Phêrô nói với Chúa Giêsu: Thầy mà đi rửa chân cho con sao? (Gn 13,6).
Dù đã được Chúa Giêsu huấn luyện đặc biệt hơn dân chúng, được nhìn thấy những dấu lạ Chúa đã thực hiện, nhưng cho đến phút chót, khi sắp bước vào bửa Tiệc Ly với Chúa, các môn đệ còn tranh tụng với nhau xem ai là kẻ lớn nhất trong Nước Chúa. Trên đường tiến về Giêrusalem, nhóm tông đồ đã tỏ ra ganh tị với hai anh em con ông Giêbêđê, vì đã dám xin "cho được ngồi bên tả bên hữu Chúa". Vì thế, trong Bửa Tiệc Ly, Chúa Giêsu bất ngờ đứng lên, bưng chậu nước đến quỳ xuống rửa chân cho Phêrô trước tiên. Phêrô vội vàng phản đối: "Không thể được. Thầy mà rửa chân cho con sao? Con không bao giờ để Thầy rửa chân cho con đâu." Chắc chắn không phải chỉ có Phêrô phản đối mà thôi, nhưng những tông đồ khác cũng không thể nào đồng ý để Chúa làm như vậy. Chúa Giêsu đã trả lời cho Phêrô: Nếu Thầy không rửa chân cho con, thì con không thể dự phần nào với Thầy được nữa cả. Phêrô chưa thể hiểu hết ý nghĩa của câu nói của Chúa Giêsu, nhưng Phêrô không thể nào để mất đi "mối tương quan Thầy-Trò" mà ông quý trọng nhất. Vì thế từ thái cực nầy, Phêrô sang thái cực khác: Vậy, thưa Thầy, không những chỉ rửa chân, mà rửa tất cả, đầu tay chân con." (Gn 13,9). Và sau khi đã thi hành xong việc Rửa Chân cho tất cả các tông đồ, Chúa Giêsu trở lại chỗ của mình, và giải thích như sau:
Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? Anh em gọi Thầy là Thầy, là Chúa, điều đó phải lắm, vì Thầy quả thật là Thầy, là Chúa. Vậy nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như thầy đã làm cho anh em (Gn 13,12-14).
Mặc dù Chúa Giêsu giải thích cho tất cả, nhưng chắc hẳn Phêrô hiểu bài học trên có liên quan đến chính mình nhiều nhất, như là kẻ đã được Chúa chọn làm "Ðá Tảng trên đó Giáo Hội Chúa được xây lên". Phêrô chắc hẳn chưa quên được lời Chúa hứa trao cho ông nắm giữ "Chìa Khóa" Nước Trời. Quyền hành Chúa trao cho không phải là để thống trị trên kẻ khác, mà là để phục vụ, như Chúa đã có lần giảng dạy: Ta đến không phải để được hầu hạ, được phục vụ, mà là để phục vụ cho kẻ khác. Ai là kẻ lớn nhất trong anh em, phải là kẻ nhỏ nhất, phục vụ mọi người. Sự cao cả của Phêrô hệ tại nơi việc phục vụ tất cả những ai Chúa trao phó cho.
Thái độ nội tâm đầu tiên cần phải có, để chu toàn lời dạy nầy của Chúa Giêsu là thái độ khiêm tốn. Càng khiêm tốn, thì càng sẵn sàng phục vụ, sẵn sàng trở nên người tôi tớ của anh chị em, của tất cả mọi người. Thánh Phaolô tông đồ, nơi thơ Philiphê chương 2, câu 3, đã trình bày nguyên tắc sống sau đây: Mỗi người trong anh em hãy có lòng khiêm tốn mà nghĩ rằng người anh em kia hơn mình. Trong viễn tượng Kitô, chúng ta có thể nói là những hoàn cảnh, những địa vị thấp hèn, không làm cho người ở trong địa vị đó, trở nên thấp hèn. Ðó là những hoàn cảnh, những vai trò, những cơ may, để mỗi người phục vụ Chúa và anh chị em, với hết khả năng, sức lực của mình. Sự cao cả của một người không hệ tại ở trách vụ được trao phó cho, nhưng hệ tại ở cách thức người đó chu toàn trách vụ.
Sự khiêm tốn, trong thực tế, trong thân phận làm người, là nhân đức giúp ta thực hiện sự công bằng. Nó giúp ta nhìn nhận và khen ngợi điều tốt bất kỳ điều tốt có mặt nơi đâu. Nhờ khiêm tốn, chúng ta thẩm định được phẫm giá của anh chị em, và kính trọng phẩm giá đó. Từ sự kính trọng nầy, chúng ta sẽ dễ dàng thực hiện những việc phục vụ vì tình thương, chu toàn trọn vẹn đức bác ái đối với anh chị em.
Lạy Chúa, xin giải thoát con khỏi sự kiêu ngạo, làm cho con mù quáng trước những nhu cầu của anh chị em và xa rời với mẫu gương khiêm tốn phục vụ như Chúa. Xin cho con biết quên mình, để sống yêu thương và phục vụ mỗi ngày một hữu hiệu hơn. Amen.