Vấn Nạn Ngừa Thai Và Phá Thai

Lm. Trần Mạnh Hùng, DCCT

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Ngừa Thai (Phần II)

Phản Ứng Của Giới Thần Học

Ðối Với Humanae Vitae

 

Nhiều thần học gia và nhiều vị khác đã cảm thấy cần thiết phải lên tiếng chỉ trích bản phân tích trong Thông Ðiệp Humanae Vitae (Sự sống con người), cho đó như lời giải thích của Giáo Hội nhằm cấm đoán vợ chồng không được ngừa thai trong khi giao hợp. Một vài chỉ trích tập chú vào điều được xem như vấn đề không nhất thống cơ bản của chính bản văn Thông Ðiệp; số khác thách đố tính hợp pháp và sự phù hợp luân lý trong việc phân biệt giữa sự tiết dục định kỳ (hoặc áp dụng theo chu kỳ kinh nguyệt nơi phụ nữ), và cái nào Hội Thánh chấp nhận là phương pháp ngừa thai "tự nhiên" và cái nào cho là "nhân tạo". Sau đây chúng ta thử nêu cả hai loại chỉ trích trên. Chúng ta khởi đầu bằng những chỉ trích nhắm đến một trong những xác quyết cơ bản của Thông Ðiệp.

 

1. Liệu Những Ý Nghĩa Của Tính Dục Phu Phụ: Truyền Sinh Và Thông Hiệp Có Thể Tách Lìa Nhau?

Như đã đề cập, Humanae Vitae (HV) cho rằng Thiên Chúa đã muốn sự nối kết bất khả phân ly giữa hai ý nghĩa của hành vi vợ chồng (HV, #12). Nhưng chính trên luận điểm này, Richard McCormick - Thần học gia dòng tên - nêu ra là dường như Thông Ðiệp đã mâu thuẫn với những gì đã được xác quyết trước đó: chẳng hạn hành vi tính giao "vẫn hợp luật, nếu do nguyên nhân độc lập với ý muốn của vợ chồng, như bị chứng vô sinh chẳng hạn, thì chúng vẫn được sắp đặt để diễn tả và tăng cường sự hiệp nhất yêu thương của vợ chồng" (HV, #11). Chính chỗ này mà McCormick cho thấy Thông Ðiệp thừa nhận những sự giao hợp đơn thuần chỉ còn một ý nghĩa: diễn tả và làm tăng cường tình yêu vợ chồng. Nhưng bản văn dường như rõ rệt cho phép hiểu ngầm ở đây là "việc mở ngõ cho truyền sinh" chấm dứt và vắng mặt chính mỗi khi vợ chồng giao hợp trong những thời kỳ người vợ không có khả năng thụ thai, nghĩa là lúc bấy giờ trứng chưa rụng. Nếu sự giao hợp mất đi tính mở ngõ hướng đến sự truyền sinh vào những thời gian vô sinh tự nhiên, vậy thì rõ rệt tính chất sự mở ngõ này có thể xem như tách biệt khỏi sự biểu lộ tình yêu vợ chồng trong hành vi tính giao. Và McCormick kết luận:

Trong những hành vi tính giao vô sinh này những khía cạnh hiệp nhất và truyền sinh tách lìa nhau. Ðiều này có nghĩa rằng có chỗ (HV, #11) dường như không chủ ý hiểu ngầm một sự tách lìa hiển nhiên của hai khía cạnh thông hiệp và truyền sinh của hành vi giao hợp trong thời kỳ vô sinh. Ở chỗ khác (HV#12) giáo thuyết lại cho rằng từng hành vi tính giao phải mở ngõ cho sự sống mới, có nghĩa là nói đến sự nối kết bất khả phân ly giữa ý nghĩa truyền sinh và hiệp nhất yêu thương... vốn hiện diện chung với nhau trong hành vi vợ chồng.

Cần ghi nhận là trong chính đoạn mà chúng ta đang tìm hiểu (HV#11), bản văn viết như sau "Thiên Chúa đã đặt định cách khôn ngoan những định luật và chu kỳ thụ thai tự nhiên khiến từ đó (con người) có thể tách lìa những lần sinh nở liên tiếp." Chúng ta có thể lập luận hữu lý, theo tôi nghĩ, là trung thành với chiều hướng suy luận đã có trước đoạn văn này một chút trong bức Thông Ðiệp, câu trích dẫn như trên có thể hiểu chính xác như sau: "Thiên Chúa đã đặt định cách khôn ngoan những định luật và chu kỳ thụ thai tự nhiên khiến từ đó có thể có sự tách lìa về hai ý nghĩa truyền sinh và hiệp nhất của hành vi vợ chồng."

