Vấn Nạn Ngừa Thai Và Phá Thai

Lm. Trần Mạnh Hùng, DCCT

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Ngừa Thai (Phần III)

Tiến Tới Việc Ðánh Giá Luân Lý

Những Phương Pháp Ngừa Thai Nhân Tạo

 

Mỗi toan tính nhằm tìm hiểu và cảm thông về vấn đề hôn nhân tính dục, các quí vị đã có gia đình, trước hết cần thừa nhận việc vợ chồng Ki-tô giáo sử dụng những cử chỉ thân mật trong đời sống hôn nhân như cách để diễn tả tình yêu tự hiến và quảng đại của họ, vốn được chúc phúc phong nhiêu; không những để tăng cường mối giây liên kết hôn nhân của họ mà còn để cho ra đời con cái thân thiết nữa. Với mục đích này, Humanae Vitae có lý để mời gọi vợ chồng duy trì những khả năng cao cả của nhân loại trong việc giao hợp, đó là hãy để tình yêu của họ mở ngõ cho việc mong đợi, ao ước và sẵn sàng để sinh hạ con cái.

Tuy nhiên, hoàn cảnh mà vợ chồng phải đối đầu không hẳn là lúc nào cũng luôn luôn tốt đẹp cho lý tưởng trên; họ phải thực tế xem xét những tài nguyên cá nhân, thể lý và tâm thần mà họ có, để có thể thích ứng với những điều kiện xã hội và kinh tế của cuộc sống. Thông Ðiệp trấn an vợ chồng là họ được biện minh hợp với luân lý, khi quyết định chỉ giao hợp vào những giai đoạn nào đó trong tháng mà người vợ không thể thụ thai; qua đó, vợ chồng chính đáng diễn tả ước muốn luân lý tránh thụ thai cháu bé. Sau khi thừa nhận được phép làm như vậy cách hợp luân lý, nghĩa là giao hợp mà không muốn và không có ý định có con, thì câu hỏi được nêu ra, là tại sao các phương pháp khác ngoài sự tiết dục định kỳ lại không được sử dụng cách hợp với luân lý nhằm vào việc không muốn có con?

Trước câu hỏi được đặt ra như vậy, người ta tìm thấy một câu trả lời phủ định đến từ cả hai phía, từ Thông Ðiệp Humanae Vitae và giáo huấn truyền thống lâu đời của Giáo Hội Công Giáo. Lý do được đưa ra là giao hợp mà ngừa thai như thế, là hành động chống lại với trật tự tự nhiên đã được Thiên Chúa muốn và thiết định. Vì Người hằng muốn những chiều kích truyền sinh và thông hiệp của hành vi vợ chồng phải được duy trì bất khả phân rẽ với nhau.

Nhưng như chúng ta đã từng phân tích với nhau trước đây, hướng suy luận như vậy dường như bị gãy đổ trong thực tế, qua chính trật tự tự nhiên Thiên Chúa đã không đắn đo chỉ cho thấy những chiều kích truyền sinh và thông hiệp của tính dục con người có thể phân rẽ và thực tế đã được phân lìa nhau - trong trường hợp người nữ hoàn toàn vô sinh, hoặc trong những giai đoạn vô sinh mỗi tháng nơi người vợ. Nghĩa là trong những thời điểm mà trứng chưa rụng.

Quả nhiên trong hai trường hợp kể thì trên hành vi giao hợp rõ ràng mất đi tính chất mở ngõ cho sự truyền sinh, vậy có lẽ không nên cấm vợ chồng sử dụng phương pháp hay kỹ thuật ngừa thai nào đó để bảo đảm rằng những thời gian giao hợp mà không có truyền sinh theo như tự nhiên đã muốn và chỉ định được giữ nguyên trạng như vậy. Câu hỏi thật sự là vợ chồng có được phép hay không, hợp với luân lý, tách lìa và bỏ đi ý nghĩa truyền sinh của tính dục khỏi ý nghĩa thông hiệp với nhau, ngoài những thời gian do trật tự tự nhiên của Chúa đã xác lập. Như ta sẽ thấy, một số các nhà thần học Công Giáo chủ trương rằng: nếu xét thấy vợ chồng hành xử có trách nhiệm và hành động ngừa thai không do não trạng ích kỷ hoặc quá thiên về vật chất, thì việc họ sử dụng phương pháp ngừa thai nhân tạo không trở thành điều xấu luân lý hay tội lỗi và không mắc lỗi luân lý khách quan.

