A Response to Prof. Tran Van Doan on The Vietnamese Theology

ÐỂ TIẾN TỚI
MỘT THẦN HỌC VIỆT

Linh Mục Triết Gia Kim Ðịnh (15/06/1915 - 23/03/1997)

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

I TỔNG QUÁT

1. Bài của Trần Văn Ðoàn đã ghi một bước tiến mạnh dạn trong phạm vi Thần Học. Bước tiến đó ở tại tác giả nhìn ra động tính của Việt tính và sự quan trọng của nó trong việc thành lập Thần Học Á Ðông.

Nói tới tiến bộ là bao hàm một dĩ vãng gồm rất nhiều thử thách dò đường. Những dò dẫm đầu tiên do các thừa sai thế kỷ 16-17 đứng trước vấn đề có nên cho phép người theo Công Giáo duy trì việc thờ cúng ông bà chăng? Dòng Tên nói được, các thừa sai khác bảo không nên. Vấn đề được bàn cãi không những bên Tàu giữa các thừa sai mà còn kéo theo cả vua quan nữa, cũng như nó đã làm rung chuyển cả giới trí thức Âu Châu Trung Cổ hơn một trăm năm. Kết quả là Dòng tên thua: vì thần học Âu Châu lúc đó không cho phép việc thờ ông bà.

2. Nhưng đến đời nay mới nhận thức được sự cấm đoán đó chính là một trở ngại cho việc truyền bá Phúc Âm nên quãng đầu thế kỹ nầy (1939 gì đó) mới cho phép, và thế là Dòng tên đã thắng, nhưng thắng mà không có người thua: thắng một cách vô bổ vì vấn đề không còn được ai lưu ý tới nữa. Sự việc đã thuộc lịch sử rồi. Có còn chăng chỉ là mối thao thức khó nhận diện thường được bày tỏ trong mấy luận án tiến sĩ phần nào có tính cách thần học như ý niệm Thượng Ðế qua Kinh điển Nho thí dụ. Nhưng nói chung những luận án đó đều tuân theo lối được áp đặt ở trên tức dùng phạm trù thần học Âu Tây để xét vấn đề Thượng Ðế Á Ðông. Nghĩa là đều theo lập trường duy lý của thần học Tây Âu nên không đưa ra được tia sáng nào cho vấn đề; vẫn theo nội qui "triết là con sen của thần học", tức chưa dám là một khoa học độc lập có qui chế riêng biệt. Vì thế mà mối thao thức vẫn còn y nguyên tuy chỉ âm ỉ.

3. Trong quãng thời gian sống tại Paris (1947-1957) đôi khi tôi có nghe về vấn đề này, thí dụ có người hỏi tôi "Việt Nam các anh có triết lý chăng? Các anh có nghĩ đến thiết lập một thần học Việt chăng?" Phản chiếu những thắc mắc nầy hơn cả trong thời ấy có lẽ là quyển "Monsieur Pouget" (của Folliet?), một linh mục dòng Oratorien (?), ông thường nói hiện nay người Âu Tây chưa hiểu đúng Kinh Thánh. Sách Thánh phát xuất từ Á Ðông thì phải do người Á Ðông giải nghĩa mới mong đúng tinh thần của Sách.

4. Nghe thế tôi tự đặt câu hỏi: Tinh Thần Á Ðông là gì? Ðến khi xem sách vở Á Ðông tôi thấy người Á Ðông chỉ có một ý niệm mơ hồ về điều đó, còn lâu mới đủ sáng tỏ để trở thành một phạm trù có thể xử dụng cách khoa học. Từ đấy tôi cưu mang ý tưởng phải tìm cho ra cái tinh thần Á Ðông là gì trước đã, rồi mới mong giải nghĩa Thánh Kinh theo tinh thần Á Ðông hoặc thiết lập Thần Học Việt. Và thế là từ đấy tôi quay về nghiên cứu Á Ðông: hết Ấn Ðộ giáo đến Phật Giáo rồi tới Nho; hết Hán Nho đến Nguyên Nho rồi Việt Nho. Nhiều bạn hữu yêu cầu tôi viết về Công Giáo. Tôi chưa dám nhận vì thấy tinh thần Việt ra sao tôi đã nắm vững đâu! Do đó tôi cứ nghiên cứu Nho rồi Việt, tìm được tới đâu viết ra tới đó.

5. Sau cùng tôi nghĩ đã nắm được phần nào Việt tính, và do đó lấy làm tiêu chuẩn để đánh giá bài của họ Trần mà tôi cho là tiến bộ. Ðiều đó được biểu lộ trong hai điểm: một là hễ nhìn thấy Việt tính là yếu tố quyết định, hai là nói lên chổ làm ngộp thở con người do thần học Âu Tây đã duy lý lại dựa trên tín điều trọn vẹn nên đã khép triết lý vào vai trò con sen: chủ nhà là Thần Học sai gì con sen triết Lý làm nấy. Chủ sai đi tìm lý lẽ để bênh vực lập trường của chủ thì triết tuân theo định đề của thần học, thành ra nếu có thiết lập thần học Á Ðông thì sẽ không là thần học mà chỉ là khoa biện giáo hay minh giáo gì đó (Apologétique). Họ Trần đã dám nói lên điều nầy.

6 Bây giờ ta trở lại điểm đâu là Việt tính. Họ Trần đã nói đúng rằng (1.1) Việt tính là động tính. mà ông muốn gọi là siêu việt biện chứng. Ðó quả là bước tiến đáng kể trong việc tìm về hồn Việt, chỉ cần chi tiết hóa để có thể ứng dụng. Tôi đã thử làm điều đó ở bài Nét Song trùng trong quyển Kinh Hùng bằng nói lên nét đặc trưng của Ðông Nam Á mà các học giả quốc tế gọi là lưỡng hợp tính (dual unit). Họ nói thế vì căn cứ trên huyền thoại luôn luôn có nét song trùng là đực-cái, núi-sông, nước-lửa, ông Ðùng bà Ðà... rồi biểu thị bằng hai gạch chạy song song tìm thấy được tạc sâu trên những đồ dùng bằng đá mới Bắc Sơn... Nếu muốn nói hết thì phải viết ra cả một sách, độc giả nào muốn biết chi tiết xin đọc Kinh Hùng và Sứ Ðiệp sẽ thấy siêu việt tính được áp dụng vào mọi vấn đề: như vũ trụ thì Vũ là không gian, Trụ là thời gian. Con người là đức của trời đất. Vạn vật là âm dương. Ðiện khi là giây nóng giây lạnh... không một vật lớn nhỏ nào thoát ra ngoài nét song trùng cơ bản nọ.

7. Ở đây chỉ giồn chú ý vào vấn đề Thần Học và lúc đó nét song trùng nọ sẽ là Thượng Ðế và Thiên. Ðây là cặp từ thượng được coi như nhau nhưng thực sự khác nhau. Thượng Ðế hiểu là Chúa tể càn khôn tương đương với Chúa Ngôi Vị (Dieu personel) của Thần Học Tây Âu. Còn Thiên tương đương với Chúa siêu ngôi vị của các nhà huyền niệm, vì Thiên vốn là "vô thanh vô xú", vô hình vô tượng, làm sao có ngôi vị được. Vì thế phải kiêm cả hai, điều này được biểu thị bằng đền tế Thiên: nền vuông, nóc tròn. Vuông chỉ bốn góc, tức có hình, còn tròn không có góc cạnh chỉ vô biên vô hình. Vậy muốn bàn về ông trời, Ðông phương phải gồm cả Thượng Ðế có ngôi vị, cả Thiên vô thanh vô xú, (vô ngôi vị).