Thiên Chúa, dường như qua những định luật thuộc bản tính thể lý biểu lộ qua những chu kỳ thông thường nơi thân thể người nữ, đã cho phép chúng ta hiểu rằng hai ý nghĩa của tính dục hôn nhân không những có thể tách lìa nhau mà trong thực tế chúng đã tách lìa nhau vào những thời điểm mà người phụ nữ không thể thụ thai. Do vậy, rõ ràng là không phải mọi và từng hành vi giao hợp đều mở ngõ cho sự truyền sinh. Chính đây mới sinh chuyện, vì lý lẽ Giáo Hội đưa ra để chống lại việc ngừa thai nhân tạo chủ yếu dựa trên tiền đề là "Thiên Chúa đã muốn sự nối kết bất khả phân ly giữa hai ý nghĩa của hành vi tính giao" (HV, #12), xem ra là lý chứng gây nhiều tranh cãi.

Cho nên tôi thiết nghĩ, lý chứng để phản đối việc ngừa thai nhân tạo cần được tìm ở chỗ khác. Việc này không thể cấm đoán đơn thuần chỉ dựa vào "tính chất bất khả phân rẽ" hằng được rêu rao giữa những khía cạnh hiệp nhất yêu thương và truyền sinh của tính dục, trong khi trên thực tế có lúc Thiên Chúa đã phân rẽ rõ rệt. Nhưng tạm thời bây giờ, ta hãy chuyển sang câu hỏi khác, vấn đề được đặt ra theo kiểu khác: giả sử cho đi là Thiên Chúa, theo những định luật tự nhiên, đã ban phép có sự phân rẽ giữa ý nghĩa truyền sinh và hiệp nhất, liệu nhân loại có dám toan tính bảo đảm đẩy xa một sự phân lìa như thế theo sáng kiến của họ không? Giáo Hội có thể trả lời câu hỏi này bằng thể phủ định, nhưng Giáo Hội không thể hữu lý làm thế khi đơn thuần chỉ dựa theo kiểu giải thích lập trường của mình rằng Thiên Chúa đã muốn sự nối kết bất khả phân rẽ giữa hai chiều kích truyền sinh và thông hiệp của tình yêu trong từng hành vi giao hợp.

Ðể phản ứng: một là phủ nhận ý tưởng về sự bất khả phân rẽ của ý nghĩa truyền sinh và hiệp nhất của hành vi vợ chồng và hai là phủ nhận xác quyết của Giáo Hội: "mọi và từng hành vi giao hợp trong đời sống hôn nhân phải mở ngõ cho sự truyền sinh".

Gần đây trên tuần báo The Tablet bên Anh Quốc đã xuất hiện một kiểu lý sự và lập luận khá hấp dẫn gây chú ý cho nhiều học giả. Giáo sư Adrian Hastings cho rằng giao hợp, trên thực tế, không luôn luôn thuộc bản chất của nó là "mở ngỏ cho sự sống". Vì theo ta biết, sự thụ thai không phải lúc nào cũng luôn luôn xảy ra sau mỗi lần vợ chồng giao hợp với nhau. Nói một cách rõ hơn, không phải bất kỳ lúc nào vợ chồng giao hợp với nhau thì đều thụ thai cả. Từ đó, ta suy ra để đi đến một nhận định rằng: tự nhiên đã được Thiên Chúa trù liệu sao cho sự thụ thai không thể luôn luôn xảy ra theo sau sự giao hợp. Thiên nhiên do vậy đã sắp xếp có hai loại giao hợp: một loại theo sinh học "mở ngõ cho truyền sinh", loại khác thì không.

Hastings nói tiếp: cả hai loại giao hợp trên đều có chức năng tích cực theo những mục tiêu của thiên nhiên; trên thực tế, cả hai loại đều "có mục tiêu sinh học: một loại có thể thụ thai và xảy ra họa hiếm hơn, đem thai nhi vào đời; loại kia, không thụ thai và diễn ra thường xuyên, lại cung cấp cho cháu bé - sắp sửa chào đời - một mái nhà êm ấm và sự nuôi dạy ổn định." Chứ nếu không thì quả thực rất kẹt, vì nếu cứ sanh như "thỏ" thì lấy đâu ra mà nuôi cho đầy đủ.