Nhưng cần lưu ý ngay, là tuy nói rằng sử dụng phương pháp ngừa thai nhân tạo không tất yếu là vô luân, nhưng không có ý rêu rao rằng việc giao hợp kết hợp với ngừa thai là một hành vi hoàn toàn vô tính. Trái lại, nhiều nhà thần học chấp nhận vợ chồng có thể sử dụng có trách nhiệm, các phương thế ngừa thai là minh nhiên, nhắm đến các phản giá trị mà các phương thế đó có sẵn. Tuy nhiên những phản giá trị này được xem như không thuộc về thực tế của sự xấu luân lý (moral evil), nhưng đúng hơn thuộc lãnh vực những sự xấu tiền-luân-lý (pre-moral evil) hoặc thuộc phi-luân-lý (non-moral evil). Về những phương cách ngừa thai, cố thần học gia luân lý lỗi lạc người Mỹ, Richrard A. McCormick mô tả chúng như là "những sự xấu tiền-luân lý" chỉ nên xem chúng như là "những sự can thiệp bất ưng" xảy đến trong đời sống vợ chồng - vốn hằng mong mỏi hạn chế số người phải nuôi ăn, nuôi học trong gia đình.

Nhằm giải thích sự xấu phi luân hoặc tiền-luân lý mà khi giao hợp có ý ngừa thai gây ra, Philip Keane nêu lên sự kiện là hành vi được chủ động khép lại khả năng truyền sinh; ông cũng nêu thêm những vấn đề về vật lý và tâm thần vốn sóng đôi với những kỹ thuật hay phương cách ngừa thai khác nhau. Dầu vậy, Keane kết luận: "Nếu vợ chồng phải đối đầu với những vấn đề nghiêm trọng về y học, tâm lý hoặc kinh tế (khiến phải tránh thụ thai), nhu cầu về những giá trị nhân bản liên quan đến mối thông hiệp tính dục của họ dường như đủ biện minh cho việc họ sử dụng những phương thế kiểm soát sinh sản là chính đáng."

Ðem một phản giá trị hoặc điều xấu tiền luân lý như vậy vào trong đời sống của họ, không phải là điều mà vợ chồng muốn toa rập với nhau để hành động thiếu suy nghĩ đâu; tuy nhiên, cho dẫu họ có hối tiếc vì đã phải làm như thế, họ cần hành xử "với lương tâm tốt lành và với sự xác tín, sau khi đã đắn đo suy tính, là hành vi của họ hợp luân lý cách khách quan." Keane nhắc nhở chúng ta: là cần có đủ lý do xác đáng để cho phép xảy ra sự xấu tiền luân lý là chính việc ngừa thai nhân tạo; thật ra, nếu vợ chồng là nguyên cớ để cho phép sự xấu tiền luân lý đó xảy ra cách không cần thiết hoặc thiếu lý do tương xứng, thì thực chất họ đã phạm tội chống lại luân lý rồi. Nói cách khác, chính những hoàn cảnh nghiệt ngã não nề cách khách quan mà vợ chồng phải rơi vào, khiến cho việc giao hợp kèm theo việc ngừa thai trở nên sự xấu tiền luân lý, chứ không phải là một tội luân lý khách quan.

Nhằm ủng hộ lập trường này, McCormick cho thấy sự phân biệt giữa sự xấu luân lý (moral evil) và điều xấu phi luân hoặc tiền luân lý (pre-moral evil) đã được thừa nhận từ lâu trong truyền thống luân lý của Giáo Hội Công Giáo và phải được thông suốt nằm lòng trong những quyết định của chúng ta về những phương pháp ngừa thai nhân tạo. Truyền thống luân lý của Giáo Hội Công Giáo luôn cho rằng: không phải bất cứ giết chóc nào đều là tội sát nhân cả, bất cứ điều gì nhằm che giấu sự thật đều là nói dối đâu, cũng như đâu phải cứ lấy của người khác là phạm tội ăn cắp...

