Simon, con Gioan, Con có yêu mến Thầy hơn những người nầy không? (Gn 21,15).
Cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh và Phêrô nơi bờ biển hồ Tibêria mang một ý nghĩa thật quan trọng trong cuộc đời của Phêrô cũng như trong lịch sử Giáo Hội Chúa trên trần gian nầy. Chúng ta cần đọc lại trang phúc âm theo thánh Gioan, chương 21, câu 1 cho đến câu 17, như sau:
Sau đó, Chúa Giêsu lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở biển hồ Tibêria. Chúa tỏ mình ra như thế nầy. Ông Simon Phêrô, ông Toma gọi là Ðiđymô, ông Nathanael nguời Cana miền Galilê, các người con ông Dêbêđê, và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau. Ông Simon Phêrô nói với các ông: Tôi đi đánh cá đây. Các ông đáp: Chúng tôi cùng đi với anh. Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy, họ không bắt được gì cả.
Khi trời đã sáng, Chúa Giêsư đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó là Chúa Giêsu. Nguời nói với các ông: Nầy, các người có gì ăn không? Các ông trả lời: Thưa không. Nguời bảo các ông: Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá. Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá. Người môn đệ được Chúa Giêsu thương mến nói với Phêrô: Chúa đó. Vừa nghe nói: Chúa đó, Ông Simon Phêrô liền vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ, kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách khoảng gần một trăm thước.
Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa. Chúa Giêsu bảo các ông: hãy đem ít cá mới bắt được tới đây. Ông Simon Phêrô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách. Chúa Giêsu nói: anh em đến mà ăn. Không ai trong các môn đệ dám hỏi: Ông là ai?, vì các ông biết rằng đó là Chúa. Chúa Giêsu đến, cầm lấy bánh và trao cho các ông; rồi cá, Nguời cũng làm như vậy. Ðó là lần thứ ba Chúa Giêsu tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi sống lại từ cỏi chết.
Khi các môn đệ đã ăn xong, Chúa Giêsu hỏi ông Simon Phêrô: Nầy Simon, con ông Gioan, con có mến Thầy hơn các anh em nầy không? Ông đáp: Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy. Chúa Giêsu nói với ông: Hãy chăm sóc chiên con của Thầy. Nguời lại hỏi: Nầy Simon, con ông Gioan, con có mến Thầy không? Ông đáp: Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy. Chúa nói: Hãy chăn dắt chiên của Thầy. Chúa hỏi lần thứ ba: Nầy Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không? Ông Phêrô buồn, vì Chúa hỏi tới ba lần: Con có yêu mến Thầy không? Ông đáp: Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự. Thầy biết con yêu mến Thầy. Chúa Giêsu lại bảo: Hãy chăm sóc chiên của Thầy.
Cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và Phêrô theo tường thuật của Gioan, còn một phần nữa, là phần nói đến vận mạng tương lai của Phêrô trên con đường theo Chúa. Chúng ta sẽ suy niệm trong bài kế tiếp.
Trong giây phút nầy, chúng ta hãy chú ý đến ba câu hỏi của Chúa cho Phêrô và ba câu trả lời của Phêrô: Thưa Thầy có. Thưa Thầy có. Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự. Trong lần đáp thứ ba, Phêrô không đáp một cách quả quyết như tự sức và tự ý ông nữa, nhưng Phêrô nhắc đến chính sự hiểu biết của Chúa về con người mình mà nói: Thưa Thầy, Thầy biết mọi sự. Thầy biết con mến Thầy.
Chúa biết Phêrô đã chối Chúa, nhưng Chúa cũng biết rõ Phêrô yêu mến Chúa như thế nào. Như một người lỗi phạm đến Chúa và đã được Chúa tha thứ, Phêrô giờ đây tỏ ra khiêm tốn hơn: thưa thầy có, thưa thầy, thầy biết mọi sự, thầy biết rõ con yêu mến Thầy. Ðây là lời Phêrô tuyên xưng công khai trước mặt các môn đệ khác cùng theo Ông đi đánh cá hôm đó -- cả nhóm lúc đó có 7 người -- Phêrô khiêm tốn tuyên xưng công khai tình yêu và lòng trung thành của ông đối với Chúa. Phêrô không quên mình đã lỗi phạm, đã chối Chúa ba lần. Nhưng Phêrô cũng đã cảm nghiệm sự tha thứ của Chúa từ lâu trước rồi, từ cái nhìn của Chúa trong đêm Chúa bị điệu ra xử nơi nhà thượng tế Caipha, và nhất là từ biến cố Chúa Phục Sinh đã hiện ra cho Phêrô trước tiên. Chúng ta không biết chi tiết và nội dung của lần hiện ra nầy, nhưng chắc chắn là có tầm quan trọng đặc biệt, bởi vì biến cố đã được cộng đoàn môn đệ nhắc đến, như là một điểm quy chiếu, một bảo đảm quan trọng cho đức tin vào Chúa Phục Sinh. Phải, Phêrô đã cảm nghiệm được Chúa tha thứ rồi, nên Ông không còn mặc cảm gì với Chúa nữa, mặc dù việc Chúa hỏi ba lần câu: Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không? đã làm Phêrô buồn, vì làm cho Phêrô nhớ đến việc ông đã chối Chúa ba lần. Nhưng việc Chúa hỏi ba lần còn có ý nghĩa khác: theo thói quen của những người thời Chúa Giêsu, lời cam kết quan trọng và chính thức là lời cam kết được lặp lại ba lần. Chúa biết rõ Phêrô yêu mến Chúa như thế nào rồi. Chúa không muốn làm Phêrô mắc cở, hay có mặc cảm trước anh em. Chúa không hỏi Phêrô ba lần về tình yêu của Ông, như thể Chúa nghi ngờ ông, hoặc muốn "trả thù", làm cho Phêrô xấu hổ trước các tông đồ khác. Ðây là giây phút quan trọng và công khai, Chúa trao quyền chăn dắt đoàn chiên Chúa, chiên con, chiên Mẹ, tất cả mọi thành phần của đoàn chiên, trước sự chứng kiến của các môn đệ khác: Hãy chăn dắt các chiên của Thầy. Ðể chu toàn trọn vẹn tác vụ nầy, chỉ có một điều kiện duy nhất cần thiết mà thôi là yêu mến Chúa và trung thành với tình yêu nầy. Chúa muốn một cam kết trọn vẹn, công khai của Phêrô, trước khi lãnh lấy một trách vụ quan trọng, công khai, trước mặt cộng đoàn chứng nhân.
Lạy Chúa, xin dạy con yêu mến Chúa. Xin thương tha thứ những lỗi lầm và gìn giữ con sống trong tình yêu Chúa luôn mãi. Amen.