8. Nắm vững nét song trùng căn bản nọ để đi vào quan sát thần học Tây Âu qua ba câu tuyên bố của họ Trần: câu một: Á Ðông không chấp nhận lối Thần Học Âu tây dựa trên ý niệm, dựa trên luận lý (logical). Câu đó đúng tinh thần Á Ðông. Vì nói Thần Học là học về Thượng Ðế mà kỳ thực là học về ý niệm của lý trí về Thượng Ðế chứ không phải Thượng Ðế. Ðó quả là phi-thần-hóa Thượng Ðế, tức cắt mất chiều kích vô biên của Thượng Ðế. Vì ý niệm nào cũng là vật có cùng. Nói theo Việt Nho là thần học duy lý đánh mất nét song trùng, chỉ có ý niệm về Thượng Ðế mà bỏ mất chiều siêu linh là Thiên "vô thanh vô xú", tức là làm mất tính chất vô biên của Thượng Ðế. Vì ngừng lại ở đợt có cùng là ngôi vị, mà ngôi vị được định nghĩa là "Tự thể biệt quyền không thông được cho tha thể" (Subsistentia sui juris et alteri incommunicabilis) tức trình bày một Thượng Ðế bị giới hạn tư bề: có bao nhiêu tha thể là có bấy nhiêu giới hạn. Dưới con mắt Á Ðông không còn là Thần nữa. Kinh Dịch nói "Thần vô phương", Thần không ở nơi nào riêng biệt, vì thông được với mọi vật nên không nơi nào không ở. Chính vì thể tính "thần" nầy mới làm nên Tự tính của Thượng Ðế, thế nên dừng lại ở chổ Chúa có ngôi vị là bỏ mất tính chất siêu linh đó, trái với Việt tính là siêu việt tính, Việt không thể chấp nhận thần học duy lý có hạn cục như thế được.

9. Nếu vậy không thể có thần học chăng? Thưa không mà lại có: không có thần học theo lối duy lý Thượng Ðế làm đối tượng suy tư, nhưng có thần học lấy thánh nhân làm đối tượng như họ Trần đã nói (1.3). Vì thánh là thành, thánh giả thành dã, thành nhân cùng cực là thánh, đó gọi là chí thành, mà chí thành như thần, nên học về con đường thánh nhân đi tức là học về con đường dẫn tới chí thành. Hễ có chí thành là có thần, nên vô thần có nghĩa là thiếu chí thành.

10. Con đường thánh nhân đi tới thần gọi là triết vì triết là triệt, triệt để, triệt cùng. Triết duy lý căn cứ trên có ý niệm, chứ triết Việt căn cứ trên cả ý lẫn tình cùng chí. Ý tình chí ví như chân tay của Tâm, mà đợt ngoài là Tính. Tâm thì vô biên như vũ trụ vậy (vũ trụ chi tâm) ta không biết cách trực chỉ, phải qua những trung gian hoặc hữu hạn như ý, hoặc lộ tông tích phần nào như tình và chí mới tới Tâm. Nếu nói cặn kẽ thì ý-tình-chí đưa tới Tính mà Tính là mặt ngoài của Tâm. Còn nói thông thường thì rút ngắn lại thành Tâm Tình. Vì sự rút ngắn nầy nên không cần phân biệt Tâm với Tính, coi Tính cũng như Tâm.

11. Bạn sẽ hỏi đó là triết lý chứ có phải thần học đâu? bạn nói đúng theo phạm trù Tây Âu. Á Ðông không phân biệt triết với thần học, vì tận cùng của triết là thần học: hễ ý-tình-chí mà đi đúng đường thì sẽ đạt Tính, mà Tính là Thiên rồi đó. Sách Trung Dung nói: "Thiên mệnh chi vi Tính": Thiên mệnh chính là Tính. Tính là Thiên mệnh. Cho nên đi theo Tính đã là đạo (Xuất Tính chi vi Ðạo) vun bồi sự "Xuất Tính" gọi là Giáo. Giáo là tôn giáo hay giáo dục cũng được. Bạn có thể không hài lòng ở chổ để lộn xà ngầu không phân rõ ràng minh bạch triết ra triết, thần ra thần, tôn giáo với giáo dục khác nhau. Nhưng nếu phân ra minh bạch thì hết là Á Ðông rồi. Vì theo Á Ðông thì luân lý, tôn giáo, triết lý đều đặt nền tảng cuối cùng trên Thượng Ðế mà chiều sâu của ngài là Thiên, mà Thiên thì "vô thanh vô xú" vô hình vô tượng, vậy lấy gì để phân biệt, vì hễ cái gì có chiều kích vô biên thì đều huyền đồng nghĩa là đồng với nhau một cách huyền diệu vượt lý trí loài người. Như vậy theo Á Ðông triết lý về con người cũng là thần học rồi, và đó mới là Việt Ðạo theo nghĩa Việt là siêu việt, là chính tông, vì Việt tính là Việt đến chổ vô cùng, thần học không vượt đến chổ vô cùng thì còn chính tông sao được. Vì vô cùng là bản tính của Thiên Chúa mà.

12. Ðó là ý nghĩa uyên nguyên của chữ Việt. Nhưng chữ Việt cũng có nghĩa là Việt tộc, vì hai lý do: trước hết vì đã có lần tiên tổ ta đặt tên cho nước cho dòng tộc là Việt để nhắc nhở dòng tộc rằng cứu cánh của con người là phải đi về cùng Chúa gọi tắt là Siêu Việt. Hai là vì nhờ đó mà dân Việt đã có lần Việt được, nói cụ thể là đã thiết lập được một nền thần học đặc biệt gọi là Ðạo Ba (cũng gọi được là Ðạo Trống hoặc Ðạo tiên). Phương ngôn Việt nói:

Thơm danh đây là danh con người Ðại ngã tâm linh mà xuyên qua Tình và Chí con người tiểu ngã đã việt tới được.

13. Ðây là Ðạo đặc biệt Việt theo cả hai nghĩa trên, nếu vậy thì ta khỏi cần kiến tạo triết Việt, thần học Việt nữa chăng? Thưa không khỏi, vì một đàng lâu ngày Ðạo Việt đã sứt mẻ, đã thất truyền. Ðàng khác bước vào thời mới thì cảm quan thay đổi, lý trí con người lại đã phát triển cùng cực, nên buộc phải trùng tu đạo Việt bằng lập ra thần học Việt cũng như triết học Việt vậy. Về điểm này chúng tôi đã bàn dài trong trên hai chục cuốn sách. Riêng về thần học thì có bàn nhiều trong quyển Trùng Phùng Ðạo Nội ai muốn biết thêm đón coi sách dự tính xuất bản vào năm 1984. (Nói dự tính vì cho tới nay việc in sách triết, ít ra của tôi bị trục trặc hoài. Quyển Sứ Ðiệp đã đưa sắp chữ gần ba năm mà mãi chưa ra được!).

14. Thế là chúng ta đã thấy hướng phải đi, nó nằm trong Việt tính mà Việt tính là động tính theo hướng siêu việt tức tiến tới phối Thiên. Ðó là điều khó căn bản, khó cách diệu vợi như nối có với không, động với tĩnh, nhất với đa. Vậy mà tiên tổ ta đã may mắn hiện thực được và lưu lại lu bù ấn tích cho chúng ta, nhưng lâu ngày những ấn tích ấy bị lu mờ đi nên miêu duệ đánh mất dần ý thức, nhưng may thay nay chúng ta đã tìm ra được phần nào, vậy là đã vuợt khó khăn tìm ra phạm trù chính tông. Bây giờ chỉ còn hiện thực theo cảm quan đời mới là lý luận, phân tích, chứng minh, đối chiếu... Cái đó chúng ta đã bắt đầu giải quyết và sẽ hoàn bị dần. Cái khó nền tảng là đường lối thì chúng ta đã nhìn ra rồi: đó là Việt tính hay nói theo họ Trần là "siêu việt biện chứng". Chúng ta có thể khẳng định đó là thể tính trung thực, đến nỗi triết học hay thuyết lý nào đi trái với nó cũng đều bị trục trặc, cả đến thần học cũng không thoát nên quả đó là thể tính có tính chất phổ biến: tức ở đâu và bao giờ cũng vậy.

15. Việt tính là qui tính cho nên qui tính chính là hồn Việt, mà nó cũng phải là hồn của bất cứ nền thần học nào muốn được là trung thực. Nói khác qui tính chính là động tính Việt nhưng nó nói lên cái hướng tiến: tuy là siêu việt mà không tiến lên nhưng lại tiến vào: tiến vào nội tâm. Ðó là điều khác biệt với Tây Âu. Với Tây Âu thì Siêu Việt là tiến lên. Với Việt thì Siêu Việt lại là tiến vào. Họ Trần đặt câu hỏi làm thế nào để phát hiện qui tính Việt tức cũng là thiết lập và có tính cách toàn diện. Ðó chính là ước nguyện của tôi đã gắng thi hành bằng khoa huyền sử gồm cả từ, tượng, số, chế xuyên qua bộ triết lý An Vi. Ở đây chỉ tóm lược qua về qui tính.

