SUY NIỆM VỀ CHÚA GIÊSU
Theo Phúc Âm Thánh Marcô

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines


II. Hãy nhìn nhận
dấu lạ Chúa thực hiện

Sau khi đã nhắc lại lời kêu gọi của Chúa Giêsu, tác giả Phúc Âm theo thánh Mc 1, 21-28, kể lại cho chúng ta một biến cố xảy ra trong Hội Ðường Do Thái tại thành Capharnaum vào ngày Sabát. Những người trong Hội Ðường lúc đó cảm nghiệm được quyền năng của Chúa Giêsu Kitô, Ðấng giảng dạy với một uy quyền đặc biệt; và qua phép lạ chửa người bị quỷ ám, Chúa đã chứng tỏ quyền năng thần thiêng của Ngài. Mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô được từ từ mạc khải cho con người, bằng Lời Chúa giảng dạy và bằng những việc lạ Chúa thực hiện. Dân chúng cảm nghiệm được sự mới mẽ và kinh ngạc trước dấu lạ. Ðây mới là khởi đầu. Tác giả phúc âm Marcô sẽ còn ghi lại những Lời giảng dạy và những dấu lạ khác nữa của Chúa Giêsu, và chuẩn bị từ từ cho lời tuyên xưng Ðức Tin vào Chúa Giêsu Ðấng Thiên Sai, nơi chương 8, câu 29: "Thầy là Ðức Kitô". Con đường Ðức Tin đi qua nhiều giai đoạn. Chúng ta đã lưu ý đến giai đoạn căn bản đầu tiên là: sám hối, trở về với Thiên Chúa. Hôm nay, chúng ta được mời gọi lưu ý đến một bước khác nữa là: biết kinh ngạc lắng nghe Lời Chúa và ghi nhận dấu lạ Chúa thực hiện, để mạc khải về Thực Thể Mầu Nhiệm của Ngài. Chúng ta hãy đọc lại đoạn phúc âm như sau:

Biến cố Chúa Giêsu làm phép lạ chữa lành người bị thần ô uế ám, là dấu chỉ cũng cố thêm uy quyền thần linh của Chúa Giêsu. Những vị Thượng Tế dân Do Thái thời Chúa Giêsu cũng xử dụng nghi thức trừ quỷ. Họ không ra lệnh trực tiếp cho thần dữ xuất ra khỏi người bĩ ám, nhưng nhờ vào quyền năng của Thiên Chúa. Ðối với Chúa Giêsu thì khác, Ngài trực tiếp ra lệnh: Hãy im đi và ra khỏi người nầy. Và thần dữ vâng phục.

Thần Ô uế không nhằm nói đến sự ô uế thể lý, hay sự thiếu vệ sinh. Cũng không phải là sự ô uế theo nghĩa là nghịch lại luật Môi sen. Nhưng đây là chính sự ô uế nội tâm, làm hư hại con người; đó là sự xấu, sự tội. Thần Ô Uế đây chính là Satan, kiềm hãm con người trong vòng nô lệ cho tội lỗi. Nó chiếm đoạt con người, bắt con người vâng theo mệnh lệnh của nó. Chúa Giêsu đến với quyền năng thần linh, rao giảng đạo lý của Thiên Chúa, rao giảng Nước Trời, giải thoát con người khỏi vòng nô lệ cho tội lỗi. Trước khi ra khỏi con người, thần ô uế "dằn dật" con người; nó trả thù, hành hạ con người. Giữa Chúa Giêsu và Thần Dữ Satan, không thể nào có sự "hợp tác" chung với nhau được. Con người bị thần dữ chiếm đoạt là con người đáng thương. Con người được Chúa Giêsu giải thoát, hay nói cách khác, người nào sẵn sàng cộng tác với ơn Chúa, là con người có phúc.

Ngay từ lúc khởi đầu sứ mạng cứu rỗi, Chúa Giêsu cho thấy có sự căng thẳng, chiến đấu, giữa Chúa và Thần Dữ. Và chiến thắng cuối cùng thuộc về Chúa. Người Kitô sống theo Chúa, từ bỏ những việc làm của Ma quỷ, cũng bị hành hạ, dằn dật, như người bị quỷ ám, được kể lại trong đoạn tin mừng ở đầu bài nầy. Nhưng chúng ta đừng sợ. Hãy mạnh mẽ đứng về phe của Chúa, nhất quyết làm môn đệ Chúa cho đến cùng.

Tiếp theo đoạn phúc âm trên, chúng ta hãy đọc và suy niện câu 29 đến 39, chương 1, kể tiếp những việc làm của Chúa trong ngày như sau:

Chúa chữa lành bệnh tật và khử trừ ma quỷ, và tiếp tục sứ mạng rao giảng khắp nơi, không để cho sự nồng nhiệt của dân chúng ảnh hưởng. Và giữa những hoạt dộng như vậy, Chúa Giêsu còn có dành thời giờ riêng biệt để cầu nguyện, tiếp xúc với Cha, Ðấng đã sai ngài xuống trần gian. Ðể trung thành với sự dấn thân ban đầu, rao giảng Tin Mừng khắp nơi cho mọi người, Chúa Giêsu đã nêu gương cho chúng ta, và chỉ cho chúng ta một bí quyết: đó là giữ liên lạc với Cha, Ðấng đã sai ngài, qua việc cầu nguyện. Người đồ đệ của Chúa Giêsu không không thể nào sống cách khác, không thể nào bỏ qua những giây phút dành riêng cho việc cầu nguyện, cho việc tiếp xúc với Thiên Chúa, để lắêng nghe Lời Chúa dạy, và sống thực hành trọn vẹn Lời dạy đó. Không có những giây phút cầu nguyện như Chúa nêu gương, người đồ đệ khó mà trung thành cho đến cùng trong sự dấn thân của mình.


Back to Radio Veritas Asia Home Page