Chúa Giêsu và Phêrô
SIMON PETER

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines


XIX.
Không thể theo Chúa xa xa

Việc Chúa bị bắt làm tan rã hàng ngũ các tông đồ, làm tiêu tan những mơ ước của họ. Thật là một thử thách hết sức cam go. Mặc dù Chúa Giêsu đã loan báo trước nhiều lần cho các ông, nhưng các ông chưa thể nào hiểu và chấp nhận một Ðấng Uy Quyền, đã từng xác nhận mình là Con Thiên Chúa bằng những phép lạ không ai có thể làm được bao giờ, mà lại chịu thua, để cho những kẻ chống đối bắt dẫn đi như vậy. Chúa đã nhắc cho Phêrô và các tông đồ việc Chúa tự nguyện làm như vậy, để chu toàn chương trình, để uống trọn chén đắng mà Thiên Chúa Cha muốn: "Con tưởng là Thầy không thể kêu cứu với Cha Thầy sao? Nguời sẽ cấp ngay cho Thầy hơn mười hai đạo binh thiên thần. Nhưng như thế, thì Lời Kinh Thánh ứng nghiệm sao được? Vì theo đó, mọi sự phải xảy ra như vậy." (Mt 26,53). Sau nầy, trước mặt quan Philatô hăm dọa, Chúa Giêsu đã xác nhận mạnh mẽ như sau: Nước Tôi không thuộc về thế gian nầy. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian nầy, thì thuộc hạ của tôi đã chiến đấu, không để tôi bị nộp cho nguời Do Thái. (Gn 18,36). Và một lần nữa sau đó, khi quan Philatô hăm dọa: Ông không biết rằng tôi có quyền tha và cũng có quyền đóng đinh ông vào thập giá sao?, thì Chúa Giêsu đã trả lời: Ngài không có quyền gì đối với tôi, nếu Trời chẳng ban cho Ngài" (Gn 19,10-11).

Trong bửa tiệc ly, Chúa Giêsu đã giải thích cho các môn đệ:

Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để anh em tin khi sự việc xảy ra. Thủ lãnh Thế gian không làm gì được Thầy. Nhưng chuyện đó xảy ra là để cho thế gian biết rằng Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy." (Gn 14,29.31).

Hạt giống phải chết đi mới trổ sinh nhiều hoa trái. Chúa đã giải thích trước cho môn đệ về cuộc thương khó của Nguời. Chúa sẽ bị bắt, chịu khổ nhục và bị giết chết. Nhưng ngày thứ ba, thì sẽ sống lại như lời Kinh Thánh loan báo trước. Nhưng các ông không hiểu. Phêrô cũng không hiểu. Lòng sốt sắng yêu mến Chúa đã thôi thúc Phêrô thề hứa với Chúa: Dù mọi người bỏ Thầy, nhưng con thì không. Con sẽ liều mạng vì Thầy. Giờ đây, trước biến cố thật sự đang diễn ra trước mắt, các tông đồ bỏ chạy, còn Phêrô thì theo Chúa xa xa, như phúc âm theo thánh Mathêu ghi lại. Không phải một mình Phêrô, mà còn có một môn đệ khác cùng đi với Phêrô. Môn đệ nầy quen với gia đình của vị thương tế, nên nhờ đó mà có thể đưa Phêrô vào trong sân, để nghe ngóng xem sự việc liên quan đến Chúa Giêsu sẽ ra sao (Gn 18,15). Phêrô xem ra như có can đảm hơn những môn đệ khác. Ông còn theo xa xa. Nhưng Phêrô không lường trước được sức mình. Ông đã đặt mình vào trong hoàn cảnh để rồi chối Chúa, khi bị tố cáo là đồ đệ của Chúa Giêsu. Việc "Theo Chúa xa xa" có thể diễn tả tâm trạng của Phêrô lúc đó: vừa lo sợ vừa do dự, chưa hẳn nhất quyết một lòng hy sinh cho Chúa, như đã thề hứa trước đó: dù ai có bỏ Thầy mặc kệ, nhưng con thì không. Con sẽ liều mạng vì Thầy.

