Chúa Giêsu và Phêrô
SIMON PETER

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines


XV.
Bài Học của Lỗi Lầm:
Tình Yêu có thể
trở thành tự phụ

Cuộc đời của Phêrô, nhất là những sơ sót lỗi lầm của ngài, luôn luôn là những đề tài hết sức quen thuộc cho những suy tư tu đức. Những lỗi lầm của ngài cũng thường là những lỗi lầm của chúng ta, và có giá trị hướng dẫn chúng ta vượt qua những giây phút ngã lòng. Thánh Phêrô đã khiêm tốn công khai hóa những lỗi lầm của mình trong giáo hội sơ khai, và xem đó như là dịp để chứng tỏ với Chúa tâm hồn thống hối ăn năn thật sự. Với bài suy niệm hôm nay, chúng ta bắt đầu đi vào giai đoạn quan trọng của mối tương quan giữa Chúa Giêsu và thánh tông đồ Phêrô, trong khung cảnh của mầu nhiệm Vượt Qua, mầu nhiệm của cuộc khổ nạn, chết và sống lại của Chúa Giêsu. Biến cố khai mạc cho giai đoạn nầy là bửa tiệc ly và việc Chúa Giêsu cúi mình rửa chân cho các tông đồ, và Phêrô là người đầu tiên phải đối diện với hành động đặc biệt nầy của Chúa. Là Ðá Tảng trên đó Chúa Giêsu xây dựng Giáo Hội, là kẻ đã được Chúa chọn trao cho chìa khóa Nước Trời, thánh Phêrô hơn ai hết, phải là kẻ đầu tiên đón nhận bài học Rửa Chân được Chúa thực hiện cho các môn đệ trong bửa tiệc ly. Bầu khí lúc đó thật là trang trọng và khẩn trương, vì các môn đệ có thể đã cảm nghiệm được giờ hy sinh của Chúa đến gần. Trong khi mà các tông đồ, và cả Phêrô nữa, đều chưa lĩnh hội hết ý nghĩa của bài học Rửa Chân, thì cá nhân Phêrô lại phải đương đầu với một thách thức mới liên quan đến chính mình. Tác giả Phúc âm theo thánh Gioan đã mô tả nhiều chi tiết quan trọng liên quan đến biến cố nầy, nơi bốn chương 13,14,15,16, của Phúc âm theo thánh Gioan.

Chúng ta hãy cố gắng trở về với bầu khí trang trọng của bửa tiệc ly, và chú ý quan sát những tâm tình của Chúa Giêsu và của các tông đồ, nhất là của Phêrô, trong giây phút đó. Sau khi Rửa Chân cho các ông, Chúa Giêsu giải thích ý nghĩa: đây là bài học về tình yêu thương phục vụ lẫn nhau. Rồi Chúa Giêsu "xúc động, xao xuyến" loan báo điều không may lành chút nào. Chúa nói: "Thật, Thầy bảo thật anh em, có một người trong anh em sẽ nộp Thầy". Sao, một kẻ phản bội trong hàng ngủ của nhóm 12, của những người đã được Chúa chọn riêng ra, đã sống với Người từ mấy năm qua? Nghe những lời loan báo nầy, chắc chắn Phêrô phải bị xúc động mạnh lắm. Phêrô không thể nào chấp nhận một hành động phản bội như vậy của anh em, và của chính mình đối với Chúa. Phêrô chưa có khiêm tốn đủ, để chấp nhận lỗi lầm của anh em và của cả chính mình. Phêrô muốn biết nguời phản bội đó là ai, nên ra hiệu cho Gioan, đang ngồi gần bên Chúa, để hỏi cho biết. Ðây cũng là phản ứng tự nhiên. Con người tầm thường chúng ta hay có thái độ nầy, muốn tò mò biết xem kẻ khác xấu đến mức độ nào, muốn biết xem ai là kẻ phản bội Chúa. Phêrô và các tông đồ, ngoại trừ Gioan ra, chưa biết được người đó là ai, thì Giuđa nhận lệnh của Chúa: Việc con muốn làm thì hãy làm mau đi. Giuđa ra đi giữa sự bỡ ngỡ của các môn đệ lúc đó. Vài người tưởng rằng Chúa Giêsu nói với y: "hãy mua những món cần dùng trong dịp lễ", hoặc bảo y bố thí cho người nghèo (Gioan 13,29). Khi Giuđa đi rồi, Chúa Giêsu bắt đầu những lời nhắn nhủ quan trọng. "Giờ đây, Con Nguời được tôn vinh, hỡi anh em, những người bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi, Thầy ban cho anh em một điều răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em. Ở điểm nầy, mọi người sẽ biết anh em là môn đệ của Thầy, là anh em có lòng yêu thương nhau." (x. Gioan 13,31-35).

