Giáo Hội Công Giáo Macao thiếu sót
trong các hoạt động về nhân quyền

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Giáo Hội Công Giáo Macao thiếu sót trong các hoạt động về nhân quyền.

 (UCAN MA4398.1057 6/12/99) - Ðài Loan (Ðài Bắc) - Viễn ảnh về sự tôn trọng nhân quyền sau ngày Macao tái thuộc chủ quyền Trung Quốc đang ngày một trở thành mối quan tâm của người dân địa phương, tuy nhiên giáo hội Công Giáo tại Macao vẫn còn nhiều thiếu sót trong công tác thăng tiến nhân quyền trong thập niên vừa qua.

 Trên đây là nhận định của Linh Mục Peter Chung Che-Kuen trong một khóa hội thảo về nhân quyền, tổ chức tại thủ đô Ðài Bắc. Cha Chung Che-Kuen là giám đốc trung tâm mục vụ giới trẻ của giáo phận Macao. Cha ghi nhận, gần phân nửa số học sinh Macao học tại các trường Công Giáo, mà đa số các trường này đều thờ ơ với các đề tài có liên quan tới chính trị. Giáo Hội Công Giáo Macao vẫn giữ thinh lặng trước các vấn đề công cộng, cụ thể như cuộc biểu tình chống thực dân, do các thế lực thân Trung Quốc chủ động dạo năm 1996. Các trường học và nhân viên người Công Giáo đã bị những người biểu tình tấn công. Thái độ thiếu tôn trọng này của một số người dân Macao có lẽ là do mối quan hệ chặt chẽ của giáo hội với chính phủ thực dân Bồ Ðào Nha, đã có kể từ khi các nhà truyền giáo đầu tiên đặt chân tới Macao cách đây hơn 4 thế kỷ.

 Cha Chung Che Kuen giải thích thêm, cho mãi đến năm 1974, Bồ Ðào Nha mới ban hành một bản hiến pháp cho Macao, trong đó cóù những điều khoản tôn trọng nhân quyền. Kế đó, Luật cơ bản của Macao ban hành năm 1976 xác định Macao là một lãnh thổ của Trung Quốc nằm dưới quyền điều hành của Bồ Ðào Nha. Luật này chấm dứt thể chế thuộc địa của Macao và bắt đầu cuộc bầu cử quốc hội trực tiếp cũng trong năm 1976. Tuy nhiên dù với những quyền và tự do được đảm bảo, người gốc Hoa địa phương vẫn không được hưởng những quyền lợi về mặt xã hội, giáo dục và công ăn việc làm, ngang với người Bồ Ðào Nha. Rất ít người gốc Hoa biết nói tiếng Bồ Ðào Nha hay hiểu biết về luật pháp, tình trạng này tạo nên một hệ thống hối lộ và tham nhũng trong khi người dân Macao không quan tâm gì mấy tới công tác thăng tiến xã hội. Ý thức về nhân quyền tại Macao chỉ bắt đầu sau cuộc bầu cử trực tiếp dạo năm 1988, và sự tham dự của người dân trong những cuộc bầu cử năm 1992 và 1996 đều được coi là rất tích cực.

 Sau khi Trung Quốc và Bồ Ðào Nha ký một tuyên ngôn chung vào năm 1987 nói về tương lai của Macao và sau cuộc đàn áp các sinh viên Trung Quốc biểu tình tại quảng trường Thiên An Môn năm 1989, người dân Macao đã trở nên quan tâm hơn về nhân quyền. Theo cha Chung Che-Kuen, luật cơ bản sẽ được mang ra áp dụng tại Macao sau ngày Macao được trao trả lại cho Trung Quốc vào ngày 20 tháng 12/1999, có những điều khoản đảm bảo những quyền tự do cơ bản của người dân. Qua những phương tiện thông tin nhanh chóng ngày nay, giáo dục và mạng lưới của các tổ chức nhân quyền quốc tế, người dân Macao ngày một ý thức nhiều hơn về vấn đề nhân quyền. Tuy nhiên cho đến giờ giáo hội Công Giáo Macao vẫn chưa thành lập được một cơ cấu độc lập nào để theo dõi tình trạng nhân quyền tại Macao sau ngày 20/12/1999. Vì vậy cha Chung bày tỏ cảm nghĩ rằng quyền tự do ngôn luận tại Macao có thể bị suy yếu đi sau ngày Macao tái thuộc chủ quyền của Trung Quốc.
 
 


Back to Radio Veritas Asia Home Page