Nói những lời trên, Phêrô chưa lường được sức mình. Và theo Chúa xa xa, bước vào nơi sân nhà của vị Thượng Tế, Phêrô đã liều mình thái quá, đã đặt mình vào trong hoàn cảnh nguy hiểm mà ông không thể làm chủ được nữa. Chỉ trong "nháy mắt" mà thôi, Phêrô đã sa ngã và thay đổi hẳn. Sự bất ngờ của cơn cám dỗ đã đánh ngã Phêrô. Linh mục Georges Chevrot đã phân tích thêm về hoàn cảnh bất ngờ phạm tội, như trường hợp của Phêrô, với những nhận định sâu sắc như sau:

"Giữa lúc mặt trời lặn và mặt trời mọc, một người có thể thiêu trọn điều mình tôn thờ, ngưng không cầu nguyện, không tin tưởng gì nữa cả, đánh mất trọn cả danh dự và nhân đức mình đã luyện tập được, bởi vì người đó đã bất ngờ rơi vào tội lỗi, lỗi phạm điều mà người đó không bao giờ ngờ trước là mình sẽ phạm. Tội lỗi nầy sẽ theo mãi người đó trong suốt cuộc đời còn lại, đảo ngược những xác tín đã có, thay đổi những phản ứng tình cảm, và làm cho con người đó như trở thành một người khác." "Sự bất ngờ của cơn cám dỗ phạm tội làm cho đương sự sa ngã dễ dàng. Khi những ước muốn xấu xa xuất hiện mạnh mẽ, thì đương sự dễ dàng lưu ý và phản ứng đề phòng. Nhưng nhiều lúc một cám dỗ nhẹ nhàng, một hoàn cảnh lờ mờ, có thể dẫn đến một tội trầm trọng, nặng nề. Vì không lưu ý đề phòng, nên tội mà đương sự nghĩ là mình không thể phạm được, bất ngờ xảy đến làm cho đương sự không có thời giờ chống trả. Sau nầy, khi nhìn lại những hoàn cảnh đã thôi thúc mình phạm tội, đương sự không thể nào vạch rõ ra yếu tố nào là yếu tố chính làm mình phạm tội; và đương sự sẽ nhận thấy là bất cứ tội nào mình cũng có thể tránh được cả, nếu biết tỉnh thức đề phòng và cầu nguyện."

Không thể theo Chúa xa xa, nửa chừng, do dự, và cũng không nên liều đưa mình vào sự nguy hiểm. Lỗi phạm của Phêrô khi chối Chúa là một sự bất ngờ, là một sự liều lĩnh của Phêrô đặt mình trong dịp tội. Phêrô không ngờ mình có thể đi đến việc chối bỏ Chúa Giêsu, Thầy mình, một cách bất ngờ và dễ dàng như vậy. Quan sát thêm về trường hợp nầy, chúng ta có thể nói thêm rằng: việc bất ngờ Phêrô chối Chúa, xét cho cùng, không phải là một bất ngờ, nhưng đã được "chuẩn bị" từ lâu trước. Cái chết bất ngờ đến với cơ thể con người, thật ra không phải là điều bất ngờ chút nào, mà là kết quả của sự hao mòn từ từ mỗi ngày một ít của cơ thể con người. Giống như việc một ngân hàng bị khánh tận, hay công việc đầu tư bị sạt nghiệp, không phải là điều bất ngờ, mà là điều được chuẩn bị từ từ, do bởi những quyết định sai lầm, từng bước một. Bức tường bị sụp đổ bất ngờ, nhưng không phải là điều bất ngờ, vì nó đã bị soi mòn từ từ, và đôi khi chỉ vì một lổ thủng nhỏ. Sự sa ngã của một người vào trong tội lỗi, xem ra như một bất ngờ, nhưng thật ra không bất ngờ chút nào cả. Ðó là kết quả của những hành động bất cẩn, ít nhiều vô ý, ít nhiều chiều theo cám dỗ. Có thể nói, khi phạm tội, đương sự đã có lỗi trước khi phạm tội, khi đương sự "giỡn chơi với lửa", khi đương sự khinh thường dịp tội, ỉ lại vào sức riêng mình và cho rằng mình không thể nào phạm tội được; có thể nói, đương sự như trở thành từ từ quen với hoàn cảnh, với điều lỗi phạm, để rồi bất ngờ, trong một giây phút ngắn ngủi, mù quáng, tự phụ, đương sự chối bỏ phẩm giá của mình, chối bỏ những lời thề hứa, chối bỏ đức tin. Ðương sự đã để mình sa ngã phạm tội, trước khi lỗi phạm. Mỗi người chúng ta đều có một hay nhiều yếu điểm. Những nhân đức đã luyện tập được, những tài năng mình có, tất cả không phải là bảo đảm chắc chắn cho đương sự không bị sa ngã. Chúng ta không nên mù quáng, không nên thờ ơ không canh chừng bảo vệ những yếu điểm của mình.

