Số người Việt còn lưu trú ở Philippines
đăng ký nguyện vọng mặc dù còn lưỡng lự

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Số người Việt còn lưu trú ở Philippines đăng ký nguyện vọng mặc dù còn lưỡng lự.

Tin MANILA (UCAN 1/07/99) -- Một quan chức chính phủ cho biết thời hạn đăng ký dành cho những người Việt còn lưu trú ở Philippines (RVN) đã chấm dứt ngày 15-06-99 với số người được mong đợi nộp đơn với nhiều nguyện vọng khác nhau để giải quyết tình trạng của họ. Maricel Cariaso, nhân viên xã hội làm việc với Ủy Ban Liên Bộ về người Việt còn lưu trú, nói với UCA News ngày 30-06-99 rằng con số chính xác những người đăng ký được giữ bí mật, nhưng "con số này không nhiều hoặc ít hơn con số chúng tôi mong đợi." Cariaso cho biết thêm tiểu ban đã tiếp nhận đơn xin của người Việt còn lưu trú từ ngày 1-05-99 đến 15-06-99 để xin tự nguyện hồi hương về Việt Nam hoặc xin thường trú tại Philippines, hoặc định cư tại Hoa Kỳ hay một nước thứ ba. Lynn Nunez, phó giám đốc Trung Tâm Hỗ Trợ Di Dân (CAPD) của Giáo Hội, nói rằng có 1,605 người Việt còn lưu trú tại Philippines vào tháng 11-1998, nhưng kể từ đó một số người đã trở về Việt Nam.

Ủy ban Liên Bộ do Tổng Thống Joseph Estrada lập ra tháng 12-1998 gồm có đại diện của Sở Nhập Cư, Bộ Tư Pháp (DOJ), Bộ An Sinh Xã Hội và Phát Triển (DSWD), Bộ Thương Mại và Công Nghiệp, Văn Phòng của Tổng Thống. Một người Việt còn lưu trú xin giấu tên nói với UCA News rằng một số người Việt đã tỏ ra phân vân về thủ tục đăng ký, bởi họ không có thông tin về các tiêu chuẩn được hưởng theo từng nguyện vọng. Người này nói: "Vì không có luật cho phép người ngoại quốc thường trú, nên rất ít cơ may để được thường trú." Những người Việt còn lưu trú khác cho biết họ sợ rằng những thông tin mà họ cung cấp có thể được sử dụng để trục xuất chính họ hay đồng bào của họ. Người Việt nói trên cho biết: "Nếu chúng tôi đăng ký và chính phủ xét xem có bao nhiêu người trong chúng tôi có thể đủ tư cách, họ có thể khuyên chúng tôi tự nguyện hồi hương và nếu chúng tôi không chấp nhận hồi hương, chúng tôi có thể bị xem là người ngoại quốc cư trú bất hợp pháp ở đây." Luật pháp Philippines cho phép người Việt còn lưu trú được thường trú nếu họ kết hôn với công dân Philippines.

Ðức ông người Việt Pietro Nguyễn Văn Tài, giám đốc chương trình của đài Veritas Á Châu, nói rằng hình thức đăng ký chủ yếu được coi như một cuộc khảo sát của chính phủ để biết xem có bao nhiêu người Việt còn lưu trú muốn chuyển đến một nước khác. Ngài nói với UCA News rằng việc trục xuất người Việt còn lưu trú là một "khả năng còn xa" và không có lý do gì để trục xuất những người Việt có mặt tại Philippines "vì những lý do đặc biệt." Theo Ðức ông Tài, Bản Ghi Nhớ năm 1996 giữa Bộ An Sinh Xã Hội và Phát Triển và Trung Tâm Hỗ Trợ Di Dân vẫn được coi là cơ sở pháp lý cho việc người Việt còn lưu trú ở lại Philippines, cho đến khi Quốc Hội có quyết định về giải pháp chung cuộc cho số người Việt còn lưu trú. Ngài nói rằng những đại diện cho người Việt còn lưu trú đã nêu những câu hỏi về các chi tiết của việc đăng ký trong cuộc tham khảo ý kiến ngày 21-05-99 với nhiều quan chức của Bộ Tư pháp và Bộ An Sinh Xã Hội và Phát Triển, nhưng vẫn chưa có những điều kiện rõ ràng nào cho việc tái định cư hoặc thường trú. Ðơn đăng ký dài 9 trang bằng tiếng Anh với phần dịch tiếng Việt của từng mục nhằm thu thập dữ liệu về lý lịch cá nhân, tiền án tiền sự, khả năng, nguyện vọng cư trú và quá trình tham gia cộng đồng tại Philippines. Số người Việt còn lưu trú cho biết phần đăng ký xin được thường trú là phần khó ghi nhất. Phần này có những câu hỏi liên quan tới quan điểm về chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch, chính kiến, nguồn thu nhập, sức khỏe, tiền sử gian lận hay khai gian và tình trạng tâm lý kể cả tình trạng rối loạn tình dục, nghiện ma túy và nghiện rượu. Ðức ông Tài nói rằng ngài tin một số người Việt còn lưu trú cảm thấy lo lắng do kinh nghiệm đã bị xếp loại và đã bị các cơ quan thanh lọc trước đây của Liên Hiệp Quốc "tuyên bố không phải là dân tị nạn mà là di dân vì lý do kinh tế", khiến cho họ phải tiếp tục lưu trú ở Philippines. Ngài nói: "Giải pháp cho họ là hồi hương, xin nhập cư vào một nước khác hoặc vẫn ở lại đây, nếu như họ không được chấp nhận." Vào tháng 3/1999, Ủy Ban Ngoại Giao của Quốc Hội đã nghe một nghị quyết do dân biểu Roilo Golez của Paranaque trình bày nhằm ủng hộ quy chế thường trú dành cho người Việt còn lưu trú và con cái của họ sinh ra tại Philippines. Golez và những vị ủng hộ tại Quốc Hội còn đề nghị chấm dứt việc cưỡng bức hồi hương và kêu gọi Bộ Ngoại Giao và các cơ quan của chính phủ tìm kiếm một giải pháp nhân đạo hơn và lâu bền hơn cho vấn đề người Việt còn lưu trú.


Back to Radio Veritas Asia Home Page