Khi công bố triệu tập Năm Thánh, ÐTC Gioan Phaolô II có nhắc đến khía cạnh "vui mừng" của biến cố, bởi vì ngài muốn cho Năm Thánh được như là "một lời long trọng chúc tụng và tạ ơn Thiên Chúa vì hồng ân Nhập Thể của Con Thiên Chúa và vì Ơn Cứu Rỗi đã được Con Ngài thực hiện". Nói đến niềm vui của việc ăn năn trở lại cũng như của việc tha thứ các tội lỗi, chúng ta cần đặt uu tiên cho việc ăn năn đền tội và sự hòa giải; Ăn năn đền tội là chủ đề của Khóa Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục năm 1984; Khóa Họp đã lấy lại đề tài rất thời sự của việc ăn năn trở lại, như là điều kiện trước tiên để từng cá nhân cũng như cộng đoàn hòa giải với Thiên Chúa.
Lời kinh tiền tụng dùng trong Mùa Chay đã nhắc cho chúng ta nhớ lại điểm vừa nói, với những lời như sau: Lạy Chúa, Chúa đã ban cho các tín hữu Chúa được vui mừng chuẩn bị, với tinh thần đã được thanh tẩy, để mừng lễ Vượt Qua, ngõ hầu nhờ chuyên cần trong việc cầu nguyện và trong đức bác ái sống động, các tín hữu Chúa được tham dự vào trong những Mầu Nhiện Cứu Chuộc và được đạt đến đời sống mới sung mãn trong Chúa Kitô".
Trước khi bàn thêm về việc ăn năn trở lại, chúng ta hãy lưu ý đến mối tương quan liên vị, giữa người với người. Ðây là kinh nghiệm căn bản nhất của cuộc sống chúng ta. Trong tương quan liên vị nầy, chúng ta vươn ra khỏi chính mình để đến với kẻ khác; và khi vươn ra khỏi chính mình như vậy, chúng ta nâng cao phát triển chính ngôi vị mình. Chúng ta không thể nào khám phá ra chính mình và thực hiện chính mình, nếu không nhờ qua một sự cho đi chính mình cách chân thành. Trong tương quan đối thoại liên vị, một tương quan được xây dựng trên ý chí muốn nâng cao phát triển chính mình, sự khác biệt giữa hai người đối thoại với nhau, được duy trì nguyên vẹn, cả trong sự thông truyền cho đi lẫn nhau.
Trong biến cố Thiên Chúa mạc khải cho con người, điều vừa nói trên đây về mối tương quan liên vị, được thể hiện trọn vẹn. Tất cả những gì con người là, đều phát xuất từ tình thương của Thiên Chúa. Ngài khơi dậy và đòi buộc một sự đáp trả. Trong việc chúng ta đáp trả lời mời gọi của Ngài bằng hành động yêu thương Thiên Chúa, chúng ta làm cho mình trở thành một tạo vật mới, có khả năng yêu thương và đối thoại.
Tuy nhiên, như chúng ta đọc thấy nơi sách Sáng Thế 3,7, không lâu sau khi được Thiên Chúa tạo dựng, con người nghi ngờ tình thương của Thiên Chúa đối với mình và không nhìn nhận phẩm vị cao cả đã được Ðấng Tạo Hóa ban cho nhưng không, một phẩm vị có khả năng xử dụng mọi thực tại trong vũ trụ để phục vụ cho điều thiện hảo tốt đẹp cho mình và cho kẻ khác; bằng một sự dối trá gạt gẫm, con người chối bỏ sự tùng phục đối với Thiên Chúa, không chấp nhận sống hướng về Ngài như là nguồn mạch của chính căn cước thật của mình và là nguồn mạch cho hạnh phúc đích thật; con người tuyệt đối hóa chính mình và những sự vật trên trần gian, từ bỏ giao ước của tình bằng hữu với Thiên Chúa, tuyệt đối hóa chính mình và đặt mình làm mục đích cho mình. Con người tự nghĩ mình được tự do khỏi Thiên Chúa và nghĩ mình đã trở thành giống như Thiên Chúa; nhưng chính lúc đó, con người khám phá ra sự trơ trọi của mình, và cảm nghiệm sự chia rẽ trong thâm tâm cũng như trong toàn thể xã hội và trong chính trật tự của vũ trụ. Và nguyên nhân duy nhất của sự chia rẽ đó là chính quyết định tự do của con người chống lại Thiên Chúa.
Tuy nhiên tội lỗi không làm hư đi con người cho đến độ ngăn cản không cho con người nghe được tiếng nói của Thiên Chúa nữa; Thiên Chúa vẫn liên tục nói với con người qua tiếng lương tâm và qua những sứ giả ngài sai đến. Mỗi trang Kinh Thánh đều gợi lại cho chúng ta thấy lòng trung tín không biết mệt mõi của Thiên Chúa đối với chương trình Hòa Giải do ngài đề ra; mỗi trang Kinh Thánh đều cho chúng ta thấy khoa sư phạm đầy yêu thương của Thiên Chúa đối với mọi thế hệ con người, cho chúng ta thấy lòng kiên nhẩn không giới hạn của Ngài. Hành động như vậy, Thiên Chúa muốn chúng ta hiểu rằng vì tội lỗi con người bẻ gảy sự hiệp thông với ngài và phải gánh chịu những hậu quả đau buồn; nhưng vừa đồng thời, khi hành động như vậy, Thiên Chúa chuẩn bị con người đón nhận hồng ân mới của ngài, đón nhận một "quả tim mới", một tâm hồn mới (x. TV 50,12), không phải một con tim bằng đá, nhưng bằng thịt, trong đó Thiên Chúa có thể đổ tràn xuống Thánh Thần của Ngài (x. Ez 36,25-26).