Phêrô có nhiều điểm tốt, nhiều khả năng, để được Chúa Giêsu chọn làm thủ lãnh tông đồ đoàn, làm Ðá Tảng trên đó Chúa xây dựng Giáo Hội. Nhưng Phêrô cũng có điểm yếu, và yếu điểm nầy có thể được chúng ta quan sát thấy xuất hiện nhiều lần, trong nhiều dịp khác nhau: yếu điểm đó là sự bồng bột nhất thời.

Linh mục Georges Chevrot, tác giả của tập sách về Thánh Tông Ðồ Phêrô, đã nhận định về dung mạo tinh thần của Phêrô trong hoàn cảnh chối Chúa như sau:

"Phêrô chỉ có một điểm yếu, phải, chỉ một điểm yếu mà thôi, nhưng đây là điểm yếu mà chúng ta thường thấy xuất hiện trong những lúc Phúc âm nhắc đến Phêrô; và điểm yếu đó là tính bồng bột nhất thời của ông. Mặc cho điều thiệt hại mà sự bồng bột nầy gây ra cho Phêrô lúc đó, và cho dù Chúa Giêsu đã lưu ý Phêrô nhiều lần về yếu điểm nầy, nhưng Phêrô xem ra như không muốn quan tâm đến nó, cả khi Chúa Giêsu công khai lên án những hành động vội vàng mà tính bồng bột nhất thời đã thôi thúc Phêrô hành xử như vậy. Chẳng hạn như liền sau khi Chúa loan báo về cuộc khổ nạn mà Ngài sẽ chịu tại Giêrusalem, thì Phêrô vội vàng lên tiếng can ngăn Chúa và bị Chúa trách ngay: Satan, hãy lui ra khỏi ta. Con không suy nghĩ theo Thiên Chúa mà theo cái nhìn phàm trần. Nơi vườn cây dầu, Chúa Giêsu đã cảnh tỉnh Phêrô và các tông đồ khác, hãy cầu nguyện, hãy coi chừng đề phòng, "vì tinh thần thì nhanh nhẹn, nhưng xác thịt lại nặng nề". "Phêrô, con không thức tỉnh với Thầy được một giờ sao?" Chúa yêu cầu hãy cầu nguyện như để được trang bị chống lại những nguy hiểm sắp xảy ra, nhưng Phêrô vẫn không thay đổi, vẩn là con người của giây phút nhất thời. Phêrô là con người nhiệt thành, quảng đại, không ai chối điều nầy; Phêrô có tính thẳng thắn, không vụ lợi cho riêng mình, và là con người can đảm. Nhưng tất cả những đức tính đó xem ra như đến từ một bản chất bồng bột bộc trực của Phêrô. Phêrô không phải là con người của suy tính lâu trước khi hành động. Ông là con người của phản ứng ngay tức khắc. Tính bồng bột bộc trực nầy là yếu điểm của Phêrô, vì ông không tính toán xem lúc nào cần hành động liền ngay, lúc nào không. Ông hành động mà không suy xét, và khi sơ sót lầm lỗi thì đi từ sự bất cẩn nầy đến sự bất cẩn khác. Phêrô làm hại cho chính mình, không kiểm soát được chính mình, và sa ngã trong dịp tội."

"Chúng ta cũng có thể hành động như Phêrô vậy. Những cám dỗ luôn tấn công vào những điểm yếu của chúng ta. Và nếu chúng ta không chăm lo bảo vệ điểm yếu nầy, thì chắc chắn cám dỗ sẽ hạ ngã chúng ta, mặc cho tất cả những điều tốt chúng ta có và cả sự thánh thiện nữa. Nếu điểm yếu bị ngã quỵ chịu thua, thì hành động tội lỗi xem ra như tự động theo liền, và chúng ta xem ra như không còn sức lực kháng cự lại nữa, bởi vì chính chúng ta là thủ phạm làm cho mình trở thành bất lực."

