Chúa Giêsu và Phêrô
SIMON PETER

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines


II.
Bản Chất Ơn Gọi

Ðó là hành động đặc biệt của Thiên Chúa. Ngài đặt tên chúng ta. Tuyển chọn chúng ta. Kêu gọi chúng ta đến thi hành một trách vụ. Ngài chọn cho chúng ta một trách vụ để thi hành. Ðó là bản chất của Ơn Gọi. Thiên Chúa là đấng có sáng kiến trước. Những tạo vật khác không có trí khôn, không có tự do như con người, cũng nhận lãnh từ Thiên Chúa một vai trò để thi hành, nhưng thi hành một cách thiết yếu theo quy định không thay đổi. Trong khi đó, thì con người, vì có trí khôn và tự do, nên con người chu toàn vai trò được trao cho, một cách có ý thức và tự do. Hơn nữa, để giúp thi hành vai trò được trao phó cho, Thiên Chúa ban cho con người những tài năng riêng. Nhưng ngài không ban những tài năng như đã được phát triển trọn vẹn rồi, mà là những tài năng khả thể, cần được phát triển thêm nữa. Con người có bổn phận vun trồng những tài năng đó, và phát triển chúng thêm duới mặt trời ân sủng của Ngài. Trong giây phút gặp Chúa, Simon đã được Chúa đặt tên mới là Phêrô. Nhưng điều nầy không có nghĩa là tánh tình của Simon được tự động thay đổi trong phút chốc đó. Con người mà Chúa gọi là Ðá Tảng, là Phêrô, trên đó Giáo Hội Chúa được thiết lập, có lúc đã là Ðá cản đường, hơn là Ðá Tảng. Khi kêu gọi chúng ta thực hiện một trách vụ, Thiên Chúa không hủy bỏ khả năng hoạt động của chúng ta. Ngài khích động phát triển khả năng đó. Thiên Chúa kêu gọi. Con người cần đáp lời. Nhờ bởi bí tích Rửa Tội, chúng ta tất cả trở thành điều mà thánh Phaolô Tông đồ gọi là "người thánh" "vocati sancti". Chúng ta được gọi là thánh. Nhưng không phải tự động thánh, ipso facto, mà được gọi tiến đến sự thánh thiện trọn đầy hơn. Simon trở thành Phêrô, chỉ với giá phải trả là những cố gắng canh tân mỗi ngày một hơn. Thiên Chúa không bao giờ làm giùm cho chúng ta, điều mà chúng ta có thể làm. Chắc rằng Ngài có thể dùng quyền năng ngài mà biến đổi chúng ta ngay, không cần chúng ta cộng tác vào đó, bởi vì Ngài là Ðấng tạo hóa. Nhưng nếu làm như vậy, thì đó là việc tạo dựng chớ không còn là ơn gọi nữa. Ơn gọi luôn có liên hệ đến việc đáp trả tự do của con người trước tác động sáng tạo của Thiên Chúa. Thiên Chúa hỏi mỗi nguời chúng ta: Con có muốn bước vào sự sống hay không? Con có muốn theo ta hay không? Con có muốn nên trọn lành hay không? Con có muốn, con có muốn hay không? Thiên Chúa không áp đặt, ngài chỉ đề nghị. Khi Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ vật thể không có trí khôn, Ngài chỉ ra lệnh. Nhưng vì đã tạo dựng con người có trí khôn và tự do, nên Thiên Chúa phải kính trọng nhân cách con nguời. Ngài mời gọi. Ngài hỏi ý: Con có muốn điều nầy, con có muốn điều nọ, hay không? Con có muốn phục vụ anh chị em, và làm vinh danh Thiên Chúa hay không?

Ngoài ra, chúng ta cần nhớ thêm rằng: Cũng như Thiên Chúa không thể thay đổi chúng ta, nếu chúng ta không muốn, thì cũng thế, chúng ta không thể tự mình canh tân mà không cần có Thiên Chúa. Ơn gọi luôn luôn đòi hỏi sự cộng tác giữa Thiên Chúa và con người. Thiên Chúa trợ giúp để chúng ta thay đổi. Không phải chỉ trợ giúp bằng những ân sủng tác động trong cỏi thâm sâu tâm hồn chúng ta, mà Ngài còn làm cho các biến cố, kể cả những biến cố tiêu cực, hậu quả của việc xử dụng xấu sự tự do mà Thiên Chúa ban cho con người, (ngài còn làm cho những biến cố đó) trở nên hữu ích, phục vụ cho điều Ngài chờ đợi chúng ta thi hành. Ngài đã đối xử như vậy đối với Simon-Phêrô. Ngài dùng những sai lầm, những lỗi phạm, những bất cẩn của Phêrô, để huấn luyện và chuẩn bị Phêrô một cách tốt hơn cho sứ mạng đã lãnh nhận. Những sơ sót, những lỗi phạm của chính chúng ta là những bài học giúp chúng ta nhìn thấy rõ hơn những bổn phận cần làm mà chưa làm, và giúp chúng ta trở thành điều mà Chúa mong ước chúng ta trở thành. Chúng ta học kinh nghiệm từ những sơ sót, những lỗi lầm của mình. Quá khứ của chúng ta là kho tàng tích chứa những lời tiên tri loan báo tương lai.

Cuối cùng, sự trợ giúp mà Thiên Chúa trao ban cho chúng ta để chu toàn trách vụ ngài dành cho chúng ta, sự trợ giúp đó cũng có mặt trong chính trách vụ chúng ta thi hành. Ðây là điều mà chúng ta thường gọi là "ân sủng của bậc sống", "ân sủng của trách vụ". Vì thế, chúng ta hãy xác tín rằng: khi một trách vụ nào đó đến từ Thiên Chúa, chớ không phải từ tham vọng riêng của cá nhân, thì trách vụ đó có mang theo những gì chúng ta cần, để chu toàn nó. Thiên Chúa an bài sao cho đời sống có thể cung cấp cho chúng ta những phương thế để chu toàn tốt đẹp chính đời sống đó. Khi con người dấn thân chu toàn trách vụ tốt, thì trách vụ tốt nầy tác động biến đổi con người, làm cho con người trở nên tốt hơn. Khi con người dấn thân thi hành trách vụ Kitô, trách vụ Chúa trao phó cho, thì trách vụ Kitô nầy làm cho con người trở nên thánh thiện. Nhìn vào cuộc đời của thánh Phêrô, chúng ta thấy là yếu tố con người Simon từ từ nhường chổ cho con người Phêrô, cũng như thánh Gioan Tẩy Giả vui mừng trở nên nhỏ đi, ngỏ hầu Chúa Giêsu lớn lên trong tâm hồn con nguời. Tôi phải nhỏ lại và Chúa phải lớn lên. Thánh Phaolô vui mừng vì không con làm chủ chính mình nữa, mà là Chúa Giêsu: Không còn là tôi sống, nhưng là chính Chúa Kitô sống trong tôi.

Ðó là lý tưởng phát triển trọn vẹn cuối cùng của một cuộc đời được Chúa gọi.


Back to Radio Veritas Asia Home Page