Cuộc cử hành Năm Thánh 2000, cách nào đó cần phản ảnh được hai yếu tố căn bản của đời sống Kitô: Lời Chúa và Bí Tích; việc tưởng niệm và cử hành mầu nhiệm Chúa Kitô cần được liên kết chặt chẽ với nhau. Chúng ta không phải chỉ nhớ lại biến cố một cách trừu tượng, trong trí óc rồi thôi, nhưng còn làm cho biến cố đó được hiện diện thật sự, làm cho sức mạnh cứu rỗi của biến cố đó được tác động ngay trong hiện tại nầy, nhờ qua cuộc cử hành bí tích.
Công cuộc cử hành Năm Thánh cần nhắm đến ba mục tiêu chính: cũng cố Ðức Tin của người Kitô hôm nay vào Thiên Chúa Cha, Ðấng được mạc khải nơi Chúa Kitô, nâng đỡ Ðức Cậy Trông vào sự sống đời đời, và làm sống động lại Ðức Mến, được thể hiện cụ thể trong việc phục vụ anh chị em (x. NNBa số 31). Ðể thực hiện trọn cả ba điều trên, với niềm xác tín của đức tin, thì cần phải để mình hiện diện với Tác Ðộng cứu rỗi đầy mầu nhiệm của Chúa Kitô, Ðấng là khởi đầu, là trung tâm và là kết thúc của công cuộc cứu rỗi.
Mọi tín hữu đều ý thức về Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi: Một Thiên Chúa Duy Nhất Nhưng Có Ba Ngôi: Thiên Chúa Cha vì tình thương thông ban chính Mình cho Con, và giữa Cha và Con có mối tương quan trao đổi liên lỉ của Tình Thương là Chúa Thánh Thần. Chúng ta có thể nhìn thấy chiều kích Kitô học của công cuộc cử hành Năm Thánh 2000, nhờ lướt qua những điểm chính của lịch sử cứu rỗi.
Thiên Chúa Cha luôn luôn hiện diện với Ngôi Lời, Lời Nói Hằng Hữu của Thiên Chúa Cha, khi tạo dựng vũ trụ nầy vì lòng tốt lành của Ngài; Ngài đặt con người đứng đầu vũ trụ, và ban ơn kêu gọi con người trở nên giống như Con Một Ngài, ban cho con người được trở thành con cái Ngài trong Chúa Giêsu Kitô. Thử hỏi đâu là thái độ đáp trả của con người đối với Tình Thương vô cùng của Thiên Chúa? Thử hỏi con người có đáp lại bằng việc hiến dâng trọn vẹn chính mình cho Ðấng đã thương mời gọi con người đến sống hiệp thông với Ngài vừa trao ban chính Ngài cho con người, qua ân sũng hay không? Ngày nay, chúng ta biết rõ dòng lịch sữ đã diển ra như thế nào: sự bội ân, sự chối từ, sự cố ý tách mình xa khỏi Thiên Chúa; nhưng từ phía Thiên Chúa, thì Ngài không ngừng yêu thươing con người, yêu thương liên lĩ., yêu thương bền vững mãi, không biết mệt mõi; Thiên Chúa không ngừng tận dụng mọi phương thế để kêu gọi con người trở về lại với Ngài.
Nhìn từ một phương diện, nhân loại càng thêm số, thì tội lỗi lại càng gia tăng nhiều hơn. Nhân loại trở thành như bị vong thân, bị tách rời ra khỏi Thiên Chúa, và tệ hơn nữa trở thành như kẻ thù của Thiên Chúa. Tuy nhiên, tình yêu Thiên Chúa sẽ chiến thắng. Trên bình diện ân sũng, thế hệ đi trước chuẩn bị cho thế hệ đến sau. Dân Thiên Chúa tuyển chọn, được khai sinh, được giải thoát khỏi cảnh nô lệ Ai Cập nhờ bởi hàng động của Thiên Chúa. Ðó là cuộc Xuất Hành, cuộc Vượt Qua, được thực hiện một lần duy nhất trong lịch sử, nhưng sẽ luôn được đem ra sống thực, trong khi chờ đợi một cuộc giải phóng mới, nhờ qua Ðấng được sai xuống, Ðấng Thiên Sai, Ðấng Thánh của Thiên Chúa.
