Chúa Giêsu và Phêrô
SIMON PETER

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines


XX.
Phêrô ăn năn trở lại

Thiên Chúa nhân từ không bao giờ bỏ rơi người tội lỗi. Ngài luôn luôn tác động với ơn thánh của Ngài, cảnh tỉnh người tội lỗi khi cám dỗ bắt đầu, nâng họ dậy khi đã sa ngã. Nhưng tác động nầy đôi khi không được người tội lỗi cảm nhận đáp trả. Thánh Sử Marcô, đồ đệ của Phêrô, là người duy nhất ghi lại nơi phúc âm của ngài chi tiết gà gáy hai lần. Tiếng gà gáy được vài nhà chú giải xem như là phương tiện Chúa dùng để thức tỉnh Phêrô đang dần dần sa vào chước cám dỗ. Nhưng Phêrô đã bỏ lỡ dịp tiếng gà gáy lần thứ nhất, đã quên lời báo trước của Chúa: "Hãy đề phòng, con sẽ chối Thầy trước khi gà gáy". Tiếng gà gáy đã vang lên, Phêrô đang đi vào con đường nguy hiểm, đã bắt đầu chối Chúa rồi, nhưng lúc đó Phêrô đã không nghe.

Chúng ta cũng có thể mang tâm trạng giống như Phêrô: khi bị thu hút bởi cơn cám dỗ, chúng ta có thể tự biện hộ cho mình, tự cho phép mình đi vào chước cám dỗ bằng những lý do nầy nọ. Tiếng gà gáy lần thứ hai. Phêrô đã chối Chúa ba lần, và lần thứ ba xem ra như trầm trọng hơn, vì phúc âm ghi là: Phêrô thề mạnh miệng và chối Chúa. Phêrô thực sự đã chối Chúa. Không còn có thể mập mờ tránh né được nữa. Nhưng Chúa đã không bỏ Phêrô trong hoàn cảnh. Ngoài tiếng gà gáy để cảnh tỉnh, Chúa còn đích thân quay lại nhìn Phêrô. Dù phúc âm không có ghi, nhưng ta cũng hiểu chắc chắn là Phêrô đã bắt gặp được cái nhìn nầy của Chúa. Cái nhìn nói lên thật nhiều ý. Cái nhìn thật là quan trọng. Phêrô được thức tỉnh, hiểu và cảm nghiệm được tình yêu Chúa vẫn còn đó và vẫn luôn sẵn sàng tha thứ và tha thiết mong Phêrô quay trở lại. "Phêrô nhớ lại điều Chúa đã nói trước với Ông. Phêrô ra ngoài ăn năn khóc lóc". Trước đây Ông đã càng khinh thường lời cảnh tỉnh của Chúa, thì giờ đây ông càng đau đớn ăn năn, một sự đau đớn không đi đến tuyệt vọng, như đã xảy ra với Giuđa, nhưng thức tỉnh Phêrô và đưa ông trở về. Cái nhìn của Chúa đã giúp ông. Phêrô đã bắt gặp lại cái nhìn của Chúa. Ðây là giây phút quan trọng nhất. Conversus Jesus, respexit Petrum. Bị những người lính hành hạ lôi đi, nhưng Chúa Giêsu còn có thể quay lại và nhìn Phêrô. Chi tiết nói "Chúa quay lại" cho ta hiểu đây là một hành động cố ý của Chúa. Phêrô còn luôn hiện diện trong tâm tư của Chúa. Chúa muốn người tội lỗi ăn năn trở lại, để được sống. Ơn Chúa còn tác động giúp người tội lỗi quay trở lại.

Chính cái nhìn của Chúa đã quyết định cho ơn gọi và sứ mạng của Phêrô, lúc Phêrô gặp Chúa lần đầu tiên. Giờ đây cũng một cái nhìn nầy của Chúa, và Phêrô đã hiểu: Chúa còn luôn trung thành trong lời mời gọi, và Phêrô không thể nào vịnh vào sự lỗi phạm của mình mà bỏ đi ơn gọi, trả sứ mạng lại cho Chúa. "Xin Thầy hãy xa con, vì con là kẻ tội lỗi", Phêrô đã có lần nói với Chúa Giêsu như vậy. Nhưng lúc đó Chúa đã không xa Phêrô, mà lại mạnh mẽ quyết định: Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho con trở nên kẻ lưới cá con người.

Cái nhìn của Chúa đã cứu Phêrô khỏi đi vào con đường tuyệt vọng, buông xuôi, nhưng tin tưởng vào tình thương Chúa, khiêm tốn nhìn nhận lỗi phạm, vừa đồng thời can đảm quay trở lại, nhất quyết trở nên tốt hơn. Tự phụ và ngã lòng buông xuôi là hai thái cực chúng ta cần đề phòng. Cả hai đều phát sinh từ một nền tảng duy nhất, là tự ái, là yêu cái tôi thái quá, là chỉ nghĩ đến cái tôi, là sống đóng kín trong cái tôi mà thôi.

Cái nhìn của Chúa là cái nhìn của một vì Thiên Chúa, cái nhìn có sức tái tạo con người, cái nhìn giải phóng con người ra khỏi cái tôi, ra khỏi tự ái.


Back to Radio Veritas Asia Home Page