Trước khi có hình thức cố định như hiện nay, Lời Kinh Kính Mừng đã mặc lấy những hình thức hơi khác nhau mặc dù ý nghĩa căn bản vẫn còn nguyên vẹn.
Chẳng hạn như vào giữa thế kỷ thứ XIV, các tu sĩ dòng Các Tôi Tớ của Ðức Maria, tại Firenze bên nước Italia, đã phổ biến lời kinh Kính Mừng như sau:
"Kính mừng Ðức Nữ Ðồng Trinh Maria, rất dịu hiền và rất trinh trong vô nhiễm nguyên tội. Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu, Con lòng Bà gồm phúc lạ. Thánh Maria, Ðức Mẹ Chúa Trời, Mẹ ân sủng và Mẹ nhân từ, xin cầu cho chúng con, bây giờ và trong giờ lâm tử. Amen."
Cũng trong thế kỷ XIV, thánh Bernadino thành Siêna, đã thêm vào sau những lời Cầu cho chúng con, một đặc tính nữa là "những kẻ có tội".
Vào năm 1568, Ðức Giáo Hoàng Pio V, đã tổng hợp tất cả các truyền thống lại, và mặc cho phần thứ hai của kinh Kính Mừng hình thức cố định như hiện nay:
"Thánh Maria, Ðức Mẹ Chúa trời. Cầu cho chúng con, là kẻ có tội, khi nầy và trong giờ lâm tử. Amen."
Ðọc lại toàn bộ lời kinh Kính Mừng, chúng ta có thể chú ý đến hai đặc điểm được đề cao nơi Mẹ Maria, đó là Mẹ đầy ơn sủng và Mẹ nhân từ. Mẹ được tràn đầy ân sủng của Thiên Chúa và Mẹ luôn là người Mẹ nhân từ đối với loài người chúng ta, những kẻ tội lỗi cần nhờ đến lòng nhân từ hay tha thứ của Thiên Chúa. Chính vì thế mà chúng ta không ngần ngại chạy đến Mẹ, xin Mẹ cầu nguyện cho trong giây phút hiện tại và trong giờ lâm tử được ơn cứu rỗi của Thiên Chúa.
Ðến đây chúng ta có thể thắc mắc tự hỏi: Việc con người chạy đến nhờ một người khác cầu nguyện cho mình. Việc làm đó có phù hợp với tinh thần kinh thánh hay không? Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa, là Ðấng tràn đầy ơn phước, nhưng Mẹ vẫn là một con người. Việc xin Mẹ Maria cầu nguyện cùng Chúa cho chúng ta có gì nghịch lại kinh thánh hay không? Thắc mắc nầy có liên quan đến sự trung gian của Mẹ Maria giữa Thiên Chúa và con người, mà thông điệp của Ðức Gioan Phaolô II về Ðức Maria, Mẹ Ðấng cứu chuộc, đã gọi là "sự trung gian hiền mẫu", của một người Mẹ. Và sự trung gian đó không thay thế cho sự trung gian duy nhất của Chúa Giêsu Kitô, nhưng chỉ tham dự vào đó mà thôi.
Nơi Phúc âm theo thánh Gioan, trong biến cố tiệc cưới Cana, chúng ta thấy Mẹ Maria đứng ra cầu khẩn Chúa Giêsu, Con Mẹ, xin Ngài làm phép lạ giúp cho gia đình đang tổ chức tiệc cưới mà hết rượu. Nơi sách tông đồ công vụ, chương 1, câu 14, chúng ta thấy Mẹ Maria hiện diện giữa các tông đồ, để cầu nguyện cùng với các Ngài và cho các Ngài, vào giây phút quan trọng khai sinh Giáo Hội của Chúa Kitô.
Ðọc lên kinh Kính Mừng với hết lòng đạo đức sốt sắng, chúng ta dâng lời chào kính mẹ Maria, vừa đồng thời xin Mẹ đến hiện diện giữa chúng ta, cầu nguyện với chúng ta và cho chúng ta.
Xin Mẹ hướng dẫn chúng ta trên con đường hành hương tiến về quê trời. Amen.