Huy hiệu của Tổng Thống Hoa Kỳ cho ta thấy hình con chim Phượng Hoàng với những mũi tên ở một bên chân và những cành ô liu ở phía chân kia. Những mũi tên là tượng trưng cho chiến tranh và những cành ô liu tượng trưng cho Hòa Bình. Lúc đầu, huy hiệu trình bày chim Phượng Hoàng hướng nhìn về các mũi tên, tượng trưng cho thái độ sẵn sàng chiến đấu. Nhưng khi Ông Harry Truman được bầu làm tổng thống, thì ông đã ra lệnh đổi lại huy hiệu, cho con Phượng Hoàng nhìn về những cành ô liu. Ông công bố cho mọi người biết rõ ràng quốc gia Hoa Kỳ và những vị có trách nhiệm vận mệnh quốc gia luôn hướng đến Hòa Bình, chớ không phải chiến tranh.
Chúng ta đang nhìn về hướng nào đây? Hay đúng hơn nhìn vào ai đây? Nhìn vào những người, những vật dụng, hướng chúng ta đến chiến tranh hay hòa bình? Toàn thể Giáo Hội Công Giáo bắt đầu mỗi năm mới, Mồng Một Tháng Giêng, với Ngày Lễ cầu nguyện cho Công Lý và Hòa Bình. Và Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã công bố rõ ràng là ngài muốn tất cả mọi thành phần Giáo Hội nhìn về Chúa Giêsu Kitô, Vua Hòa Bình. Chúa đã và còn đang đến với con người trong lịch sử, mang đến ơn Cứu Rỗi, sự Giải Hòa, tình Yêu Thương và Bình An. Và mỗi người đồ đệ của Chúa được mời gọi nhìn về Chúa, đón nhận Chúa, đón nhận ơn Cứu Rỗi, sự Hòa Giải, tình Yêu Thương và Hòa Bình. Mỗi người chúng ta sống trong một hoàn cảnh cụ thể, nhưng mỗi người đều được mời gọi hướng về Chúa và đến với Chúa. Chúa đã và còn đang đến với mỗi người, nơi một điểm hẹn nào đó. Và mỗi người chúng ta cũng được mời gọi hãy đến điểm hẹn đó để gặp Chúa, để gặp Chúa và lãnh nhận từ Ngài hồng ân tình thương, ngõ hầu tình thương chúng ta đối với anh chị em được củng cố vững mạnh thêm mãi.
Ðoạn Phúc Âm từ câu 5-11, của chương 8, Phúc Âm theo thánh Matthêu, có thể nhắc chúng ta về "điểm hẹn" nầy với Chúa. Chúa Giêsu vào thành Capharnaum. Ngài đã chọn một hoàn cảnh lịch sử, một địa điểm, làm điểm hẹn với con người. Và viên sĩ quan Roma, có lòng tin và đầy tình thương đối với người đầy tớ, nhưng lại gặp phải một thử thách làm ông xem ra như bó tay. Ông không làm gì được nữa để chữa cho người đầy tớ bại đau yếu. Ông hướng về Chúa và nhất quyết ra đi, đến nơi gặp Chúa để xin Ngài trợ giúp. Tác giả Phúc Âm theo thánh Matthêu đã kể lại như sau:
Khi ấy Chúa Giêsu vào thành Capharnaum, thì có một viên đại đội trưởng đến gặp Chúa và nài xin rằng: Lạy Thầy, người đầy tớ của tôi bị tê bại nằm liệt ở nhà, đau đớn lắm. Chúa nói: Chính tôi sẽ đến chữa nó. Viên đại đội trưởng đáp: Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh. Vì tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền. tôi bảo người nầy đi, là nó đi, bảo người kia đến, là nó đến, và bảo người nô lệ tôi làm cái nầy là nó làm. Nghe vậy, Chúa Giêsu ngạc nhiên và nói với những người theo Người rằng: Tôi bảo thật các ông, tôi không thấy một người Israel nào có lòng tin như thế. Tôi nói cho các ông hay: từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng tổ phụ Abraham, Isaac, Giacop trong Nước Trời. Nhưng con cái Nước trời thì sẽ bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài, ỏ đó sẽ phải khóc lóc nghiếm răng. Rồi Chúa Giêsu nói với viên đại đội trưởng rằng: Ông cứ về đi. Ông tin thế nào thì được như vậy. Và ngay giờ đó, người đầy tớ được khỏi bệnh.
Viên sĩ quan Roma đang sống trong hoàn cảnh thử thách. Ông đang gặp phải môt vấn đề, và cảm thấy mình bất lực. Tuy nhiên, chút lòng tin và tình thương chân thật nơi ông, đã hướng ông đến với Chúa, và lãnh nhận một cách nhưng không hồng ân của Chúa, để giải quyết vấn đề, có lợi cho người đầy tớ, và cả cho chính ông. Sự vui mừng, bình an đã trở lại, hay đúng hơn, được gia tăng thêm nữa, trong nhà ông, khi người đầy tớ được phép lạ Chúa chữa lành bệnh. Phúc Âm không nói, nhưng chúng ta có thể hiểu thêm là viên sĩ quan Roma, sau khi đã gặp được Chúa và hưởng ơn lành Chúa ban cho, chắc chắn sẽ được củng cố thêm trong niềm tin đối với Chúa và trong tình thương yêu đối với mọi người quanh ông.
Ước chi chút lòng tin và tình thương nơi tâm hồn chúng ta còn đủ sức thôi thúc chúng ta bằng những lời kêu gọi chúng ta đến với Chúa, mà Giáo Hội gởi đến từng người chúng ta hằng ngày, kêu gọi chúng ta hãy chuẩn bị cho Chúa đến với mình. Ước chi những thử thách, những đau khổ, không làm chúng ta lánh xa Chúa, nhưng ngược lại, như đã xảy ra cho viên sĩ quan Roma ngày xưa, làm cho chúng ta quay trở về với Chúa và gặp Ngài thật sự.
Lạy Chúa, xin thương khơi dậy nơi chúng con ước muốn đến gặp Chúa vừa mang theo những việc làm tốt mà sức con người chúng con còn có thể làm được. Xin thương giúp chúng con canh tân niềm tin, gia tăng tình thương và sống kiên trì làm việc tốt trong cảnh sống cụ thể của mình, vì đây là cách tốt nhất chúng con chuẩn bị đón Chúa đến. Amen.