Ý nghĩa nhận xét của Hastings có lẽ còn thâm thúy hơn điều ông đã diễn tả trước đây, như ông cho biết sau này, rằng cả hai loại giao hợp đều liên quan đến thiện ích và hạnh phúc của con cái, trong loại giao hợp dẫn đến thụ thai dẫn đưa chúng vào đời, trong khi loại giao hợp không thụ thai cho phép chúng được giáo dục và nuôi dưỡng tốt hơn. Rõ rệt là cả hai loại trên đều có chức năng tất yếu và trọn vẹn trong cuộc sống hôn nhân vì, như chúng ta đã đề cập trước đây về Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong thế giới hôm nay, "Gaudium et Spes," ơn gọi làm cha mẹ vang vọng hai điều: không thể có sự cổ võ cho việc truyền sinh không giới hạn cũng như việc truyền sinh mà không dự trù sự chăm sóc tiếp theo cho con cái. (số 50)

Cho rằng cả hai loại giao hợp đều có liên hệ tích cực đến con cái, một cho sự thông truyền sự sống cho chúng và cái kia cho sự giáo dục trọn vẹn và hạnh phúc của chúng, Hastings gợi ý là có thể được phép để bảo đảm, duy trì và ngay cả cổ võ cho sự phân rẽ giữa hai kiểu giao hợp, hầu đảm bảo rằng "kiểu này không thể thế chỗ cho kiểu kia trong lúc cần."

Do vậy, cũng như vợ chồng có lý do chính đáng để sử dụng những viên kích thích tố trong nỗ lực tăng cường sự thụ thai và làm cho "hành vi lẽ ra không thụ thai trở thành có thể đậu thai", thì liệu bộ họ không thể được biện minh khi họ sử dụng thuốc viên ngừa thai hầu đảm bảo rằng "hành vi giao hợp riêng biệt như thế cần có mà vẫn xác tín là nó thuộc loại ngừa thai tự nhiên khi nào thấy thích hợp."

Hastings kết luận bằng cách cho rằng lý luận trên không thể phi bác được. Tuy nhiên, điều chưa rõ ràng đối với tôi ở chính điểm Hastings muốn chứng minh. Theo ông ta, vợ chồng được tự do để cho rằng hành vi giao hợp trên thực tế, thuộc loại không thụ thai tự nhiên khi nào cảm thấy thích hợp, nhưng phải cần được hỏi lại chính xác khi nào là thích hợp để bảo đảm là một hành vi giao hợp thuộc về loại không được ngừa thai.

Ðơn giản là tôi không chắc Hastings muốn đẩy sự biện minh về hành động ngừa thai nhân tạo đến mức độ nào. Tôi tự hỏi liệu luận chứng của ông có phù hợp cho những cặp vợ chồng không có con, và cũng nếu bảo đảm, từ những lý lẽ rõ rệt cha mẹ có thể nại đến để sử dụng sự ngừa thai nhân tạo cách vô giới hạn. Theo tôi, dường như đúng hơn, tính hữu lý của suy nghĩ của ông hệ tại ở điểm: có những lúc - khi sự rụng trứng xảy ra -Thiên Chúa và thiên nhiên muốn sự giao hợp là để truyền sinh; để phù hợp với lời kêu gọi làm cha mẹ có trách nhiệm, để có thể hoàn thành mục tiêu này, vợ chồng có thể nhờ cậy vào những kích thích tố để tăng cường sự thụ thai; còn vào những lúc khác, Thiên Chúa và thiên nhiên xác định giao hợp không hướng đến sự truyền sinh, vợ chồng phải hiểu, qua việc dùng những phương thế ngừa thai, là giao hợp lúc đó có ý nghĩa không thụ thai.

Tôi nghĩ, nói khác đi, Hastings muốn nêu ra một trường hợp về việc sử dụng hợp luân lý những kiểu ngừa thai nhân tạo, nhưng chỉ trong những trường hợp mà, nhận ra những đòi hỏi của việc làm cha mẹ có trách nhiệm. Vợ chồng có thể sử dụng những phương tiện ngừa thai nhân tạo, trong cố gắng bảo đảm tính chất không thụ thai của những hành động giao hợp một cách hợp pháp, chính đáng trong những thời gian đoán được hay kỳ vọng là vô sinh. Có thể cho là hợp luân lý khi vợ chồng sử dụng phương pháp ngừa thai nhân tạo đương thời kỳ trứng chưa rụng.