16. Trong quyển Chữ Thời tôi có nhắc tới câu nói thời danh của Teilhard Chardin rằng: Tout ce qui monte converge, có thể dịch ra chữ Nho là Thăng giả hội. Tôi đã nương theo lời dịch đó để đưa ra câu "Qui giả hội" đặng công thức hóa tinh thần bài thơ Việt Nho tựa là Hoàng Cực trong hai câu cuối cùng là:

Nghĩa là nếu qui tâm đến cùng cực thì cũng sẽ hội thông với Chúa với muôn loài đến cùng cực. Thực ra thì Qui của Việt cũng như thăng của Tây Âu giống nhau trong dự phóng, nhưng chữ qui nói lên đặc tính Việt là hiện thực, là đốc hành, hoặc tri hành hợp nhất: tức lý thuyết đã bao hàm thực hành theo sau; việc hiện thực đó là phép tồn tâm dưỡng tính, nói vắn tắt là qui tính. Vậy qui tính chính là triết Việt mà muốn gọi là thần học Việt cũng được. Vì thế nó được vun bồi cách rất tỉ mỉ bằng nhiều phương pháp, mà nổi bật hơn cả là thể chế tứ quí.

17. Tứ quí là 4 tháng cuối cùng trong mỗi mùa, gọi là quí nguyệt:

Ðể hiểu được phần nào ý nghĩa thể chế nầy thì trước hết phải biết sơ qua qui chế ngũ hành được cơ cấu hóa như sau:

18. Xem bảng trên ta thấy có 4 phương, 4 mùa cho 4 hành chung quanh, còn giữa lại có hành Thổ trung cung chẳng có phương nào, cũng chẳng có mùa nào. Vì vậy nên hành Thổ có tên là hành vô địa (không có phương), hành vô hành (không có mùa). Quả thực, hành Thổ là bà con nghèo, nhưng chính vì chổ nghèo đó mà nó đại diện cho cái Không đối với bốn hành kia đại diện cho cái Có, và nhờ vậy ngũ hành kia mới có khả năng hòa hợp được những cái tương phản cùng cực như có với không, động với tĩnh, nhất với đa... Cũng vì thế mà Ngũ Hành chỉ tâm linh tính. Vì Linh cũng như Thần không ở riêng nơi nào, nên không đâu không ở. Chính hành Thổ biểu hiện điều đó bằng cách mượn của tháng cuối trong mỗi mùa một tuần để làm tứ quí (một tuần nhưng nói là cả tháng: quí nguyệt). Thành thử hành Thổ không có mà lại có, có còn nhiều hơn bốn hành kia nữa lị. Mỗi hành chỉ có hai tháng, còn tháng thứ ba thì cúng cho hành Thổ: tử vi phải tính như vầy: mộc mộc Thổ, hỏa hỏa Thổ, kim kim Thổ, thủy thủy Thổ.

19. Hành Thổ dùng 4 tháng đó để làm chi? Thưa để không làm chi cả, chữ Nho gọi là Vô Vi. Nếu muốn giữ bản chất chữ hành (là tác hành) thì là hành vô vi. Nói cụ thể là ngồi bất động kiểu thiền (yoga) không suy nghĩ gì cả, nếu có động cũng là động tới cái không tức thở không khí theo một kiểu riêng gọi là Ðạo Thở (Ðạo Tức). Tất cả việc đó gọi là Trai Tâm. Trang Tử gọi là Tọa Vọng: tức ngồi mà quên hết các việc động loạn của thế trần, bịt tai, nhắm mắt, ngậm miệng, nhíp cái tâm, gìn cái ý... Lão Tử nói "thường ngậm miệng, bịt tai, nhắm mắt, nhụt bén nhọn..." (DDK 56). Nhụt bén nhọn hiểu là bỏ lý trí sắc bén như suy luận, phân tích... Tọa vong như vậy là cốt để lòng trống trơn cho Tâm Linh xuất hiện. Nói khác đã coi Thiên là vô hình, vô tượng, "vô thanh vô xú" thì cũng phải dùng lối vô thanh, vô xú, vô hình, vô tượng để đón nhận Thiên, để được kết hợp với Chúa, đó gọi là "phối Thiên".

20. Ðây là việc gốc của tu thân mà mọi người phải làm: từ vua tới dân (tự Thiên tử dĩ chi ư thứ dân nhất thị giai dĩ tu thân vi bản). Tuy nhiên trong thể chế quân chủ xưa thì vua đại diện cho toàn dân để tế Thiên, nên việc tu thân vua cũng phải làm cách trọng thể khác toàn dân, là cụ thể hóa thể chế tứ quí bằng nghi tiết của nhà Minh Ðường. Nhà Minh Ðường chính là khung Ngũ Hành trên kia được vẽ kép nét thành 5 ô rồi thêm bốn căn góc thành ra hình có 9 ô. Khi huyền sử nói về chim Lạc Việt có 1 chân 8 cánh là phải hiểu về đấy: 1 chân là hành Thổ ở trung cung, còn 8 cáng là 8 ô ở chung quanh. Sách có nói về Cửu lạc hay Cửu trù đều ngầm chỉ về hình trên.

21. Nhưng một năm có 12 tháng mà nhà Minh Ðường dù đã mở rộng cũng mới có được 8 tháng, thì phải làm thế nào? Thưa ngăn đôi 4 căn góc ra. Thế là có 12 căn: 8 căn nhỏ gọi là Cá (chữ cá viết là hàm ý căn nhà phân đôi). Căn để y nguyên thì gọi là quí. Ta thấy hành Thổ đã lấn đất rồi: ngoài ô trung cung còn kiếm 4 ô nguyên vẹn, rộng bằng 8 ô kia. Thế là ta được hình ảnh của câu "tâm trùm cảnh" hay "chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài". Xem hình trên thì chữ tài chụm cả 8 cá lại mới được 4 căn, còn hành Thổ kêu là hành vô địa lại được những 5 căn trọn vẹn. Cái đó có thể kêu là "chân không diệu hữu" = Cái Không chân thực là nguồn cái Có diệu huyền.

Vừa phải đồng ứng theo qui chế nhà Minh Ðường gọi là Nguyệt lệnh tức mỗi mùa phải vận áo có màu xứng hợp, thí dụ màu xanh cho mùa xuân, đỏ cho hạ, trắng cho kim, đen cho mùa đông... mỗi mùa phải ở một lô phòng riêng: 2 tháng đầu mùa ở trong 2 căn Cá, tháng thứ ba ở trong căn Quí là căn có chổ thông với trung cung để thực thi trai Tâm đặng thông hội với thần minh.

22. Có thế mới thông đạt được ba ơn ích của ngũ hành mà Kinh Dịch kể ra như sau:

1) bàng hành nhi bất lưu: (Ði ra bên cạnh mà không trôi theo lưu tục, tức không bị động bởi trần cấu, Vì đi ra 2 bước (2 căn cá) lại vào ô quí như để "xạc" bình điện nên không bị lưu tục, mà còn nhờ đó mà lạc thiên tri).

2) Lạc thiên tri mệnh cố bất ưu: (biết trời biết mình nên không âu lo. Vì luôn kết hợp với Thiên - thừa theo ý Chúa).

3) An Thổ đôn hồ nhân cố năng ái: (an trong cung Thổ là đôn hậu được tình người nên có thi hành bác ái).

