Tưởng Niệm CỤ KIM ÐỊNH
In Memoriam Dominici Luong Kim Dinh
(15/06/1915 - 25/03/1997)

Giáo Sư John B. Trần Văn Ðoàn
Ðại Học Quốc Gia Ðài Loan

Trở lại Ðài Loan sau cuộc Hội Nghị Quốc Tế tại Trường Kỳ, Nhật Bản, vừa ra khỏi phi Trường Ðào Viên, linh mục Trương Văn Phúc ra đón và cho tôi biết là cụ Kim Ðịnh vừa mới qua đời. Thực ra tôi không ngạc nhiên, bởi vì sau hai lá thư mà cụ gửi cho tôi vào tháng 6, rồi tháng 8 năm 1996, yêu cầu tôi sang gặp cụ để "bàn về những chuyện quan trọng nhất trong đời tôi", tôi trực giác ra là ngày của cụ đã gần kề. Thế nên tôi không buồn nhưng chỉ hơi tiếc là đã không gặp cụ được trong những ngày cuối đời của cụ. Vô tình rờ vào túi xách tay, tập Cửa Khổng của cụ mà anh Vương Kỳ Sơn mới gửi để tôi sửa lại cho tái bản, vẫn nằm đó. Trên những chuyến bay gần đây, tôi vẫn thường vừa đọc vừa sửa lại một số quan điểm cũng như những trích dẫn Hán ngữ trong tập, hy vọng là sẽ gửi tới cụ trong những tháng tới, gọi là một món quà tặng người bạn già khả kính, một tôn sư, một triết gia cũng như một chí sỹ mà tôi khâm phục. Cửa Khổng là tập sách đầu tiên của cụ mà tôi đã từng nghiền ngẫm khi còn theo lớp triết học tại Ðà lạt vào cuối thập niên 1960. Người đã ra đi, như bông hoa rực rỡ, nhưng theo cái Ðạo của Sinh Lão Bệnh Tử, tàn úa và rơi về lòng đất. Tôi nhớ lại một đoạn trong lá thư của thánh Phi-Ðức (1 Petrus 1,24) viết về thân phận con người: "Car toute chair est comme l'herbe, toute la gloire de l'homme est comme la fleur de l'herbe. L'herbe seche et la fleur tombe!). Cụ đã trở về với cái Ðạo Uyên Nguyên của cụ. Requiescat in Tao, Domino suo! Mà Ðạo của cụ là Logos, là chính Ngôi Lời Nhập Thể (Et Verbum incarnatum est!).

Tôi quen cụ Kim Ðịnh vào năm 1982. Vào tháng 8 năm ấy, tôi cho xuất bản một bài tiểu luận về Việt Thần (Một Suy Tư Thần Học, Dân Chúa, 8.1982), đưa ra một số quan điểm đóng góp vào công cuộc xây dựng một nền thần học Việt. Ðây chỉ là một bài dò dẫm, gần như hoàn toàn bị hàng giáo sỹ Việt lơ là. Thế nên, vào tháng 12.1982 khi đọc bài "Ðể Tiến Tới Một Nền Thần Học Việt Nam" (Dân Chúa, 12.1982 và 01.1983) của cụ Kim Ðịnh, tôi vô cùng thích thú và cảm động. Trong bài này, tiên sinh đã trực tiếp khẳng định quan điểm của tôi mà cụ cho là rất "tiến bộ". Ðối với một người háu học, vô danh như tôi, được một bậc tôn sư như cụ trả lời, thật quả là một vinh hạnh bất ngờ. Nhờ sự khuyến khích này, tôi quyết định dấn thêm một bước, thành lập nhóm nghiên cứu về Việt Triết. Chính vì thế, tôi mời cụ sang Trung Hoa Dân Quốc tham dự một Hội Nghị Quốc Tế về Triết Trung Hoa tại Ðại Học Ðông Hải (tháng 8.1984) trong đó cụ phát biểu một luận văn về "The Role and the Conditions of Ju in Our Present Age" (Sau được anh Tài Văn Huy và tôi dịch sang Hoa ngữ và phát biểu trong tạp chí Universitas, 11.1985). Từ đây một già một trẻ bắt đầu một công cuộc hợp tác lâu dài cho tới ngày cụ bị tê liệt.