Lập luận của Hastings cho phép vợ chồng nhờ cậy vào thiên nhiên để duy trì cả hai loại giao hợp có thể thụ thai và không thụ thai, nhưng tôi nghi ngờ rằng, liệu cái lý do chính của cách lập luận của ông có thể biện minh cho việc sử dụng thuốc ngừa thai trong thời gian người vợ đang rụng trứng cách tự nhiên không? Lời nhận xét của Hastings có thể gợi ý cho sự kiện như sau: khi vợ chồng được biện minh cách luân lý trong việc tự hạn chế việc giao hợp vào những giai đoạn "an toàn" hoặc không thể thụ thai, họ có thể sử dụng hợp luân lý những phương thức ngừa thai để bảo đảm rằng những hành vi tính giao không thể thụ thai vẫn duy trì như thế trên thực tế.

Vợ chồng có thể cảm thấy dễ chịu và an tâm trong sự thực hành như vậy, nhưng vẫn còn nguyên đó sự kiện đòi hỏi rằng - theo định kỳ và đều đặn - họ cần tránh biểu lộ tình yêu vợ chồng vào thời gian người vợ có thể thụ thai. Do vậy câu hỏi vẫn còn đó: liệu vợ chồng có thể sử dụng thuốc ngừa thai vào những thời gian có thể nghĩ là người vợ có thể thụ thai?

 

2. Liệu Tiết Dục Ðịnh Kỳ Có Tự Nhiên Không?

Ngoài những chứng cứ chống đối về cách lập luận nội tại của nó, Thông Ðiệp còn bị những chỉ trích khác. Trong số đó, một số các nhà thần học luân lý đưa ra nhận xét như sau: liệu việc phân biệt giữa các hình thức ngừa thai tự nhiên và nhân tạo xét về phương diện luân lý có phù hợp và được coi là hợp lệ không?

Thông Ðiệp vang vọng giáo huấn của đức Pi-ô XII, dẫn đến hiệu quả, là khi có những động lực nghiêm trọng xuất phát từ "những điều kiện tâm-sinh-lý của chồng hay vợ, hay từ những điều kiện ngoại lai," thì lúc đó hợp luật cho vợ chồng "được xem xét đến những chu kỳ tự nhiên đã có sẵn trong những chức năng truyền sinh" và giới hạn việc giao hợp chỉ trong những lúc không thể thụ thai mà thôi. Lối thực hành này, được phân biệt khỏi cách giao hợp trong những giai đoạn có thể thụ thai. Và được coi là một trong những phương thế tự nhiên để ngừa thai. Thật ra, như Thông Ðiệp đề cập, có những khác biệt tất yếu giữa hai trường hợp: trường hợp trước, vợ chồng sử dụng hợp luật sự xếp đặt tự nhiên; trong khi ở trường hợp sau, họ ngăn cản sự phát triển của những tiến trình tự nhiên." (HV, #16)

Nói cách khác, sự khác nhau giữa tiết dục theo chu kỳ kinh nguyệt hay còn gọi là tiết dục định kỳ, và tất cả những hình thức ngừa thai khác, hệ tại ở điểm này: là tiết dục định kỳ đóng vai trò quan trọng hay là được ưu tiên hơn vào những thời kỳ vô sinh trong chu kỳ kinh nguyệt của người nữ và chỉ được giao hợp trong những thời điểm này; những hình thức ngừa thai khác cho phép giao hợp bất cứ lúc nào, nhưng có việc can thiệp cách nào đó vào hiệu quả của hành vi, như nhằm vô hiệu hóa bất cứ sự thụ thai nào. Hơn nữa, vợ chồng hợp luật khi thực hiện sự tiết dục định kỳ và không giao hợp trong những thời kỳ có thể thụ thai thì được xem như họ chứng tỏ mình tuân thủ "một tình yêu chân thật và rất chân chính" (HV, #16).

Do vậy, dường như rõ rệt, là ít ra phần giải thích của Giáo hội về việc thừa nhận đặc biệt, phương thế tiết dục định kỳ - xuất phát từ sự kiện là việc thực hành này bảo đảm và đòi buộc vợ chồng duy trì thói quen có kỷ luật bản thân - và biết tự chủ trong mối tương giao vợ chồng.

