Ðể làm môn đệ Chúa, mỗi người Kitô hữu cần phải trải qua giai đoạn quyết định cuối cùng, đó là kinh nghiệm gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh. Các tông đồ đã được chọn theo Chúa, sống với Ngài trong suốt thời gian Chúa rao giảng, và cuối cùng phải trải qua và sống biến cố Vượt Qua của Chúa Giêsu, có kinh nghiệm trực tiếp về Chúa Phục Sinh. Kinh nghiệm về Chúa Phục Sinh này làm cho các tông đồ được trưởng thành trong đức tin và mở ra một viễn tượng mới, một cái nhìn mới cho sứ mạng sắp lãnh nhận và phải hoàn thành. Biến cố Chúa Phục Sinh soi sáng trọn cả ý nghĩa cuộc đời của Chúa và là biến cố thị thực cho tất cả những gì đã giảng dạy: Chúa Giêsu Kitô đã Phục Sinh, Ngài là Niềm Vui, là Tin Mừng cần phải được loan báo cho mọi người; Chúa Phục Sinh đã chiến thắng sự chết và sự dữ, giải thoát con người khỏi làm nô lệ cho tội lỗi. Ðược gọi làm tông đồ Chúa, là được gọi phổ biến tin vui mừng này: Con người đã được Chúa cứu chuộc khỏi sự dữ và tội lỗi. Chúng ta hãy cùng nhau đọc lại kinh nghiệm gặp Chúa Phục Sinh của Maria, như được mô tả nơi phúc âm theo thánh Gioan, chương 20, câu 11-18, như sau:
Bà Maria cứ đứng khóc bên mộ, vừa khóc vừa nghiêng mình nhìn vào trong mộ. Bà thấy hai thiên thần mặc áo trắng, ngồi ở nơi đã táng xác Chúa, một thiên thần ở phía đầu, một thiên thần ở phía chân. Thiên thần hỏi: "Bà kia, sao khóc thế?" Bà đáp: "Người ta lấy mất Chúa tôi rồi và tôi không biết họ để đâu." Nói xong, bà quay lại đằng sau, thấy Chúa Giêsu đứng đấy nhưng bà không nhận ra. Chúa Giêsu hỏi: "Chị này sao khóc thế! Chị tìm ai?" Bà Maria tưởng đó là người làm vườn, liền nói: "Thưa ông, nếu có phải ông đã đem Thầy tôi đi, thì xin ông cho biết ông để đâu, tôi sẽ đi lấy về." Chúa Giêsu gọi: "Maria!" Bà nhận ra Chúa và kêu lên bằng tiếng Hêbơrơ: "Rabôni" nghĩa là "Thầy!" Chúa Giêsu nói tiếp: "Con đừng giữ Thầy như vậy, vì Thầy chưa lên cùng Cha Thầy, con hãy đi báo tin cho anh em Thầy: Thầy lên với Cha Thầy cũng là Cha anh em, Thầy lên với Chúa Thầy cũng là Chúa anh em." Bà Maria Mađalêna vội đi báo tin cho các môn đệ biết bà đã xem thấy Chúa và Chúa đã nói với mình những lời đó.
Trong giây phút gặp gỡ đầu tiên, Maria không nhận ra Chúa Giêsu. Chúa phải có sáng kiến gọi Maria trước, để Maria được mở mắt nhận ra Chúa. Sự nhận ra Chúa này là một hồng ân của Chúa, chứ không do cố gắng trần tục của con người. Maria cần có sự hiểu biết, sự nhìn nhận này, để có thể chu toàn sứ mạng Chúa trao phó là: loan báo cho các tông đồ khác chưa tin, về việc Chúa đã phục sinh thật. Sự hiểu biết của người môn đệ, của mỗi người Kitô về Chúa Giêsu, cần phải được thanh luyện và triển nở cho đến giai đoạn cuối cùng nầy, giai đoạn nhìn nhận Chúa Phục Sinh, nhìn nhận cách thức mới mẻ của sự hiện diện và tác động của Chúa nơi chính mình và trong lịch sử con người.
Trong biến cố Phục Sinh, người môn đệ cảm nghiệm một sự hiện diện mới mẻ về Chúa Giêsu Kitô. Ðó chính thật là Chúa Giêsu trước biến cố Vượt Qua, nhưng trong một thực thể mới và một cách mới. Ðối lại, Chúa Phục Sinh cũng đã có một tương quan mới, một cái nhìn mới về các tông đồ, những kẻ Ngài đã chọn. Ngài đã gọi họ là "những người anh em", trong lời Chúa ra lệnh cho Maria: Hãy đi nói cho những anh em Thầy biết, Thầy về cùng Cha Thầy và cũng là Cha chúng con. Những tông đồ từ nay sống mối tương quan mới với Chúa Giêsu, mối tương quan là người anh em của Chúa, mối tương quan huynh đệ mật thiết, được xây dựng không phải trên nhục thể, máu huyết, cùng một gia đình, nhưng được xây dựng trên việc chia sẻ và sống Lời Chúa. Ðây là lúc hoàn thành tuyệt hảo lời nói của Chúa Giêsu trước đó trả lời cho câu hỏi: Ai là anh em Ta. Ðó là những kẻ nghe và sống Lời Ta nói ra đây. Lập lại từ ngữ này, gọi các tông đồ là anh em mình, dường như Chúa muốn nhắc lại cho các ngài nhớ rằng, từ nay, để ra đi làm tông đồ Chúa, các tông đồ hơn bao giờ hết phải lắng nghe và sống Lời Chúa. Kinh nghiệm Chúa Phục Sinh đã củng cố các tông đồ trong việc lắng nghe và sống Lời Chúa này, để có thể rao truyền cho kẻ khác.
Lạy Chúa, xin ban cho con ơn xác tín Chúa đã chết và đã sống lại thật, để đủ can đảm làm chứng cho Chúa. Amen.