Nhóm Kịch giúp người Công Giáo hiểu rõ hơn về chủ đề Thiên Chúa Cha.
Thành Phố Sài Gòn, Việt Nam (UCAN 22-07-99) - Những người Công Giáo đã xem vở kịch "Người con phung phá" do một nhóm kịch Công Giáo trình diễn tại đây, nói rằng vở kịch giúp họ hiểu rõ hơn về chủ đề của năm nay là Năm Thiên Chúa Cha. Ông Giuse Nguyễn Văn Thành, 76 tuổi, giáo xứ Vườn Xoài, quận 3 nói: "Vở kịch diễn lại dụ ngôn 'Người cha nhân hậu' (Lc 15: 11-32) đã khéo léo tạo bầu khí cho buổi chia sẻ." Ông phát biểu với cử tọa 80 người sau khi xem vở kịch ngày 4-07-99 tại giáo xứ này ở thành phố Sài Gòn như sau: "Với cuộc hội thảo xoay quanh chủ đề Thiên Chúa Cha, hình ảnh của người cha nhân hậu được minh họa bằng vở kịch diễn lại dụ ngôn rõ hơn bất cứ bài giảng nào." Cha xứ Phêrô Phan Khắc Từ tán thành ý kiến của ông khi ngài nói: "Tôi không biết tôi đã giải thích cho giáo dân của tôi về dụ ngôn này trong Kinh Thánh bao nhiêu lần rồi, nhưng hôm nay xem vở kịch tôi thật sự xúc động." Ông Gioan Baotixita Trịnh Tiến Dũng, 60 tuổi, giáo xứ Tân Hội, quận 7, cho biết bài học mà ông học được từ vở kịch là "một người cha thực sự nhẫn nại, yêu thương và biết lắng nghe phải xử sự như thế nào, vì tôi cũng có một đứa con phung phá."
Cô Têrêsa Nguyễn Ngọc Bích, 28 tuổi, nói rằng buổi chia sẻ mang lại cho cô một cách nhìn mới, vì cô thường ứng xử như người anh cả torng dụ ngôn. Cô giải thích: "Tôi có một anh trai có nhiều tật xấu, thường về nhà xin tiền. Một ngày nọ tôi đã nhẫn tâm không cho anh vào nhà, và kể từ ngày ấy anh biến mất." Cô nói thêm: "Việc dán nhãn và dồn người khác vào chân tường sẽ không giải quyết vấn đề gì." Chị Maria Nguyễn Thị Thanh, 36 tuổi, giáo xứ Bình An, quận 8, nói: "Ðây là lần đầu tiên tôi đã hiểu được một dụ ngôn trong Tân Ước qua một vở kịch và tôi có dịp chia sẻ kinh nghiệm của mình." Anh Giuse Nguyễn Văn Sinh, 36 tuổi, người đóng vai một trong hai người con, cho biết nhóm kịch đã tập dượt nhiều lần và điều cần thiết để diễn hiệu quả vẫn là cái hồn của mình. Anh giải thích: "Chúng tôi đã diễn vở kịch này tới 100 lần tại các buổi tĩnh tâm ở nhiều tu viện và giáo xứ và nhận thấy kịch nghệ là một công cụ tốt để chuyển tải nội dung lời Chúa để mọi người cùng cảm nghiệm và chia sẻ với nhau."
Nhóm kịch mang tên "Rabboni" gồm 30 người, họp mỗi tuần một lần. Nhóm còn tham gia tổ chức các cuộc trại dành cho trẻ em khuyết tật và con em ở các trại phong. Linh Mục Giuse Nguyễn Văn Lộc (Tiến Lộc), dòng Chúa Cứu Thế, là linh hướng của nhóm, phát biểu với cử tọa rằng nhóm kịch được thành lập cách nay 9 năm do ông Phêrô Trần Duy Nhiên, một giáo dân và là giảng viên Ðại Học Luật thành phố Sài Gòn. Ông Nhiên thường đóng vai người cha trong vở kịch. Cha Tiến Lộc nói: "Ðây là hình thức thử nghiệm và nếu thành công, chúng tôi sẽ lập thêm vài nhóm nhỏ nữa cũng với khoảng 30 người, và diễn nhiều vở kịch khác vào chiều chủ nhật hàng tuần. Tôi hy vọng chất lượng sẽ cao hơn." Vị Linh Mục 56 tuổi giải thích rằng các vở kịch do các thành viên trong nhóm viết và trình diễn phần nhiều dựa vào các dụ ngôn trong Tân Ước. Ngài nói: "Ngày nay, người ta thích sống thành nhóm nhỏ vì ở đó họ có thể được chăm sóc và hỗ trợ lẫn nhau, y như các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi của Giáo Hội sơ khai." Ngài nói thêm: "Tôi muốn có thêm các nhóm nhỏ biết sử dụng hình thức nghệ thuật này để chia sẻ lời Chúa và trao đổi với nhau những chứng tá sống động." Vở kịch diễn lại dụ ngôn về chủ đề "Cha của Ðức Giêsu" là buổi sinh hoạt thứ hai trong một loạt chủ đề kéo dài cả tháng tại giáo xứ Vườn Xoài để mừng Năm Thiên Chúa Cha. Các chủ đề khác là "Trái tim người mẹ nơi Thiên Chúa Cha" do nữ tu Mai Thành dòng Ðức Bà trình bày, "Chứng từ của một người cha" của Nguyễn Chính Kết, và "Khám phá tình thương của Chúa từ cảm nghiệm làm cha" của Hoàng Gia Khánh. Hai anh Kết và Khánh là những giáo dân đang nghiên cứu về văn hóa và Kitô Giáo.