Những thử thách trong tương lai mà các tông đồ, các đồ đệ của Chúa phải trải qua, thì quả thật là muôn hình vạn trạng. Chúa Giêsu không chỉ cho các ông bí quyết để tránh, mà bí quyết để sống qua, để thành công biến những thử thách, những gian nan đó, trở thành nguồn ân phúc cho mình và cho anh chị em. Bí quyết đó được Chúa Giêsu mặc khải trong Bửa Tiệc Ly, bằng hành động và lời nói, bằng việc cử hành Bí Tích Thánh Thể, để luôn sống kết hiệp với Ngài và với nhau, trong tình thương, để "ở lại trong tình thương". Trong giây phút đó, Phêrô chưa thể lĩnh hội trọn vẹn bài học. Phêrô chưa lường trước được khả năng của mình. Ông nghĩ là ông sẽ không như người phản bội mà Chúa vừa nói đến, nên đã công khai bộc lộ: "Con sẽ thí mạng con vì Thầy". (Gioan 13,37). Nơi Phúc âm theo thánh Mathêu, thì chúng ta có thêm lời tuyên bố sau đây của Phêrô: "Dù tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa, thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã" "Dù có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy" (Mt 26,33.35). Phêrô lúc đó rất tự tin vào tình thương của mình đối với Chúa.

Phêrô hỏi Chúa thêm: "Thưa Thầy, Thầy đi đâu vậy? Chúa Giêsu trả lời: Nơi Thầy đi, bây giờ con không thể theo đến được; nhưng sau nầy, con sẽ đi theo." Phêrô thưa: Thưa Thầy, sao con lại không thể đi theo Thầy ngay bây giờ được? Con sẽ thí mạng con vì Thầy. Chúa Giêsu đáp: Con sẽ thí mạng con vì Thầy ư? Thật, thầy bảo cho con biết: gà chưa gáy, con đã chối Thầy ba lần" (Gn 13,36-38).

Mẩu đối thoại trên giữa Chúa Giêsu và thánh Phêrô gợi lên trong chúng ta nhiều ý nghĩ.

Chúa Giêsu không từ chối tình thương của Phêrô đối với Chúa, một tình thương sẵn sàng làm cho ông muốn đi theo Chúa bất cứ nơi nào Chúa đi, cùng chết với Chúa, hay đúng hơn, sẵn sàng chết thay cho Chúa. "Con sẽ thí mạng con vì Thầy". Chúa Giêsu không từ chối, nhưng ngài dành tình thương đó lại vào lúc khác: "Nơi Thầy đi, bây giờ con không thể theo đến được. Nhưng sau nầy, con sẽ đi theo". Phêrô còn phải ở lại để lãnh đạo Giáo Hội Chúa, thực thi chương trình của Chúa. Chúa muốn thanh luyện tình thương của Phêrô đối với Chúa. Chúa như muốn nhắc nhở cho Phêrô biết rằng tình thương của Phêrô đối với Chúa còn non yếu, chưa đủ sức đối đầu với thử thách đang chờ đón Phêrô: Con muốn thí mạng sống vì Thầy ư? Thật, Thầy bảo thật cho con biết: gà chưa gáy, con đã chối Thầy ba lần." Tình yêu của con người, tự sức mình chỉ yêu mến Chúa đến mức độ nầy thôi. Tình yêu của lời hứa vì sốt mến lúc ban đầu, nhưng tự nó không đủ sức đi xa, vượt qua những thách thức.

Khi Phêrô nói: "Con sẵn sàng thí mạng sống con vì Thầy", Phêrô không nói láo. Và cũng không táo bạo hứa ẩu. Phêrô thành thật khi nói với Chúa như vậy. Chúa biết Phêrô yêu mến Chúa. "Thầy biết con yêu mến Thầy mà". Và Phêrô cũng đã hành động để chứng tỏ tình yêu mến của mình đối với Chúa. Ðó là khi nhóm lính đến vườn cây dầu để bắt Chúa, thì Phêrô đã rút gươm bênh vực Chúa. Tác giả Phúc âm theo thánh Guioan đã ghi lại biến cố nầy, nơi chương 18, câu 10 như sau: "Ông Simon Phêrô có sẵn một thanh gươm, bèn rút ra, nhằm người đầy tớ vị Thượng Tế, mà chém đứt tai phải của y. Nguời đầy tớ ấy tên là Mankho. Chúa Giêsu nói với Phêrô: Hãy xõ gươm vào bao. Chén đắng Chúa Cha đã trao cho Thầy, lẽ nào Thầy chẳng uống".

