Ðọc tiếp phúc âm theo thánh Marcô, chương 1 câu 40-45:
Có người bị phong hủi đến gặp Chúa Giêsu; anh ta quỳ xuống van xin rằng: "Nếu ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch." Chúa Giêsu động lòng thương (phẩn nộ), giơ tay chạm vào anh và bảo: Tôi muốn, anh sạch đi! Lập tức chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch. Nhưng Chúa nghiêm giọng đuổi anh đi ngay, và bảo anh: Coi chừng, đừng nói gì với ai cả. Nhưng hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được lành sạch, thì hãy dâng những gì ông Môisen truyền, để làm chứng cho người ta biết". Nhưng vừa ra khỏi đó, anh đã bắt đầu rao truyền và tung tin ấy khắp nơi, đến nổi Chúa Giêsu không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành. Và dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Nguời.
Chúng ta có thể lưu ý thêm chi tiết nầy là phép lạ Chúa Giêsu chữa lành cho người bị phong hủi đến xin Chúa giúp, được kể lại trong hai phúc âm nhất lãm, Mt 8,2-4 và Luca 5,12-16. Nhưng có một khác biệt nầy, là tường thuật của Mc mà chúng ta suy niệm hôm nay có một chi tiết khác không có trong hai bài tường thuật Mt và Luca. Ðó là tác giả bài tường thuật Mc có ghi thêm về thái độ của Chúa Giêsu, trước khi chữa lành người bị phong hủi. Ðó là: Chúa Giêsu động lòng thương. Nhưng cũng có bản cổ ghi là Chúa Giêsu phẩn nộ. Các nhà chú giải của bản Kinh Thánh Giêrusalem, ấn bản mới nhất năm 1998 vừa qua, đã chọn chi tiết: Chúa Giêsu phẩn nộ. Chi tiết khó hiểu nầy xem ra gần với chủ ý của tác giả Phúc Âm Marcô, hơn là chi tiết nói rằng Chúa động lòng thương. Thật vậy, việc Chúa để cho người phong hủi đến với Chúa, và việc Chúa nghe lời anh xin mà chữa lành anh, là những chi tiết nói lên tình thương của Chúa Giêsu rồi, nên xem ra không cần phải nói nữa. Tác giả phúc âm Marcô hẳn có một chủ ý đặc biệt hơn, khi ghi lại chi tiết nói rằng Chúa Giêsu phẩn nộ. Tại sao phẩn nộ? Chắc chắn rằng Chúa không phẩn nộ với người bị phung hủi đến xin Chúa giúp. Nhưng phẩn nộ, vì thái độ của những người Do Thái thời Chúa sống theo luật cựu ước kỳ thị loại trừ những người bất hạnh bị bệng phung hủi nầy. Thật vậy, Sách Lêvi, chương 13, câu 45tt, của Cựu Ước, lên án những người bị bệnh phung hủi, như là kẻ bị Chúa phạt và như thế họ bị loại ra khỏi cộng đoàn. Họ phải sống nơi riêng, cô lập. Không ai được chạm đến họ, và họ cũng không được gần gủi ai, để khỏi bị nhơ bẩn không những trên bình diện thể xác, mà còn trên bình diện tinh thần nữa. Chúa Giêsu phẩn nộ, vì con người sống theo lý luận tự nhiên của mình mà loại trừ xua đuổi những con người bất hạnh nầy. và Chúa đã hành động vì yêu thương, để đưa con người phung hủi trở về lại với cộng đoàn, có lại phẩm giá đáng được tôn trọng như bao anh chị em khác. Chúa Giêsu làm phép lạ, chữa lành anh phung hủi và lập tức sai anh đi thực hiện điều theo luật định để được xác nhận trở về lại với cộng đoàn, và nhất là để trở nên dấu chỉ, làm chứng cho các tư tế biết: Nước Thiên Chúa đã đến nơi Chúa Giêsu Kitô, Ðấng đã chữa lành người phung hủi, như đã được loan báo trước trong KinhThánh mà họ biết rõ. Chúng ta hãy chiêm ngắm thái độ tràn đầy yêu thương của Chúa Giêsu và đừng làm cho Chúa phẩn nộ với chúng ta vì những lối hành xử kỷ thị loại trừ anh chị em, nhất là những kẻ bất hạnh, như trường hợp của anh bị bênh phung hủi trong phúc âm hôm nay. Tình thương của người Kitô phải là tình thương của Chúa, để chữa lành những căn bệnh kỳ thị khinh dễ phẫm giá của anh chị em trong xã hội chúng ta đang sống. Tình thương chân thật có sức chữa lành, quy tụ, phục hồi và nâng cao phẩm giá làm người. Lạy Chúa xin giúp con canh tân tâm hồn được tràn đầy tình thương như Chúa, để có thể diển tả ra bằng những hành động làm tốt cho đời, và làm sáng danh Chúa. Amen.