Tuần tĩnh tâm trong Nội Thành Vatican.
Vatican - 3.03.98 - Tuần tĩnh tâm của ÐTC và của các giáo sĩ cấp cao trong Giáo Triều tiếp tục.
Trong hai bài suy tư chiều thứ Hai 2/03/98, Ðức Hồng Y Korec, vị giảng thuyết, đã trình bày về: mầu nhiệm của sự dữ mà chúng ta gọi là tội lỗi. Với sự lỗi phạm, con người phản Thiên Chúa và muốn trở thành Thiên Chúa. Tội lỗi đã và còn đang gây nên biết bao hậu quả khốc hại trên thế giới và trong lịch sử, cách riêng trong thế kỷ 20 này, khi hai "kẻ độc tài" , tức tội lỗi và người phạm tội phản bội), bắt đầu coi mình như là một vì Thiên Chúa cùng với bao hậu quả: phòng giết người bắng khí đốt, nha tù, trại tập trung, vân vân...
Ðức Hồng Y giảng thuyết kể lại những hậu quả kinh khủng tại Tiệp Khắc của ngài từ năm 1948 đến 1988: 97 ngàn người bị giam tù bị coi là kẻ thù của chế độ và Nhà Nước; 300 ngàn trong các trại khổ sai; một triệu 200 ngàn bị tra vấn; 250 ngàn bị xử. Trong các người bị giam tù có 200 linh mục, 6 giám mục, bị xử đãi cách tàn nhẫn.
Ngày nay - Ðức Hồng Y Korec nói - cám dổ về xây một thời đại mới ("New Age") không có Thiên Chúa, đang trở lại.
Trong bài giảng sáng thứ Ba 3/03/98, Ðức Hồng Y trình bày mầu nhiệm của đời sống Chúa Kitô. Nơi Chúa Kitô, chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa được thực hiện. Tình yêu Thiên Chúa trở nên hữu hình nơi Chúa Giêsu, bằng lời nói và việc làm. Các hoạt động của Chúa Kitô không phải chỉ thuộc về quá khứ, mà tiếp tục mãi mãi trong Giáo Hội và trong các Bí Tích.
THỜI SỰ . Tuần tĩnh tâm của ÐTC và Giáo Triều Roma.
Theo truyền thống từ đời Ðức Pio XI (1922-1939) , Tuần tĩnh tâm của ÐTC và của các vị Giáo sĩ cấp cao trong Giáo Triều, từ lúc thành lập đến nay, đã được ấn định vào Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng. Nhưng rồi sau đó, Ðức Phaolô VI (1963-1978) dời vào Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay và kết thúc vào sáng thứ Bảy tiếp theo. Trong tuần tĩnh tâm, tất cả các buổi tiếp kiến riêng và buổi tiếp kiến chung hằng tuần ngày thứ Tư đều đình chỉ.
Vị giảng tuần tĩnh tâm do chính ÐTC lựa chọn trong các vị giáo sĩ nổi tiếng về thông thái và nhân đức từ nhiều nơi trên thế giới. Mỗi ngày 4 bài suy niệm: sáng hai bài, chiều hai bài, và bằng tiếng Ý. Năm ngoái (1997), Ðức Hồng Y Roger Etchegaray được chọn để hướng dẫn tuần tĩnh tâm. Chính Ðức Karol Wojtyla, khi còn làm Tổng Giám Mục giáo phận Cracovia, đã được Ðức Phaolô VI mời giảng tuần tĩnh tâm cho Giáo Triều. Năm nay Ðức Hồng Y Chryzostom Korec, người Slovak, Giám mục Giáo Phận Nitra, một giáo phận cổ kính nhất của miền Trung-Ðông Âu, được thành lập từ thế kỷ thứ IX, (Ðức Hồng Y Korec) được chỉ dịnh giảng tuần tĩnh tâm tại Vatican về đề tài "Chúa Kitô hôm qua, hôm nay và đời đời vẫn là một" (Thư gửi cho người Do thái 13, 8). Tuyên bố trên đài Vatican, Ðức Hồng Y Korec nói: "Bổn phận của Giáo Hội, của Giáo Triều Roma, của mỗi một người trong chúng ta cũng là một: đó là chiếu dọi bằng lời nói và minh chừng bằng đời sống cho chân lý này là: Chúa Kitô hôm qua, hôm nay và đời đời vẫn là một, cho các dân tộc mà chúng ta tiếp xúc".
Ðức Hồng Y Chryzostom Korec, thuộc Dòng Tên, năm nay 74 tuổi. Cuộc đời của ngài là một cuộc đời "ba chìm bẩy nổi chín lênh đênh" dưới chế độ cộng sản vô thần tại Tiệp Khắc (lúc Tiệp Khắc vẫn còn là một nước, chưa chia thành hai quốc gia như hiện nay: Cộng Hòa Tchèque và Cộng Hòa Slovak). Ngài được phong giám mục "chui" (thầm kín) từ năm 1951. Trong 39 năm trời, lúc ở tù, khi tại ngoại với những công việc làm không ai lưu ý đến.