Ðó, Phêrô chứng tỏ tình thương thành thật của mình như vậy. Tình thương con người phàm trần cản trở chuơng trình của Thiên Chúa, cản trở Chúa Giêsu thực hiện Thánh Ý Thiên Chúa Cha. Ðây không phải là lần đầu tiên tình thương phàm trần của Phêrô cản trở Chúa Giêsu thực hiện chương trình của Thiên Chúa Cha. Trước đây, khi Chúa Giêsu loan báo về cái chết của Ngài tại Giêrusalem, thì Phêrô cũng đã nhanh nhẹn lên tiếng ngăn cản Chúa, đến độ bị Chúa trách: Hãy lui ra khỏi ta, Satan. Con không suy nghĩ theo cách thức của Thiên Chúa mà của con người phàm trần. Phêrô còn cần được thanh tẩy rất nhiều. Tình thương của Phêrô đối với Chúa còn cần được thanh luyện, để trở nên mạnh mẽ hơn. Tự sức mình con người chỉ yêu mến Chúa đến một giới hạn nào đó mà thôi: "Con sẽ thí mạng sống mình vì Thầy ư? Thật, Thầy bảo cho con biết: gà chưa gáy, con đã chối Thấy ba lần." Thử thách vừa đến, không được bao lâu, "gà chưa gáy", mà tình thương của Phêrô đã bị phá vở rồi. Ðó là bài học cho chúng ta ngày hôm nay. Hứa yêu mến Chúa mà thôi, chưa đủ. Yêu mến Chúa với sức riêng của mình mà thôi cũng chưa đủ. Cần phải cầu nguyện.

Cầu xin Chúa ban cho chúng ta được ơn yêu mến Chúa. Xin Chúa dạy chúng ta biết yêu mến Chúa. Xin Chúa ban cho chúng ta sức mạnh của Chúa, ân sủng của Chúa, để yêu mến Chúa.

Ðó là điều mà Chúa Giêsu nhắc các môn đệ, trong bài diễn văn dài trong bửa tiệc ly, mà tựu trung là: Hãy ở lại trong tình yêu Thầy. Hãy sống liên kết với Thầy, như ngành nho vào thân nho. Không Thầy, chúng con không làm gì được. Sau giây phút sa ngã, Phêrô hiểu rõ bài học nầy hơn. Và có thể chúng ta cũng vậy.

Ước muốn của Phêrô là ước muốn thành thật, khi Ông nói với Chúa: Con sẽ thí mạng con vì Thầy (Gn 13,37). Và Chúa Giêsu chắc cũng vui lòng vì đó. Nhưng Ngài sẽ vui lòng hơn nữa, nếu Phêrô không cậy dựa vào sức riêng mình để yêu mến Ngài, để hy sinh cho Ngài, mà trái lại biết khiêm tốn nương tựa vào Chúa, để yêu mến Chúa. Nói cách khác, ước muốn phải được đưa vào trong lời cầu nguyện, để có thể hữu hiệu và bền vững. Chúa Giêsu muốn chúng ta có ước nguyện yêu mến Ngài, muốn chúng ta ao ước đạt đến sự trọn lành của tình yêu thương, muốn cho những dự án tông đồ của chúng ta to lớn. Nhưng, còn hơn thế nữa, những ước muốn, mơ ước, của người Kitô, của người đồ đệ phải được đưa vào trong lời cầu nguyện, phải được trở thành lời cầu nguyện. Chúng ta cần Ơn Chúa để thực hiện những ước muốn tốt đẹp. Quy luật hành động của Phúc âm là: Không Thầy, chúng con không làm chi được. Hãy ở trong tình yêu Thầy. Và: "Ai nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên."

