Vài nét Lịch Sử
về Linh Ðịa LAVANG
nhân dịp lễ Mừng 200 Năm Ðức Mẹ Hiện Ra
tại La Vang (1798 - 1998)

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

THỜI SỰ: Vài nét Lịch Sử về Linh Ðịa LAVANG nhân dịp lễ Mừng 200 Năm Ðức Mẹ Hiện Ra tại LA VANG.

Nhật Báo Quan Sát Viên Roma, số ra ngày Chúa nhật 9.08.98 đã đăng ba bài đặc biệt về Lễ Mừng Kỷ niệm 200 năm Ðức Mẹ hiện ra tại La Vang.

Bài thứ nhất đăng lại hoàn toàn sứ điệp của ÐTC Gioan Phaolô II gửi cho cộng đồng Công Giáo Việt Nam trong dịp mừng kỷ niệm 200 năm biến cố lịch sử quan trọng này. Sứ điệp được ÐTC ký ngày 16.12.1997 và được gửi cho Ðức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Ðình Tụng, Tổng Giám Mục Hà Nội, chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam.

Bài thứ hai đăng bức thư ÐTC bổ nhiệm Ðức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Ðình Tụng làm Ðặc Sứ của Ngài chủ tọa các lễ nghi mừng kỷ niệm, được tổ chức tại Lavang trong những ngày từ 13 đến 15 tháng 8/1998 này, dịp Lễ Ðức Mẹ Linh Hồn và Xác Lên Trời.

Bài thứ ba nói về Lịch Sử Lòng Sùng Kính của các người Công Giáo Việt Nam đối với Ðức Mẹ La Vang.

Trong mục thời sự hôm nay, chúng tôi xin tóm tắt lại lại bài báo thứ ba nầy.

Vào cuối thế kỷ 18, Việt Nam bị chia làm hai miền: Miền Bắc do Chúa Trịnh cai trị. Miền Nam do Nhà Nguyễn cầm quyền. Vì muốn thống nhất hai miền, Nhà Nguyễn yêu cầu Nước Pháp giúp đỡ. Nhưng nhóm trí thức, được gọi là nhóm "Văn Thân" phản đối việc can thiệp của Nước Pháp. Nhóm này tuyên bố Quang Trung làm Vua. Vua Quang Trung chiếm miền Bắc, nhưng chẳng may chết sớm, để lại quyền kế vị cho con là Cảnh Thịnh mới có 10 tuổi. Tháng 8 năm 1798, các người cộng tác của Vua Cảnh Thịnh ra lệnh bách hại các người Công Giáo, vì Nhóm Văn thân quả quyết rằng: sự hiện diện của Nước Pháp là trách nhiệm của người Công Giáo.

Bị bách hại, các tín hữu Công Giáo cùng với gia đình trốn vào rừng La Vang, cách xa làng mạc của họ khoảng 60 cây số. Ðể được can đảm đối phó với mọi khó khăn, mỗi ngày họ tụ họp nhau đọc kinh Mân Côi kính Ðức Mẹ Maria. Một ngày kia, Ðức Mẹ hiện ra, bồng Chúa Giêsu Hài Ðồng, có hai Thiên Thần hầu cận. Ðây là lần hiện ra thứ nhất và sau đó còn tiếp tục nhiều lần khác nữa. Ðức Mẹ an ủi nhóm tín hữu trốn tránh đó và hứa che chở họ khỏi các sự dữ. Tiếc thay tài liệu về những lầnï hiện ra này đã bị hủy hoại hay thất lạc trong thời kỳ chiến tranh, hoặc trong các thời bách hại sau này dưới thời các Vua Minh Mạng (1833), và Tự Ðức (1861).

Năm 1886, các vụ bách hại chấm dứt. Một nhà nguyện đơn sơ được thiết lập. Nhà nguyện này không bao lâu trở nên quá nhỏ hẹp. Từ năm 1885, có nhiều nhà nguyện được xây cất tiếp theo nhau; nhà nguyện sau cùng, có ba chuông nhỏ, được Ðức Cha Eugenio Maria Giuse Allys (tức Ðức Cha Lý), lúc đó là Giám Mục đại diện Tông Tòa giáo phận Huế, làm phép.

