Trích bài giảng của ÐTC
trong Thánh Lễ phong Chân Phước
cho Cha Piô năm Dấu Thánh 2/05/99

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Trích bài giảng của ÐTC Gioan Phaolô II trong Thánh Lễ phong Chân Phước cho Cha Piô năm Dấu Thánh 2/05/99.

"Chúng ta hãy hát mừng Thiên Chúa một bài ca mới!"
Lời mời gọi nầy của Ca Nhập Lễ nói lên niềm vui của biết bao tín hữu đã từ lâu chờ đợi việc tôn phong cha Piô lên vinh dự bàn thờ. Vị Tu Sĩ Phanxicô khiêm tốn nầy đã làm cho thế giới khâm phục bằng một cuộc sống hoàn toàn dành cho việc cầu nguyện và lắng nghe anh chị em.

Vô số anh chị em đã tuôn đến gặp Ngài tại tu viện ở San Giovanni Rotondo, và việc hành hương, cả sau khi ngài đã qua đời, cũng không bị ngưng lại. Khi tôi còn là sinh viên tại Roma, chính tôi cũng đã có dịp gặp biết chính ngài, và ngày hôm nay tôi cảm tạ Thiên Chúa vì đã ban cho tôi được dịp ghi tên ngài vào sổ những vị Chân Phước.

Sáng hôm nay, chúng ta hãy ôn lại những điểm nổi bật của kinh nghiệm thiêng liêng của cha Piô, dựa theo những bản văn của Phụng Vụ Chúa Nhật Thứ Năm Phục Sinh. "Tâm hồn chúng con đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và cũng hãy tin vào Ta" (Gn 14,1). Trong bài phúc âm vừa được công bố, chúng ta đã lắng nghe những lời trên của Chúa Giêsu nói cho các môn đệ, đang cần được khuyến khích. Thật vậy, việc Chúa nhắc đến cuộc ra đi sắp đến của ngài đã làm cho các môn đệ cảm thấy bất an. Các ông lo sợ bị bỏ rơi, phải sống cô đơn, và Chúa Giêsu nâng đở các ông bằng một lời hứa như sau: "Ta ra đi để dọn chổ cho chúng con" và sau đó "ta sẽ trở lại và sẽ đem chúng con theo ta, ngõ hầu chúng con cũng được ở nơi ta ở" (Gn 14,2-3). Qua thánh Tôma, các tông đồ đáp lại lời trấn an của Chúa Giêsu như sau: "Lạy Chúa, chúng con không biết Thầy đi đâu, thì làm sao chúng con có thể biết đường? (Gn 14,5). Nhân định nầy rất đúng, và Chúa Giêsu đã không tránh né câu hỏi đi kèm theo đó. Câu trả lời của Chúa Giêsu qua bao thế kỷ vẫn còn giá trị như là ánh sáng rõ ràng cho bao thế hệ tiếp đến: "Thầy là Ðàng, là sự Thật, và là Sự Sống. Không ai đến được với Cha mà không qua thầy" (Gn 14,6).

"Chổ" mà Chúa Giêsu ra đi để chuẩn bị, là ở nơi "nhà Cha"; ở đó, người môn đệ sẽ có thể được sống đời đời với Thầy mình, và tham dự vào niềm vui của Ngài". Tuy nhiên, để đạt đến mục tiêu nầy, thì chỉ có một đường mà thôi: đó là Chúa Kitô, là Ðấng mà người đồ đệ phải từ từ đồng hóa chính mình theo đó. Sự thánh thiện thật sự hệ tại ở điểm nầy: đó là không phải người Kitô sống, nhưng Chúa Kitô sống trong người đó (x. Gal 2,20). Ðây là đích điểm cao cả, được đi kèm với một lời hứa cũng hết sức khích lệ: "Ai tin Thầy, sẽ thực hiện những việc Thầy làm và cả những việc to lớn hơn, bởi vì Thầy về cùng Cha".(Gn 14,12).

