THỜI SỰ: Bản Tuyên Ngôn Chung về Nhân Quyền không được tôn trọng tại nhiều nước trên thế giới.
Ngày 10.12.98 vừa qua kỷ niệm 50 năm Bản Tuyên Ngôn chung về Nhân Quyền được cử hành long trọng tại nhiều nơi trên thế giới, cách riêng tại Paris, nơi văn kiện đã được chấp thuận và công bố ngày 10.12.1948, và tại Trụ Sở Liên Hiệp Quốc ở New York, nơi Tiến Sĩ Koffi Annan, Tổng Thứ Ký của Tổ Chức đọc diễn văn kỷ niệm trước đại diện các quốc gia Hội Viên.
Trong thời gian 50 năm qua, thế giới đã tiến được những bước rất quan trọng về kinh tế, về kỹ thuật, về khoa học; nhưng về vấn đề nhân quyền, chúng ta phải nói như thi sĩ rất nổi tiếng của nước Pháp: La Fontaine (1621-1695) trong cuốn "Fables" (ngụ ngôn) của ông viết ra trong những năm từ 1668 đến 1694 rằng: "La raison du plus fort est toujours la meilleure (lý của kẻ mạnh vẫn luôn luôn thắng cảnh tượng) "Lý của kẻ mạnh vẫn hơn, hay cá lớn nuốt cá bé" diễn ra trong những ngày này tại Irak trước mắt thế giới. Liên Hiệp Quốc, cách riêng Hội Ðồng Bảo An , cơ quan có trách nhiệm bảo vệ hòa bình thế giới, không được đếm xỉa đến. Ông Tổng Thư Ký đã phải than phiền chính ngày Hoa Kỳ và Anh Quốc tấn công Irak như sau: "Ðây là ngày buồn tủi cho Liên Hiệp Quốc". Thế giới ngày nay vẫn tự phụ về các tiến bộ chưa từng có trong lịch sử nhân loại; thế nhưng thế giới ngày nay vẫn còn là thế giới của kẻ mạnh lấn át, đàn áp, bóc lột kẻ hèn yếu. Thế giới ngày nay vẫn còn biết bao bất công xã hội. Hố sâu giữa người giầu thiểu số và người nghèo chiếm đại đa số càng ngày càng lan rộng thêm mãi.
Trong lời mở đầu, Bản Tuyên Ngôn Chung Nhân Quyền, được Khóa Họp của Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc nhóm tại Paris chấp nhận và công bố ngày 10.12.1948, viết như sau: "Tất cả mọi người sinh ra đều tự do và bình đẳng trong phẩm giá và các quyền". Bản Tuyên Ngôn Chung về Nhân Quyền ra đời sau những kinh nghiệm đau thương, do chế độ sát nhân Ðức Quốc Xã gây nên trong đệ nhị thế chiến (1939-1945). với mục đích đáp lại đòi hỏi phải có một luật pháp chung cho các giá trị cao quí được mọi dân tộc công nhận và chia sẻ; đồng thời làm như Cuốn Thủ Bản hay cuốn sách đầu giường của các người làm chính trị nắm vận mệnh các quốc gia trên thế giới.
Tiếc thay, Bản Tuyên Ngôn vừa ra đời, chiến tranh lạnh giữa hai Khối Tư Bản do Hoa Kỳ lãnh đạo và Khối Cộng Sản do Liên Xô cầm đầu cũng xuất hiện và kéo dài mãi cho tới cuối năm 1989 và đầu năm 1990. Chiến tranh thế giới không xẩy ra, nhưng chiến tranh địa phương, do hai Khối lãnh đạo đã xảy ra tại nhiều nước trên thế giới và vẫn tiếp tục cho tới lúc này. Ai quên được chiến tranh ý thức hệ tại Ethiopie, Angola, Sudan , Mozambic? Ai quên được chiến tranh diệt chủng tại miền Balcan, tại Rwanda, tại Burundi và các miền Hồ Lớn tại Châu Phi?
Với Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền, trong 50 năm qua, thế giới không khả quan hơn. Các chế độ độc tài, các chính sách kỳ thị chủng tộc, các cuộc diệt chủng, các vụ bách hại tôn giáo, các cuộc khủng bố, các vụ đấu tố, giam cầm những người đối lập, các vụ khai thác trẻ em, bóc lột người dân thổ cư, việc sản xuất và buôn bán các chất ma túy, các cuộc di cư, tị nạn, di tản vì chiến tranh, vì đói khổ, vì thất nghiệp, vì bách hại, các vụ làm ô nhiễm môi sinh... vẫn xẩy ra hằng ngày.
Tuy nhiên chúng ta không nên bi quan thất vọng trước những vi phạm nhân quyền đó đây trên thế giới. Chúng ta vẫn sống trong hy vọng, vì dư luận quần chúng mỗi ngày mỗi ý thức nhiều hơn về phẩm giá và các quyền thiêng liêng của mình, sẽ ảnh hưởng đến các nhà cầm quyền quốc gia và quốc tế.
Trong sứ điệp Ngày Hòa Bình Ðầu Năm dương lịch 1999, Ðức Gioan Phaolô II nói rõ ràng rằng: Kỷ niệm 50 năm Bản Tuyên Ngôn Chung Nhân Quyền là cơ hội thuận tiện để các vị làm chính trị kiểm điểm lương tâm và hành động của mình. Trước thềm của Ngàn Năm thứ ba, hơn lúc nào hết, việc thi hành nghiêm chỉnh Tuyên Ngôn Quốc Tế về Nhân Quyền càng trở nên khẩn cấp hơn. Các dân tộc, cách riêng các dân tộc bị đàn áp, không nên để mình bị cám dỗ đầu hàng, buông xuôi theo dòng nước. Hơn nữa, hiện cũng đang có những dấu hiệu lạc quan và những ý thức mạnh mẽ về trách nhiệm và bổn phận. Kỳ hè vừa qua (năm 1998), tại Roma, một Tòa Án quốc tế đã được thành lập, để xét xử những tội ác phạm chống lại nhân loại. Trong ngày kỷ niệm 50 năm Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền, ngoài hai nơi Paris và Trụ sở Liên Hiệp Quốc, còn có 700 cuộc biểu tình khác tại nhiều nước trên thế giới tranh đấu cho các quyền con người và yêu cầu áp dụng đứng đắn văn kiện quan trọng này. Unesco (một tổ chức của Liên Hiệp Quốc về Giáo Dục, Khoa Học và Văn Hóa, trụ sở ở Paris) trong năm 1998, cũng đã tổ chức một loạt Hội Nghị quốc tế tại Valencia (Tây Ban Nha) để học hỏi về các quyền và bổn phận con người được ghi trong Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền. Bản tuyên ngôn Valencia đưa ra những mục tiêu lớn lao: đi từ những bổn phận luân lý sang đến những bổn phận luật pháp, nhằm tiến đến việc bắt buộc cá nhân và các chính phủ tôn trọng các điều đã cam kết. Ðây là lý do để hy vọng và lạc quan trong tương lai cho mỗi cá nhân, cho từng quốc gia và cho toàn thể nhân loại.