Công bố 16 Sắc Lệnh công nhận phép lạ của các Chân Phước và Ðầy Tớ Chúa, và công nhận việc tử đạo của một số vị trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha và cuộc bách hại đạo tại Brazil.
Vatican - 21.12.98 - Sáng thứ Hai, 21/12/98, trong Ðền Vatican, với sự hiện diện của ÐTC, Bộ Phong Thánh cho công bố 16 Sắc Lệnh công nhận 5 phép lạ của các Chân Phước và Ðây Tớ Chúa (các vị Ðáng Kính ) và sắc lệnh công nhận 10 vị tử đạo thời nội chiến Tây Ban Nha vào năm 1934, và 30 vị khác (trong đó có nhiều vị còn nhỏ tuổi) bị bách hại tại Brazil năm 1645 và một số Sắc Lệnh công nhận nhân đức anh hùng của 9 vị Ðầy Tớ Chúa cả Nam, cả Nữ, sáng lập Dòng.
Trong số này, nhân vật nổi bật hơn cả và được biết đến trên cả thế giới là Cha Pio da Pietrelcina, (được biết đến như là cha Piô Năm Dấu Thánh) qua đời tại San Giovanni Rotondo miền Puglia (nước Ý) năm 1968. Như vậy Cha Pio sẽ là một trong các vị được phong Chân Phước nhanh hơn cả trong lịch sử Giáo Hội.
Lễ phong Chân Phước cho cha Piô Năm Dấu Thánh đã được ấn định vào ngày mồng 2 tháng 5 năm 1999.
ÐTC Gioan Phaolô II, khi còn làm Tổng Giám Mục Cracoiva, đã biết Cha Pio và khi làm Giáo Hoàng đã đến kính viếng và cầu nguyện bên mộ của Cha trong nhà thờ Santa Maria delle Grazie ở San Giovanni Rotondo.
Sau đây chúng tôi xin lược qua tiểu sử Cha Pio Năm Dấu Thánh:
Là vị môn đệ rất xứng đáng của Thánh Phanxico Thành Assisi, Cha Pio, sinh năm 1887 tại Pietrelcina, thuộc Tổng Giáo Phận Benevento. Ðược rửa tội ngay ngày hôm sau với tên thánh là Phanxico. Cậu Phanxico trải qua tuổi thơ ấu và thanh niên trong môi trường bình thản: gia đình, nhà thờ, đồng ruộng và nhà trường. Hồi 18 tuổi, Phanxico vào tu Dòng Các Anh Em Hèn mọn Cappucins ở Morcone. Sau đó được mặc áo dòng và nhận tên là "Pio". Sau những năm nhà tập, Thầy Pio tuyên khấn tạm và năm 1907 khấn trọn đời. Năm 1910, thụ phong linh mục tại Benevento và sau đó ở lại trong Dòng với anh em cho tới năm 1916 vì vấn đề sức khỏe. Tháng 9 cũng năm 1916 này, Cha được sai tới nhà Dòng tại San Giovanni Rotondo và ở lại đây cho tới lúc qua đời, nêu gương sáng nhân đức cho biết bao tín hữu. Các tín hữu này, từ năm 1918 đã thấy nơi ngài những dấu tích của Cuộc Thương Khó Chúa và nhiều đặc sủng khác. Ðược đốt cháy bởi tình yêu Chúa và tha nhân, Cha Pio sống đầy đủ ơn gọi của mình, để góp công vào việc cứu chuộc con người, theo sứ mệnh riêng đã ghi dấu đời sống của ngài. Cha thực hiện chương trình cứu chuộc này bằng ba phương thế: hướng dẫn các linh hồn - giải hòa các người tội lỗi với Thiên Chúa trong Bí Tích Giải Tội - và cử hành Thánh Lễ. Thánh Lễ luôn luôn là điểm cao nhất của hoạt động tông đồ của Cha. Tham dự thánh lễ với ngài, các tín hữu cảm thấy tột điểm và sự hoàn toàn của con đường thiêng liêng của ngài.
Về phương diện xã hội, Cha Pio dấn thân rất nhiều để làm giảm bớt những đau khổ và những cảnh cùng cực của biết bao gia đình, cách riêng bằng việc thiết lập "Casa Solievo della Sofferenza" (nhà giảm bớt sự đau khổ) (nay trở nên bệnh viện tối tân tại nước Ý, trực thuộc Tòa Thánh).
Về phương diện thiêng liêng, Cha lập ra "Các nhóm cầu nguyện" và gọi là: "vườn gieo vãi đức tin và tổ ấm của tình yêu". Năm 1971, sau khi Cha Pio qua đời được vừa ba năm, ÐTC Phaolô VI nói đến "những môn đệ trên cả thế giới của Cha Pio". Ðây thực là một mầu nhiệm gây ngạc nhiên liên lỉ mọi người. Từ năm 1918, năm Cha được in dấu thánh cho tới năm 1968, năm Cha qua đời, không bao giờ Cha ra khỏi thị xã San Giovanni Rotondo. Bí quyết của sự hiện diện khắp cả thế giới của Cha dĩ nhiên phải tìm trong sự nhận thức mà người dân, có tín ngưỡng hay vô tín ngưỡng, đã có và hiện còn có về hình ảnh của Cha "một người của Thiên Chúa", mang dấu thánh Chúa Kitô trong mình, một người của Thiên Chúa đã hiểu và đã sống đầy đủ ơn gọi "đồng cứu chuộc".
Dân chúng trên cả thế giới đã cảm thấy, đã hiểu ngay và một cách lạ lùng rằng: những dấu thánh chỉ có thể giải thích như là "những lý do của tính cách đáng tin" về sứ mệnh của Cha Pio trên thế giới: chịu đóng đanh để thực hiện ơn cứu chuộc.