ÐTC cử hành Thánh Lễ kính hai Thánh Tông Ðồ Phêrô-Phaolô.
Vatican - 29.06.99 - Lúc 9:30 ngày 29:6, Lễ kính hai Thánh Tông Ðồ Phêrô-Phaolô, Quan Thầy Giáo Hội và cách riêng Quan Thầy Thành Phố Roma, ÐTC cử hành Thánh Lễ trọng thể trước sự hiện diện của nhiều Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Nam Nữ tu sĩ, ngoại Giáo đoàn và giáo dân đến từ nhiều nước thế giới. Cùng đồng tế với ÐTC có 37 vị Tổng Giám Mục, đứng đầu Giáo Tỉnh, đến Roma để lãnh dây Pallium, một dây băng trắng bằng len, trên mặt có 6 Thánh Giá mầu đen, dấu hiệu của quyền Tổng Giám Mục và của sự hiệp thông với Tòa Phêrô. Dây Pallium chỉ cấp phát cho các vị Tổng Giám Mục đứng đầu Giáo Tỉnh mà thôi. Lễ nghi này được cử hành hằng năm vào dịp lễ hai Thánh Tông Ðồ Phêrô-Phaolô. Các vị TGM đích thân đến Roma lãnh; trong trường hợp ngăn trở, các ngài có thể ủy cho một vị khác lãnh thay. 37 Vị Tổng Giám Mục lãnh Pallium năm nay, được phân chia như sau: 14 vị thuộc Mỹ Châu Latinh - 7 vị thuộc Châu Phi - 4 vị thuộc Châu Á (3 vị Ấn Ðộ và 1 vị Philippines) - 2 vị thuộc Bắc Mỹ và 10 vị thuộc Châu Âu.
Lễ nghi trao dây Pallium diễn ra sau bài giảng của ÐTC. Trước hết, một vị Hồng Y giới thiệu các vị Tổng Giám Mục mới. Rồi các ngài tuyên thệ trung thành. Sau đó ÐTC làm phép dây Pallium và trao cho từng vị đến quì trước mặt ngài.
Giảng trong Thánh Lễ, trước hết ÐTC nói đến hai Thánh Tông Ðồ. Ðược vinh dự lớn lao canh giữ mộ hai Thánh Tông Ðồ, cột trụ của Giáo Hội, Cộng Ðồng Roma tôn kính hai vị trong cùng một lễ nghi Phụng Vụ và tôn kính các Ngài như Quan Thầy của mình. Chương trình mầu nhiệm của Chúa Quan Phòng dẫn đưa Phêrô tới Roma, nơi đây ngài đổ máu như chứng tá sau cùng và cao cả nhất của đức tin (Thầy là Con Thiên Chúa hằng sống) và của lòng mến đối với Thầy chí Thánh (Lạy Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy). Như vậy ngài đã chu toàn sứ mệnh trở nên dấu hiệu của lòng trung thành với Chúa Kitô và của sự hiệp nhất của tất cả Dân Chúa.
Phaolô, người bách hại Giáo Hội vừa được thành lập, bị đánh động bởi ơn Chúa trên đường Damas, trở nên vị tông đồ không biết mỏi mệt của dân ngoại. Trong các chuyến ra đi truyền giáo, ngài không ngừng rao giảng Chúa Kitô bị đóng đanh và lôi kéo nhiều nhóm người trong các thành phố khác nhau miền Châu Á và Châu Âu trở về với Tin Mừng của Chúa. Sau khi qua Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, ngài đến Roma. Và chính ở đây, ngài được phúc tử đạo để làm chứng cho Chúa Kitô. Chính ngài đã nói lên trong bài đọc thứ hai Thánh Lễ hôm nay, rằng: "Chúa đã gần gũi tôi và ban sức mạnh cho tôi, để qua tôi, việc rao giảng sứ điệp Tin Mừng được thực hiện và để các dân ngoại được nghe biết đến."
Sau đó, trước sự hiện diện của phái đoàn Giáo Hội Chính Thống đến Roma dự Thánh Lễ, nhắc đến sự hiệp nhất các tín hữu Kitô, ÐTC nói: Việc ước mong tiến đến sự hiệp nhất giữa các tín hữu Kitô được nhấn mạnh bởi sự hiện diện của phái đoàn của Vị Giáo Chủ đại kết thành Constantiopoli, đến đây để chia sẻ niềm vui ngày lễ hôm nay và để tôn kính các Thánh Tông Ðồ, Quan Thầy Giáo Hội ở Roma này. Tôi xin kính chào các ngài và qua các ngài, tôi xin chào thăm Ðức Giáo Chủ Ðại Kết Batolomeo đệ nhất. Xin các Thánh Tông Ðồ Phêrô-Phaolô và Anrê, là dụng cụ của sự hiệp thông giữa các cộng đồng Kitô đầu tiên, nâng đỡ với gương sáng và lời bầu cử của các Ngài con đường của tất cả các môn đệ Chúa Kitô tiến đến hiệp nhất hoàn toàn.
