Chúa Giêsu và Phêrô
SIMON PETER

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines


XI.
Theo Chúa Khi Vui
cũng như khi buồn

Chúa Giêsu đã bắt đầu tác vụ rao giảng công khai với lời chứng của Thiên Chúa Cha trước mặt nhiều người đang hiện diện để lãnh lấy phép Rửa Thống Hối của Gioan Tiền Hô. Ðó là biến cố Chúa Giêsu chịu phép Rửa nơi sông Giordan, biến cố được các tác giả phúc âm kể như là biến cố khai mạc tác vụ rao giảng công khai của Chúa Giêsu: Ðây là Con ta rất yêu dấu, đẹp lòng Ta. Hãy nghe Lời Người. Rồi với biến cố Chúa Biến Hình trên núi Tabor, như được thuật lại nơi chương 9 Phúc âm theo thánh Marcô và nơi các đoạn song song trong các Phúc âm khác, Chúa Giêsu bước vào có thể nói là giai đoạn thứ hai của cuộc đời rao giảng Tin Mừng. Chúa Giêsu đã tổng kết giai đoạn thứ nhất với hai câu hỏi đặt ra cho các môn đệ: Nguời ta bảo Con Nguời là ai? Và chúng con, chúng con bảo Thầy là ai? Lúc đó Phêrô đã mạnh dạn tuyên xưng: Thầy là Ðức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống. Và liền đó, Chúa Giêsu mạc khải cho các tông đồ con đường sống trên trần gian, giữa loài người, của Ðấng là Con Thiên Chúa: con đường đi qua mầu nhiệm Thập Giá. Thánh Phêrô, vì lòng yêu mến tự nhiên đối với Chúa Giêsu, đã an ủi Chúa như sau: Không thể nào xảy ra chuyện nầy cho Chúa được đâu. Con Thiên Chúa quyền năng mà làm sao chết được trong tay con người? Nhưng Chúa Giêsu cương quyết đi trên con đường Thập Giá, và trách Phêrô: Satan, hãy lui ra. Con suy nghĩ theo cách thức tự nhiên của con người, chớ không phải theo cách thức của Thiên Chúa. Trong giây phút quan trọng nầy, một cuộc can thiệp của Thiên Chúa Cha, một lời xác nhận của Thiên Chúa Cha, là điều cần thiết cho sự trưởng thành đức tin của các môn đệ. Chúa Giêsu chọn riêng ra ba môn đệ: Phêrô, Giacôbê và Gioan, để theo Ngài lên núi. Và trên núi đó, Chúa Biến Hình uy nghi cao cả trước mặt các ông, cho phép đôi mắt phàm trần của các ông nhìn thấy một chút vinh quang thần thiêng của Ngài, vinh quang của Con Một Thiên Chúa Cha, vinh quang mà Con Một đã có từ trước muôn đời. Phêrô lại nghe được lời chứng của Thiên Chúa Cha: Ðây là Con Ta yêu dấu. Và không những chỉ có Lời chứng của Thiên Chúa Cha, mà còn có sự hiện diện của hai vị Tiên Tri cao cả của Cựu Ước là Môi Sen và Elia, đến nói chuyện với Chúa Giêsu về cái chết của Ngài tại Giêrusalem. Như thế, ba môn đệ có mặt nói chung, và Phêrô nói riêng, được chỉ cho biết rằng Mầu Nhiệm Thập Giá mà Chúa Giêsu vừa nhắc đến dưới chân núi, không phải là điều do Chúa tự bịa ra trong lúc xuống tinh thần vì những chống đối, mà là điều nằm trong chương trình thực hiện ơn cứu rỗi, do Thiên Chúa Cha đề ra, và chuẩn bị trong suốt lịch sử cựu ước của Dân Chúa. Hy sinh của Chúa trên thập giá là hy lễ đã được an bày trước, được các vị tiên tri của Thiên Chúa loan báo trước.

Nhưng phản ứng của Phêrô lúc đó ra sao? Một lần nữa, chúng ta ghi nhận thái độ không trọn hảo của Phêrô. Qua lời nói, mà sau nầy hồi tỉnh lại, Phêrô không biết mình đã nói gì, qua lời nói: Thưa Thầy, ở đây tốt lắm. Chúng con sẽ xây lên ba lều cho Thầy và cho Môisen và Elia. Phêrô không muốn xuống núi, không muốn va chạm với những phiền phức, những chống đối nghịch lại Chúa Giêsu, trong cuộc sống giữa mọi người duới chân núi. Phêrô muốn ở lại trên núi để chiêm ngắm vinh quang Chúa biến hình, hơn là xuống núi, trở về lại với cuộc sống đầy phiền phức vì những tranh chấp, chống đối. Sau nầy, Phêrô hiểu rõ hơn thái độ không trọn vẹn đó của mình. Thánh sử Marcô, người đồ đệ của Tông đồ Phêrô, đã ghi lại chi tiết có thể do chính Phêrô nói lại, đánh giá phản ứng của Phêrô trong biến cố Chúa Biến Hình. Ðó là chi tiết nói: Phêrô không biết mình nói gì.

Phêrô muốn vui hưởng thị kiến Chúa vinh quang, và không còn muốn sống trong Ðức Tin nữa. Nhưng trên trần gian nầy, cuộc sống trong Ðức Tin là điều không thể nào tránh bỏ đi được. Thị kiến vinh quang Chúa, là những giây phút ngoại thường, ngắn ngủi , để khuyến khích, nâng đỡ Ðức Tin, chớ không thể thay thế Ðức Tin. Thị kiến Vinh Quang Thiên Chúa, mặt đối mặt, là phần thưởng cuối cùng cho những ai bền đỗ đến cùng, chu toàn trọn vẹn sứ mệnh lãnh nhận trên trần gian nầy.


Back to Radio Veritas Asia Home Page