Trong gần 10 năm trời cộng tác, mỗi người tuy hoàn toàn độc lập và phát triển con đường riêng của mình, chúng tôi vẫn luôn luôn quan tâm và hỗ trợ nhau. Tôi mời cụ thăm Ðài Loan lần thứ hai (với Tiến Sỹ Vũ Kim Chính và Tiến Sỹ Vũ Ðình Trác) nói về Nho Giáo tại Việt Nam tại Thư Viện Quốc Gia Trung Hoa (1987). Sau đó tôi cũng mời cụ tham dự Hội Nghị Triết Học Thế Giới (Brighton, 1988), và Hội Nghị Về Á Phi Học tại Toronto, (1990). Ngược lại cụ xin tôi giữ chức cố vấn cho Hội An Việt mà cụ thành lập vào khoảng 1984. Lần cuối cùng gặp nhau, cụ mong tôi giúp cụ tổ chức "Hàn Lâm Viện Việt Nam" mà cụ đương thành lập tại California. Tôi cảm thấy một cái gì bất an, mặc dù rất kính phục nhiệt tâm của cụ. Tôi cảm tưởng cụ đương bị "lợi dụng", một điều mà tôi thẳng thắn nhắc với cụ khi tôi từ khước chức vụ "Viện Trưởng" mà cụ đề nghị. Tuy thế, sợ cụ buồn, tôi chỉ hứa là nếu cụ cần, tôi có thể giúp cụ mỗi năm vào dịp hè.

Trong gần một thập niên nay (1983-1992), người ta có thể nói cụ Kim Ðịnh là làm việc như một siêu nhân. Gần chục tác phẩm liên tiếp ra đời. Hội An Việt được thành lập, khêu lên tinh thần ái quốc, yêu chuộng sự khôn ngoan cũng như suy tầm về nguồn dân tộc, giúp những bạn trẻ và trí thức cảm thấy hãnh diện về dân tộc Việt mình nơi nơi quê họ đất người. Từ các tiểu bang bên Mỹ, cho tới các nước tại Âu Châu, từ Gia Nã Ðại cho tới Âu Châu, nơi đâu cũng có phong trào Hùng Việt hấp dẫn cả ngàn người. Thật là một hiện tượng chưa từng thấy. Trong những năm nay, cụ thường gửi tặng tôi những tác phẩm mới cũng như những tin tức về phong trào Hùng Việt và Hội An Việt của cụ. Tôi cũng nhận thấy, có nhiều tác phẩm đã thấm nhuần ảnh hưởng của cụ (những bài của linh mục Trần Cao Tường, các anh Vương kỳ Sơn, vân vân!). Có thể nói mà không sợ lịch sử chê bai, cụ Kim Ðịnh có lẽ là một người trí thức Việt duy nhất có thể gây lên một ảnh hưởng như vậy. Như tôi từng khẳng định công lao của cụ tại Viện Triết Học của Trung Tâm Khoa Học Xã Hội, Hà Nội (18.01.1997), Kim Ðịnh vượt xa Trần Ðức Thảo trong lãnh vực suy tư và trong tinh thần ái quốc, cũng như sự nhiệt tâm của kẻ sỹ.