Ngỏ lời với các Vị Tổng Giám Mục đến Roma lãnh Pallium, ÐTC nói: Các Hiền Ðệ thân mến trong Chức Giám Mục, thực là niềm vui lớn lao cho tôi được đón tiếp các Hiền Ðệ đến Roma từ nhiều miền trên thế giới trong dịp này. Cùng với các Hiền đệ, tôi muốn chào thăm các Cộng Ðồng Kitô đã được phú thác cho sự chắm sóc mục vụ của các Hiền Ðệ: Các cộng đồng này, dưới sự hướng dẫn của các Hiền Ðệ, được mời gọi đem đến một chứng tá can đảm về trung thành với Chúa Kitô và với Phúc Âm của Người. Các ơn ban và các đặc sủng của mỗi Cộng Ðồng là sự phong phú cho mọi người và hợp lại trong một bài ca ngợi Thiên Chúa, nguồn mạch mọi ơn lành. Trong các ơn này, một trong các ơn chính, dĩ nhiên là sự hiệp nhất, được biểu hiệu bằng việc trao dây Pallium hôm nay đây.
Trong lời nguyện chung trong Thánh Lễ hôm nay, lần thứ nhất toàn thể Giáo Hội Công Giáo cùng nhau cầu nguyện cho Ðức Bartolomeo đệ nhất, Giáo Chủ Chính Thống Ðại Kết, thành Constantinopoli, Ðức Teoctist, Giáo Chủ Rumani nơi ÐTC viếng thăm cách đây hai tháng - Ðức Karekin đệ nhất, Giáo Chủ các người Armenie, -- mà vào lúc trưa hôm thứ Ba 29/06/99, bản tin ngài qua đời đã được phổ biến -- và cầu cho tất cả các giáo hội Chính Thống khác, trong lúc bước vào Ngàn Năm mới, được tiến đến sự hiệp nhất và hiệp thông hoàn toàn của tất cả các con cái Chúa, được mời gọi tham dự Tiệc Cưới của Con Chiên.
Thánh Lễ kết thúc vào lúc 11:45. ÐTC trở về phòng làm việc để ra cửa sổ đọc Kinh Truyền Tin với dân chúng tụ họp trong Quảng Trường Thánh Phêrô.
Trong bài suy niệm ngắn trước kinh Truyền Tin, nhắc đến Thánh Lễ kính hai Thánh Phêrô-Phaolô và về lễ nghi trao dây Pallium cho các vị Tổng Giám Mục, ÐTC nhắc lại tình hình bi thảm hằng ngày của các Giáo Hội tại hai nước Châu Phi. Tại Rwanda, Ðức Cha Misago, Giám Mục giáo phận Gikongoro vẫn bị giam tù. Tại Congo, đã hơn một năm nay, bị tàn phá bởi các vụ tranh chấp. ÐTC bày tỏ sự gần gũi thiêng liêng với người dân tại các miền đất này và ngài khuyến khích cùng nhau vuợt qua những thách đố của hiện tại và tương lai.
Sau đó, ÐTC nhắc đến việc công bố "Bức Thư của Ngài nói về cuộc hành hương tại các nơi thánh, có liên hệ với lịch sử cứu rỗi". ÐTC ước mong trong năm Toàn Xá được hành hương tại các nơi khởi sự lịch sử ơn cứu rỗi. ÐTC nói: Tôi cảm thấy trong con người tôi một sự ước mong mạnh mẽ được đi đến cầu nguyện tại các nơi, trên đó Thiên Chúa hằng sống đã để lại dấu vết của Người, các nơi này, một phần, tôi đã viếng thăm năm 1965, khi tôi là Tổng Giám Mục giáo phận Cracovia. Tôi muốn trở lại, như là vị Giáo Hoàng hành hương trong năm 2000. Tôi phú thác uớc mong này cho Chúa và cho Ðức Bà rất thánh, và tin tưởng vào lời cầu nguyện của anh chị em. Ðó là vài điểm chính về lễ kính hai thánh Tông Ðồ Phêrô và Phaolô, tại Roma, sáng hôm thứ Ba 29 tháng 6/1999.