Dung mạo của Ðấng Thiên Sai được từ từ mạc khải cho Dân Chúa như là một Ðại Ngôn Sứ và là Người Tôi Tớ của Gia Vê. Người sẽ dùng Máu Mình mà cứu rỗi Dân Chúa và tất cả mọi dân nước, một cách quyết định vĩnh viễn. Từ chính môi miệng Người, nhân loại học biết Người là ai: Là Con Một Thiên Chúa trong bản tính con người chúng ta; vì thế mọi hành động Người làm là hành động của Thiên Chúa qua trung gian con người. Tình yêu thương của Người là tình yêu thương cứu rỗi của Thiên Chúa trong hình thể con người. Thiên Chúa Cha đã sai Con Một của mình xuống trần gian để giao hòa con người lại với Ngài. Trong công cuộc cứu rỗi nầy, chúng ta có thể phân biệt được bốn giai đoạn chính như sau:
Trước hết là sáng kiến của Thiên Chúa Cha, Ðấng sai Con Một mình xuống trần gian. Con Một nầy mặc lấy thân phận con người chúng ta, với quyền năng Chúa Thánh Thần; Nơi Người, có sự kết hiệp giữa bản tính con người với Thiên Chúa; và cách nào đó, Người làm cho tất cả mọi người được khả thể sống hiệp thông với Thiên Chúa. "Con Một Thiên Chúa xuống thế làm người và sống giữa chúng ta" (Gn 1,14). Ðây là sự hạ mình tuyệt đối của Thiên Chúa, cho đến tận cùng, để can thiệp vào trong dòng lịch sử nhân trần, không phải chỉ bằng hành động mà còn bằng chính Con Một Ngài.
Chúa Giêsu đáp lại sáng kiến của Thiên Chúa Cha bằng việc vâng phục cho đến chết, và chết trên thập giá vì chúng ta. Ðây là cuộc trở về đầy tin tưởng phó thác của Con Thiên Chúa, trở về lại với Thiên Chúa Cha, qua việc đền bù đầy đau thương cho những tội lỗi của chúng ta.
Thiên Chúa Cha chấp nhận sự vâng phục khiêm tốn của Chúa Giêsu và cho thấy Ngài vui lòng chấp nhận sự vâng phục đó, qua việc Ngài tôn vinh Chúa Giêsu trong nhân tính đã được dâng hiến. Thiên Chúa Cha tôn vinh Người, ban cho Người một danh hiệu vưột trên mọi danh hiệu, là Kyrios, là Chúa; Thiên Chúa Cha đặt Người làm trung tâm, làm Ðấng thống trị trên mọi tạo vật, lamø thủ lãnh của nhân loại đã được cúu rỗi. Và nhân loại nầy đuọc kết hiệp với Người trong một Nhiệm Thể duy nhất.
Sự kết hiệp như thế giữa Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh Vinh Hiển và Nhân Loại, được đóng dấu ấn Chúa Thánh Thần, Ðấng được Chúa Giêsu Kitô sai xuống, kể từ khi Người "trở thành nguyên nhân ban ơn cứu rỗi cho tất cả những ai vâng phục Người" (Eph 5,9).
Ðó là bốn giai đoạn của mầu nhiệm Tình Thương, đã được Thiên Chúa Cha an bày từ thuở đời đời, được Chúa Giêsu Kitô Con Một Ngài thực hiện trong thời gian, nhờ qua Chúa Thánh Thần.
Chúa Kitô, khi được vinh hiển, đã trở nên vô hình. Người vẫn luôn thực hiện và tham dự vào công cuộc cứu rỗi của Người trong lịch sử nhân loại, nhờ qua trung gian Giáo Hội, một giáo hội được khai sinh từ Trái Tim bị lưỡi đồng đâm thâu qua, và được trở thành bí tích hữu hình của ơn cứu rỗi. Giáo Hội làm cho chúng ta sống lại những giai đoạn của sự hạ mình của Chúa cho đến chết trên thập giá, và không ngừng trao ban cho chúng ta Thánh Thần của Người, Ðấng ban sự sống.
Trong một cái nhìn toàn diện, chúng ta có thể và phải nhìn thấy trong Cựu Ước hình ảnh và sự chờ đợi công cuộc cứu rỗi; nhìn thấy trong Tân Ước công cuộc thực hiện ơn cứu rỗi trong Mầu Nhiệm Nhập Thể, chết, sống lại và lên trời của Chúa Kitô và việc đổ tràn xuống Chúa Thánh Thần, như là một cuộc Vượt Qua mới; cuộc Vượt Qua mới nầy, dù bị giới hạn trong lịch sử, trong một không gian và thời gian nhất định, nhưng do ý Chúa Kitô muốn, mà có được tính cách thời sự và hữu hiệu trong suốt thời gian con người sinh sống trên trần gian nầy và dự phóng hướng đến tương lai "cho đến khi Chúa lại đến".
Suy tư về những yếu tố trên giúp chúng ta sống lại ý thức về giá trị và ý nghĩa mà Năm Thánh 2000 mang đến cho lịch sử nhân loại (x. NNBa 31).