Chúng ta lắng nghe những lời trên của Chúa Kitô, và tâm tư chúng ta hướng đến vị Tu Sĩ khiêm tốn dòng Phanxicô Capucinô. Những lời đó quả thật được thực hiện nơi Chân Phước Piô, một cách hiển nhiên biết là chừng nào.

"Tâm hồn chúng con đừng lo lắng. Hãy vững tin.." Thử hỏi, cuộc sống của người tôi tớ khiêm tốn của thánh Phanxicô Assisi sẽ ra như thế nào, nếu không có một thực hành liên lỉ sống đức tin, được cũng cố bởi Ðức Cậy hướng về Trời Cao, nơi con người có thể gặp Chúa Kitô?" "Thầy đi dọn chổ cho chúng con, ngõ hầu chúng con cũng được ở nơi Thầy ở". Thử hỏi cuộc khổ hạnh hết sức gắt gao mà Cha Piô đã trải qua ngay từ thời còn trẻ, có mục tiêu nào khác chăng, nếu không phải là sự đồng hóa từ từ với Thầy, để được sống "nơi mà Chúa hiện sống"? Ai đã đến San Giovanni Rotondo để tham dự thánh lễ Cha Piô dâng, để xin Cha lời khuyên hay để xưng tội, đều nhìn thắy nơi Cha một hình ảnh sống động của Chúa Kitô chịu đau khổ và đã sống lại. Trên gương mặt của Cha Piô, có chiếu tỏa ánh sáng Chúa Phục Sinh. Thân thể của Cha Piô, một thân thể đã được ghi những dấu thánh, cho ta thấy một sự liên kết sâu xa giữa cái chết và sự phục sinh, đặc điểm của mầu nhiệm Vượt Qua. Ðối với chân phước Piô, việc chia sẽ sự Thương Khó của Chúa Giêsu, có một dư âm đặc biệt: đó là những hồng ân riêng được trao ban cho Cha Piô, và những đau khổ nội tâm và huyền bí đi liền với những hồng ân đó, tất cả cho phép Cha Piô sống qua một kinh nghiệm liên lỉ những đau khổ của Chúa, trong ý thức không thay đổi rằng: Ðồi Calvariô là núi của những vị thánh".

Không phải là ít đau khổ hơn, và trên bình diện tự nhiên con người thì lại là đau nhứt, hơn nữa, là những thử thách mà Cha Piô phải gánh chịu như là hậu quả của những đặc ân riêng. Trong lịch sử sự thánh thiện, đôi khi xảy ra điều nầy là kẻ được chọn, do một sự cho phép đặc biệt của Thiên Chúa, trở thành đối tượng của những hiểu lầm. Khi điều nầy xảy ra, thì đối với cha sự vâng lời trở thành như lò lửa thanh luyện, là con đường để từ từ trở nên giống Chúa Kitô, là sự cũng cố thêm cho sự thánh thiện đích thực. Khi giông tố thử thách đau khổ đổ xuống trên mình, thì Cha Piô đã chọn lấy quy luật sống từ nơi lời khuyên nơi thơ I Phêrô, mà chúng ta vừa đọc qua, như sau: "Anh em hãy bám chặt vào Chúa Kitô, Ngài là viên đá sống động ( x. 1Pet 2,4). Như thế, Cha Piô trở thành "viên đá sống động", để xây lên tòa nhà thiêng liêng là Giáo Hội. Và ngày hôm nay, chúng ta cảm tạ Thiên Chúa vì điều nầy…. Biết bao người, khi gặp cha trực tiếp hay gián tiếp, đã gặp lại đức tin; nơi trường học của Cha Piô, những nhóm cầu nguyện đã được gia tăng mọi nơi trên thế giới. Với những ai chạy đến với Cha, thì Cha đề nghị hãy sống thánh thiện, và nói với người đó như sau: "Xem ra như Chúa Giêsu không còn có quan tâm nào khác hơn là thánh hóa linh hồn con" (Epist. II, trg 155).