Năm 1970, Ðức Hồng Y bị án tù 12 năm và luôn luôn bị công an kiểm soát. Ngài đã phải làm những công việc rất tầm thường, như sửa chữa thang máy. Ngài tự hào rằng: dù trong những hoàn cảnh vô cùng khó khăn, ngài đã có thể phong chức "chui" được 150 linh mục thuộc các Dòng Tu. Ðức Hồng Y nói: "Cuộc bách hại và đàn áp tại Tiệp khắc, cách riêng tại miền Slovak (nơi có đông người Công Giáo hơn các miền khác của Tiệp Khắc) dữ dội hơn cả sánh với các nước Ðông Âu khác cũng đưới chế độ cộng sản.
Ðức Hồng Y Korec nhấn mạnh rằng: chế độ Mác xít đã giáo dục hai thế hệ về thuyết vô thần, không những đã phá hủy nền giáo dục và truyền thống Công Giáo, mà còn hủy diệt con người trong tận thâm tâm. Ngài nói: "Trong các cuộc chất vấn của công an, tôi đã nhắc lại với họ nhiều lần rằng: Kitô giáo không phải là một cơ chế, hay một lý thuyết, mà là một biến cố của sự sống và sự chết; và chỉ có đức tin mới có thể đem lại câu trả lời chính xác mà thôi".
Ðức Hồng Y còn thuật lại những giờ phút suy tư, cầu nguyện lâu dài trong những năm sống trong nhà giam: trò chuyện với các bạn đồng nghiệp, dâng thánh lễ "lén lút"; rượu và bánh thánh được gửi đến cách "lén lút" và bằng nhiều cách khác nhau . Dĩ nhiên thánh lễ không thể kéo dài như một buổi lễ cử hành công khai theo đúng phụng vụ. Lời truyền phép là phần cốt yếu của thánh lễ. Trong những năm được tại ngoại, Ðức Cha cư ngụ tại một căn phòng nhỏ ở thành phố Bratislava (thủ đô Slovak hiện nay). Ngài tiếp xúc lén lút giới trẻ, các gia đình và các giáo lý viên; an ủi và khích lệ họ can đảm trong đức tin. Ngài cho biết: nhiều lần để tránh sự kiểm soát của công an, ngài dùng một ống dài, để nói với các người muốn gặp ngài, hoặc mở máy phát thanh nho nhỏ, để cản trở việc ghi âm của công an. Bằng cách này, cách khác, ngài đã có thể giúp đỡ tinh thần và củng cố đức tin của nhiều người.
Ðối với những người bách hại, đàn áp Giáo hội, Ðức Hồng Y tuyên bố: "Ngài nuôi dưỡng tâm tình tha thứ, và tha thứ thành thực. Không một giận dữ, thù ghét nào cả. Tôi luôn luôn cầu nguyện cho họ, vì họ đã làm cho tôi nên giống cách nào đó với Chúa Giêsu chịu đau khổ."
Năm 1989 và 1990, chế độ cộng sản Trung-Ðông Âu và bức tường Berlin sụp đổ, Ðức Cha Korec được hoàn toàn tự do. ÐTC Gioan Phaolô II bổ nhiệm ngài làm giám mục giáo phận Nitra và năm 1991 vinh thăng Hồng Y. Tháng 7 năm 1995, ÐTC đã viếng thăm mục vụ Cộng Hòa Slovak. Giáo Hội Slovak, sau những năm bị bách hại, nay là một Giáo Hội có thể nói đang thời kỳ phục hưng mạnh mẽ, nhiều ơn kêu gọi linh mục và tận hiền hơn các quốc gia miền Trung-Ðông Âu.
Trong giờ đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật đầu Mùa Chay, ÐTC đã xin cầu nguyện cho Tuần Tĩnh Tâm. Ngài nói: "Tôi xin anh chị em cầu nguyện cho tôi và tôi cũng khuyên mọi người, là tùy các dấn thân của việc làm và gia đình, hãy tìm ra những giờ phút yên lặng và tĩnh tâm, để lắng nghe tiếng Chúa; tiếng Chúa có thể liều bị bóp nghẹt trong quay cuồng của công việc hằng ngày".
Tuần tĩnh tâm của ÐTC và Giáo Triều Roma.
Vatican - 02.03.98 - Từ chiều Chúa Nhật 01 đến thứ Bảy 7 tháng 3 năm 1998, ÐTC và các Giáo Sĩ cấp cao trong Giáo Triều Roma tham dự Tuần Tĩnh Tâm, do Ðức Hồng Y Chryzostom Korec, người Slovak, giảng.
Truyền thống của Tuần Tĩnh tâm trong Vatican có từ thời Ðức Pio XI (1922-1939). Ngày 20.12.1929, Kim Khánh Linh Lục của ÐTC, ngài cho công bố Thông Ðiệp "Mens Nostra", trong đó, sau khi suy tư về sự quan trọng của việc tĩnh tâm, ngài đã quyết định hằng năm trong Vatican phải có một tuần tĩnh tâm. Và từ đó, tuần tĩnh tâm được diễn ra vào Chúa nhật thứ nhất Mùa Vọng.
Năm 1962, thay vì Tuần Tĩnh Tâm chung, Ðức Gioan 23 tự tĩnh tâm một mình trong Tháp San Giovanni trong Vườn Vatican, để chuẩn bị Công Ðồng chung Vatican 2. Ðức Phaolô VI ấn định lại Tuần tĩnh tâm tại Vatican vào Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay, và vẫn giữ như vậy cho tới nay.