"Trọng tâm biên soạn Giáo Lý
là đời sống tâm linh cá nhân"

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

"Trọng tâm biên soạn Giáo Lý của chúng tôi là đời sống tâm linh cá nhân".

Tin NHA TRANG, Việt Nam (UCAN 26/08/99) -- Linh mục Phêrô Lê Văn Ninh, 53 tuổi, cha sở giáo xứ Bắc Thành tại thành phố Nha Trang, miền trung Việt Nam. Ngài là trưởng Ban Huấn Giáo của giáo phận Nha Trang và là trưởng nhóm phối hợp biên soạn Chương Trình Giáo Lý Phổ Thông. Linh mục Phêrô Võ Tá Khánh, 52 tuổi, là thành viên của nhóm.

Mới đây hai cha đã trao đổi với hãng tin Công Giáo Á Châu về bộ sách giáo lý mới dành cho trẻ em và giới trẻ từ cấp tiểu học lên đến cấp đại học và về cách nhìn của hai cha về một chương trình giáo dục Công Giáo cho giới trẻ trên cả nước. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

Hỏi: Xin Cha cho biết Bộ sách giáo lý mới của giáo phận đã bắt nguồn từ đâu?

CHA PHÊRÔ LÊ VĂN NINH: Bộ giáo lý, kể cả tập dành cho giáo lý viên, là kết quả của việc phát triển hai cuốn giáo lý dành cho trẻ em lứa tuổi 7-9 và lứa tuổi 10-12 được hoàn thành vào năm 1983. Bộ giáo lý này đã được chỉnh lý vào năm 1995 cho phù hợp hơn Giáo lý chung của Giáo Hội hoàn vũ. Nhưng công việc của nhóm đã được khởi sự từ năm 1979 khi một nhóm bảy linh mục biên soạn một cuốn giáo lý đơn giản giúp các bậc cha mẹ chuẩn bị cho con cái Rước Lễ vỡ lòng.

CHA PHÊRÔ VÕ TÁ KHÁNH: Trước tiên, các tập đầu tiên của bộ giáo lý mới được đưa ra dùng thử nghiệm tại một giáo xứ thuộc giáo phận Nha Trang, và sau đó nhiều giáo xứ và giáo phận khác bắt đầu sử dụng bộ giáo lý này. Năm 1993, nhóm biên soạn của giáo phận Nha Trang đã làm việc với đại diện của 11 giáo phận ở phía nam để thảo luận công việc mà tất cả đều quan tâm. Chỉ đến năm 1994 giáo phận Nha Trang mới chính thức chấp nhận chương trình giáo lý mới. Hai giáo phận Vinh và Thanh Hóa ở phía bắc cũng bắt đầu sử dụng từ năm 1995.

Hỏi: Xin cha mô tả các sách khác nhau của bộ giáo lý này?

Cha Ninh: Tính cho đến tháng 1-1999, toàn bộ 24 tập giáo lý đã được xuất bản. Các ấn bản mới bao gồm 15 tập dành cho học sinh tuổi từ 4 đến 18 tuổi, hai tập dành cho giáo lý viên, một tập giáo dục Kitô giáo, một tập giáo lý chuẩn bị hôn nhân, hai tập dành cho dự tòng, hai sách kinh dành cho học sinh học giáo lý và gia đình, một tuyển tập các bài đọc trích trong Cựu Ước, chủ yếu dùng cho các thánh lễ ngày chủ nhật. Một bộ gồm 12 tập cẩm nang dành cho giáo lý viên cũng đã được xuất bản với các hướng dẫn thực hành và quy tắc sư phạm.

Cha Khánh: Ðặc biệt tập giáo dục Kitô giáo nhằm huấn luyện nhân bản từng bước một cho trẻ em. Tập này có các bài hát ru cho trẻ 1-3 tuổi, các bài dạng tóm lược cho trẻ 4-6 tuổi. Từng bài trong 19 bài huấn luyện nhân bản dành cho trẻ 7-15 tuổi có cả một phần hắc nhở về các giá trị Kitô giáo. Việc giáo dục thanh thiếu niên trở nên người công dân tốt và Kitô hữu biết dấn thân là một nhiệm vụ hết sức cấp bách. Chúng tôi kết hợp những giá trị tốt đẹp của Khổng Giáo với các nhân đức Kitô Giáo.

Hỏi: Bộ giáo lý mới này có gì là mới mẻ?

Cha Khánh: Ðây là bộ giáo lý dành cho trẻ em thuộc nhiều lứa tuổi, bởi vì cách làm truyền thống chỉ là chuẩn bị cho trẻ em rước lễ vỡ lòng và chịu phép thêm sức. Bộ giáo lý mới là một cách bổ khuyết quan trọng cho tình hình hiện nay không có các trường học Công Giáo và không có các hội đoàn truyền thống của thanh thiếu niên Công Giáo.