Nói khác nếu không an Thổ để phối Thiên thì không hiểu được bản tính con người là đại ngã tâm linh, nên sẽ không yêu thương đích thực được. Mà không yêu được (không bác ái) thì tất cả sụp đổ: cả chính trị, kinh tế lẫn triết học, thần học... Vì tinh hoa của đạo giáo, của mọi khoa thần học đích thực phải đưa tới chổ hiện thực được bác ái. Vậy mà nếu không thấy mối liên hệ nơi người với Chúa thì dễ thấy tha nhân chỉ là tha nhân khác biệt với mình, có khi còn là cừu địch nữa, thì yêu thương sao được, cho nên muốn hiện thực được yêu người cách trung trực phải thấy mối liên hệ ngầm nối người với Thiên (Chúa) cũng là nối với mọi người, mọi vật, mà chỉ nói với nhau được trong chổ vô thanh vô xú. Chính vì thế mà triết học Việt Nho nhấn mạnh trên vô thể mới là căn nguyên cho mọi cái hữu hình. Lý tưởng là phải giữ được cả hai, nhưng Tây Âu nghiêng sang Hữu Vi với khoa siêu hình gọi là hữu thể học. Ấn độ nghiêng sang Vô Vi với khoa siêu hình xây trên Thái Hư. Việt kiêm cả hữu vi lẫn vô vi nên tôi gọi là An Vi.

23. Ðó là đại để ý nghĩa nguyệt lệnh với nhà Minh Ðường và tứ quí. tất cả đều hướng vào hiện thực qui tính cũng là Việt tính. Bạn có thể nói: Ðược lắm, quả là qui tính được chứng minh cách cụ thể, nhưng đó là của Nho, của Tàu chứ có phải của Việt đâu! Tôi có thể chứng minh nguồn gốc Việt của Nguyệt lệnh bằng nhiều cách nhưng đây không phải chổ nói dài được, nên chỉ xin nói về chứng cớ lấy từ Trống Việt có trước Nguyệt lệnh, ít ra bộ số nền tảng trong đó.

24. Cái trống Việt sở dĩ gọi là Trống vì tiên tổ đã đặt tên di vật nọ theo bản tính của nó, gọi là trống là có ý nói lên bản chất đạo Việt ở trong chổ trống rổng, y như hành Thổ trong Ngũ hành vậy. Vì thế Trống có đủ tượng và số của bộ số "Vài Ba" trong ngũ hành cách đầy đủ như đã trình bày chi tiết trong Sứ Ðiệp Trống Ðồng. Ở đây chỉ xin nhắc lại con số "vài ba" biểu lộ bằng lối treo trống cách mặt đất 20 phân (vài) bên dưới khoét lỗ trống 30 phân (ba). Lúc đánh phải có một người làm cái đánh từ trong giữa trở ra: đánh thành bài bản nhờ cung cao thấp thành ra độ. Rồi 4 người (hoặc 4 cặp) đứng 4 góc đánh nhịp trên rìa mặt trống. Giữa mặt trống là hình mặt trời. Bốn phương chỉ thị bằng 4 quai ở tang trống...

Trong bài có nói đến hai chiếc hoa quì kép. Xin giải rộng: Hai là nét song trùng (hay lưỡng hợp). Hoa quì có 9 cánh, chữ Nho nói là "cửu đạt chi đạo" - A place from which nine ways proceed - Quì là nơi phát xuất của chín con đường. tại sao đang hoa mà lại nói đến đường đi? Thưa vì hoa quì có tính hướng dương: đi theo hướng mặt trời nên gợi ra ý con đường. Vì thế chữ quì có kiểu viết như sau: kép bởi căn cửu là 9 và căn thủ là đầu. Vì thế xem mặt trống tôi liền tưởng tới chữ đạo, kép bởi xước là đi và thủ là đầu. Cả hai làm liên tưởng tới câu:

Thái dương ngữ giữa mặt trống để chỉ trời. Ðạo giáo chỉ Trời bằng số 36. Vậy phải có hai cặp hoa quì (2 x 2 x 9 = 36). Xem 36 chim đang tiến về thái dương. Chả thấy chúng đang hiện thực thần học Việt là gì? Thần học là học về qui tính Việt, qui tính được biểu thị bằng hoa quì. Quì giả qui dã!

25. Tóm lại, ngắm nhìn kỹ những kiểu cách, những hình vẽ trên mặt và tang trống cũng như các cách sắp đặt các hình tạc trên mặt trống ta có thể nói đó quả là một lâu đài về thần học Việt. Nền thần học nầy bao gồm cả nhân đạo, địa đạo lẫn Thiên đạo; cả phương thế thực thi gọi là qui tính cũng như luôn luôn có hiện thực đi kèm phần lý thuyết. Ðể nhấn mạnh điều cuối cùng nầy lần nữa xin kết bằng nói về ý nghĩa 18 đôi chim ở vòng ngoài cùng trên mặt gồm 36 con: Ðó là 36 tầng trời (đối với 72 chỉ đất).

Còn 18 là 2 lần 9, vì nền tảng Việt là nét song trùng nên 9 nhân 2 thành 18. Vì thế ông nội Bàn Cổ cai trị 18 ngàn năm. Con cháu lập lại chân lý nọ bằng 18 đời Hùng Vương. Thánh Dóng cỡi ngựa 18 thước vân vân...

Xin nhớ số 9 là hoa quì. Ðó chính là quốc hoa Việt có 9 cánh. Quì giả qui dã: quì là qui về đầu cỗi rễ là Thiên, tức muốn nói cứu cánh con người là phải đi về cùng đầu cỗi rễ muôn loài. Vì thế tất cả các chim đều tiến theo hướng tả nhậm là hướng tay trái tim, tổ tiên gọi là hướng trời (ngược lại hữu nhậm là hướng đất). Trời ở đây được chỉ bằng 36 chim. Bạn thấy không? Toàn thân cái trống đã nói lên cách cặn kẽ qui tính. Vậy mà đến vòng ngoài cũng còn thêm đôi hoa quì kép để kết thúc. Thiết tưởng không thể tìm đâu được tượng hình minh họa qui tính Việt cách chói chang hơn nữa.

26. Trong bài nầy tôi có ý dùng hơi nhiều tiêu biểu là cốt để tỏ rõ những khẳng định trên về Việt tính và qui tính cũng như Việt có trước Nho (Tàu). Những khẳng định đó đều dựa trên tượng hình khách quan có thể minh chứng bằng khảo cổ, chứ không phải là truyện hư cấu suy luận như một số người nghĩ tưởng. Việc dùng nhiều tiêu biểu là cần khi tìm về nguồn gốc văn hóa dân tộc. Vì là văn hóa ưa dùng tiêu biểu do tính chất tác hành của nó. Những tiêu biểu đó nói lên lòng sùng mộ thần minh của cha ông ta rất cao độ. Có thể nói quay hướng nào, nhìn vào cái chi thuộc ăn, mặc, nói, làm đều có dấu hiệu nhắc nhở con người phải qui hướng về cùng Chúa. Không lúc nào không chú tâm vào Ngài khiến cho khi nghiên cứu về nguồn gốc dân tộc, tôi hết sức cảm động, thấy tiền nhân chú tâm vào việc vun bồi đức tính cách chí thành, thật quả như câu sách Ðại Học nói: "người quân tử lo trau dồi đức tính như cắt, như dũa, như đục, như mài" (Hữu phỉ quân tử như thiết, như tha, như trác, như ma). Chẳng may vì lâu đời, cũng như các biến cố dồn dập đảo lộn hết, nên đạo đã thất truyền. Những tiêu biểu không còn nói lên được gì với con cháu nữa. Nay có làm nhiều lắm cũng chỉ là tìm ra được ý nghĩa biểu tượng thuộc lý trí mà thôi, chứ không còn sự rung động tâm hồn, âm vang vào lối sống như xưa.

May thay tôi nghĩ đạo Việt nay đã được canh tân theo hoàn cảnh mới để cho qui tính Việt phục sinh mạnh mẽ. Ðó là điều sẽ được bàn rộng trong quyển Trùng Phùng Ðạo Nội.

27. Thế là Trần Văn Ðoàn đã can đảm đi đầu, tức dám nói lên chổ bế tắc của Thần Học Âu Tây cũng như chỉ trỏ đường hướng khả thể của Thần Học Việt, nó ở trong Việt tính tức là qui tính. Như vậy là đã tìm ra cửa rồi. Bây giờ chỉ còn việc bước vào nhà (chữ Nho gọi là "nhập ư thất") để kiểm kê những của cải quí báu trong nhà: nói cụ thể là đi vào chi tiết đặng nói lên quan niệm Việt về từng tín điều, từng nhiệm tích...