Thánh Philip Neri đã soạn ra cho chính mình nhiều lời nguyện tắt, để giúp mình nhớ đến Chúa, sống khiêm tốn trước nhan Ngài. Thánh Nhân không dám dùng công thức: Lạy Chúa, con yêu mến Chúa. Nhưng dùng công thức: Lạy Chúa Giêsu, con sẽ không thể yêu mến Chúa cho đủ, nếu Chúa không giúp con. Con đã không bao giờ yêu mến Chúa, giờ đây con ao ước yêu mến Chúa, nhưng nếu Chúa không giúp con, thì con sẽ không yêu mến Chúa cho đủ, sẽ thất bại.

Thánh Philip Neri còn đi xa hơn nữa đến độ thánh nhân cầu nguyện như sau: Lạy Chúa, xin lưu ý, con có thể phản bội Chúa, có thể xúc phạm đến Chúa, nếu Chúa không trợ giúp con."

Lời Thánh Vịnh chúng ta đọc hằng ngày luôn nhắc nhở chúng ta: Ơn Phù Trợ chúng ta ở nơi danh Chúa, là Ðấng tạo thành trời đất. Chúng ta yếu đuối, nhưng lại được Thiên Chúa quyền năng hiện diện sẵn bên cạnh để trợ giúp. Mà chúng ta thì lại thường thờ ơ với điều nầy. Bài học của Thánh Phêrô có thể thức tỉnh chúng ta, và chúng ta hãy quyết định hằng ngày cầu nguyện, hằng giờ nâng tâm hồn mình lên cùng Chúa nhờ lời nguyện tắt:

Trong ngày sống, chúng ta cần những giây phút cầu nguyện, nâng tâm hồn mình lên cùng Chúa, nhờ qua những lời nguyện tắt tự phát giống như vậy, để giúp ta "thánh hóa lý tưởng sống của mình" mà không rơi vào sự tự phụ kiêu ngạo, không rơi vào sự ỉ lại. Trong đời sống thiêng liêng, chúng ta không thể nào tiến lên trưởng thành, và cũng không thể nào duy trì đà tiến mỗi ngày một tốt đẹp hơn, nếu chúng ta quên sự "mỏng dòn không đủ sức của mình", hay nói theo ngôn ngữ của Thánh Phaolô Tông Ðồ, nếu chúng ta không xác tín rằng "tất cả những tài năng của chúng ta đều đến từ Thiên Chúa" (2 Co 3,5), nếu chúng ta không thực hiện được lý tưởng sống như thánh Phaolô "Tôi sống, nhưng không phải là tôi mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi." " Nhờ ơn Chúa, tôi được như thế nầy". Thánh Phaolô không dấu giếm những cố gắng, những hy sinh của chính ngài, nhưng đồng thời ngài cũng ý thức là có Chúa cùng làm việc với ngài. Nơi thơ 1 Côrintô chương 15, câu 10, ngài đã tâm sự như sau: Tôi đã làm việc cực nhọc nhiều hơn tất cả, nhưng đúng hơn, không phải là riêng một mình tôi, nhưng có ân sủng của Chúa cùng hoạt động với tôi." Thánh Phaolô hãnh diện không phải nơi công việc đã làm được, nhưng nơi chính những yếu đuối của ngài, nơi kinh nghiệm của bản thân về những thiếu sót của mình, vì chính trong những thiếu sót, bất toàn, yếu đuối đó, sức mạnh của Thiên Chúa được thể hiện.

"Thưa Thầy, con sẵn sàng thí mạng sống con vì Thầy", Phêrô đã thành thật tuyên bố như vậy, để dâng hiến cho Chúa trọn cả con người ông. Chúa Giêsu có thể nói là chấp nhận lễ dâng nầy của Phêrô, nhưng Chúa nhắc thêm: "Trước khi gà gáy, con sẽ chối thầy ba lần"." Con chưa theo Thầy ngay bây giờ được", "Con sẽ theo Thầy sau nầy". Phêrô quên rằng ông không thể hy sinh trước Chúa, hy sinh trước hy sinh của Chúa. Chúa dâng hiến chính mình cho chúng ta trước, chịu chết cho chúng ta trước, để rồi sau đó, chúng ta có được sức mạnh để theo Ngài.

Mỗi người chúng ta cần nhớ rõ rằng sự thánh thiện không phải là một cái gì dễ đạt đến trong chớp mắt, với một quyết định của ý chí mà thôi. Không phải như vậy. Không phải hễ muốn nên thánh là đã thánh thiện rồi. "Không phải những ai chỉ nói: Lạy Chúa, Lạy Chúa, là vào được Nước Trời". Mỗi người chúng ta cần đạt đến sự thánh thiện, một cách có hệ thống, bằng những cố gắng hằng ngày, từng bước một tiến lên sự thánh thiện, và trưởng thành trong sự thánh thiện. Mỗi ngày một ít lầm lỗi hơn, mỗi ngày một trở nên tốt lành hơn. Từng bước một, ta tiến đến sự thánh thiện, và thường khi giữa bước thứ nhất và bước thứ hai, ta bị té ngã nhiều lần. "Trước khi gà gáy, con đã chối thầy ba lần."