Cần để ý trước khi hành vi trở thành tội luân lý, thì phải xem xét cẩn thận. Cái nhìn sít sao này sẽ tỏ bày cho ta hiểu tận căn nguyên, truyền thống luân lý đã dạy rằng, những điều xấu nối kết với hành vi con người, trở thành tội luân lý chính trong chừng mực chúng thiếu sự biện minh tương xứng. Vậy thì tại sao chân lý đó không được áp dụng cho vấn đề tránh thụ thai khi giao hợp? Nếu có lý do tương xứng để được phép lấy đi đôi lúc chính mạng sống, thì tại sao không thể có lý do để "phế bỏ" tính chất thụ thai khỏi hành vi tính giao (giao hợp) hoặc thậm chí có lúc bỏ luôn khả năng ấy? Ðây chính là vấn đề đã được tranh cãi từ xưa đến nay.

Song song với những nhận xét trên đây, John H. Wright, S.J. đã viết một bài rất hay và đáng cho chúng ta suy nghiệm về vấn đề đánh giá luân lý việc giao hợp có chủ ý ngừa thai. Ông cho rằng, trong chính sự việc tranh cãi vợ chồng không nên trực tiếp can thiệp vào khả năng truyền sinh của sự giao hợp, Humanae Vitae đang đặt ra cho họ cái được gọi là "lý tưởng bó buộc" vốn "kêu gọi họ phải tích cực và tự chủ" tận lương tâm. Khi giải thích lập trường của mình, Wright trước hết thừa nhận có bốn loại lý tưởng bó buộc.

1) Loại thứ nhất không thể thực hiện được nơi bất cứ đời sống thiện hảo nào trên dương gian này. Do vậy, là những con người bình thường, chúng ta không thể hoàn toàn đáp ứng vào sự đòi buộc từ Kinh Thánh, đòi chúng ta yêu mến Thiên Chúa hết linh hồn, trái tim, sức lực - nghĩa là toàn bộ hữu thể của ta; cũng như không bao giờ chúng ta có thể trọn hảo như Cha chúng ta, Ðấng ngự trên trời (Mt 5, 48).

2) Loại lý tưởng bó buộc thứ nhì là loại có thể thực hiện được. Tuy nhiên, chúng ta cảm nhận rằng "những hoàn cảnh ngoại tại làm cho việc thực hiện chúng lúc này trở nên không thể được." Do vậy, mặc dầu thế giới đầy dẫy tài nguyên đủ để nuôi ăn kẻ đói kém, cho người rách rưới đủ áo mặc, cho đỗ nhà người vô gia cư, và cứ như vậy đó..., thế nhưng, xảy ra là "những vấn đề khó khăn về vận tải và giao thông, cộng thêm sự vô cảm và lòng tham của con người, cùng với sự than vãn mất thì giờ, mất sức làm cho những lý tưởng trên không thể thực hiện được trong hiện tại."

3) Loại lý tưởng bó buộc thứ ba bao gồm những lý tưởng vốn "hoàn toàn rõ rệt có thể thực hiện được, ít ra có lúc." Ví dụ: lý tưởng trung thành được thể hiện nơi những con người anh dũng kiên trì cho đến chết gắn bó hết mình cho "lời thề hứa đạo đức hoặc hôn nhân."

4) Sau cùng, loại lý tưởng bó buộc thứ tư bao gồm những lý tưởng "có thể thi hành cả trong lẫn ngoài" khi "được nhắm thẳng đến mục tiêu và loại trừ khỏi toàn bộ hoàn cảnh;" dầu vậy, khi "được xem xét với những hoàn cảnh bao quanh sẵn chờ," có thể xảy ra là những lý tưởng này lại "không thể hay không cần được thực hiện."

