Một Tu Sĩ Phanxicô đã diễn tả Chân Thiện Mỹ của Thiên Chúa qua tài năng nghệ thuật của mình.
Tin Thành Phố Sài Gòn, Việt Nam (UCAN 31/08/99) -- Cuối cùng một tu sĩ dòng Phanxicô Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ của cộng đoàn, sau một thời gian ban đầu một số anh em đã hiểu lầm động cơ theo đuổi ước mơ nghệ thuật của thầy. Tu Sĩ dòng Phanxicô Giuse Trần Thế Mừng, người đã được bầu làm hội viên của Hội Mỹ Thuật thành phố Sài Gòn, mới đây nói với hãng Tin Công Giáo Á Châu rằng: "Ngày nay tôi biết ơn các bề trên và anh em đã hoàn toàn ủng hộ tôi khi theo đuổi con đường nghệ thuật và tạo cho tôi cơ hội phát triển chính bản thân mình."
Thầy là tu sĩ Công Giáo đầu tiên gia nhập hội này; thầy nói: "Lúc ban đầu, ngay cả các bề trên và anh em cũng hiểu lầm động cơ của tôi và có thời gian tôi đã gặp khó khăn trong cộng đoàn." Thầy giải thích: "Mỗi người có cách thức riêng để phục vụ Thiên Chúa và tha nhân, nhưng đối với tôi mỹ thuật là cách tốt nhất để thực hiện ơn gọi của mình là một họa sĩ đồng thời là thành viên của một hội dòng." Tu sĩ Trần Thế Mừng, 41 tuổi, nói rằng: "Việc dùng màu sắc và đường nét sáng tạo để diễn tả Chân Thiện Mỹ của Thiên Chúa cũng là một cách phúc âm hóa." Thầy Mừng cho biết thầy dự tính hình thành một câu lạc bộ dành cho các tu sĩ tham gia nghệ thuật thánh và một phòng tranh sưu tầm các tác phẩm nghệ thuật lấy cảm hứng từ thánh Phanxicô, và huấn luyện giới trẻ Công Giáo về mỹ thuật.
Vị tu sĩ-nghệ sĩ này đã sáng tác hơn 30 bức tranh và 10 tượng điêu khắc được trưng bày tại bảy cuộc triển lãm từ năm 1993, trước khi thầy được gia nhập hội mỹ thuật hồi tháng 2-1999. Trong các tác phẩm đã trưng bày có bức tranh "Giọt Mật Tình Thương" năm 1993 và "Sài Gòn: Ðất Lành Chim Ðậu" năm 1998 nhằm gây quỹ giúp trẻ em khuyết tật. Thầy kể một du khách nước ngoài, khi mua bức "Ðợi Mẹ" của thầy hồi tháng 10 năm ngoái (1998), đã nói rằng ông có thể nắm bắt thực tế Việt Nam hiện nay qua bức tranh này.
Bà Nguyễn Thị Tâm, họa sĩ tranh lụa nổi tiếng và giáo viên trường Ðại học Mỹ thuật thành phố Sài Gòn, nói rằng thầy Mừng luôn tham dự triển lãm "với tư cách là một người có xác tín tôn giáo mạnh mẽ" và "các tranh vẽ của thầy chuyển tải một ý nghĩa tôn giáo sâu xa."
Nhà điêu khắc Bùi Hải Sơn, giáo viên Ðại Học Kiến Trúc thành phố Sài Gòn, nói rằng mặc dù tu sĩ Mừng là người mới bắt đầu đi vào lãnh vực điều khắc, "thầy đã có phong cách riêng với trí tưởng tượng và óc sáng tạo phong phú, bố cục chặt chẽ và đậm nét ý nghĩa tôn giáo.
Thầy Mừng kể rằng hồi còn nhỏ, thầy đã thích vẽ đến quên ăn quên ngủ. Gia đình thầy muốn thầy học trường Mỹ Thuật, nhưng thầy vào chủng viện Phanxicô Thủ Ðức và "phải từ bỏ ước mơ trở thành một nghệ sĩ." Tuy nhiên, theo lời một bạn cùng lớp, thầy không ngừng theo đuổi ơn gọi nghệ sĩ khi còn ở chủng viện. Thầy đã đoạt giải ba trong cuộc thi tranh vẽ quốc tế về chủ đề hòa bình năm 1972, do Ðại Học Giáo Hoàng Antonianum tại Rôma tổ chức.
Cha bề trên cộng đoàn của thầy Mừng là Angustin Nguyễn Trinh Phương, cho biết: "Thầy Mừng là tu sĩ duy nhất trong cộng đoàn đã đầu tư tài năng trong lĩnh vực này, và tôi nghĩ thầy đã đi đúng hướng."