Trong tông thư Ngàn Năm Thứ Ba, nơi số 56, ÐTC Gioan Phaolô II trích lại câu phúc âm Mt 13,33 như sau: "Nước Trời giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba đấu bột, cho đến khi tất cả bột dậy men"; rồi ÐTC nhắc chúng ta nhớ lại rằng:
"Chúa Kitô là như men thần thiêng, thấm nhập càng ngày càng sâu xa hơn vào trong sinh hoạt của nhân loại, vừa làm lan rộng công cuộc cứu rỗi do Người thực hiện trong Mầu Nhiệm Vượt Qua. Chúa Kitô đưa vào trong quyền năng cứu rỗi của Người trọn cả quá khứ... Và tương lai thuộc về Người: Chúa Giêsu Kitô hôm qua, hôm nay và mãi mãi muôn đời không thay đổi" ( Dt 13,8). Và Giáo Hội, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Ðấng an ủi, chỉ nhắm đến việc tiếp tục công việc của Chúa Kitô, Ðấng đã đến trong thế gian, để làm chứng cho sự thật, để cứu rỗi chớ không phải để kết án, để phục vụ chớ không phải để được phục vụ".
Thời gian thuộc về Chúa Kitô. Tương lai thuộc về Người. Ðiều nầy được làm nổi bật một cách rõ ràng trong lễ nghi Vọng Phục Sinh vào tối thứ Bảy tuần thánh. Với một nghi thức đặc biệt, Giáo Hội khẩn cầu Chúa chúc lành cho lửa mới, ngõ hầu cuộc vượt qua của Chúa Kitô thắp lên trong các tín hữu ước muốn hướng về trời cao và hướng dẫn họ đến cuộc lễ vinh quang đời đời, sau khi đã được canh tân trong Thánh Thần.
Trên cây nến Phục Sinh tượng trưng cho Chúa Kitô, vị chủ tế vẽ vào đó mẫu tự đầu tiên và cuối cùng của bộ mẫu tự hy lạp, tức hai mẫu tự Alpha và Ômêga; rồi chủ tế vẽ các con số của năm và nói: "Chúa Kitô sống động hôm qua, hôm nay và mãi mãi. Người là khởi nguyên và cuối cùng, là Alpha và Ômêga. Thời gian và các thế kỷ thuộc về Người. Chúc tụng Người được vinh quang và quyền năng trong tầt cả các thế kỷ đến muôn đời. Nhờ qua các dấu thánh vinh hiển, xin Chúa Kitô bảo vệ và gìn giữ chúng con." Rồi vị chủ tế thắp lửa mới vào Nến Phục Sinh, và nói: "Nguyện xin ánh sáng Chúa Kitô phục sinh vinh hiển, phá tan những bóng tối nơi lòng trí các tín hữu".
Ở đây, chúng ta có được một tổng hợp của công cuộc kỳ diệu, được Chúa Cha thực hiện, qua Chúa Kitô và trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Cuộc vượt qua, từ bóng tối đến ánh sáng, từ đêm tối sang ngày sáng, nói lên một cách sống động thực tại của cuộc Vượt Qua trong Chúa Kitô và trong chúng ta.
Trong đêm vọng phục sinh, đêm thật sự hồng phúc, Giáo Hội chúc tụng Ðấng cao cả nhất. Quyền năng của Ngài đã được mạc khải ngay từ khởi đầu, trong công cuộc tạo dựng vũ trụ, và trong cuộc giải phóng dân Israel ra khỏi Ai Cập. Quyền năng đó được chiếu sáng với hết sức mạnh của nó nơi ngôi mộ trống: trong Chúa Kitô, sự sống đã chiến thắng sự chết. Ðấng Phục Sinh đã chết, nay chiến thắng và nói với chúng ta: "Ta không chết, Ta sống và loan truyền những công việc của Thiên Chúa." (TV 117,17).