Chưa biết họ Trần và nhóm nghiên cứu của ông tại Ðài Loan (gồm 2 Việt Nam, 3 Trung Hoa, 1 Áo, 1 Ðức) đã đi tới đâu. Khi nào có các bài của nhóm đọc trong Hội Nghị Quốc Tế văn hóa Trung Tây họp vào tháng 9 năm 1983 mới có thể bình luận thêm. Chỉ biết rằng đến bước thứ hai nầy thì khó khăn không còn chỉ thuộc khả năng lý trí thôi, mà nó đã đèo theo cái gọi là tế nhị ở chổ cứ lý thì phải như thế, như thế... nhưng còn tình đời, tình xã hội, với các cơ chế đã thiết lập thì những lập trường với những lý luận đưa ra có thể sẽ gây va chạm, có khi cả đổ vở. Có nên cứ "thẳng mực Tàu mặc cho đau lòng gỗ" hay là phải uốn theo lườn gỗ để bào? Nói khác, có nên "cách mạng" hay là "tham bán"?

28. Trong dĩ vãng Việt tính đã biến đổi văn minh Hoa tộc đến đâu cũng như đã nhiều lần cải Phật giáo như:

Trúc Ðạo Sinh với thuyết Ðốn Ngộ.
Trí Khải với câu "lý sự vô ngại".
Tổ Huệ Năng với Hành Thiền (thay cho Tọa Thiền).
Và cả hiện nay (xem chi tiết trong Trùng Phùng Ðạo Nội), liệu với Thần Học Á Ðông, nhóm Ðài Loan sẽ làm được tới đâu? Ðó sẽ là những biến cố hứa hẹn rất nhiều sôi nổi.

29 Ở đây tôi muốn đóng góp vào bước chi tiết nầy bằng giới thiệu với nhóm Ðài Loan hay cả những ai quan tâm đến vấn đề Thần Học Việt một tài liệu khác lạ và đã đi sâu vào chi tiết. tài liệu xuất phát từ bên Việt Nam, gồm nhưng lời giải đáp các thắc mắc của một nhóm Công Giáo đặt ra với một vị được tin là đã được tiếp được ân điển của Thượng Ðế để nói ra lời của Ngài. Chúng ta có thể không cần tin việc tiếp diễn cũng như việc thay mặt Thượng Ðế... mà chỉ xét lời như cuộc đối thoại trao đổi, không cần tiên thiên chấp nhận hay chối bỏ mà chỉ coi như là có người đặt vấn đề. Những vấn đề ấy tất nhiên có thể gây sôi nổi, nhưng không thể coi như không có, vì những lời ấy đã được thâu băng và đã truyền bá ra cả nhiều trăm cuốn được hàng ngàn người đã nghe đi nghe lại và đã in thành sách. Vì thế trước sau gì rồi cũng tới tai Công Giáo. Cho nên các nhà Thần Học Á Ðông tương lai thế nào rồi cũng phải bàn tới. vậy nên tôi coi tài liệu đó như giúp bắt đầu.

30. Ðây tôi chỉ lấy thí dụ vấn đề thứ nhất trong bản văn đó về liên hệ giữa con người và Thượng Ðế. Cả Công Giáo lẫn bản văn đều đồng ý gọi Trời là Cha, loài người là con. Nhưng trước câu hỏi "con cùi hay con thật?" Thần học Công Giáo cho là con cùi chứ làm sao mà con thực được, vì con người chỉ là vật thụ tạo, yếu hèn, ngẩu hữu (contingens) bất tất..., ngay gọi là con nuôi cũng không được, vì con nuôi cũng cùng bản tính người như Cha nuôi. Ðàng nầy con người là vật yếu hèn còn Thượng Ðế là Ðấng quyền năng vô biên, nên loài người chỉ có thể là con cùi. Trái lại, bản văn thì bảo là con thật có chất Thượng Ðế trong người và cứu cánh con người phải là tự tiến tới chổ nhận thực ra điều đó: được như vậy mới gọi là "phối thiên" hay huyền động với Cha Trời, mà đó là cứu cánh của con người.

Ðó là hai chủ trương khác biệt, Thần Học Việt sẽ chọn bên nào? Nếu chọn bên con thực thì hợp truyền thống Á Ðông nhưng có dám chăng? Nhìn sang bên Công Giáo thì ngoài tín điều còn có Thánh Kinh. Thánh Knh xem ra tán trợ phe Việt. Hãy kể ít câu:

Thứ nhất, Sáng Thế Ký nói: "Chúa dựng nên con người giống ảnh tượng Ngài".

Thứ đếntrong Evan (Phúc Âm) có nói: "Cha là cây nho, chúng con là cành"... Cây và cành cùng bản tính. Nơi khác Chúa phán: "Chúng con hãy trở nên trọn lành như Cha chúng con ở trên trời".

Ðó chỉ là vài câu trong Thánh Kinh trưng thuộc lòng ra đây chứ không có ý lên sổ sách hệ thống. Những câu trên xem ra nghiêng về lập trường Việt. Vấn đề sẽ được giải quyết cách dễ dàng nếu chỉ y cứ vào Thánh Kinh. Nhưng trong thực tế còn có quyền giáo huấn của Tòa Thánh (Ministerium Magisterii). Thần học có thể và có dám qua mặt quyền đó chăng? Nếu qua mặt thì sẽ có một nền Thần Học Việt, các vấn đề sau chỉ là hệ luận của vấn đề nền tảng nầy, nên cũng sẽ thay đổi nhiều hay ít tùy theo lời giải đáp câu hỏi trên đây: Con cùi hay con thật?

32. Lấy một thí dụ đó để dễ thấy vấn đề không còn chỉ là khó khăn về trí tuệ mà đã đèo theo sự tế nhị, nhưng chủ ý tôi tế nhị thì lại khó hợp với khoa học bao giờ cũng trọng khách quan tính, không chịu thiên vị, không chịu vị nể, tương tự như sự khó khăn của các nhà làm sử trong chế độ cộng sản: là hồng hay chuyên? Tuân theo sử tính hay đang tính?

Cho nên muốn đổi Phật Ấn ra Việt Phật hay đổi Hán Nho ra Việt Nho chỉ cần trí tuệ nhạy cảm và học vấn sâu rộng là có thể thành công, còn muốn thiết lập Thần Học Việt phải thêm đức tính tế nhị. Vì thế không thể nói trước được sự thể diễn biến ra sao, chỉ còn chờ xem. Wait and see!

II. PHƯƠNG PHÁP

33. Nhân bàn về phương pháp, họ Trần có nói "để xây dựng nền Thần Học Việt không nhất thiết phải nghiên cứu lại lịch sử, càng không phải chỉ bắt đầu phát khởi từ Nho Học..." Ðây có một vài điều cân phân biệt giữa Nho Học và Nho hay Việt Nho là điều có liên quan cả đến vấn đề văn hóa Việt nên thiết nghĩ cũng cần bàn thêm cho sáng tỏ mọi ngóc ngách hầu giúp vào việc thiết lập Thần Học Việt.

34. Ðiều phân biệt căn bản là sự khác nhau giữa cứ lý (de jure) và cứ sự (de facto). Cứ lý thì có thể thiết lập nền thần học hay triết học Việt mà không cần nhắc đến Nho. Tài liệu giới thiệu ở đây đã là một phần của thần học Việt mặc dầu không hề nhắc đến Nho, hay cả Việt nữa, mà vẫn có thể gọi là thần học Việt. Những chữ Việt ở đây chỉ hiểu theo nghĩa siêu việt và như vậy là đã có thể là một nền thần học trung thực, mà ta cũng chỉ cần có thế chứ có cần chi phải móc nối với Việt hay Tàu chi đâu.

35. Nhưng nếu muốn đứng về phương diện văn học và hiểu chữ "Việt" theo nghĩa là của Việt tộc thì phải đi vào lịch sử, đó là đã bước vào phạm vi cứ sự nghĩa là trình sự đã xảy ra như thế đó, có là Việt tính chăng, vì Việt tính ở đây phải là của dân tộc, tức của nhiều thế hệ từ xa xưa truyền lại, nên có thể là phạm trù khoa học được chứng minh bằng khoa học như cổ sử, huyền thoại, khảo cổ, dân tộc học... chứ không phải muốn khẳng định thế nọ thế kia tùy thích. Lúc ấy chúng ta sẽ nhận ra rằng cái xưa nay quen gọi là Việt tính hầu hết mới là cái cảm nghĩ thông thường chưa đủ nền tảng khoa học, nên cũng không thể trở thành phạm trù triết học được. Muốn thế nó phải chứng minh hằng tính của cái gọi là Việt tính bằng huyền thoại, thể chế, tiếng nói, kinh diển, tức là những gì lâu đời được lặp đi lặp lại mới chứng tỏ là một bản tính, vì bản tính là hằng tính. Việt tính không thể ra ngoài luật chung đó được.