Nếu Chúa Quan Phòng đã muốn cho Cha Pio hoạt động mà không cần phải ra đi khỏi tu viện, nhưng giống như "được trồng" dưới chân thập giá, thì điều nầy không phải là không có ý nghĩa. Chúa Giêsu Thầy chí thánh một ngày kia đã an ủi cha Piô, trong giây phút gặp thử thách, rằng "dưới chân Thập Giá, nguời ta học sống yêu thương" (Epist I,trg 339). Phải, Thập giá Chúa Kitô là trường cao cả để học sống tình thương; hơn nữa, thập giá đó là nguồn mạch của tình thương. Ðược thanh luyện bởi sự đau khổ, tình thương của người đồ đệ trung thành nầy của Chúa, (là Cha Piô), thu hút các tâm hồn đến với Chúa Kitô và đến với Tin Mừng Cứu Rỗi của Chúa, một Tin Mừng thật đòi hỏi.

(Tiếp đến, ÐTC nhắc đến công trình Nhà Thương được Cha Piô thành lập, với tên gọi là "Nhà Nâng Ðỡ Sự Ðau Khổ", như sau:)

"Với "Nhà Nâng Ðỡ Sự Ðau Khổ" cha Pio muốn chứng minh rằng "những phép lạ thông thường" của Thiên Chúa, đi qua tình bác ái của chúng ta. Cần phải làm cho mình trở nên sẳn sàng chia sẽ và phục vụ quảng đại anh chị em, vừa xử dụng hết mọi phương thế của y khoa và kỹ thuật."

(Và sau khi chào thăm những nhân vật cấp cao trong chính phủ Italia và ngoại giao đoàn), ÐTC kết thúc bài giảng của ngài với những lời như sau:

"Tôi muốn kết thúc với những lời của Phúc Âm trong Thánh Lễ Chúa Nhật V Phục Sinh như sau: "Tâm hồn chúng con đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa". Ðáp lại lời khuyến khích trên của Chúa Kitô, chúng ta có được lời khuyên của cha tân Chân Phước Piô như sau: "Anh chị em hãy phó thác hoàn toàn cho Thánh Tâm Chúa Giêsu, như trẻ nhỏ trong vòng tay của nguời Mẹ". Ước chi lời khuyên nầy thấm nhập vào trong tâm trí chúng ta, như là nguồn mạch của hòa bình, sự thanh thản và niềm an vui. Tại sao lo sợ, nếu Chúa Kitô là đường, là sự thật và là sự sống cho chúng ta? Tại sao không tin tưởng vào Thiên Chúa, Ðấng là Cha, là là Cha chúng ta?

Lạy Mẹ Maria. Mẹ của muôn ơn, Ðấng mà Cha Piô, Tu Sĩ khiêm tốn của Dòng Phanxicô, luôn cầu khẩn, với lòng mộ mến dịu dàng và kiên trì, xin mẹ hãy giúp chúng con chăm chú nhìn lên Thiên Chúa Cha. Xin Mẹ hãy nắm tay hướng dẫn chúng ta và thôi thúc chúng ta cố gắng hết sức mình đi tìm tình bác ái siêu nhiên phát sinh từ trái tim bị đâm thâu qua của Ðấng chịu đóng đinh.

Lạy Chân Phước Piô, xin hãy từ trời cao đưa mằt nhìn đến tất cả chúng ta đang quy tụ nhau nơi Quảng Trường nầy, và tất cả những ai quy tụ lại tại Quảng Trường Thánh Gioan Latêranô cũng như tại Quảng Trường San Giovanni Rotondo. Xin Chân Phước hãy khẩn cầu cho tất cả những ai trên thế giới, đang hiệp nhất trong tinh thần với biến cố nầy, vừa dâng lên Cha những lời cầu khẩn của họ. Xin Chân Phước hãy đến trợ giúp từng người, và trao ban hòa bình và sự năng đỡ cho mọi tâm hồn. Amen.


Back to Radio Veritas Asia Home Page