Về điểm sau cùng vừa nói trên, hồ chắc là một người thiếu suy nghĩ thì mới coi nhẹ vai trò của kỷ luật, vốn đóng vai trò quan trọng trong sự trưởng thành cá nhân và đời sống vợ chồng. Tuy nhiên, cũng cần phải nói rằng, trong đời sống vợ chồng, họ cũng còn biết bao nhiêu việc khác phải lo toan, và đôi khi những công việc này vượt quá sự hy sinh hãm mình hằng ngày của họ, khiến họ rất khó khăn và vất vả để có thể chu toàn tất cả mọi trách nhiệm trong tư cách là vợ hoặc chồng, là cha hoặc mẹ.

Bởi vậy, tôi thiết nghĩ, những người đang sống trong bậc sống gia đình, họ cần được sự cảm thông và đối xử một cách quảng đại hơn. Vì có lúc sự tiết dục định kỳ đi đến độ gây nên sự căng thẳng tâm lý và tâm thần, cộng dồn trên vợ chồng, đặc biệt nơi người vợ, và tạo nên mối đe dọa cho tình chung thủy hôn nhân và do vậy, sau cùng gây nguy hại cho hạnh phúc của con cái. Một số người đã gợi ý mong Giáo Hội nên xét lại chủ trương cứng nhắc, cho là chỉ có phương pháp ngừa thai dựa theo chu kỳ kinh nguyệt là phương cách hợp lệ mà vợ chồng có thể áp dụng để kế hoạch hóa gia đình.

Chắc chắn việc phân biệt giữa ngừa thai tự nhiên và nhân tạo đã bị liên tục thách đố. James T. Burtchaell đã khéo léo cho thấy những khó khăn thường gặp khi áp dụng tiết dục định kỳ vốn được xem là hình thức ngừa thai "tự nhiên". Ông nói chỉ có "một nền thần học không ra gì mới muốn cho sự giao hợp phải hòa hợp với chu kỳ nội tiết không thể kiểm soát được của hiện tượng rụng trứng và kinh nguyệt, trong khi lại bỏ mặc những yếu tố quan trọng khác về mặt tinh thần và tâm-linh, vốn cũng cai quản sự phối hợp sinh lý" . Quan điểm của Burtchaell không phải chối bỏ những chu kỳ sinh học vốn là thành phần của tính dục phụ nữ; đúng hơn, ông muốn xác nhận sự kiện tính dục con người là một thực tế bao quát hơn là một thực tế sinh học đơn thuần.

Nơi con người, tính dục phản ánh những chiều kích tình cảm, cảm xúc và tâm lý của họ, chứ không phải chỉ những chiều kích thể lý hay sinh học mà thôi. Hơn nữa, giới y khoa đã có thể chứng minh được, là đa số phụ nữ cảm thấy rất ham muốn trong vấn đề ái ân, họ cảm thấy nhậy cảm và có nhu cầu đòi hỏi về mặt sinh lý, vào thời gian trứng rụng và vào thời gian ngay trước và sau kinh kỳ. Năm 1965, Tiến sĩ John R. Cavanagh, tâm lý gia Công Giáo, đã soạn thảo và phân phát bản câu hỏi trắc nghiệm đến các cặp vợ chồng có sử dụng phương thức ngừa thai theo chu kỳ kinh nguyệt, để xin họ điền câu trả lời, mong họ chia sẻ những kết quả thành đạt.

Kết quả thu được, không như ông mong đợi. Nhiều người đã trả lời và cho biết rằng: phương pháp này đã không đáp ứng thỏa đáng cho công cuộc kế hoạch hóa gia đình. Cavanagh, sau đó đã viết một bản tường trình, là người nữ thường cảm thấy bị dồn nén bởi họ không được giao hợp vào thời gian rụng trứng, tức là lúc mà họ có đòi hỏi sinh lý mạnh mẽ nhất. Cần ghi nhận là lúc đầu, Cavanagh cổ võ nhiệt tình cho phương pháp ngừa thai theo chu kỳ kinh nguyệt, nhưng từ những câu trả lời cho bản câu hỏi của ông, và từ việc ông là thành viên trong tiểu ban giáo hoàng đặc biệt về ngừa thai, ông đã trở thành người tiên phong kêu gọi Giáo Hội nên xét lại lập trường cấm đoán các hình thức ngừa thai khác.

