Tường thuật về Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh Tại Roma.
Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh 10/04/1998 tại Roma, ghi nhận ba sinh hoat chính sau đây của ÐTC:
Vào giờ Trưa, ÐTC xuống đến thờ Thánh Phêrô, để ban bí tích Hòa Giải trong vòng một tiếng đồng hồ. Kể từ năm 1980 đến nay, mỗi Thứ Sáu Tuần Thánh, ÐTC giữ thói quen xuống Ðền Thờ Thánh Phêrô để đích thân ban bí tích giải tội cho các tín hữu.
Biến cố thứ hai là vào lúc 5:00 giờ chiều, giờ Roma, tức lúc 10 giờ tối cùng ngày thứ Sáu, theo giờ Việt Nam, ÐTC đã chủ sự nghi thức Thứ Sáu Tuần Thánh trong Ðền Thờ Thánh Phêrô. Nghi thức thứ Sáu Tuần Thánh gồm có ba phần chính:
Phần phụng vụ Lời Chúa, gồm có việc công bố Sự Thương Khó của Chúa Giêsu theo Phúc Âm Thánh Gioan và dâng Lời Cầu Nguyện cho những ý chỉ đặc biệt, cho ÐTC, cho sự hiệp nhất Kitô, cho những kẻ không tin Chúa, cho những vị có trách nhiệm nắm giữ vận mệnh các quốc gia các dân tộc. Trước khi sang phần hai của Nghi Thức Thứ Sáu Tuần Thánh, Vị Giảng Thuyết của Tòa Thánh, Linh Mục dòng Phanxicô Raniero Cantalamessa đã giảng thuyết đề tài sự hòa giải đáng mong ước giữa người Kitô và người Do Thái. Cha đã nói như sau:
"Ngày hôm nay, nhìn lên thập giá, chúng ta có thể nói: Thập Giá Chúa đã làm cho chúng ta vượt qua sự đối nghịch để tiến tới tình bằng hữu, vuợt qua sự kết án để tiến đến sự tha thứ. Chúa đã phá đổ bức tường ngăn cách giữa chúng ta. Ðược hòa giải với nhau, chúng ta có thể bước qua ngưỡng cửa của ngàn năm thứ ba".
Sau bài giảng của Cha Cantalamessa, sang phần hai của nghi thức Thứ Sáu Tuần Thánh, tức nghi suy tôn Thánh Giá,
và cuối cùng, phần ba của nghi thức là việc Rước Lễ.
Biến Cố thứ ba của ngày thứ Sáu Tuần Thánh tại Roma là Nghi Thức Suy Niệm Ðàng Thánh Giá Chúa tại Hí Trường Colossêô, vào lúc 9:15 tối, theo giờ Roma, tức lúc 2:15 khuya sáng thứ Bảy, giờ Việt Nam. Từ khi lên kế vị thánh Phêrô tại Ngai Tòa Roma, vào tháng 10 năm 1978 đến nay, Tối Thứ Sáu Tuần Thánh hằng năm ÐTC đều đến Hí Trường Colossêo để Suy Niệm Ðàng Thánh Giá, ngoại trừ một lần, Ngài đã không tới được vì bị đau. Việc đạo đức đến Suy Niệm Ðàng Thánh Giá vào tối thứ Sáu Tuần Thánh tại Hí Trường Colossêô nầy, đã được bắt đầu vào năm Thánh 1750.