Ðó là những phân tích của linh mục Georges Chevrot, khi mô tả tinh thần của Phêrô trong đêm chối Chúa. Phêrô lúc đó đã vào bên trong sân nhà Thượng Tế Caipha, và xem ra như không có vấn đề gì. Và câu hỏi của người đầy tớ đối với Phêrô lúc đó, cũng là một câu hỏi tự nhiên theo lệ của hoàn cảnh lúc đó, khi thấy một người lạ hiện diện trong sân lúc đêm khuya như vậy. Khởi đầu nguời đầy tớ chỉ hỏi Phêrô xem Ông có phải là môn đệ của Người bị bắt kia không. Và Phêrô đã trả lời vội vàng, như không quan tâm gì: Tôi à? Không đâu. Phải chăng trong tâm tư, Phêrô chỉ muốn trả lời nhanh cho qua lúc, mà không có chủ ý chối bỏ Thầy mình? Giả như Phêrô trả lời người đầy tớ cách khác, chẳng hạn như Phêrô nhìn nhận mình là đồ đệ của nguời bị bắt, thì có lẽ cũng không đến nỗi nào. Có lẽ người đầy tớ kia chỉ khuyên Phêrô nên ý tứ, đừng quấy rầy lôi thôi. Thật ra Phêrô chỉ muốn vào trong sân để nghe ngóng sự việc, chớ đâu phải để làm lớn chuyện. Nhưng Pherô đã vội trả lời "Không". Câu trả lời mở ra một hướng mới. Buông lao thì phải theo lao. Ðịnh luật tâm lý lôi cuốn Phêrô theo chiều mà ông đã nhẹ dạ đi vào. Phêrô trở thành như kẻ nô lệ cho hành động vội vàng thiếu suy nghĩ của mình lúc đầu. Lời tra hỏi thứ hai cũng không có tính cách nghiêm trọng cho lắm. Một người đầy tớ chỉ đưa ra một nhận định vô thưởng vô phạt: Oâng nầy cũng theo Ông Giêsu Nazareth đấy. Phêrô lại chối, vì ông đã chối trước đó rồi, bây giờ không trở lui lại được nữa. Và lời chối của Phêrô trở nên trầm trọng hơn. Phúc âm ghi là Phêrô đã thề mà chối với người tớ gái rằng: "nầy cô, tôi không biết người ấy". Phêrô thật sự chỉ muốn dấu thân thế của mình thôi. Nhưng đối với Chúa Giêsu, dựa theo quy luật: ai không ở với ta là nghịch với Ta, thì Phêrô đã đặt mình trong nguy hiểm chối bỏ Chúa rồi. Phêrô đã hòa mình với những người trong sân, trao đổi trò truyện với họ, như thể không có gì xảy ra cả. Nhưng giọng nói của Phêrô làm cho những người ở đó thêm cương quyết hơn. Họ nhận xét: "Ông là người Galilê. Giọng nói của Ông cho biết như vậy." Và lần nầy, Phêrô lại thề thốt mạnh bạo hơn nữa. "Tôi không biết người ấy". Ðây là lần thứ ba. Phêrô đi từ lời nói tránh né nhẹ nhàng, đến lời nói chối bỏ rõ ràng. Gà liền gáy. Chỉ lúc đó Phêrô mới tỉnh ngộ và hối hận. Ông đã chối Chúa, mà thật ra không đáng làm như vậy.

Chỉ một ngón tay bị kẹt trong răng cưa, thì cả bàn tay sẽ bị cuốn đưa vào trong đó. Không thể nào có thái độ nửa chừng với tội lỗi. Chỉ một chút bất cẩn, Phêrô đã chối bỏ Chúa, chối bỏ chính mình. Nếu không làm chủ được dục vọng, đam mê, thì dục vọng và đam mê sẽ làm chủ chúng ta. Nếu chúng ta chiến đấu chống lại cám dỗ, thì Chúa sẽ ban ơn tăng cường giúp ta vượt qua. Chúa Giêsu đã dạy các tông đồ cầu nguyện: Xin Chớ để chúng con sa chước cám dỗ. Nhưng xin cứu chúng con cho khỏi sự dữ.

Chúng ta có lưu tâm đến điều nầy hay không? Chúng ta có cầu nguyện thật sự và đề phòng cẩn thận trước những cám dỗ hay không? Hãy canh phòng cả những bất cẩn nhỏ, khi chúng ta còn thời giờ và còn có thể làm như vậy. Những bất cẩn chưa phải là tội. Những nương chiều nhỏ chưa phải là tội nặng. Nhưng lại rất nguy hiểm, vì nó làm ta không còn đề phòng nữa. Ðọc lại bài học chối Chúa của Phêrô, chúng ta hãy cẩn thận đề phòng và hãy khiêm tốn, không nên ỉ lại, cả khi chúng ta là những kẻ đã dày công tu luyện, đã có thành tích nhiều năm sống đạo, nhiều nhân đức. Bao lâu chúng ta còn sợ tội, còn nhìn nhận là mình còn có thể phạm tội, thì bấy lâu chúng ta còn có thể đề phòng và tránh được tội. Nguy hiểm nhất là khi chúng ta không còn ý thức về tội, không còn nghĩ là mình có thể phạm tội nữa. Nguy hiểm trầm trọng nhất của con người thời nay là không còn ý thức về tội lỗi nữa, là giải thích hành động tội lỗi như một khuyết điểm tâm lý.


Back to Radio Veritas Asia Home Page