Thưa Thầy, chúng con đa mệt nhọc suốt đêm, mà không bắt được con cá nào cả. Nhưng vâng lời Thầy, chúng con sẽ thả lưới (Luca 5,5).
Sau lần gặp gỡ đầu tiên và được Chúa Giêsu kêu gọi, Simon-Phêrô cùng với các đồ đệ khác nữa đã theo Chúa trên đường truyền giáo. Nhưng rồi có lúc, các ngài, trong đó có Phêrô, trở về lại với cuộc sống thường nhật tại biển hồ Galilêa. Và phúc âm theo thánh Luca, nơi chương 5, đã ghi lại một biến cố đầy ý nghĩa khác trong lịch sử ơn gọi của Simon-Phêrô. Chúa Giêsu lại đến với Phêrô trong hoàn cảnh nói được là đang gặp thử thách. Sau khi đã giảng dạy cho dân chúng từ trên thuyền của Phêrô, Chúa Giêsu ra lệnh: Hãy ra khơi thả luới. Một mệnh lệnh khó nghe, vì nhiều lý do: Chúa Giêsu không phải là người chuyên nghề đánh cá như Phêrô và các bạn đồng nghiệp. Thời điểm lúc đó vào giữa trưa làm cho mệnh lệnh ra khơi đánh cá càng khó nghe hơn nữa, vì không ai đi đánh cá vào giờ nầy nữa cả. Chúa Giêsu ra lệnh ngược đời. Thêm vào đó, còn có lý do thứ ba: Phêrô và các bạn đồng nghiệp đã đánh cá suốt đêm, vào thời điểm thuận lợi nhất theo kinh nghiệm con người, nhưng đã không bắt được con cá nào. Thế nhưng, Chúa Giêsu ra lệnh: Hãy ra khơi và thả lưới. Có thể tin vào Chúa Giêsu được không? Phêrô phản ứng bộc trực như tánh tình của ông: Thưa Thầy, chúng con đã cực nhọc suốt đêm rồi mà không bắt được con cá nào cả. Phêrô phản đối mệnh lệnh ngược đời của Chúa Giêsu. Nhưng có thể một sức thu hút lạ lùng nào đó tác động trên Phêrô. Có thể là Ông nhớ lại một biến cố lạ lùng, ngoài dự liệu của con người, đã xảy ra và đã được ông chứng kiến tại Cana. Ðó là biến cố Chúa Giêsu ra lệnh ngược đời: đem nước đổ vào các bình chứa, trong khi gia đình đải tiệc đang lúng túng vì thiếu rượu cho khách. Linh tính có thể nhắc Phêrô: Tin vào Chúa thì vẫn hơn. Biết đâu được. Phêrô bèn nói tiếp: Nhưng vâng theo Lời thầy, chúng con sẽ thả lưới. Phêrô ra hiệu cho các bạn đồng nghiệp làm theo lời Chúa truyền, mặc dù không hiểu được mệnh lệnh đó sẽ như thế nào. Chúa Giêsu có lý do riêng để ra lệnh như thế cho Phêrô. Ðã đến lúc Chúa muốn Phêrô và các bạn dấn thân nhiều hơn nữa. Ðã đến lúc Chúa Giêsu xây dựng nền tảng cho Giáo Hội mà Chúa sẽ thành lập, và các tông đồ sẽ phải dấn thân trọn vẹn cho Nước Chúa trong hoàn cảnh nói được là không thuận tiện: giữa thế giới đang nghĩ đến vật chất, quyền lực, tiền của giàu sang mà thôi. Các ngài là những con người tầm thường, không văn hóa cao siêu, sống nghề chài lưới, thế nhưng phải rao giảng Nước Chúa cho những vị lãnh đạo khôn ngoan của Hội Ðường Do Thái, cho những vị lãnh đạo đầy uy quyền và tiền của của đế quốc Roma. Chúa Giêsu sai các ngài ra đi thi hành công tác giữa môi trường không thuận lợi như thế, mà trong tay không có phương thế nào khác hơn là sự vâng lời, hy sinh và tình yêu thương đối với Chúa. Nhìn theo bình diện nhân loại, thì quả việc làm của Chúa, mệnh lệnh của Chúa, là thật khó nghe, nếu không muốn nói là vô nghĩa, điên khùng. Chúa sai các tông đồ, sai Phêrô ra đi thực hiện một sứ mạng không thể thực hiện được bằng những sức lực và phương thế của con người. Và đúng vậy, sứ mạng Chúa trao cho Phêrô và cho các tông đồ, không thể nào thực hiện bằng sức lực và phương thế con người. Chúa muốn chuẩn bị Phêrô và các tông đồ hiểu được điều nầy, khi Chúa ra lệnh cho các ông hãy ra khơi đánh cá, vào giữa trưa. Simon Phêrô đã thoáng thấy được giải đáp cho thách thức mới: Vâng Lời Thầy. Cần thực hiện công việc theo ý Chúa. Ðó là cách duy nhất. Thi hành sứ mạng Chúa trao cho, với phương tiện của Chúa, theo lệnh của Chúa.
Hãy ra khơi. Chúa mời gọi, ra lệnh. Bí quyết để thành công là: Vâng Lời Thầy, vâng theo lệnh truyền của Chúa. Chúa không mời gọi một lần rồi thôi, bỏ mặc chúng ta làm sao cũng được. Chúa vẫn tiếp tục mời gọi, vẫn tiếp tục chỉ đường. Nhất là trong lúc khó khăn, khủng hoảng, gặp chuớng ngại, thì người đồ đệ lại càng phải vâng phục Lời Chúa nhiều hơn nữa. Hãy ra khơi, hãy trở về lại với công việc, hãy bắt đầu lại, theo lệnh Chúa truyền: Vâng lời Thầy.
Hãy bắt đầu lại, không phải với những lỗi lầm như trước, nhưng với kinh nghiệm đã trải qua, vượt qua những lỗi lầm đầu tiên, sửa chửa lại những gì còn thiếu sót, nhưng nhất là phải Vâng Lời Chúa Truyền. In verbo tuo. Và cần kiên trì trong dốc quyết, với hết sức can đảm có thể. Vâng lời Thầy, Vâng Lời Chúa truyền dạy, đây là bí quyết duy nhất để chúng ta vượt qua được cơn cám dỗ ngã lòng, và muốn chạy trốn trước những thách thức của ơn gọi. Thiên Chúa sẽ thực hiện những điều kỳ diệu nhờ qua chúng ta, khi chúng ta kiên trì "vâng lời Chúa", không quan tâm đến điều con người phê phán.Vâng lời Chúa là giải pháp, là đủ. Hãy để cho quyền năng của Chúa được thể hiện trong sự yếu hèn của chúng ta. Khi chúng ta cảm thấy mình yếu đưối, thì lúc đó chúng ta cần vâng nghe lời Chúa nhiều hơn nữa, để quyền năng Chúa được thể hiện. Ðó là bài học của Phêrô, của Phaolô.
Lạy Chúa, xin cho con nhớ lại điều nầy: khi con bị cám dỗ ngã lòng, khi con không còn muốn làm gì nữa cả, thì xin Chúa nhắc con nhớ lại rằng: trong công việc của Chúa, không phải là con, mà là chính Chúa hành động trong con. Ðiều quan trọng nhất là Vâng Lời Chúa. In verbo tuo. Lạy Chúa, không phải là việc làm vinh danh con, mà là công việc của Chúa, theo chương trình cứu rỗi của Chúa. Lạy Chúa, xin cho con biết vâng lời Chúa mãi mãi. Amen.