Những suy niệm của Ðàng Thánh Giá năm nay là do Nhà Thần Học Giáo Dân thuộc Chính Thống Giáo, là Giáo sư Olivier Clément, người Pháp, soạn ra. Từ vài năm nay, ÐTC đã có ý mời những người Kitô nổi tiếng, nhưng không Công Giáo, để soạn những Suy Niệm Ðàng Thánh Giá trong dịp nầy. Dường như ÐTC muốn gợi lên ý tưởng nầy, là dưới chân thập giá Chúa, tất cả mọi người Kitô đều có thể và phải gặp nhau. Thần học gia Chính Thống giáo Olivier Clément đã chọn suy niệm theo Những Chặng Ðàng Thánh Giá Củ, theo truyền thống tu đức Phanxicô, để có thể đánh động cảm thức của những người Công Giáo nhiều hơn. Một điểm đặc biệt đáng chú ý trong buổi tối đi Ðàng Thánh Giá tại Colôssêô, là những giáo dân thuộc 5 quốc tịch khác nhau, lên giúp ÐTC vác thánh giá; đó là các quốc gia Philuậttân, Burundi, Argentina, Trung Quốc và Italia. Nội dung đặc biệt của những suy niệm Ðàng Thánh Giá nầy, được chia sẻ với quý vị trong chương trình đặc biệt của ngày thứ Sáu 10/04/1998. Trong bài tường thuật nầy, chúng tôi xin nhắc đến vài lời ÐTC nói sau khi đã đi qua 14 chặng Ðàng Thánh Giá. ÐTC đã bắt đầu như sau:
Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. "Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến độ trao ban Con Một Ngài" (x. Gn 3,16). Con hằng hữu của Thiên Chúa Cha đã nhận lấy bản tính nhân loại chúng ta, trong cung lòng Ðức Nữ Ðồng Trinh Maria, nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, đã vâng lời Thiên Chúa Cha cho đến chết, và chết trên thập giá (x. Phil 2,8), để cứu rỗi thế giới. Giáo Hội suy niệm mỗi ngày Mầu Nhiệm Cao Cả của Việc Nhập Thể ban ơn cứu rỗi và suy niệm Mầu nhiệm Cái Chết chuộc tội của Con Thiên Chúa hy sinh chính mình trên thập giá cho chúng ta. Ngày hôm nay, Thứ Sáu Tuần Thánh, chúng ta dừng lại chiêm ngắm mầu nhiệm nầy một cách sâu xa hơn. Trong cảnh tối chiều nay, chúng ta đến Colossêô nầy, để đi lại những giai đoạn của con đường khổ nạn của Chúa Kitô cho đến kết thúc bi thảm của cái chết, nhờ qua việc thực hành đạo đức suy niệm Ðàng Thánh Giá, Via Crucis. Trong tinh thần, chúng ta bước lên đồi Golgotha, nơi Chúa Giêsu đã chịu đóng đinh và trút hơi thở cuối cùng; đây là việc mang một ý nghĩa đặc biệt, giữa những di tích cổ của Roma thời các hoàng đế, nhất là tại nơi nầy, nơi có liên hệ đến hy sinh của biết bao người kitô chịu tử đạo."
Rồi ÐTC nhắc đến việc Tổ Phụ Abraham vâng nghe lời Thiên Chúa mà hiến tế con duy nhất của mình, như là một loan báo hùng hồn cho hy tế vĩnh viễn của Chúa Giêsu. ÐTC cũng nhắc đến Mẹ Maria đứng duới chân thập giá của Chúa Giêsu và kết hiệp sâu xa với Hy Tế của Con. Tại Thập giá, Chúa Giêsu đã trao Mẹ lại làm Mẹ của Gioan. Và ÐTC đã giải thích ý nghĩa của sự kiện nầy như sau:
Mẹ Maria đã được trao ban làm Mẹ của tất cả chúng ta, những kẻ được kêu gọi trung thành theo bước Con Chúa,Ðấng đã vì chúng ta mà sống vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá (x. Phil 2,8).
Sau cùng ÐTC kết thúc bải giảng ngắn với những lời kêu gọi như sau:
Giờ đây đêm đã xuống. Chiêm ngắm Chúa Kitô chết trên thập giá, tâm tư hướng đến biết bao bất công và đau khổ, kéo dài cuộc khổ nạn của Chúa cho đến mọi nơi trên thế gian nầy, Tôi nghĩ đến những nơi mà trong đó con người bị xúc phạm, bị hạ nhục, bị bách hại và bị lạm dụng. Trong mỗi nguời bị hại vì hận thù và bạo lực, hay bị loại ra bên lề vì ích kỷ và lãnh đạm, Chúa Kitô còn phải chịu đau khổ và chết đi. Trên những gương mặt của những kẻ "bị thua thiệt trong cuộc đời", được khắc ghi những đường nét của dung mạo Chúa Kitô chịu chết trên thập giá: Ave Crux, kính chào Thập giá, nguồn hy vọng duy nhất. Cả vào ngày hôm nay nữa, chính từ thập giá mà phát sinh niềm hy vọng cho tất cả. Hỡi những con người nam nữ của thời đại chúng ta. Hãy nhìn lên Ðấng đã chịu đâm thâu qua. Vì tình yêu, Ngài đã trao ban mạng sống mình cho chúng ta. Trung thành và vâng phục thánh ý của Thiên Chúa Cha, Chúa trở thành mẫu gương và khuyến khích chúng ta. Chính nhờ sự vâng phục con thảo cuối cùng nầy, Thiên Chúa Cha đã tôn vinh Nguời, và đã ban cho Người một danh hiệu vượt lên trên mọi danh hiệu". ( fil,2,9). Ước chi mọi miệng lưỡi hãy tuyên xưng rằng Chúa Giêsu là Chúa, làm vinh danh Chúa Cha.
Sau những lời trên, ÐTC thêm vài lời cám ơn thần học gia như ông Olivier Clêment, rồi ban phép lành cho tất cả.
Ðó là vài điểm đáng chú ý của ngày thứ Sáu tuần thánh tại Roma, với ÐTC. xin hẹn gặp lại tất cả các bạn.