Chúa Giêsu và Phêrô
SIMON PETER

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines


XVII.
Chúa Giêsu Khuyên các môn đệ:
Hãy Tỉnh Thức và Cầu Nguyện

Bửa Tiệc Ly chấm dứt. Chúa Giêsu đưa các môn đệ đến vườn Giếtsêmani, nơi Chúa và các ông trước đây thường hay đến. Trên đường đi đến vườn, Chúa Giêsu loan báo: Tất cả anh em sẽ vấp ngã, vì Kinh Thánh đã chép: Ta sẽ đánh người chăn chiên, và chiên sẽ tan tác. Nhưng Phêrô liền thưa: Dù tất cả có vấp ngã đi nữa, thì con đây cũng nhất định là không. Chúa Giêsu nói với Phêrô: Thầy bảo con, hôm nay, nội đêm nay, gà chưa kịp gáy hai lần, thì con đã chối Thầy đến ba lần. Nhưng Phêrô lại nói quả quyết: Dù có phải chết với Thầy, con cũng không chối thầy. Tất cả các môn đệ cũng đều nói như vậy. Ðó là bản tường thuật của tác giả Phúc âm theo thánh Marcô, nơi chương 14,26-31, về tâm thức của các môn đệ, và nhất là của Phêrô, lúc đó, lúc Chúa sắp bước vào vườn Giếtsêmani.

Tất cả đều nhất quyết theo Chúa cho đến cùng, nhất quyết không chối Chúa. Nhưng Chúa Giêsu biết rõ sức con người như thế nào. Ngài không thất vọng về các ông, nhưng căn dặn trước: "Nhưng sau khi sống lại, Thầy sẽ đến Galilê trước anh em." Chúa Giêsu tiếp tục con đường khổ nạn, và đặt ra điểm hẹn mới ở Galilê, chớ không phải nơi đồi Golgotha, nơi điểm chết trên thập giá. Và để đi đến điểm hẹn mới, Chúa Giêsu phải đi trọn con đường thập giá, và các môn đệ trải qua cuộc thử thách cam go. Ðể đi qua con đường nầy, đúng theo thánh ý Thiên Chúa Cha, Chúa Giêsu đã cầu nguyện: "Lạy Cha, nếu có thể được, thì xin cho con khỏi uống chén nầy. Nhưng không theo ý con, một xin vâng theo ý Cha mà thôi." Trước đó, Chúa đã dạy các tông đồ lời Kinh Lạy Cha: Vâng ý Cha duới đất cũng như trên trời. Xem ra như các môn đệ chưa hoàn toàn ý thức về tầm mức quan trọng của sự cố mà Chúa và các ông đang trải qua. Các ông không thể cùng canh thức và cầu nguyện với Chúa. Cả ba tông đồ, Phêrô, Giacôbê và Gioan, những kẻ đã được Chúa đặc biệt xếp đặt theo Chúa lên núi chứng kiến biến cố Chúa biến hình, và giờ đây thì được Chúa đưa đến gần nơi Chúa cầu nguyện, hơn các tông đồ khác, cả ba ông cũng không tỉnh thức và cầu nguyện, mà lại ngủ say. Tác giả Phúc âm theo thánh Marcô, mà truyền thống cho là đồ đệ của thánh Phêrô, là người duy nhất ghi lại Lời Chúa trách riêng Phêrô trong giây phút đó như sau: Simon, con ngủ à? Con không thức nổi một giờ hay sao? Anh em hãy canh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối. Sau những lời trên, Chúa lại đi cầu nguyện như trước. (x. Marcô 14,37-38).

Tâm hồn quảng đại của các tông đồ, và cả của mỗi người chúng ta hôm nay, đều có giới hạn. Những ước muốn thành thật của các tông đồ ngày xưa, và của chúng ta hôm nay, cũng có giới hạn. Chúng ta không thể đo lường lòng sốt sắng của chúng ta theo Chúa, chỉ bằng mức độ mạnh yếu của những ước muốn suông. Bao lâu chúng ta chưa thể diễn tả những ước muốn đó ra bằng hành động, thì những ước muốn đó còn ở trong bình diện nói suông mà thôi. Ðể vâng phục thánh ý Thiên Chúa, mỗi người chúng ta đều cần ơn Chúa trợ giúp. Và để được ơn Chúa trợ giúp, thì cần phải tỉnh thức và cầu nguyện. Tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối. Hãy tỉnh thức và cầu nguyện, để đừng bị rơi vào chước cám dỗ. Ðời chúng ta trải qua nhiều cám dỗ. Tỉnh thức và cầu nguyện, không phải là để đừng bị cám dỗ, nhưng là để đừng bị ngã quỵ trong cám dỗ. Cầu nguyện và phạm tội không thể đi chung với nhau cùng một lúc được. Một người sống kết hiệp thật sự và mạnh mẽ vào Chúa, thì không thể nào không vâng phục thánh ý Chúa: Vâng Ý Cha dưới đất cũng như trên trời. Tỉnh thức và cầu nguyện, đó là bí quyết thành công vuợt qua được những cám dỗ. Sự tỉnh thức tinh thần nầy cần được thể hiện trong một chương trình sống cụ thể, để nâng đỡ những điểm yếu của chính mình, để gìn giữ ta khỏi những liều mạng nguy hiểm, để đừng nhường bước dễ dàng trước cám dỗ, để không bỏ qua những gì tốt đẹp mà ta đã quyết định làm. Một chương trình sống cụ thể, giúp ta kiểm soát một cách hữu hiệu những ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài. Ðó là phương thế để tỉnh thức. Và trong sự tỉnh thúc đề phòng, chúng ta duy trì mối giây liên kết giữa ta và Chúa, duy trì việc cầu nguyện, để luôn luôn có sẵn và có đầy thần lực của Chúa. Phêrô, con không thức được với Thầy một giờ sao? Con ngủ sao? Hảy tỉnh thức và cầu nguyện để đừng sa vào chước cám dỗ.


Back to Radio Veritas Asia Home Page