Cha Ninh: Khi biên soạn, chúng tôi đảm bảo nội dung được đầy đủ, ngôn ngữ giản dị, theo hướng hội nhập văn hóa và đưa giáo lý Công Giáo vào trong bối cảnh Việt Nam, kết hợp một định hướng truyền giáo. Chúng tôi đưa vào bộ giáo lý mới lịch sử Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam, các đức tính theo Khổng Giáo và gương đức hạnh của các Thánh Tử Ðạo Việt Nam. Sự phối hợp giữa giáo xứ và gia đình trong giáo dục Kitô Giáo là nhằm để cho cha mẹ có thể dùng bộ giáo lý này để dạy giáo lý cho con cái ngay tại nhà. Linh đạo giáo dân cũng được nhấn mạnh. Trình độ học vấn tương đối thấp nơi một số dự tòng cũng được lưu ý trong công tác biên soạn, và ngôn ngữ giản dị được dùng để dạy cho học sinh tiểu học.

Hỏi: Xin cha cho biết Bố Cục của bộ giáo lý mới ra sao để biến bộ giáo lý này thành một phần trong chương trình giáo dục Kitô giáo toàn diện hơn?

Cha Ninh: Mỗi bài giáo lý đều dựa vào một đoạn văn Kinh Thánh. Các em 13-15 tuổi có thể trực tiếp đọc bản văn Kinh Thánh để tìm ra ý chính và cách thức áp dụng Lời Chúa trong đời sống. Kiến thức tổng quát về cơ cấu Giáo Hội và lịch sử Giáo Hội cũng là một phần quan trọng của bộ giáo lý mới.

Cha Khánh: Việt Nam đang trải những thay đổi do quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa, cho nên đời sống tu đức cá nhân giữa một xã hội trên đà thế tục hóa là mục đích ưu tiên của chúng tôi đối với học sinh trung học. Các em cần thực hành các bài thực hành đạo đức hàng ngày, chẳng hạn như nhận ra ý Chúa, tự cầu nguyện, xét mình và suy niệm. Giới trẻ Công Giáo cũng cần được chuẩn bị trước những vấn đề như hòa bình và công lý, môi trường, và để có tầm nhìn rõ ràng về tương lai của chính họ.

Hỏi: Ảnh hưởng của bộ giáo lý mới như thế nào ở các giáo phận khác? Các giáo phận này đang gặp những khó khăn nào?

Cha Ninh: Bộ giáo lý mới đã được sử dụng tại các giáo phận Nha Trang, Hà Nội, Bắc Ninh, Vinh và Ban Mê Thuột. Nhiều giáo xứ thuộc các giáo phận Ðà Lạt, Qui Nhơn, thành phố Sài Gòn, Long Xuyên và các giáo phận khác cũng sử dụng. Giáo phận Vinh thậm chí đã được phép của chính quyền tỉnh cho in ấn bản đầu tiên của bộ giáo lý này.

Cha Khánh: Nhiều giáo xứ nghèo và không có khả năng cung cấp sách cho học viên và giáo lý viên được. Từ năm 1994, một số ân nhân Công Giáo đã giúp đỡ chúng tôi cung cấp sách miễn phí cho nhiều giáo xứ, chủng viện, dòng tu nam nữ trên cả nước. Khoảng 7,000 bộ sách đã được phân phối, và sắp tới đây khoảng 70,000 cuốn nữa cũng sẽ được phân phối cho học viên giáo lý. Công việc tốn kém một khoản tiền tương đương với việc xây cất một nhà thờ mới, nhưng đồng tiền đáng được chi dùng vì mục đích tối hậu là giúp cho những người đã học qua bộ giáo lý này có thể trở thành những người biết truyền giáo ngay tại môi trường làm việc của họ.

Hỏi: Tình hình giáo lý viên tại Việt Nam ra sao?

Cha Ninh: Hiện nay tất cả giáo phận đều thiếu số giáo lý viên được đào tạo kỹ càng. Hầu hết họ là người tình nguyện, mặc dù họ thích vừa làm vừa học. Tuy vậy, nhiều người phải bỏ giữa chừng công việc dạy giáo lý, vì họ lập gia đình hoặc tìm việc làm khác hoặc đi học xa gia đình.

Cha Khánh: Bộ giáo lý mới cũng nhằm đào tạo đội ngũ giáo lý viên tương lai. Các em 16-18 tuổi có thể dạy giáo lý cho các em nhỏ tuổi hơn, và nhờ đó họ có thể tự rèn luyện để trở thành giáo lý viên tương lai.


Back to Radio Veritas Asia Home Page