36 Về Nho cũng vậy, xưa rày cứ tưởng hễ giỏi chữ Nho là biết Nho. Ðó mới là biết chữ Nho, cùng lắm là biết Nho học, còn lâu lắm mới biết tinh thần Nho là gì, nói cụ thể là đứng trước mặt các học giả quốc tế mà thưa được các câu chất vấn của họ cách mạch lạc quán xuyến thì mới gọi là biết được tinh thần Nho. Họ Trần có gán cho tôi câu nói sau: "Nho học là của người Việt chứ không phải của người Tàu". Câu nói đó thiếu chính xác tuy không có ác ý vì chỉ là lập lại điều nhiều người nói sai như vậy. Nhưng tôi tưởng cần bàn qua cho thêm sáng tỏ vì vấn đề gắn liền với Việt Nho, mà bàn về Việt Nho có liên hệ tới Việt tính, nên bàn về Việt Nho cũng là đào sâu Việt tính.

36b. Vậy tôi nói Nho chứ không nói Nho học, vì chữ học bao hàm cả sách vở văn tự... thì những cái đó thuộc người Tàu quá rõ, ai điền gì đi chối điều ấy. Nhưng còn Nho nói suông hiểu là tinh thần Nho hay tạm nói Nho giáo hay đạo Nho cũng còn được, đó là nền đạo lý chưa thành văn nhưng đáp ứng được những "nhu" cầu sâu thẳm của con người. Cái "nhu" đó mà cha ông ta đọc là Nho thì tôi bảo nó khởi từ Việt trước rồi Nho công thức hóa sau để trở thành cái tôi gọi là Việt Nho. Ðó là một giả thuyết làm việc (working hypothesis) về triết, và nay tôi đã tìm ra quá đầy đủ như được viết trong nhiều sách, không thể tóm lược được. Ở đây tôi chỉ cốt giồn chú ý đến việc phân biệt "Việt Nho" với "Nho học Việt" hay đúng hơn phải nói "Nho học bên Việt Nam". Ðây không là giả thuyết hay chủ thuyết chi cả, nhưng là một ngành trong văn học sử của Việt Văn, mà tài liệu đã có sẵn đó với nhiều tên tuổi từ thời Ðinh, Lê, Lý Trần tới đầu thế kỷ 20. Lại có sách vở tài liệu chỉ cần một học giả nào lưu tâm nghiên cứu, thu thập, phê phán và viết ra nữa thôi. Tóm lại đó là văn-học-sử, không cần cho việc thiết lập Thần Học Việt hay Tàu chi cả.

37. Trái lại, Việt Nho là một chủ thuyết triết lý Việt nên có liên quan tới Thần Học Việt rất nhiều, nhất là chủ thuyết đó lại có tính chất cách mạng, vì nói trái ngược với mọi người. Mọi người nói Nho là của Tàu. Tàu là thầy, Việt là trò học Nho với thầy Tàu... Việt Nho nói ngược lại: chính Việt mới là những người đầu tiên sáng nghĩ ra Nho trước, rồi Tàu mới học sau.

38. Thoạt xem ai cũng cho là cách mạng, nếu không nói là điên hay nói ẩu do đầu óc quốc gia quá khích... Sự thực thì không quá khích chi cả mà chỉ là nghiên cứu đến nơi về nguồn gốc văn hóa Việt cũng như về Nho. Nói vậy có nghĩa là sử sách Tàu từ Tư Mã Thiên, Bàn Cổ trở xuống đều mới khởi từ chổ lưng chừng, đích xác là từ năm 841 đời Cộng Hòa nhà Tây Chu, còn về trước toàn là làm cái việc mà học giả quen gọi là evhémerisation nó ở tại biến huyền thoại thành sử ký, biến những mẫu mực tiên thiên như Phục Hi, Nữ Oa, Thần Nông ra những nhân vật lịch sử, thành thử huyền sử hầu hết là của Việt biến ra lịch sử Tàu.

39. Còn các sách sử của Việt thì khỏi nói: mới bắt đầu từ quãng Hai Bà Trưng là nhiều lắm mà phần lớn còn lặp lại sử Tàu tức là lặp lại những cái nói bậy của sử gia Tàu về nguồn gốc Tàu cũng như Việt. Tôi đã bác bỏ nhiều nơi, nhất là trong tập sách "Hoàng Việt Tỉnh Cương", trong đó tôi nêu ra những bằng chứng xác thực cho thấy nói về nguồn gốc thì sử Tàu hay Việt đều phải làm lại hầu hết. Riêng về văn hóa tôi đã có làm lại phần nào và đạt kết quả là thuyết Việt Nho. Phương pháp tôi theo là cơ cấu luận theo đó mỗi câu quyết đoán phải đối chiếu với cái toàn thể cũng gọi là môi sinh tinh thần.

40. Ðể cụ thể hóa thì tôi chia môi sinh đó ra 4 mục lớn là Từ, Tượng, Số, Chế.

TỪ là lời nói hoặc thành ngữ như trời đất, tiên rồng, sông núi... hoặc những huyền thoại như trong Kinh Hùng và kinh điển.

TƯỠNG như nét song trùng Bắc Sơn và đã trở nên hoa văn chính từ giai đoạn Phùng Nguyên và Ðông Sơn, hay như trống đồng hoặc vật tiêu biểu như các loại chim nước, giao long, qui long v.v...

SỐ như bộ số "vài ba" hay ngũ hành và các ẩn số trong Hồng Phạm, Cửu trù, Ha Ðồ, Lạc Thư, Cửu Lạc...

CHẾ là các thể chế hay thói tục tức những gì đã có cách công khai và lâu ngày như ba cấp bàn thờ, xá ba cái, ba nén hương và lu bù trong tục lễ làng nước... (Ðã bàn dài nơi khác, đây chỉ nhắc sơ qua).

41. Ðó là một lối minh chứng đầy đủ hết cỡ, vừa chúng tỏ tiên tổ của ta đã hiện thực được siêu việt tính lâu đời mới có thể lưu lại ấn tích cách phong phú như vậy, vừa chứng tỏ việc trở về nguồn khi được nghiên cứu thấu đáo theo 4 loại chứng tích kia thì sẽ vượt xa các cuộc tìm về nguồn của các văn minh khác. Theo tôi biết ít có cuộc nghiên cứu về nguồn nào táo bạo dám nêu ra 4 chặng khảo chứng như vậy. Nhắc qua thế vì nhiều người chưa hiểu (chắc vì chưa đọc tôi nhiều, cũng tại vì phần căn bản nhất chưa xuất bản được), rồi lầm tưởng rằng thuyết Việt Nho là lơ mơ do óc quốc gia quá khích, chứ nếu đọc hết các điều tôi đã viết ra thì sẽ nhận thấy đó là thuyết có nền tảng khoa học khách quan cao độ, đồng thời cũng là một nền triết học cụ thể, thực tiễn không những bằng ý niệm mà còn bằng biểu, huyền số, huyền thoại, thói tục, cổ nghệ, dân tộc học. Ðó là thứ triết học mà Tây Âu đang muốn thiết lập để thay thế cho nền triết học cũ duy niệm khô khan, trừu tượng xa thực tế. triết bằng động tự của Heidegger, triết lý bằng biểu tượng do Cassirer, triết hiện sinh, hiện tượng luận cơ cấu là bấy nhiêu thử thách đi về hướng Việt Nho.