Hơn nữa chúng ta cũng nên nhớ lại rằng sự thánh thiện của mỗi người có đặc sắc khác nhau, riêng biệt cho cảnh sống của từng người. Không có sự thánh thiện bắt chước giống nhau. Sự thánh thiện của người mẹ trong gia đình mang hình thức khác, có đặc điểm khác với sự thánh thiện của một nữ tu dòng kín, chẳng hạn. Thiên Chúa ban cho mỗi người một ơn gọi riêng. Ngài gọi chúng ta tiến đến sự thánh thiện từ trong hoàn cảnh cụ thể của mỗi người. Ngài ban cho mỗi người ơn sủng trợ giúp phù hợp với ơn gọi và sứ mạng riêng. Chúng ta không thực hiện chương trình mà chúng ta tự mình bày vẽ ra, nhưng là chương trình của Thiên Chúa, tại nơi Chúa muốn, vào lúc Chúa muốn. Bất cứ nơi nào Thiên Chúa an bài cho chúng ta, thì nơi đó chúng ta có vai trò không thể thay thế được. Nói cách khác, Thiên Chúa trao cho mỗi người một sứ mạng riêng, không ai có thể thay thế ta chu toàn sứ mạng đã lãnh nhận. Chúng ta không nên so sánh nhìn sang lãnh vực hay sứ mạng của kẻ khác. Chúa Giêsu Phục sinh đã nói với Phêrô, khi ông thắc mắc về số phận tương lai của Gioan, người đồ đệ được Chúa yêu mến. Chúa Giêsu phục sinh đã nói với Phêrô: Giả như Thầy muốn người đó còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến con. Phần con, hãy theo Thầy" (Gn 21, 22).

Có lúc Chúa sẽ nói với mỗi người chúng ta: Nơi Thầy đi, con chưa thể đến được ngay bây giờ. Sau nầy, con sẽ đến. Rồi sẽ đến lúc, Chúa nói: Phần con, hãy theo Thầy. Chúng ta đừng dâng cho Chúa điều Chúa không muốn nơi chúng ta. Hãy dâng cho Chúa tất cả và bất cứ điều gì Chúa muốn. "Ðây, con sẽ thí mạng sống con vì Thầy". Hãy cố gắng lắng nghe Chúa nói với mỗi người, để biết Chúa muốn gì nơi mỗi người. Hãy sẵn sàng chấp nhận việc bổn phận. Hãy sẵn sàng để cho Chúa quyết định phần đóng góp của chúng ta, và nhiều ít tùy theo ý Chúa. Thánh Vinh Sơn đệ Phaolô, khi nhận thấy Chúa không làm xong một nửa công việc mà quyền năng vô cùng của Chúa có thể làm, đã rút ra kết luận như sau: "Hãy bắt chước Chúa, Thầy chúng ta, đặc biệt trong việc giữ chừng mực của Ngài. Ngài đã không muốn làm tất cả những gì quyền năng Ngài có thể làm, để dạy cho chúng ta bài học biết bằng lòng , khi chúng ta không làm tất cả những gì chúng ta ao ước." Ðôi khi chúng ta mơ ước làm những gì đâu đâu, mà lơ là với chính công việc bổn phận hằng ngày.

Thưa Thầy, con sẵn sàng liều mạng sống vì Thầy. Phải, Phêrô đã nói lên những lời đó với hết tình yêu thương chân thành đối với Chúa. Nhưng, tình thương chân thành nầy, trong giây phút trước cuộc tử nạn của Chúa, không to lớn cho bằng tình thương chân thành mà Phêrô có sau khi đã chối Chúa, một tình thương phát sinh từ tâm hồn khiêm tốn ăn năn sau lúc lầm lỗi và được tha thứ. Chúng ta hãy sẵn sàng theo Chúa, dâng Chúa những gì Chúa muốn, và xin Chúa ban cho chúng ta sức mạnh của Chúa, để chu toàn điều Chúa muốn.


Back to Radio Veritas Asia Home Page