hội (ekklesia) có nghĩa là "cộng đoàn của những kẻ được gọi đến chung lại với nhau". Chúng ta là giáo hội của Chúa. Tất cả chúng ta đều được Chúa gọi đến chung lại với nhau. "Hãy đến theo Thầy". "Hãy đến theo Thầy, trong Giáo Hội của Thầy", nơi con người được ân sủng trở thành con cái Thiên Chúa, chia sẻ sự sống của Thiên Chúa. "Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Nguời, thì Nguời cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa" (Gioan 1,12). Thiên Chúa gọi ta đến với Ngài, trong Hội Thánh của Chúa, để ta được biến đổi, trở thành con cái Thiên Chúa, sống trong sự hiệp thông với Chúa và với nhau. Sau nầy, lúc sắp lìa xa các môn đệ, Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh "Cây Nho và những ngành nho", để diễn tả mầu nhiệm hiệp thông giữa Chúa và các môn đệ trong Giáo Hội của Chúa. Và lúc đó Chúa Giêsu đã ra lệnh: Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy. Tất cả mọi sinh hoạt của người đồ đệ của Chúa đều được diễn ra "trong Giáo Hội của Chúa". Mọi người Kitô, đồ đệ của Chúa, đều được quy tụ lại với nhau trong Chúa, trong một Thân Thể huyền nhiệm của Chúa. Ðây là Giáo Hội của Thầy, trên Ðá Tảng Phêrô. Thánh Phaolô tông đồ, trong chính giây phút được gọi trên đường Damas, đã khám phá sự thật nầy trong chính lời chất vấn của Chúa: Saolo, tại sao con bắt bớ Ta? Phaolô đang trên đường đi tìm những người Kitô, những người Do Thái đã bỏ đạo của cha ông, để tin theo một nguời tên là Giêsu. Lúc đó Phaolô đâu có nghĩ thêm gì khác. Ông đi tìm bắt những con người mà ông cho là phản bội lại giáo lý của cha ông. Thế nhưng Chúa Giêsu đã hỏi ông: Tại sao con bắt bớ Ta? Chúa Giêsu hiện diện, nhập thể, trong từng nguời độ đệ của Ngài, được quy tụ lại trong Giáo Hội của Nguời. Giáo Hội là Nhiệm thể của Chúa Giêsu Kitô. Ðó là Giáo Hội của Thầy, của Chúa chúng ta.
Còn Thầy, Thầy bảo cho con biết: Con là Phêrô, nghĩa là Ðá Tảng, trên Tảng Ðá nầy, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và Cửa Hỏa Ngục, tức Quyền Lực Tử Thần sẽ không thắng nổi. (Mt 16, 18).
Lời công bố long trọng của Chúa Giêsu trấn an các tông đồ, vừa đồng thời mạc khải tính cách thường hằng luôn mãi của Giáo Hội. Chúa Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa, là Thiên Chúa. Giáo Hội của Chúa, vì là Nhiệm Thể của Ngài, nên cũng mang lấy đặc tính thần thiêng, mặc dù có bao gồm trong mình những thành phần con người, yếu đuối, tội lỗi. Giáo Hội của Chúa sẽ hiện diện mãi trong lịch sử, dù cho cửa hoả ngục, tức quyền lực sự dữ tấn công vào Giáo Hội nhằm mục tiêu cuối cùng là tiêu diệt giáo hội. "Nhưng cửa Hỏa Ngục sẽ không thắng được."
Trong cuộc sống, thường khi người đồ đệ của Chúa quá chú ý đến khía cạnh nhân loại của Giáo Hội, chịu ảnh hưởng của những điều tiêu cực trong giáo hội. Họ phàn nàn quá khứ, hiện tại, và lo sợ cho Giáo Hội Chúa không còn tương lai nữa. Khi gặp cám dỗ tương tự, chúng ta hãy nhớ đến những lời bảo đảm của Chúa Giêsu: Quyền Lực sự dữ không thể thắng vượt được Giáo Hội. Ðiều nầy không có nghĩa là Giáo Hội không bị bách hại, và những thành phần Giáo Hội có thể nghỉ yên. Không, để trung thành với Chúa Giêsu Kitô, Ðấng sáng lập mình, Giáo Hội phải gặp những nghịch cảnh, những chống đối, những thiệt thòi mất mát. Nhưng niềm hy vọng vẫn luôn thuộc về chúng ta. Tuy bao gồm những con người tội lỗi, nhưng Giáo Hội vẫn luôn thánh thiện, luôn được liên kết với Chúa Kitô, Thủ lãnh của Giáo Hội, và do đó được trường tồn mãi mãi. Chúa Giêsu không phải chỉ cảnh tỉnh Giáo Hội một lần rồi thôi, nhưng Ngài tiếp tục lưu ý các tông đồ về số phận phải chịu cùng với Ngài, như sau: "Chúng con sẽ bị bách hại. Nguời ta sẽ đưa chúng con ra trước tòa án. Chúng con sẽ phải chịu bách hại. Họ sẽ ghét chúng con vì danh Thầy: nhưng hãy tin tưởng, Thầy đã chiến thắng".
Vào thời của Thánh Augustinô, những kẻ thù của Giáo Hội đã tuyên bố: Giáo Hội sắp chết, những người Kitô sắp tan rã. Nhưng thánh Augustinô đã trả lời ngược lại: "Tôi nhìn thấy những con người đó lần lượt chết đi, nhưng Giáo Hội thì vẫn tiếp tục phát triển. Giáo Hội rao gảng Lời Chúa cho thế hệ kế tiếp". Voltaire đã có lần loan báo: "Chỉ hai mươi năm nữa thôi, Giáo Hội Công Giáo sẽ tàn lụn mất". Hai mươi năm sau, Voltaire không còn sống trên đời nữa, nhưng Giáo Hội thì vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Montalembert đã có câu nói nổi tiếng sau đây, vào năm 1845: "Ðối lại với tất cả những ai bôi lọ, trói buộc hay phản bội Giáo Hội, thì Giáo Hội chỉ có một lối trả thù duy nhất nầy mà thôi là cầu nguyện cho họ; và Giáo Hội vẫn tồn tại sau khi mọi kẻ thù chống đối mình đã chết hết."
"Trên Ðá Tảng Phêrô, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy. Dù cửa hỏa ngục, quyền lực của sự dữ, cũng không thể thắng vượt được." Giáo Hội là yếu hèn, vì bao gồm những con người tội lỗi, yếu hèn. Nhưng Giáo Hội cũng rất thánh thiện, tràn đầy ân sủng của Chúa, là Nhiệm Thể của Chúa Kitô, và được Chúa bảo vệ, gìn giữ cho đến tận cùng.
Chúng ta hãy tin tưởng vào Giáo Hội cho đến cùng. Chúng ta hãy chiến đấu với chính sự dữ nằm trong bản thân mình, để gíup cho Giáo Hội được chiến thắng trên mọi sự dữ.
Lạy Chúa, xin hướng dẫn con trên đường trở về cùng Chúa. Xin phát triển nơi con tình yêu thương tin tưởng vào Giáo Hội. Xin củng cố đức tin chúng con vào Chúa, và củng cố sự hiệp nhất giữa chúng con trong Chúa, trong Giáo Hội của Chúa. Amen.