Khi huấn luyện các môn đệ thi hành sứ mạng truyền giáo, Chúa Giêsu Kitô cũng để cho các ngài nếm mùi thất bại, nhìn thấy tận mắt phản ứng khước từ của con người, để có dịp huấn luyện thái độ của các ngài. Sự thất bại, thái độ khước từ của con người trước sứ điệp Tin Mừng, không phải là những gì tuỳ thuộc, bất ngờ, nhưng là vận mệnh không thể nào tách rời ra khỏi sứ mạng được. Nếu không được chuẩn bị trước, thật quả khó mà có thái độ đúng như ý Chúa muốn trước những điều tiêu cực xảy ra trong đời sống môn đệ Chúa. Phúc âm theo thánh Luca chương 9, câu 51-56 đã mô tả một biến cố có ý nghĩa trong đời sống các môn đệ, như sau:
Khi gần đến ngày Chúa từ bỏ thế gian thì Chúa quyết định đi thành Giêrusalem. Chúa sai mấy người đi trước các ông đi vào một thành thuộc xứ Samaria để tìm cho Chúa một chỗ trọ. Dân chúng ở đó không đón tiếp Chúa, vì Chúa có ý định đi Giêrusalem. Thấy vậy, các ông Giacôbê và Gioan nói rằng: "Thưa Thầy, Thầy có bằng lòng để chúng tôi khiến lửa trên trời xuống thiêu hủy họ không?" Chúa quay lại và trách rằng: "Anh em không biết tâm địa mình thế nào. Con Người chẳng đến để giết hại loài người, một để cứu sống loài người." Ðoạn Chúa và các môn đệ đi sang làng khác.
Chúa Giêsu sai vài môn đệ vào làng của những người Samaria để chuẩn bị cho chuyến viếng thăm của Ngài. Nhưng dân làng không muốn tiếp nhận Chúa.
Có thể nói, đây là lần đầu tiên các môn đệ được dịp chứng kiến tận mắt cảnh dân chúng khước từ Chúa Giêsu. Sự khước từ này làm cho sự hăng say và lòng tin non yếu của các môn đệ bị thử thách.
Chúa Giêsu không lạ lùng bỡ ngỡ trước thái độ khước từ của con người. Nhưng đối với các môn đệ, thì cần phải thời gian và ơn soi sáng đặc biệt của Chúa Thánh Thần, để các ngài có thể hiểu và thốt lên như tác giả sách phúc âm theo thánh Gioan, nơi chương mở đầu: "Ngài đến giữa dân Ngài nhưng dân Ngài không tiếp rước Ngài… Thế gian vũ trụ được tạo dựng nhờ Ngài, thế mà thế gian không biết Ngài…" Dường như Chúa Giêsu muốn chuẩn bị các môn đệ để các ngài có thể chấp nhận sự khước từ quan trọng hơn vào cuối đời của Chúa, sự khước từ đến độ giết Chúa trên thập giá… sự khước từ mầu nhiệm thập giá… trong cuộc đời của Chúa và ngay cả trong cuộc đời của các môn đệ.
"Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con xin lửa từ trời xuống tiêu diệt họ chăng?"
Vì không hiểu được mầu nhiệm thập giá, không hiểu được thái độ khước từ của dân chúng, các môn đệ lúc đó đã phản ứng một cách thái quá: họ muốn như "trả thù" sự chống đối bằng cách xin lửa từ trời xuống tiêu diệt. Các môn đệ muốn áp dụng luật "mắt đền mắt, răng thế răng", người ta chống mình thì mình chống lại, người ta ghét mình thì mình ghét lại, người ta từ chối mình thì mình từ chối lại… Nhưng thái độ này không được Chúa chấp nhận. Vì quá nồng nhiệt hăng say bảo vệ Chúa, mà các môn đệ rơi vào sự thù hận, có tâm tình muốn trả thù những kẻ không chấp nhận Chúa. Nhưng đó là một sự nồng nhiệt mù quáng, ích kỷ, muốn bênh vực lợi lộc của mình. Sự nồng nhiệt của các môn đệ cho Chúa phải là sự nồng nhiệt quên mình, rao giảng sứ điệp của Chúa mà không sợ chi những bách hại, những thù địch; đó là sự nồng nhiệt mà chính thánh Phaolô tông đồ đã sống khi ngài tâm sự: khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng. Và ngài đã rao giảng. Gặp thời thuận tiện hay không mặc kệ, ngài cứ một mực trung thành rao giảng, không màng chi những chống đối, khước từ. Ðáp lại những chống đối khước từ, các môn đệ Chúa càng phải sống quảng đại yêu thương, kiên trì, tha thứ… Thiên Chúa kiên trì chờ đợi con người đáp lại lời mời gọi của Ngài. Người môn đệ cần kính trọng sự kiên trì chờ đợi đó, không nên vội vã kết án. Hãy dấn thân phục vụ Tin Mừng, gặp thời thuận tiện hay không mặc kệ, thành công hay thất bại cũng kệ, miễn là ta làm trọn sứ mạng rao giảng đã được trao phó.
Lạy Chúa, xin giúp con trở thành những người trung thành phục vụ Lời Chúa, vừa đồng thời biết kính trọng tự do và lương tâm của anh chị em xung quanh. Nguyện xin tình yêu Chúa ban sức mạnh và hướng dẫn cuộc sống phục vụ của con cho Chúa và anh chị em. Amen.