Các nhà chú giải kinh thánh lưu ý chúng ta rằng Chúa Giêsu thường kết thúc mỗi giai đoạn quan trọng trong cuộc đời rao giảng Tin Mừng, bằng một "bữa ăn". Trước hết, khi kết thúc giai đoạn thi hành tác vụ tại miền Bắc Galilêa, Chúa Giêsu đã thực hiện phép lạ cho năm ngàn người ăn no nê (Mc 6,44). Theo trình thuật của Marcô, thì con số 5 ngàn người nầy gồm những người Do Thái. Kế đến, khi kết thúc tác vụ rao giảng vùng Thập Tỉnh, Chúa Giêsu thực hiện phép lạ bánh hóa nhiều, để nuôi sống 4 ngàn người (Mc 8,8). Và theo trình thuật của Marcô, thì trong số những người nầy có cả những người ở xa, tức là những người ngoài dân Do Thái. Và lần thứ ba, kết thúc tác vụ tại Giêrusalem, Chúa Giêsu "ăn bữa tối" với các tông đồ. Ðây là bữa Tiệc Vượt Qua trước khi chịu khổ hình. Và lúc đó Chúa Giêsu bộc lộ cho các tông đồ như sau: Thầy nói cho anh em hay, Thầy sẽ không bao giờ ăn lễ Vượt Qua nầy nữa, cho đến khi lễ nầy được nên trọn vẹn trong nước Thiên Chúa.
Theo truyền thống kinh thánh, Bữa Ăn được dùng để nói lại Giờ Cứu Rỗi đã được Thiên Chúa thực hiện cho con người, Giờ mà Thiên Chúa và con người được hòa giải với nhau. Ðoạn sách Tiên Tri Isaia, chương 25, câu 6 đến 10, loan báo bữa tiệc đại đồng trên núi giữa Thiên Chúa và con người: Thiên Chúa các đạo binh sẽ thiết đãi các dân trên núi nầy một bữa tiệc. Lời loan báo đó được thực hiện nơi phép lạ Chúa Giêsu thực hiện, để nuôi sống mấy ngàn người họp nhau trên núi nghe lời Chúa giảng, như được bài Phúc Âm theo thánh Matthêu từ câu 29 đến 37 của chương 15 như sau:
Khi ấy, Chúa Giêsu đến ven biển Hồ Galilê, Người lên núi và ngồi ở đó. Có những đoàn người đông đảo kéo đến cùng Chúa, đem theo những kẻ què quặt, đui mù tàn tật, câm điếc và nhiều bệnh nhân khác nữa. Họ đặt những kẻ ấy dưới chân Chúa và Người chữa lành, khiến đám đông phải kinh ngạc, vì thấy kẻ câm nói được, người tàn tật được lành, người què đi được, người mù xem thấy. Và họ tôn vinh Thiên Chúa của Israel. Chúa Giêsu gọi các môn đệ lại và nói: Ta chạnh lòng thương đám đông dân chúng đây, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi, và họ không có gì ăn. Thầy không muốn giải tán họ, để họ nhịn đói mà về, sợ rằng họ bị xỉu dọc đường. Các môn đệ thưa: Trong nơi hoang vắng nầy, chúng con lấy đâu ra đủ bánh cho đám đông như vậy ăn no. Chúa Giêsu hỏi: Anh em có mấy chiếc bánh? Các ông đáp: Thưa có bảy chiếc bánh và một ít cá nhỏ. Bấy giờ, Người truyền cho đám đông nằm ngả xuống đất. Rồi Người cầm lấy bảy chiếc bánh và mấy con cá, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các môn đệ, và môn đệ trao cho đám đông. Ai nấy đều ăn và được no nê. Những mẩu bánh còn thừa, người ta thu lại bảy thúng đầy. Số người ăn có tới bốn ngàn người đàn ông, không kể đàn bà và trẻ con. Sau khi giải tán đám đông, Chúa Giêsu lên thuyền, và sang miền Magadan.
Chúng ta không thể nào không đọc và hiểu phép lạ bánh hóa nhiều, hay đúng hơn, dấu lạ Chúa dọn bữa ăn cho đoàn người trên núi, trong viễn tượng và theo ý nghĩa của Bữa Tiệc Cứu Rỗi, đã được tiên tri Isaia loan báo trước. Hơn nữa những chi tiết về đoàn người tham dự bữa tiệc, những người mù được thấy, người què quặt được đi, càng củng cố thêm cho ý nghĩa sâu xa của Bữa Ăn trên núi, mà Chúa thực hiện trước mặt các tông đồ. Các tông đồ không phải chỉ là những quan sát viên, nhưng là những kẻ được mời gọi cộng tác vào, để phân phối của ăn cho dân chúng. Trình thuật của Matthêu hay của Marcô không đi xa hơn, nhưng trình thuật của Phúc Âm theo thánh Gioan, thì thật sự đi xa hơn, dùng dấu chỉ Bữa Ăn, để mạc khải về bữa ăn quan trọng nhất, Bữa Tiệc Thánh Thể, trong đó Thiên Chúa trở nên của ăn cho con người. Con người được kết hiệp với Chúa, được sống sự sống của Thiên Chúa.
Ðọc lại đoạn Tin Mừng trên trong khung cảnh việc chuẩn bị đón Chúa đến, chúng ta được mời gọi chú ý đến khía cạnh Thiên Chúa đến với con người trong bữa tiệc. Ðó là tiệc Thánh Thể được Giáo Hội cử hành khắp nơi. Ðây là dấu chỉ Thiên Chúa đã đến giữa con người, vừa là cử hành để chuẩn bị Thiên Chúa lại đến lần nữa, như lời chúng ta tuyên xưng: Chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết, và tuyên xưng việc Chúa sống lại, cho đến khi Chúa lại đến.
Chúng ta chuẩn bị đón Chúa đến bằng những việc tốt lành phục vụ anh chị em. Chúng ta cũng đừng quên việc chuẩn bị khác nữa quan trọng nhất, đó là "cử hành bí tích Thánh Thể", "tham dự bàn tiệc Thánh Thể Chúa" cho đến khi Chúa lại đến. Và chúng ta cũng không được quên trách nhiệm của mình là phải làm sao, sống như thế nào, để anh chị em chung quanh chúng ta được mời gọi đến dự tiệc, tham dự vào đời sống của Thiên Chúa nữa.
Lạy Chúa, xin giúp con cử hành và sống bí tích Thánh Thể, với trọn vẹn ý nghĩa như Chúa muốn, cho đến khi Chúa ngự đến. Amen.