42. Xin được nói thế để chỉ rỏ Việt Nho khác xa Nho học bên Việt Nam. Nho học có sách vở và tên tuổi, còn đây không có sách vở gì hết, cũng chẳng có tên tuổi nào, (hay có một tên là Khổng Tử thì trong sách tôi cũng không hề kể về đời sống ông) vì đây không có ý nói về người thực mà chỉ nói về các mẫu tiên thiên hay nói như JUNG là các sơ-nguyên-tượng (archetypal images) với một mớ huyền thoại, dăm ba biểu tượng, một ít câu sách mượn từ trong cổ thư hoặc kinh điển... tất cả đều rời rạc nằm tản mát đó đây không theo một thứ tự nào cả. Vậy mà phải nhìn ra thứ lớp cũng như ý nghĩa và nhất là mối liên hệ nằm ngầm xuyên qua tất cả để nối lại với nhau thành một cơ sở tinh thần được bày tỏ trong nhiều sách, thì biết cái dị biệt giữa Việt Nho và Nho Học bên Việt lớn xiết bao. Có thể nói viết về Việt Nho cũng giống như người viết tiểu thuyết lịch sử: Yếu tố lịch sử không biết có được vài ba phần trăm, còn hầu hết là do người viết phải tạo dựng. Viết về Việt Nho cũng vậy, chỉ khác là không tạo dựng truyện mà tạo dựng tư tưởng, tạo dựng phạm trù, nguyên lý, định đề đặng quảng diễn để xây nên một hệ tư tưởng, một nền triết học riêng biệt, mà vì tính chất tổng hợp của nó nên triết Việt hay Việt Nho đồng thời cũng là Ðạo Học, hay nói như họ Trần, cũng là một thần học luôn. Tôi còn nói thêm không những thần học tín lý mà luôn cả thần học tu đức thần huyền niệm nữa.

43. Tôi nói kỹ chổ nầy là vì Việt Nho rất cần cho việc thiết lập một nền thần học Việt, hay cả một nền thần học Tàu hay Ðông Á. Là vì Nho đã thất truyền từ lâu rồi, cái Nho học còn được lưu truyền hầu hết chỉ là hư nho, hay nếu có nghiên cứu đàng hoàng thì cũng mới là Hán Nho hay Hán Học. Còn Việt Học thì chưa có chứ đừng nói là đã thất truyền. Bây giờ có ai nói về Việt tính cũng chỉ là nói cách thông thường, cùng lắm là nói nghiên cứu theo kiểu văn học. Về Phật Học hay Ấn Ðộ cũng đều thế cả nghĩa là tất cả đều phải nghiên cứu lại cách sâu xa và khoa học. Vì thế muốn thiết lập một nền Thần Học Ðông Á (gồm Tàu và Việt) thì phải nghiên cứu về Tàu và Việt kiểu triết, nghĩa là triệt để triệt cùng, mà muốn vậy thì phải vận dụng những khoa tân nhân văn như triết lý, dân tộc học, cơ cấu luận, uyên tâm, khảo cổ, cổ nghệ... Và nếu thành công (vì rất nhiều người vẫn dùng đủ bấy nhiêu mà vẫn thất bại) thì sẽ gặp được một nền triết trung thực gọi là nhân chủ, mà đã là Nhân Chủ thì cũng là thần học: cả hai đều siêu Việt tức đạt tới lý tưởng là quan niệm về Thiên "vô thanh vô xú".

44. Vậy mà nền nhân chủ đó, hay nền thần học trung thực đó lại y hệt Việt Ðạo và Nho nguyên thủy: cả ba đều giống nhau như giọt nước nhiêu khi cả đến từ ngữ nữa. Sở dĩ có sự vụ như vậy vì nền triết đó do Việt và Nho cộng tác dựng nên: Việt dựng tượng, Nho dựng hình. Nói theo Kinh Dịch: "Tại thiên thành tượng, tại địa thành hình".

Tượng là tượng ý là cái cốt tủy, còn hình là biểu lộ cái tượng ý đó bằng văn tự. Nên gọi là tứ ý (đối với tượng ý của Việt). Thí dụ Việt mới có tượng ý khi dùng bánh dầy tròn để chỉ trời, bánh chưng vuông để chỉ đất. Nho đến sau công thức hóa tượng ý đó thành câu "thiên viên địa phương". Việt mới có xà long (rắn) và giao long (cá sấu), nho đem cộng cá sấu có bốn chân với rắn có hình dài thành con vật tổng hợp mới gọi là long (rồng), vân vân và vân vân. Có bao nhiêu ý tượng căn bản trong Nho thì đều tìm ra được tượng ý mầm mống nơi Việt trước, cả đến chế độ cũng vậy: có lễ thành đinh trước rồi sau mới có gia tiên... nhiêu lắm không kể ở đây (muốn biết rộng xin xem Kinh Hùng và Sứ Ðiệp...).

45. Ở đây chỉ lấy một thí dụ bao trùm là ngũ hành: nó là nền tảng của Kinh Dịch và cũng là bản tóm thâu Nho ở đợt tinh túy cùng cực. Vậy mà ta cũng thấy được tượng ý nơi Việt trước Nho. Ngũ hành thành bởi hai bộ số 2 và 3 mà ra. Số 2 chỉ vũ trụ quan biến dịch, số 3 chỉ nhân chủ tính, số 5 chỉ tâm linh sử quan. Trong đó quan trọng nhất là số 3 nhân thành số 9 chỉ người còn siêu linh hơn cả là số 5 ngũ hành. Nhưng nền tảng và dễ nhận diện như nét đặc trưng hơn cả thì là số 2. Chỉ vũ trụ quan biến hóa. Vậy mà ta thấy nơi Việt đầy các huyền thoại (mà nổi bật là Tiên Rồng) bao hàm số 2 rõ đến độ các học giả gọi là nét lưỡng hợp (dual unit) đặc trưng của Ðông Nam Á, tất cả đều có ở Việt tộc rất lâu trước, khảo cổ thì thấy từ đời đá mới Bắc Sơn (lối 5000 tr.CN) trong nét song trùng; con số 3 và cả bộ số 5 kép bởi 2+3 đã thấy lu bù ở Phùng Nguyên (lối 3000 năm tr. CN). về sau Nho gọi vài ba là tham lưỡng và công thức hóa thành ra ngũ hành. Không biết việc công thức nầy xảy ra thời nào: các nhà khoa học đoán là cuối đời Chiến Quốc quãng thế kỷ thứ 4 trước CN. Nhưng theo truyền thuyết ta có thể đẩy lui về xa hơn vào đời ông Ðại Vũ (quãng 2000 năm tr. CN) tức là quãng mà Việt tộc và Hán tộc còn đang sống lẫn lộn. Nước Tàu chỉ xuất hiện từ đời Tần. Ngay nhà Hán đến sau Tần mà còn xưng là Viêm Hán, tức là người gốc Viêm Việt xưa và lúc đó là người Sở, mà Sở kiêm cả Ngô, Việt đều theo văn hóa Việt, tức là cũng cắt tóc xâm mình và nhất là trọng bên tả...

46. Vì sự đồng cộng tác nầy nên tiên tổ ta đã thâu nhận chữ Nho cũng như đạo Nho một cách thành kính không hề đặt vấn đề là vì tựu trung Nho là của tiên tổ mình sáng nghĩ ra, người Tàu chấp nhận và gói ghém cách đẹp đẽ (tức công thức hóa) thì càng hay. Vì đây là tinh thần bao trùm tất cả, không có truyện của tôi của anh như trong phạm vi vật chất.

Cả hai đàng cả Việt lẫn Nho đã ăn chặt với nhau thâm sâu đến độ không ai ngờ. Chính những người không muốn kể đến Nho cũng phải dùng danh từ Hán Việt, thí dụ họ Trần đã dùng như vậy: nào Việt tính, động tính, nào siêu Việt biện chứng... Tuy nhiên đó là danh từ có thể cho là không đáng kể, nhưng tôi xin trưng nội dung thì cũng là một cả trong Việt lẫn Nho ngoài sự nhận thức của mọi người; đó là cặp phạm trù âm dương.