Sau lần gặp cuối cùng năm 1991, không đầy mấy tháng, tôi nhận được tin là cụ bị trúng phong, bán thân bất toại. Tôi có viết thư cũng như gọi điện thoại tới nhà Dòng Ðồng Công tại Carthage nơi cụ cư trú, song không có hồi âm. Từ đó hoàn toàn bặt tin cho tới năm 1994, khi tôi nhận được vài hàng chữ (viết bằng điện toán) hối tôi về việc san đình tập Chữ Thời của cụ. Tôi rất mừng nhận ra cụ đã khôi phục một phần nào. Song chắc là cụ không vui vì bài "Việt Triết Khả Khử Khả Tùng?" (1993), trong đó tôi tuy khẳng định triết học của cụ, song cũng phê bình tính chất thiếu nghiêm túc và quá lãng mạn trong nền triết học An Vi của cụ. Bẳng đi một đỗi, tôi nhận được lá thư cụ viết (06.1996), tương đối khá dài, về những gì cụ đã làm và muốn hoàn tất. Cụ xin tôi sang Mỹ gặp cụ gấp để bàn về việc hoàn tất hai tập Việt Triết và Việt Thần mà cụ muốn tôi viết chung với cụ, cũng như san đình lại tập Chữ Thời, một tập mà cụ cho là rất quan trọng, (song cụ tự nhận là quá đơn giản vì viết cho sinh viên lớp dự bị Ðại Học Sài Gòn). Tôi trả lời cụ, và cố gắng xếp đặt công việc để có thể sang thăm cụ vào tháng 8.1996. Dự định là thế, song vì bận dạy tại Ðại Học Vienna, Áo, rồi sau đó cho Ðại Học Hè tại Thụy Sỹ, cũng như một loạt bài diễn thuyết tại Hy Lạp và Ba Lan, nên tôi xin hẹn lại cụ vào tháng 10 hay 11.1996. Tôi nhận được lá thư thứ hai, và sau đó là thư của cha Lượng (Dòng Ðồng Công) xin tôi cho biết ngày giờ tôi đến để ra đón cũng như lo liệu chỗ cư ngụ. Một lần nữa tôi lại phải khất, vì tôi phải qua Ấn Ðộ, sau đó trở lại Ðức. Công việc dạy tại Ðại Học Frankfurt đòi tôi phải ở lại Ðức cho tới cuối tháng 11. Mà đầu tháng 12 tôi phải về dạy tại Ðại Học Bắc Kinh, và sau đó, vào tháng giêng 1997, tôi phải làm một loạt bài thuyết trình tại Bangkok, Hà Nội, Sài Gòn và Kuala-Lumpur, Mã Lai. Thế nên tôi lại khất quanh cho tới ngày hôm nay khi nhận được tin buồn là cụ đã trở về với Ðạo Uyên Nguyên, với Thượng Ðế của cụ.

Viết về Kim Ðịnh đòi hỏi một công trình, một điều mà chúng tôi sẽ làm trong một tập riêng về kim Ðịnh trong tương lai (dự định viết bằng anh ngữ, do Giáo sư Phan Ðình Cho và tôi chủ biên). Thế nên bài này chỉ viết ra để tưởng niệm người quá cố, nói lên mối tình đối với một bậc tôn sư, nhắc lại tình yêu nước, yêu dân tộc cũng như lý tưởng của cụ. Với cụ, chúng tôi đã thành lập Ủy Ban Nghiên Cứu Việt Triết (thành viên: Kim Ðịnh, Vũ Ðình Trác, Vũ kim Chính và Trần Văn Ðoàn, từ năm 1996, thêm Nguyễn Ðăng Trúc). Lần này, trong cuộc Hội Nghị tại Trường Kỳ (Nagasaki), Ủy Ban chúng tôi đã tích cực tham dự, chỉ thiếu cụ và Tiến Sỹ Vũ Ðình Trác. Ước mong rằng, vong linh và tinh thần cụ sẽ tiếp tục hiện diện trong Ủy Ban, để giúp anh em, nhất là những người hậu sinh, tiếp tục sứ mệnh của người Việt.

Tân Trúc, 28.03.1997
Trần Văn Ðoàn, Ðại Học Quốc Gia Ðài Loan


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page