Theo Wright, lý tưởng "giao hợp mở ngõ cho khả năng thụ thai" thuộc vào loại lý tưởng bó buộc thứ tư trên đây. Ông so sánh nó, giữa những giá trị khác, với lý tưởng nói sự thật vào mọi lúc và do vậy không bao giờ có ý định làm cho ai phải thất vọng. Nhưng đôi lúc, do phải duy trì một giá trị cao cả hơn và cấp bách hơn như phải bảo vệ nhân vật (phía) thứ ba khỏi kẻ tấn công vô lại, do vậy cần để qua một bên lý tưởng nói sự thật và như thế, tôi chủ tâm đánh lạc hướng anh ta, để anh ta không tìm ra địch thủ của mình.

Dĩ nhiên, trong tình huống này, lý tưởng nói lên sự thật vẫn còn vang vọng trong tôi, nhưng chỉ ở mức độ ý nghĩa đó thôi, bởi hiện tại tôi không lấy làm tiếc đang nói dối kẻ trong tiềm năng tấn công; tuy nhiên, tôi lấy làm tiếc đã phải nói trí trá với anh ta. Nói cách khác, tôi lấy làm tiếc vì những hoàn cảnh đã đưa đẩy tôi xa rời lý tưởng phải nói sự thật.

Wright cũng đưa ra bản phân tích tương tự về hoàn cảnh mà vợ chồng đang bị đưa đẩy vào. Lý tưởng giao hợp mở ngõ cho khả năng sinh sản hằng đeo đuổi họ, đã nhập tâm nơi lòng trí họ, nhưng bởi những lý do chính đáng và tương xứng khiến họ mất đi tự chủ, thế là lý tưởng "có thể và đôi lúc phải dẹp qua một bên."

Và do vậy, khi ấy vợ chồng muốn làm cho những thời kỳ có thể thụ thai thành vô sinh bằng sự giao hợp uống kèm thêm thuốc ngừa thai, mà đáng ra họ chỉ nên giao hợp với nhau khi người vợ an toàn, có thể nói họ lấy làm tiếc phải làm như thế, chứ trong hiện thực họ không được làm điều đó. Họ lấy làm tiếc phải phân rẽ những khía cạnh thông hiệp và truyền sinh trong hành vi biểu lộ tình yêu vợ chồng của họ, chứ họ không nhắm đến chính sự phân rẽ.

Cần ghi nhận là Wright xem cả hai thứ: tiết dục định kỳ và giao hợp ngừa thai đều là hành vi xa rời khỏi lý tưởng giao hợp mở ngõ cho thụ thai. Nói cách khác, trên thực tế và trong ý định, giao hợp trong những thời kỳ vô sinh không phải là "giao hợp mở ngỏ cho khả năng thụ thai;" cũng như vậy cho sự giao hợp đi kèm với sử dụng những phương thế gọi là nhân tạo. Nhưng cả hai loại giao hợp có thể biện minh phù hợp với luân lý; Wright cũng không đề nghị là sự giao hợp kèm với uống thuốc ngừa thai đòi hỏi sự lý giải lớn hơn sự giao hợp trong ý định vốn chỉ dành cho những lúc vô sinh.

Tuy nhiên, trong bất kỳ trường hợp nào, vợ chồng sẽ hối tiếc về những lý do khiến họ xa lìa (khỏi lý tưởng giao hợp mở ngõ cho khả năng thụ thai) theo sự cần thiết hay sự khuyên bảo, chứ không phải hối tiếc chính sự xa lìa. Sau cùng, chúng ta có thể đưa ra một đề nghị là khi vợ chồng với trách nhiệm mà phải xa lìa lý tưởng giao hợp mở ngõ cho khả năng truyền sinh, lúc ấy họ có liên quan đến điều mà chúng ta gọi là sự xấu phi luân hoặc sự xấu tiền luân lý, nhưng Wright không dùng những từ ngữ này.

 

Sau khi đã thảo luận với nhau như vậy, chúng ta có thể kết luận về khía cạnh luân lý của sự giao hợp tránh thụ thai như sau. Truyền thống Ki-tô giáo rõ rệt chủ trương: là những sự diễn tả tính dục nhân loại trọn vẹn và phong phú nhất đều phải mở ngõ cho cả hai chiều kích "thông hiệp" và "truyền sinh". Cũng như phải công nhận rằng vấn đề giao hợp, có ý tránh thụ thai, thường ngăn cản mục tiêu sinh học cấp thời của hành vi vợ chồng.