47 Bài họ Trần có viết "Giới Thần Học gia Trung Hoa đưa ra hai phạm trù cá biệt, đó là phạm trù tổng hợp và phạm trù âm dương. Hai phạm trù nầy hợp với truyền thống lý luận của Trung Hoa song không cụ thể đủ. Ðàng khác những phạm trù nầy không thể chứng minh, càng không nói rõ được vai trò của con người ở hạ tầng Kinh Tế và thượng tầng thần linh. Hai phạm trù trên không thể thỏa mãn câu hỏi về mục đích của con người". Viết như trên cũng phải nhưng chưa đủ. Phải vì quả thật hai chữ âm dương là của Trung Hoa cũng như "không cụ thể đủ để chứng minh vai trò con người ở hạ tầng kinh tế và thượng tầng thần linh, càng không thỏa mãn câu hỏi về mục đích con người". Nhưng tôi nói chưa đủ vì chưa được cụ thể hóa thì quả nó bất lực như thế, nhưng nếu được cụ thể hóa thì sao? Mà cụ thể hóa trong triết là phải xét đến cùng triệt cả về nguồn gốc lẫn nội dung.

48. Vậy về nguồn gốc thì âm dương là của Việt trong tượng ý. Nó là Việt tính đó, vì Việt tính là gì nếu không là động tính mà muốn là động tính thì phải có hai hạn từ để từ 1 đến 2: từ âm tới dương, từ tiên tới rồng, từ sông đến núi, từ cái đến đực, từ lửa đến nước... mới là động. các nhà khoa học gọi đó là lưỡng nhất (dual unit) đôi khi tôi nói rõ hơn là có hai vật biểu chứ các nước chỉ có một: Ấn là voi, Tàu là rồng... riêng Việt có cả Tiên lẫn rồng. Ðó là nói lên động tính của Việt cách cụ thể. Cái Việt tính đó đến sau được Tàu công thức hóa thành âm dương tức gọi khác tên nhưng còn để y nguyên thứ tự Việt là âm trước dương, Tàu nói dương trước âm, thí dụ phu trước phụ, quốc trước gia, càn trước khôn. Việt trái lại nói vợ trước chồng, nhà trước nước, khôn trước càn... như vậy thứ tự âm dương là của Việt Nam còn chứng tỏ gốc Việt của bộ phạm trù căn bản và phổ biến đó.

49. xét đến nội dung, thì căn nguyên của lưỡng hợp tính là gì? Thưa là người, là nhân chủ tức nhân có là chủ thì mới đủ sức giữ cho hai thái cực nó hòa hợp: nói cụ thể là làm cho trời cao đất thấp gặp nhau, chống đối nhau như nước với lửa, sáng với tối, rắn với mềm... đều hợp được, cái đó là tại con người đã đạt được nhân chủ tính, chứ còn hai thái cực (trời đất, núi sông, đực cái, cứng mếm, tròn vuông) thì ở đâu mà chẳng có, nhưng chỉ có như hiện tượng chứ không thể trở nên phạm trù là lưỡng hợp được. Tại đâu? Thưa vì thiếu nhân chủ tính tức con người còn yếu chưa đủ sức hòa hợp hai thái cực, vì thế triết rơi vào duy: duy hữu hay duy vô, duy động hay duy tĩnh, duy vật hay duy tâm. Cho nên duy (ism) là hệ quả của con người duy vật hay duy tâm. Phải là nhân chủ mới đạt lưỡng hợp, mà lưỡng hợp gọi khác là âm dương.

50. ta đã thấy sỡ dĩ có phạm trù âm dương là do con người đạt nhân chủ tính, vì thế số 2 phải đi với số 3: trời trên đất dưới, con người ở giữa: nếu trời là vua, đất là vua thì người cũng là vua, là chủ (nhân chủ). Chữ Nho biểu thị điều đó bằng chữ vương gồm 4 nét: nét trên cùng chỉ trời, nét dưới chỉ đất, con người ở giữa nối trời với đất lại với nhau thành ra thập tự nhai gồm bởi nét dọc chỉ trời, nét ngang chỉ đất. Ðó cũng là hình ngũ hành, với ý nghĩa là con người phải đi về hành ngũ gồm cả thiên lẫn địa, nói vắn tắt là thiên. Cứu cánh con người là "phối thiên". Vậy là với cặp phạm trù âm dương vẫn có thể thỏa mãn câu hỏi về mục đích con người rồi đó.

51. Cũng như nó nói lên được vai trò hạ tầng kinh tế và thượng tầng tâm linh như được hàm tàng trong bộ số vài ba. "Vài" là số đất (kinh tế) phải ở dưới "ba" là số trời (thượng tầng thần linh): "Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài". Chữ tài được chỉ bằng số 2 (số chẵn chỉ đất). Còn tại sao nói vài mà không nói hai, vì vài nó không phân ranh chặt chẽ như hai: hai chia đôi bằng nhau tuyệt đối, còn nói vài thì nó hàm hồ: có mà không, không mà có như thí dụ trong chế độ bình sản: không có ruộng, vì ruộng là của làng, nhưng lại có, vì làng cấp cho mình cày để thâu hoạch mà ăn nên là có! "Người cày không có ruộng" nhưng có thóc. Ðó kêu là bình sản. Chữ vài còn hàm nghĩa co giãn không phân ranh quá ngặt: chín có thể bỏ làm mười, (cau sáu có thể bổ ba" được áp dụng giữa các phần tử gia đình hay thân thiết, nơi mà bờ cõi phân chia của anh của tôi trở nên mềm dẽo: chín có thể bỏ làm mười. Người Việt chúng ta xưng hô nhau bằng những danh xưng trong gia đình: bà. con. cô. bác... là ngầm muốn cho cái tình người (tình gia đình) nổi hơn tài vật. Tinh thần trọng nghĩa khinh tài được bao hàm trong chữ "vài" đó. Cả Thượng Ðế cũng vậy: có mà không: Có là Thượng Ðế, không có (hình) là Thiên.

52. Tóm lại nếu phân tích thấu triệt thì sẽ thấy âm dương là bộ phạm trù phổ biến rộng như có với không, trời với đất, sông với núi... Không vật nào thoát ra ngoài cả. Còn nếu tra cứu về nguồn gốc thì lại thấy nó là của Việt trước hay nói rõ hết cỡ là của Việt Nho và nó có sức giải nghĩa được hết thảy từ kinh tế đến thần linh cũng như cứu cánh cuộc đời. Có điều phân tích đến nơi đến chốn gọi là phân tích kiểu triết. Vậy điều nầy chưa thấy xảy ra bên Trung Hoa. Hai chữ âm dương vẫn còn là tiếng nói của Nho Học không gây được âm vang triết. Vì chưa được một bộ óc triết nào đục rỗng ra, nên đọc lên nó không gây vang vọng gì là mấy. Về điểm nầy thì hiện nay Việt trổi hơn, nên tôi ưa nói thần học Việt hơn là Á Ðông. Không những vì khả năng hơn mà chữ Việt còn có nghĩa hàm hồ là siêu việt nữa.

53. Ðó là tóm tắt quá trình hình thành Việt Nho, nó ở tại khảo cứu đến tinh nghĩa của những câu văn nói căn để cũng như các điển chương chính cốt, những thể chế cơ bản trong Nho rồi lại tra cứu về nguốn gốc thì thấy có ở Việt tộc trước, thành thử đi đến thứ tự Việt Nho. Ðiều này đã được giới học giả quốc tế nhận thấy từng mảnh. Việc của tôi chỉ là đưa ra cái dáng thức bao quát để hội nhập các phát giác lẻ tẻ kia lại một mối. Trong chiều hướng đó tôi chỉ việc đi thâu lượm kết quả bao công trình to lớn của các nhà khảo cổ, cổ sử học, dân tộc học về kết đúc lại thôi, và công việc nầy cũng chỉ mới là bắt đầu: tuy đã nói lên được phần nào cái dáng thức chung chung nhưng còn chi tiết thì vẫn phải khảo cứu thêm theo nhịp tiến của các khoa tân nhân văn nhất là khảo cổ.

54. Tóm lại muốn thiết lập một nền Thần Học Á Ðông thì nên thiết lập theo lối Việt Nho chứ nếu chỉ có Nho Học thì không cần và khó lòng tới nơi. Vậy phải vượt tới triết Nho. Mà phải là triết Nho ở đợt tột cùng ở đợt cơ cấu, lúc ấy tự nhiên sẽ gặp Việt tính theo cả hai nghĩa của Việt tộc và siêu Việt tính. Thần Học muốn trung thực phải theo hướng Việt với hai nghĩa đó.


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page