Thật, Thầy bảo thật cho con biết, lúc còn trẻ, con tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tùy ý. Nhưng khi đã về già, con sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn con đến nơi con chẳng muốn (Gn 21,18).
Hôm nay, chúng ta suy niệm phần kết của cuộc đối thoại cuối cùng giữa Chúa Giêsu và thánh tông đồ Phêrô, như được ghi lại nơi Phúc âm theo thánh Gioan, chương 21 câu 1 đến câu 22. Sau khi đã công khai trao trách vụ chăm sóc đoàn chiên cho Phêrô, Chúa Giêsu tiếp tục cuộc đối thoại như sau:
Thật, Thầy bảo thật
cho con biết, lúc còn trẻ, con tự
mình thắt lưng lấy, và đi đâu
tùy ý. Nhưng khi đã về già,
con sẽ phải dang tay ra cho người khác
thắt lưng, và dẫn con đến nơi
con chẳng muốn.
Chúa nói vậy, có ý ám chỉ
ông sẽ phải chết cách nào
để tôn vinh Thiên Chúa. Thế
rồi Chúa bảo Phêrô: Hãy theo
Thầy.
Ông Phêrô quay lại, thì thấy
người môn đệ Chúa Giêsu
thương mến đi theo sau; ông nầy
là người đã nghiêng mình
vào ngực Chúa Giêsu trong bửa
ăn tối và hỏi: thưa thầy, ai
là kẻ nộp Thầy?. Vậy khi thấy
người đó, ông Phêrô
nói với Chúa Giêsu: thưa Thầy,
còn người nầy thì sao? Chúa
Giêsu đáp: Giả như Thầy muốn
cho người đó còn ở
lại cho tới khi Thầy đến, thì
việc gì đến con? Phần con, hãy
theo Thầy.
Một điểm đáng chúng ta chú ý là Chúa Giêsu Phục Sinh đã hướng nội dung cuộc đối thoại giữa Ngài và Phêrô về tương lai. Xem ra như Chúa đã quên quá khứ lỗi lầm của các tông đồ, và nhất là của Phêrô. Mệnh lệnh căn bản Chúa nhắc lại cho tương lai của Phêrô là: "Phần con, con hãy theo Thầy". So sánh với lời mời gọi lần thứ nhất: "Hãy theo thầy" cũng tại địa điểm nầy, nơi bờ biển hồ Tibêrias, và sau cùng một dấu lạ là mẻ lưới bắt được đầy cá theo lệnh Chúa truyền, thì lời gọi lần nầy: "Phần con, con hãy theo Thầy", mang một dư âm thân tình hơn, vừa đồng thời đậm đà ý nghĩa hơn, sau tất cả những gì đã xảy ra trong thời gian qua, nhất là trong biến cố Thương Khó và Phục Sinh của Chúa. Hơn ai hết, Phêrô hiểu rõ thế nào là Theo Chúa với tất cả những ràng buộc của nó. Nhưng đây là những ràng buộc làm cho con người được tự do, những ràng buộc để giải phóng con người khỏi làm nô lệ cho những tật xấu của mình. Tác vụ "lưới cá nguời ta" ( Hãy theo Thầy, từ nay con sẽ nên kẻ lưới cá người ta), hay trong một ngôn ngữ khác, tác vụ "chăn dẫn các con chiên của Chúa" là một tác vụ phục vụ cho sự cứu rỗi, cho sự giải phóng con người khỏi làm nô lệ cho sự dữ và tội lỗi, là một tác vụ phục vụ cho tình thương, sự thật, sự sống, sự bình an mà Chúa Giêsu Phục Sinh đã thực hiện và muốn dùng các ngài để trao ban cho mọi người: Bình an cho chúng con. Ðể thực hiện tác vụ nầy trọn vẹn, như Chúa Giêsu Thầy mình, thì Phêrô sẽ phải đi cùng một con đường, chia sẻ cùng một vận mệnh của Chúa. Ðó là con đường thập giá. Trong một ngôn ngữ tượng hình dành riêng cho người trong cuộc mới hiểu, Chúa Giêsu Phục Sinh nhắc lại cho Phêrô, điều mà Chúa đã nói trước: Ai muốn Theo Ta, thì hãy từ bỏ mình, vác lấy thập giá hằng ngày mà theo Ta. Giờ đây trong ngôn ngữ khác, nhưng cùng một nội dung, Chúa Giêsu nhắc cho Phêrô: Khi về già, con sẽ dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn con đến nơi con không muốn. Phêrô hiểu Chúa muốn nói gì. Có nguời đồ đệ gần đó, như người trong cuộc, cũng hiểu Chúa muốn nói gì với Phêrô; và như là một chứng nhân của biến cố, người đồ đệ đó đã ghi thêm lời giải thích cho những kẻ đến sau: Chúa nói vậy có ý ám chỉ Ông Phêrô sẽ phải chết cách nào, để tôn vinh Thiên Chúa.
Sự giải phóng thật làm cho con người được tự do thật, sự giải phóng đó đã được thực hiện qua Cái Chết Trên Thập Giá. Chúa Phục Sinh đang đối thoại với Phêrô là bằng chứng hiển nhiên trước mắt cho sự thật nầy. Phêrô được mời gọi sống sự thật nầy, như Chúa đã sống: Phần con, hãy theo Thầy.
Và như chúng ta đã biết, Phêrô đã không lo sợ trốn chạy nữa.
Lạy Chúa, Chúa biết rõ mọi sự, Chúa biết con yêu mến Chúa. Xin cho con được trọn đời theo Chúa, và không sợ sự ràng buộc với Chúa. Xin giúp con hiểu rằng được trói chặt vào Chúa, con sẽ được tự do thật, được sống dồi dào, để phục vụ Chúa và anh chị em một cách hữu hiệu, như Chúa đã nêu gương. Thầy đến để họ được sống, và sống dồi dào, sung mãn. Amen.