Công cuộc hòa giải của Thiên Chúa được mạc khải hoàn toàn rõ ràng và được thực hiện một cách quyết định vĩnh viễn với việc Nhập Thể của Con Thiên Chúa, với việc Chúa Giêsu Kitô bước vào trong thế gian. Người vừa là Ðấng trung gian vừa là sự Mạc Khải trọn vẹn nhất của Thiên Chúa (x. DV 2); Người biểu lộ ý định cứu rỗi của Thiên Chúa Cha cho con người biết, trong hình thức cao cả tột cùng và Người hoàn thành trọn vẹn ý định của Thiên Chúa, Ðấng đã thiết lập Người đứng ra phục vụ như phương thế để đền bù, nhờ qua đức tin, trong máu thánh của Người, để cho thấy sự công chính của Thiên Chúa" (Roma 3,25).
Trong tông thư Ngàn Năm thứ ba, ÐTC Gioan Phaolô II đã lưu ý như sau: "Trong năm Toàn Xá, với lòng tin đã được canh tân, những người Kitô đặt mình trước tình yêu của Thiên Chúa Cha, Ðấng đã trao ban chính Con Một Ngài "ngõ hầu bất cứ ai tin vào Con Ngài, đều không phải chết, nhưng được sống muôn đời" (Gv 3,16). Trong Chúa Kitô chịu đóng đinh và đã sống lại, chúng ta được hòa giải, và nhờ Người, chúng ta có thể xuất hiện trình diện trước nhan Thiên Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần" (Eph 2,18). Nhờ công cuộc cứu chuộc Người đã thực hiện, Chúa Kitô là sự cứu rỗi sống động, duy nhất và phổ quát; thật vậy Người loại bỏ được sự vong thân của chúng ta, không để chúng ta bị tách rời ra khỏi Thiên Chúa Cha; Người loại khỏi chúng ta sự vong thân đối với chính bản thân cũng như đối với anh chị em xung quanh, không để chúng ta sống trong sự xa lạ với chính mình cũng như trong sự xa lạ đối với anh chị em. Và khi trao ban cho chúng ta Chúa Thánh Thần, Người ban lại cho chúng ta sự tự do, một sự tự do từ từ giúp ta vượt qua mầu nhiệm sự dữ và những cơ cấu của tội lỗi (x. Roma 8,19-23). Vì thế Chúa Phục Sinh cùng với Chúa Thánh Thần trong biến cố Hiện Xuống, đã trao ban cho các tông đồ quyền tha đi và cầm giữ lại những tội lỗi, nhân danh Người (x, Gn 20,19-23) . Chúa Phục Sinh trao ban cho các tông đồ sứ mạng rao giảng cho mọi dân nước sự ăn năn trở lại và sự tha thứ, bắt đầu từ Giêrusalemn (x. Lc 24,47).
Khi Tin Vui Mừng nầy được lắng nghe, được tiếp nhận và được đưa vào trong cuộc sống con người, thì Tin Mừng nầy khơi dậy một sự gắn bó hoàn toàn của con tim đối với Thiên Chúa và khơi dậy một cách thức mới để hàng động. Trước khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội và trong thời gian sau khi đã lãnh nhận bí tích nầy, kẻ tội lỗi được gắn bó với Nước Thiên Chúa, với thế giới mới, với cách thức mới để hiện diện và để sống theo tinh thần Phúc Âm; cách thức mới nầy được phản ánh, được thể hiện trong cộng đoàn giáo hội và trong xã hội dân sự. Vì thế, trong sự trở lại lần thứ nhất nơi người lớn trước khi lãnh nhận bí tích rửa tội, và trong sự ăn ăn trở lại lần thứ hai sau lần lỗi phạm trầm trọng, người tội lỗi thực hiện một quyết định hay một chọn lựa căn bản, một cách tự do, liên quan đến chính cá nhân, một chọn lựa nhất quyết thanh tẩy, làm cho tâm hồn mình được ngay chính và hướng nó về cùng Thiên Chúa, để làm cho đời sống của mình được phù hợp với thánh ý Thiên Chúa.
Việc ăn năn trở lại được thực hiện trong tận thâm tâm chúng ta, có ảnh hưởng trên mối tương quan thiết yếu giữa ta và Thiên Chúa; đây không phải chỉ là một sự gắn bó thuần túy theo một giáo lý phải tin hay theo một quy luật phải giữ, nhưng đây là một việc trở về lại với Thiên Chúa Cha, đấng luôn luôn chờ đợi nguời tội lỗi ăn năn trở lại. Việc ăn năn trở về nầy bao gồm những yếu tố cần thiết sau đây:
1. nhìn nhận sự thánh
thiện của Thiên Chúa mà mình
xúc phạm;
2. xưng thú những tội lỗi đã
phạm với lòng ăn năn;
3. có ý muốn sửa chữa
những hậu quả nơi chính bản
thân, trong giáo hội, trong xã hội và
trong vũ trụ;
4. đón nhận, trong ý thức về
sự mỏng dòn yếu đuối và
thiếu thốn của mình, đón nhận
sự trợ giúp mà Chúa Kitô
cống hiến cho chúng ta nhờ qua thừa
tác viên của Người; thừa
tác viên nầy xá giải tội lỗi
cho chúng ta qua bí tích được
cử hành trong giáo hội.
Nguy hiểm có thể gặp phải là chúng ta không xem trọng những đòi hỏi của việc ăn năn trở lại và rút gọn việc ăn năn trở lại nầy thành như những hành động hời hợt bên ngoài mà thôi, và bên trong con người chúng ta không có gì thay đổi. Việc ăn năn trở lại đích thực đòi hỏi phải được kiểm chứng một cách nghiêm chỉnh trong hành động, trong cuộc sống hằng ngày.