Cái khó khăn khi vợ chồng áp dụng phương pháp ngừa thai theo tiết dục định kỳ là chính ở vào thời điểm rụng trứng, thì vợ chồng cần phải tránh giao hợp, nếu họ muốn áp dụng hình thức ngừa thai hoặc kế hoạch hóa gia đình cách tự nhiên được Giáo Hội thừa nhận. Burtchaell lại thấy chẳng có gì là tự nhiên ở đây. Trái lại, so sánh với những hình thức ngừa thai khác, ông lấy làm tiếc mà cho rằng "phương pháp theo chu kỳ kinh nguyệt là bất tự nhiên nhất trong những phương pháp ngừa thai, bởi nó không những ngăn ngừa sự thụ thai, mà còn ngăn ngừa luôn sự biểu lộ tình cảm yêu thương giữa vợ chồng nữa qua hành vi tính dục." Vì trong giai đoạn này - thời kỳ rụng trứng - vợ chồng không thể gần gũi với nhau trong vấn đề chăn gối, nếu họ muốn áp dụng phương pháp ngừa thai tự nhiên.

Burtchaell tiếp tục nêu ra là không có "việc áp đặt sự khác biệt luân lý nội tại" giữa tiết dục định kỳ và những phương thế ngừa thai khác. Ông trách cứ Humanae Vitae đã khéo sử dụng "thuật-mỹ-ngữ" để làm giảm giá những phương pháp ngừa thai khác, thay vì thách đố những động lực viễn vông khiến cho nhiều gia đình áp dụng sự ngừa thai. Theo Burtchaell, sự xấu thật sự cần tránh trong đời sống hôn nhân không phải là việc ứng dụng những phương pháp ngừa thai nhân tạo, nhưng điều đáng sợ đúng hơn là sự đầu hàng trước tính ích kỷ, vốn ít ra trong xứ sở giàu có này (tức nước Mỹ), "có lẽ là lý do thông thường nhất để người ta ngừa thai."

Các cặp vợ chồng thường xuyên trong mối nguy cơ đầu hàng trước "não trạng ngừa thai" khiến họ che mắt làm ngơ giá trị của con cái, vốn thường bị xếp hạng rất thấp trong bảng liệt kê những mối ưu tiên của vợ chồng; do vậy đã có quá nhiều thứ được xem là quan trọng hơn con cái, tỷ dụ như: hai công việc, hai mái nhà, hai xe hơi, bất động sản mới, những trang thiết bị tối tân mới ra, đi du lịch, vấn đề giải trí và những sinh hoạt xã hội liên lỷ. Từ viễn tượng này, con cái bị xem như gánh nặng, chứ không phải là quà tặng chúc phúc do Chúa ban.

Burtchaell xác tín rằng: vợ chồng Ki-tô giáo cần nhận thức là trong cuộc sống hôn nhân sẻ chia của họ, họ cần biết đối diện trước những bất ngờ đòi hỏi nơi họ - biết yêu thương quảng đại trong những tình huống họ không thể tính toán hay kiểm soát được. Chắc chắn, vợ chồng cần động viên nhau, đánh giá và thừa nhận sự hiện diện của con cái, có thể điều này là một thách đố cho cuộc sống thoải mái cố hữu của họ, làm chính họ phải ngỡ ngàng, nhưng cùng lúc điều ấy cũng sẽ giúp họ trở nên người cha và người mẹ cao cả hơn như họ dự tưởng.

Chính khi có thái độ này, khi con cái được yêu mến, được dự trù trước, cách quảng đại và được yêu thương khi chào đời, và khi đó việc áp dụng bất cứ phương pháp ngừa thai nào, chỉ như là đòi hỏi của thiên chức làm cha làm mẹ có trách nhiệm buộc phải có, và rồi như vậy vợ chồng mới không hoài công quyết định xem cách thức nào để ngừa thai giữa sự tiết dục định kỳ hay các phương pháp khác. Chỉ từ nhận thức này mới có thể hữu lý để ứng dụng các phương pháp ngừa thai gọi là nhân tạo, và do vậy những phương pháp đó không hẳn thiết yếu là điều xấu theo luân lý và không phải luôn luôn bất hợp pháp. Ðó chính là việc đánh giá luân lý những phương pháp ngừa thai nhân tạo mà chúng ta sẽ đề cập trong bài viết sắp tới.

 

Lm. Trần Mạnh Hùng, DCCT (Roma)

 

(Trích dẫn từ Ephata Việt Nam số 65, năm 2002)


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page