Bấy giờ Ông Phêrô đến gần Chúa Giêsu và hỏi rằng: Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha thứ đến mấy lần? Có phải bảy lần không? Chúa Giêsu đáp: Thầy không bảo con là đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy (Mt 18,21-22).
Trong phúc âm chúng ta có thể ghi nhận chú tâm đặc biệt của Chúa Giêsu đối với việc huấn luyện riêng cho các tông đồ. Ngoài việc giảng dạy cho dân chúng, Chúa Giêsu thường dành riêng thời gian để giải thích thêm cho các môn đệ. Ðối với Phêrô, nơi chương 18 của Phúc âm theo thánh Mathêu, chúng ta ghi nhận một cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và Tông đồ Phêrô như sau:
Bấy giờ Ông Phêrô đến gần Chúa Giêsu và hỏi rằng: Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha thứ đến mấy lần? Có phải bảy lần không? Chúa Giêsu đáp: Thầy không bảo con là đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy (Mt 18,21-22).
Sự tha thứ cho nhau là một trong những đề tài giáo lý được Chúa Giêsu lưu ý đến nhiều. Trong bài giảng trên Núi, hiến chương của Nước Trời, và nơi Lời Kinh Lạy Cha mà Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ -- tất cả được ghi lại nơi chương 5 của Phúc âm theo Mathêu -- Chúa Giêsu đã nhấn mạnh đến điểm nầy. Bản năng muốn trả thù ăn rể sâu nơi con người đến độ chúng ta có thể xem việc tha thứ như là một thái độ hèn nhát. Chúa Giêsu đã phải nhấn mạnh đến thái độ tha thứ nhiều lần và nhiều cách. Dịp thôi thúc Phêrô đến hỏi Chúa xem phải tha thứ cho anh chị em đến mấy lần, đến bảy lần chăng, là khi Chúa Giêsu trình bày giáo lý về việc sửa lỗi cho anh chị em. Chúa Giêsu xem ra như nhấn mạnh đến tình thương bác ái như là mẫu mực cho thái độ giữa những đồ đệ của Chúa đối với nhau. Phêrô thắc mắc với Chúa về giới hạn của tình thương đó. Phải tha cho anh chị em đến mấy lần? Luật Môisen thì dạy đến ba lần. Phêrô nới rộng ra đến bảy lần. Con số 7 trọn hảo, gấp hai lần luật Môi sen dạy. Nhưng dù sao cũng vẫn còn có giới hạn. Câu trả lời của Chúa Giêsu, không có nghĩa là gia tăng lên đến 70 lần con số 7, tức 490 lần. Nhưng có nghĩa là không còn giới hạn nữa, không còn tính toán xem đến bao nhiêu lần nữa. Tiếp liền với câu trả lời cho Phêrô, Chúa Giêsu kể lại dụ ngôn về nguời đầy tớ mắc nợ chủ, được chủ tha nợ, nhưng lại không biết noi gương chủ mà tha thứ cho anh chị em. Lời Ông chủ nói với người đầy tớ không biết tha thứ, giúp chúng ta hiểu thêm ý của Chúa Giêsu về bài học tha thứ:
"Hỡi tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao? Và Chúa Giêsu kết luận dụ ngôn như sau: Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời, cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình (Mt 18,32tt).
Chúng ta có thể lưu ý đến hai chi tiết mà Chúa Giêsu muốn lưu ý Phêrô và các môn đệ: tha thứ hết lòng và tha thứ như Thiên Chúa Cha tha thứ cho chúng ta. Tha thứ hết lòng là tha thứ thật lòng. Phải có lòng tha thứ, và nếu có lòng sẵn sàng tha thứ rồi, thì không cần tính toán, đến sổ xem bao nhiêu lần nữa.
Chúng ta cũng lưu ý thêm rằng: ở đây, Chúa Giêsu không nói gì đến phần mà kẻ gây ra sự xúc phạm phải làm. Chúa nói đến ở nơi khác, chẳng hạn như nơi đầu chương 18, khi Chúa nói về việc đừng làm gương xấu cho trẻ nhỏ, về việc Thiên Chúa Cha không muốn cho bất cứ ai phải hư mất. Như mục tử nhân lành, Chúa đi tìm con chiên lạc, để đem trở về đoàn.
Rao giảng sự tha thứ không giới hạn, Chúa Giêsu không có ý nhượng bộ hay chấp nhận sự ngoan cố của người phạm lỗi, gây ra xúc phạm cho anh chị em. Ở đây, khi nói về sự tha thứ không giới hạn, như Thiên Chúa tha thứ cho ta, Chúa Giêsu muốn nói đến thái độ của nguời bị xúc phạm: không nên nuôi dưỡng tâm tình trả thù, mà phải biết tha thứ. Tha thứ có giới hạn bao nhiêu lần, có nghĩa như là không tha thứ. Giả sử như Chúa Giêsu đặt ra một giới hạn bao nhiêu lần, thì có thể chúng ta, hay anh chị em sẽ chú tâm vào việc đếm sao cho mau đủ số lần, để rồi sau đó có thể hành động để thỏa mãn bản năng trả thù. Tha thứ có giới hạn, tha thứ theo con số, sẽ làm phát sinh sự ích kỷ thêm mà thôi. Phêrô và các môn đệ theo bên cạnh Chúa không có chọn lựa nào khác hơn là tha thứ thật lòng và tha thứ như Chúa đã tha thứ.
Nguời đồ đệ của Chúa phải sống theo sự thôi thúc của tình thương đối với Chúa và đối với anh chị em, chớ không theo tình thương ích kỷ đối với chính mình. Người đồ đệ Chúa phải xét xử và hành động theo ánh sáng của Chúa Thánh Thần và với những tâm tình của Chúa Giêsu Kitô. Nói rộng thêm, người đồ đệ của Chúa Kitô không đặt giới hạn cho điều tốt mà mình muốn làm. Hãy thực hiện điều tốt với hết lòng sẵn sàng, hết sức mình có thể, và theo như mẫu gương của Chúa.
Lạy Chúa, xin thương ban cho con con tim của Chúa, để con biết sống yêu thương và thực hành tha thứ như Chúa đã nêu gương. Amen.