Thông Tấn Xã Việt Nam loan báo Nghị Ðịnh mới của Nhà Nước về các hoạt động Tôn Giáo.
Tin HÀ NỘI (UCAN) -- Chính phủ Việt Nam đã ban hành nghị định mới về tôn giáo nhằm bảo đảm tự do tôn giáo, nhưng cảnh báo rằng những ai dùng tôn giáo để làm hại nhà nước sẽ bị trừng trị. Nghị định còn nói rằng việc Giáo hội xin lại tài sản và đất đai do nhà nước quản lý theo chính sách của các chính phủ trước đây là hiện nay sẽ không được nhà nước chấp thuận. Thông tấn xã Việt Nam ngày 21-4-99 tường thuật rằng theo nghị định: "bất cứ hành vi nào lấy danh nghĩa tôn giáo và tín ngưỡng để chống lại nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ bị trừng trị theo pháp luật. Nghị định 26/NÐ-CP, được ban hành ngày 19-4-99 thay thế nghị định 69/HÐBT đã ban hành vào tháng 3-1991, nói rõ mọi công dân có quyền theo hoặc không theo tôn giáo nào, và từ bỏ hoặc đổi tôn giáo. Nghị định gồm 29 điều, nhằm củng cố một chỉ thị về tôn giáo được Bộ chính trị của Ðảng Cộng sản Việt Nam ra hồi tháng 6 năm ngoái (1998), sẽ có hiệu lực 15 ngày sau khi ký, tức là ngày 4-5-99 trở đi. Nghị định bảo đảm rằng mọi công dân, dù là người có tín ngưỡng hay không, đều bình đẳng trước pháp luật, được hưởng những quyền lợi và buộc phải chu toàn những nghĩa vụ như nhau. Thông tấn xã Việt Nam cho biết nghị định nghiêm cấm mọi phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo hay tín ngưỡng. Thông tấn xã Việt Nam nói, việc đòi lại các tài sản và đất đai của Giáo hội dưới sự quản lý của nhà nước theo các chính sách về đất đai và nhà ở của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam hoặc Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam sẽ không được nhà nước chấp thuận. Một nguồn tin Giáo hội nói ở đây rằng một số tài sản tôn giáo, trong đó có tiểu chủng viện của giáo phận Phú Cường, đã được trả lại cho Giáo hội Công giáo trong những năm gần đây. Nguồn tin cho biết thêm, tuy nhiên, việc xin các tài sản khác của Giáo hội, chẳng hạn Giáo hoàng Học viện Piô X tại Ðà Lạt, vẫn chưa được trả lời. Nghị định gồm ba chương nói, mọi hoạt động tôn giáo vì lợi ích chính đáng và hợp pháp của tín đồ được bảo đảm và những hoạt động tôn giáo vì lợi ích của Tổ quốc và nhân dân được khuyến khích. Các tổ chức tôn giáo được phép gây quỹ từ cá nhân hoặc tổ chức và từ nguồn thu nhập khác, nhưng hoạt động gây quỹ phải được chính quyền cấp tỉnh cho phép. Theo báo Sài Gòn Giải Phóng tại TP. Saigon đã đưa tin về nghị định, nghiêm cấm việc ép buộc tín đồ dâng cúng trái với ý muốn của họ. Tháng trước, chính phủ đã cực lực bác bỏ báo cáo ngày 16-3-99 của ông Abdelfattah Amor, người Tuynidi, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về bất khoan dung tôn giáo, là người đã đến thăm Việt Nam vào tháng 10/1998 năm ngoái. Phái viên đặc biệt này viết trong phần kết luận của báo cáo: "Tôn giáo được coi như một công cụ của chính sách hơn là một thành tố của xã hội được tự do phát triển theo ý muốn, đây là điều trái với quyền tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng theo như luật pháp quốc tế qui định." Theo báo Tuổi Trẻ tại TP. Saigon ra ngày 20-3-99, một phát ngôn viên bộ ngoại giao Việt Nam đã bác bỏ báo cáo của Liên Hiệp Quốc, nói rằng báo cáo không khách quan và thiếu thiện chí. Phát ngôn viên nói: "Việt Nam sẽ không chấp nhận bất cứ cá nhân hoặc tổ chức nước ngoài nào đến Việt Nam với mục đích điều tra, vì một hành động như thế là can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam và đi ngược lại nguyên tắc cơ bản của quan hệ quốc tế."