"Ơn cứu rỗi được Ðấng Phục Sinh mang đến cho chúng ta hệ tại trong cuộc Vượt Qua từ bóng tối đến ánh sáng, từ tình trạng tội lỗi đến tình thương, từ một thế giới đóng kín trước Thiên Chúa đến sự hiệp thông chặt chẽ hơn với Ngài nhờ qua Con Một Ngài là Chúa Giêsu Kitô". Thánh Irênêô, trong tập sách Chống Lại Những Kẻ Lạc Ðạo, (3,18,7) đã viết như sau:
"Chúa Kitô đã chiến đấu và đã chết. Người là một con người đã chiến đấu cho cha ông. Người chuộc lại sự bất phục tùng của họ bằng sự vâng phục. Người đã trói buộc lại thần dữ, đã giải phóng khỏi tù ngục, đã trao ban ơn cứu rỗi cho những tạo vật, đã hủy diệt tội lỗi. Với sự nhập thể, Người đã làm cho nhân loại được gắn chặt vào Thiên Chúa. Chúa Kitô là Ðấng trung gian giữa Thiên Chúa và con người, do bởi việc Người có liên hệ đến cả hai bên, Thiên Chúa và con người. Người cần thiết lập lại tình bằng hữu và sự đồng tâm giữa Thiên Chúa và con người. Người thực hiện công cuộc đó, sao cho Thiên Chúa chăm sóc cho con người, và con người sống tín thác vào Thiên Chúa. Thật vậy, làm sao chúng ta có thể tham dự vào tương quan phụ tử của Người với Thiên Chúa Cha, nhờ qua hồng ân được Thiên Chúa nhận làm con cái ngài, nếu chúng ta đã không nhận được trong Con Ngài, từ Thiên Chúa, ơn hiệp thông với Ngài, nếu Ngôi Lời Thiên Chúa đã không có sự thông hiệp nào với chúng ta trong Mầu Nhiệm Nhập Thể? Vì thế, Chúa Kitô đã trải qua mọi thế hệ, để trả lại cho tất cả sự hiệp thông với Thiên Chúa".
Vào lúc thời gian viên mãn, Ngôi Lời, Ðấng là ánh sáng và là sự sống, soi sáng cho những ai tiếp nhận Người nơi dung mạo Ðấng Kitô hữu hình chịu chết và đã sống lại. Trong bí tích Rửa Tội, chúng ta được soi sáng, chịu chết và sống lại với Chúa Kitô, qua dấu chỉ "nước bí tích Rửa Tội". Và trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần, Ðấng ngự xuống trên chúng ta và thanh tẩy chúng ta khỏi "những tội lỗi"; những tội lỗi nầy là như những mây mù che khuất sự hiện diện của vinh quang Thiên Chúa trong chúng ta. Chúa Thánh Thần làm cho tinh thần chúng ta nên trong sáng, được chiếu soi, có khả năng chiêm ngắm thực tại Thiên Chúa". Bí Tích Rửa Tội là như "một cuộc soi sáng trong Chúa Kitô. Bí Tích nầy mở mắt chúng ta về Mầu Nhiệm Thiên Chúa, về mầu nhiệm con người, về giá trị của sự sống, của đau khổ và sự chết, về ý nghĩa của lịch sử, về vận mệnh cá nhân và cộng đoàn của chúng ta.
Ðược trở thành ánh sáng trong Chúa, chúng ta cần phải hành xử như những con cái của ánh sáng; và hoa trái của ánh sáng là mọi sự tốt lành, công bằng và sự thật (Eph 5,9). Chúng ta được mời gọi lớn lên trong sự hiệp thông với Thiên Chúa Cha, và cùng với Chúa Kitô thực hiện Thánh Ý Chúa Cha trong mọi giây phút cuộc đời. Chúng ta không được phép sống như những kẻ không biết những sự thật do Thiên Chúa mạc khải. Chúng ta không được lẩn tránh ánh sáng đã được trao ban cho mỗi người ngõ hầu cuộc đời chúng ta không bị hư mất đời đời.