Trong những năm từ 1886-1928, La Vang thuộc giáo xứ Cổ Vưu, trong tỉnh Quảng Trị. Ðể đáp lại nhu cầu mỗi ngày mỗi nhiều của các đoàn hành hương, năm 1928 Ðức Cha Lý quyết định lập La vang thành một giáo xứ.

Năm 1958-1959, Ðại Hội Thánh Mẫu Toàn Quốc được tổ chức tại LaVang, với sự hiện diện của Ðức Hồng Y Agagianian, Tổng Trưởng Bộ Truyền Giáo và là Ðặc Sứ của ÐTC Gioan 23.

Ngày 13.4.1961, Các Giám Mục miền Nam Việt Nam họp nhau tại Huế, Và khấn hứa với Trái Tim Cực Sách Mẹï Maria là sẽ xây cất một Ðền Thánh, khi hoàn cảnh cho phép và khẩn xin Ðức Mẹ ban tự do cho Giáo Hội và ban hòa bình cho hai miền Bắc-Nam. Và trong thư luân lưu ngày 8.08 cùng năm 1961, các giám mục công nhận La Vang là Trung Tâm Thánh Mẫu toàn quốc. Ngày 22.08. 1961, ÐTC Gioan XXIII cất nhắc nhà thờ La Vang lên bậc "Tiểu Vương Cung Thánh Ðường".

Từø năm 1961, Ðền Thánh La Vang được mở rộng nhiều với các công việc tông đồ và các cơ sở khác nhau như: Quảng Trường Thánh Mân Côi, với các tượng diễn lại 15 Mầu nhiệm Kinh Mân Côi; hai hồ nhỏ trên khu đất khoảng 6 mẩu tây; một bàn thờ bằng đá quí giá của miền núi Non Nước; một tượng Ðức Mẹ; một trung tâm tĩnh tâm được hoàn tất năm 1963; nhà trọ cho các đoàn hành hương, một giếng nước v.v...

Sau khi thống nhất đất nước, ngày 01.5.1980, các Giám Mục họp nhau tại Hà Nội, long trọng tái xác nhận La Vang là Trung Tâm Thánh Mẫu toàn quốc.

Về những cuộc hành hương đến LaVang, thì ngay từø năm 1901, các cuộc hành hương lớn có tính cách toàn quốc được tổ chức và tiếp tục cứ ba năm một lần, không kể các cuộc hành hương riêng tư, hoặc của miền nọ, miền kia, hay của các giáo xứ, giáo phận. Cuộc hành hương quốc gia sau cùng được tổ chức vào dịp Lễ Ðức Mẹ lên trời năm 1996, với sự tham dự rất đông đảo các tín hữu. Trong dịp này cũng có nhiều đoàn hành hương đến từ các nước ngoài. Và cuộc hành hương trong Tam Nhật 13-15 tháng 8 năm nay 1998, là một cuộc hành hương đặc biệt, để mừng kỷ niệm 200 năm Ðức Mẹ hiện ra, một biến cố lịch sử rất quan trọng đối với Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. Vì là một biến cố rất quan trọng, ÐTC Gioan Phaolô II đã cử Ðức Hồng Y Tổng Giám Mục Hà Nội làm Ðặc Sứ thay mặt ngài và nhân danh ngài để chủ tọa các lễ nghi kỷ niệm.

- Bộ Ân Xá Tòa Thánh đã ban phép cho các tín hữu hành hương La Vang được lãnh ơn Ðại Xá kể từ mồng một tháng Giêng năm 1998 cho tới ngày 15 tháng 8 năm 1999, nghĩa là trong suốt năm Toàn Xá Ðức Mẹ La Vang, do Hàng Giám Mục địa phương ấn định và tuyên bố.

- Với thư riêng gửi cho Ðức Tổng Giám Mục Huế Stephano Nguyễn Như Thể, Ðức Hồng Y Quốc Vụ Khanh đã gửi Phép Lành Tòa Thánh cho Tổng Giáo Phận, có trách nhiệm tổ chức TAM NHẬT Mừng Lễ Mẹ La Vang, từ ngày 13 đến 15 tháng 8/1998 nầy, dịp Lễ Trọng Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.


Back to Radio Veritas Asia Home Page