CHÚA GIÊSU VÀ CÁC ÐỒ ÐỆ

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines


Bài Suy Niệm Thứ VII

Sống Cầu Nguyện

Mối tương quan giữa Chúa Giêsu và các môn đệ ngày xưa là gương mẫu cho mỗi người Kitô chúng ta ngày nay. Ơn gọi làm môn đệ của Chúa trước hết bao gồm khía cạnh sống với Chúa. Người đồ đệ được mời gọi sống thân mật với Chúa, càng ngày càng trở nên gần gũi Chúa nhiều hơn, chia sẻ những tâm tình, những hành động của Chúa.

Ðể đào sâu và củng cố mối tương quan thân tình giữa Chúa và người đồ đệ, thì một trong những điều căn bản cần thực hiện là sống cầu nguyện. Như Chúa Giêsu, Ðấng đã được Chúa Cha sai xuống trần gian để thực hiện công trình cứu chuộc nhân loại, đã sống trong mối tương quan mật thiết với Cha, qua những giây phút đặc biệt dành riêng cho cuộc đối thoại giữa Ngài với Thiên Chúa Cha, mà ta gọi là cầu nguyện, thì cũng thế, các đồ đệ của Chúa Giêsu cũng được mời gọi sống cầu nguyện, sống đối thoại thân mật với Chúa. Phúc âm theo thánh Luca, chương 11, câu 1-4, đã kể lại việc các môn đệ đến xin Chúa dạy cho biết cách phải cầu nguyện như thế nào sau nhiều lần nhìn thấy Chúa cầu nguyện. Phúc âm kể lại như sau:

Chúa Giêsu đã dùng lời nói và gương sáng mà huấn luyện các môn đệ Ngài đã chọn. Mặc dù mệt nhọc sau một ngày rao giảng, Chúa Giêsu dành riêng ra thời gian nhất định, để đối thoại với Thiên Chúa Cha, Ðấng đã sai Ngài. Các đồ đệ theo bên cạnh Chúa đã nhìn thấy thái độ sống này của Chúa, nhiều lần (Lc 3,21; 5,16; 6,16; 9,18.28.29). Các đồ đệ đã chứng kiến cảnh Chúa Giêsu cầu nguyện nhiều lần, và giờ đây, nơi chương 11, các ngài tiến đến bên cạnh xin Chúa dạy cầu nguyện. "Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện." Và Chúa Giêsu đã dạy các ngài cầu nguyện, trong tâm tình của người con đối với Cha, tin tưởng gọi Thiên Chúa là Cha.

Chúa Giêsu mạc khải cho các đồ đệ bí quyết của cuộc sống thân mật với Thiên Chúa; bí quyết đó là: Thiên Chúa là người Cha đầy yêu thương đối với con người. Ðây là một mạc khải quan trọng, biến đổi trọn cả mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa.

Là những người Do Thái, thuộc dân riêng của Chúa, đã được huấn luyện trong truyền thống "phải kính sợ Thiên Chúa", không được kêu đích Tên Thánh của Thiên Chúa, chắc hẳn các tông đồ hết sức ngạc nhiên, khi nghe Chúa Giêsu dạy các đối thoại với Thiên Chúa, gọi Ngài là Cha và xưng mình là Con. Lời kinh Lạy Cha mà Chúa Giêsu truyền dạy cho các tông đồ, lời kinh đó có thể được gọi là lời vui mừng, là Phúc Âm ngắn gọn, nhắc các tông đồ luôn nhớ rằng Thiên Chúa là Cha, chớ không phải là một vị thần đàn áp bóc lột con người. Ðến với Ngài, con người được thông cảm, yêu thương, nâng đỡ, khuyến khích, như người con đến với Cha mình.

Trong giây phút đầu tiên mới nhận được mạc khải về Thiên Chúa là Cha, chắc các tông đồ còn bỡ ngỡ, chưa hiểu thấu đáo, nhưng sau khi Chúa đã phục sinh, với ơn Chúa Thánh Thần soi sáng, các ngài hiểu rõ hơn về sự thật mới mẻ này: Thiên Chúa là Cha của con người. Con người được ơn làm con cái của Thiên Chúa, nhờ Ðức Giêsu Kitô. Thánh Gioan khởi đầu phúc âm của mình đã mạnh mẽ tuyên xưng:

Mọi phúc lành và sự thật soi sáng cuộc đời chúng ta đến từ Thiên Chúa, là Cha mỗi người chúng ta. Chính vì thế mà thánh Phaolô nơi thư gởi giáo đoàn Côlôsê, chương 1, câu 11-14, đã mời gọi tất cả mọi tín hữu hãy vui mừng dâng lời cảm tạ Thiên Chúa Cha. Ước chi cuộc đời chúng ta hôm nay cũng là một sự dâng lời cảm tạ Thiên Chúa.


Back to Radio Veritas Asia Home Page