Chúa Giêsu chăm chú nhìn thẳng vào Phêrô và nói: Con là Simon, con ông Gioan. Con sẽ được gọi là Kê-pha (tức là Phêrô) (Gioan 1,42).
Tác giả phúc âm theo thánh Gioan nói về ơn gọi của thánh Phêrô một cách ngắn gọn. Anh của Phêrô là Anrê cùng với tác giả của phúc âm thứ tư nầy, cả hai lúc đó còn là môn đệ của thánh Gioan Tiền Hô, nhưng khi nghe vị Tiền Hô chỉ cho biết Chúa Giêsu là ai: "Ðây là Chiên Thiên Chúa", thì cả hai liền đi theo Chúa Giêsu ngay. Chúa quay lại hỏi hai nguời: các anh tìm gì ? Họ đáp: Thưa Thầy, Thầy sống ở đâu? Chúa Giêsu trả lời: Hãy đến mà xem.
Thánh Gioan không thể nào quên được giây phút quyết định nầy trong đời. Ngài nhớ rõ chi tiết giờ khắc lúc đó, và ghi lại trong phúc âm: lúc đó là vào 4 giờ chiều. Cả hai sống với Chúa suốt thời gian còn lại của buổi chiều không thể nào quên được đó.
Chúng ta không bao giờ có thể biết được nội dung cuộc trao đổi lúc đó giữa Chúa Giêsu và hai đồ đệ của Gioan. Nhưng có một điều chắc chắn, là sau cuộc gặp gỡ vào buổi chiều đó, hai người ra đi lòng đầy xác tín và vui mừng, đến độ Anrê chia sẻ liền với Phêrô, em mình rằng: Chúng tôi đã gặp Ðấng Thiên Sai (Ðấng Messia). Invenimus Messiam.
Ðó là những lời đầy nhiệt tình và xác tín. Ðấng Thiên Sai, Ðấng Cứu Rỗi mà toàn dân Israel đang mong đợi từ bao thế kỷ, nay được tỏ bày cho họ. Họ được gặp và trao đổi với ngài. Chắc rằng, là thành phần của dân tộc Israel, Anrê và Gioan đã được cha mẹ dạy phải cầu nguyện hằng ngày để xin Thiên Chúa Tối Cao sai xuống Ðấng Cứu Thế, Ðấng giải phóng dân tộc. Và họ cảm nghiệm rõ ràng rằng lời cầu nguyện của họ đã được chấp nhận. Ðấng Thiên Sai đã đến. Họ đã nhìn thấy tận mắt, đã được gặp và sống với Ngài, được nghe Ngài nói. Họ đi tìm Sự Thật để sống, và họ xác tín là đã gặp được Sự Thật. Họ khao khát tìm Chúa, và họ xác tín là đã gặp được Ngài: "Chúng tôi đã gặp được Ðấng Messia. Invenimus Messiam.
Niềm xác tín đã thôi thúc họ. Họ không còn có thể giữ lại cho riêng mình nữa. Họ lấy làm sung sướng mà chia sẻ niềm hạnh phúc đang cảm nghiệm. Mỗi người đều có một người em cùng làm nghề chài lưới, cùng làm đồ đệ của Gioan Tẩy Giả. Cả hai mau mắn ra đi tìm gặp em mình, để chia sẻ niềm xác tín: Chúng tôi đã gặp được Ðấng Thiên Sai rồi. Simon, em Anrê, không chờ đợi thêm phút nào nữa. Nghe theo lời Anrê, Simon mau mắn đến gặp Chúa Giêsu. Và, như chúng ta vừa đọc câu phúc âm trên đây: Chúa Giêsu chăm chú nhìn thẳng vào Simon. Có thể Phêrô, và những đồ đệ khác nữa, sẽ không bao giờ có thể quên được cái nhìn của Chúa Giêsu, trong lần gặp gỡ đầu tiên nầy. Chúa Giêsu chăm chú nhìn thẳng vào Simon. Ngài biết rõ tận cỏi thâm sâu tâm hồn Phêrô. Có thể nói, nơi con người Phêrô, Chúa Giêsu lúc đó đã nhìn thấy toàn thể Giáo Hội cho đến tận cùng lịch sử. Chúa Giêsu không đòi hỏi Phêrô lúc đó phải kể lại cuộc đời quá khứ của mình. Chúa đã biết rõ Phêrô rồi. Chúa đã chờ đợi giây phút gặp gỡ quyết định với Phêrô. Chúa nói với Phêrô: Hỡi Simon, con của Ông Gioan, nay Ta đặt tên mới cho con là KêPha. Như Chúa đã biết rõ quá khứ của Phêrô, thì Chúa cũng biết rõ tương lai của Ông. Là thành phần của dân Chúa, Phêrô hiểu rõ hơn ai hết lời nói và hàng động Chúa khi đặt tên lại cho Ông. Phêrô nhớ lại những biến cố lịch sử của dân Chúa: Thiên Chúa đã đặt tên mới cho Ông Abraham, khi trao cho ông sứ mạng làm người Cha của muôn dân đông đúc. Thiên Chúa đã đổi tên Ông Giacóp, thành Israel, có nghĩa là "Ðấng mà Thiên Chúa không thể thắng vượt được". Giờ đây, Chúa Giêsu thực hiện cùng một cử chỉ "đặt tên mới" cho Phêrô. Chúa biết rõ việc ngài làm. Nhưng Phêrô có thể thắc mắc: một người chài lưới như ông mà được Chúa trao cho sứ mạng nào đây? "Từ nay, con sẽ được gọi là Kê-pha, nghĩa là Phêrô, là Ðá Tảng vững chắc".
Trước khi được gọi, Phêrô là "Simon, con Ông Gioan", là một người Do Thái ngoan đạo, trung thành với giáo huấn của cha ông, sống nghề chài luới như nhiều nguời khác. Nhưng giờ đây, qua việc đặt tên mới, Phêrô được cho biết về chương trình của Thiên Chúa cho cuộc đời của ông. Phêrô sẽ không kết thúc cuộc đời trên trần gian tại thành phố nhỏ bên bờ biển hồ Galilêa nữa. Thiên Chúa đã đổi tên cho Phêrô. Ngài sẽ đổi mới cuộc đời ông, và xử dụng cuộc đời đó theo chương trình Ngài muốn: "Con sẽ được gọi Kêpha, có nghĩa là Phêrô, là Ðá Tảng" trên đó, qua bao thế hệ, hàng triệu người sẽ được nâng đỡ. Vocaberis Cephas. Con là Ðá, trên viên đá nầy, Ta sẽ xây Hội Thánh Ta, và sức mạnh của Hỏa Ngục sẽ không làm gì hại được con.
Tác giả phúc âm theo thánh Gioan, đã không ghi lại những phản ứng của Phêrô trong giây phút được gọi đó, mà chỉ chú ý đến những Lời Chúa nói. Chúa nhìn thấy trước tương lai của Phêrô, và thánh hiến tương lai đó. Có thể nói là Chúa Giêsu đã chiếm hữu toàn bộ cuộc đời của Phêrô. Noi gương thánh Phêrô, chúng ta hãy đến với Chúa, để cho Chúa thanh luyện, đổi mới và làm chủ cuộc đời chúng ta, theo thánh ý Ngài.
Lạy Chúa, xin thương nhìn đến chúng con. Chúa là sức mạnh, là nơi con nương tựa, xin đừng để con lạc xa mất Chúa. Xin cho con lúc nào cũng ý thức về ơn gọi và sứ mạng Chúa đã trao cho, và trung thành thực hiện sứ mạng đó, cùng với Chúa. Amen.