Báo cáo viên của Liên Hiệp Quốc cáo buộc Việt Nam kiểm soát tôn giáo.
(Reuters 16/03/99) - Thụy Sĩ (Geneve) - Tất cả các tôn giáo tại Việt Nam đều không được tự do hoạt động và chính phủ Việt Nam vẫn tiếp tục chối bỏ quyền tự do tín ngưỡng của người dân.
Trên đây là nhận định của ông Abdelfattah Amor, báo cáo viên của Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc và là người đã đến viếng thăm Việt Nam dạo tháng 10 năm ngoái (1998) để tìm hiểu về tình hình sinh hoạt tôn giáo tại đây. Thứ Hai vừa qua (15/03/99), Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc đã khai mạc khóa họp thường niên kéo dài sáu tuần lễ tại Geneve. Trong sáu tuần lễ này, Ủy Ban lắng nghe các bản báo cáo về tình trạng vi phạm nhân quyền trên khắp thế giới. Bản báo cáo về tình hình tôn giáo tại Việt Nam, do ông Abdelfattah Amor đệ trình lên Ủy Ban vào hôm thứ Ba (16/03/99), ghi nhận rằng, tất cả các cộng đoàn tôn giáo ở Việt Nam đều bị chính quyền ngăn cản không cho họ được tự do tổ chức các sinh hoạt tôn giáo. Các cộng đoàn tôn giáo này bao gồm cả Phật Giáo, Cao Ðài, Hòa Hỏa, Hồi Giáo, Công Giáo và Tin Lành.
Bản báo cáo có đoạn ghi như sau: "Tại Việt Nam, tôn giáo được coi như một công cụ của chính sách, hơn là một thành phần của xã hội được tự do phát triển theo ý muốn. Ðiều này, trên cơ bản, đi ngược lại với quyền tự do tôn giáo hay tự do tín ngưỡng như được định nghĩa trong luật quốc tế. Tình hình các cộng đoàn tôn giáo tại đây có thể được mô tả như là nằm trong một khuôn khổ kiểm soát chung". Bản báo cáo ghi thêm rằng kể từ khi chính phủ Việt Nam ban hành chính sách cởi mở dạo năm 1990, đã có một vài tiến bộ. Nhà nước Việt Nam đã từ bỏ chính sách chống tôn giáo và chuyển sang việc cho phép tổ chức các sinh hoạt tôn giáo, hoặc xây cất nơi thờ phượng, trong khuôn khổ do nhà nước qui định. Quyền tự do tôn giáo, vì thế, có thể được chấp thuận hay từ chối tùy theo ý thích của nhà nước. Ông Amor cho ủy ban biết thêm là trong chuyến đi Việt Nam vừa qua, ông đã bị ngăn cản không cho gặp một số lãnh tụ của các tôn giáo như Hòa Hảo, Khổng Giáo, Lão Giáo và Phật Giáo.