Nói rõ hơn là bằng việc sử dụng các phương pháp ngừa thai nhân tạo, khi giao hợp thì điều ấy cản ngăn việc thụ thai, lẽ ra có thể trở thành hiện thực trong một hành động ái ân giữa hai vợ chồng. Nhưng nên nhớ, không phải bất cứ một hành vi giao hợp nào cũng có thể gây nên việc thụ thai như đã giải thích (Xem bài viết Ngừa Thai - Phần II).

Ngược lai, chúng ta cần nhớ rằng, trong ý nghĩa trọn vẹn nhất của nó, chiều kích truyền sinh của tính dục nhân loại có hướng nhằm đến thiện ích và hạnh phúc của con cái, và do vậy nó bao hàm nhiều mặt khác, hơn là chỉ nhằm đến sự cưu mang một sự sống mới.

Vợ chồng còn mang trách nhiệm vất vả chăm sóc sự sống mới đó, sau khi đã cưu mang và sinh hạ; con cái cần được giáo dục và chăm sóc trong yêu thương. Nếu do vợ chồng muốn gìn giữ ý nghĩa trọn vẹn và mục tiêu của chiều kích truyền sinh trong sự giao hợp này khỏi những mối nguy hiểm nghiêm trọng, nên đôi lúc có giới hạn hay ngăn chận mục đích sinh học cấp thiết của sự thụ thai, thì quyết định của họ có thể được phán đoán là có lý do chính đáng để hành động như vậy. Bởi lẽ theo sự khôn ngoan cho thấy, ta nên xét đến từng hành vi đơn lẻ của việc giao hợp theo cách thức là chúng góp phần quan trọng cho sự ổn định trọn vẹn của cuộc sống hôn nhân và gia đình.

Nhưng chiều hướng suy nghĩ như trên không thể tìm thấy trong Humanae Vitae đâu: "Vì Thông Ðiệp nhấn mạnh quả sai lầm khi suy nghĩ rằng hành vi vợ chồng được chủ động làm cho vô sinh và do vậy là hành vi xấu tự bản chất hay xấu tự tại (intrinsic evil), lại có thể làm cho trở nên lương thiện và ngay thật vì lý do sự toàn vẹn đời sống hôn nhân và hạnh phúc đòi buộc thế" (HV, #14).

Theo ý kiến của một số nhà thần học, hai vợ chồng có thể quyết định phù hợp với luân lý chọn lựa một vài cách thức giao hợp, trong đó có áp dụng việc tránh thai, nhưng dĩ nhiên những nhà luân lý này chỉ chấp nhận với hai điều kiện như sau:

1. Hai vợ chồng phải đồng ý với nhau việc ngừa thai là một lựa chọn luân lý phải theo - xét theo hoàn cảnh - và cả hai đồng ý quyết định khi chọn lưa phương pháp này;

2. Hai vợ chồng cần phải chân thật, không úp mở để thỉnh thoảng tái lượng giá về cảnh huống của mình, nhằm cốt tránh bị mắc vào cạm bẫy ở cái nôm na gọi là "não trạng ngừa thai" là mối nguy cơ căn bản và thường xuyên đe dọa đến cuộc sống hôn nhân và gia đình.

Năm 1980, Tổng Giám Mục John Quinn, Giáo Phận San Francisco, đề cập đến một cuộc nghiên cứu, cho thấy 76.5% các bà mẹ Công Giáo Mỹ đã lập gia đình và ở độ tuổi có thể sinh nở, hiện đang sử dụng một trong những hình thức nào đó để ngừa thai, trong đó 94% các bà đã dùng những phương pháp mà Giáo Hội chính thức cấm đoán. Nhưng các con số thống kê không phải là để cho phép giải quyết vấn đề mà hiện nay đang được xem xét, vì liệu rằng những phương pháp đang sử dụng này có được thừa nhận hợp pháp cách luân lý hay không.

 

Lm. Trần Mạnh Hùng, DCCT (Roma)

 

(Trích dẫn từ Ephata Việt Nam số 66, năm 2002)


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page