ÐTC tiếp các vị tham dự Khóa Họp khoáng đại của Bộ Phúc Âm hóa (tức Bộ Truyền Giáo) các dân tộc.
Vatican - 20.11.98 - "Những nhu cầu mênh mông và khẩn cấp đối với các xứ truyền giáo, (Missio ad gentes), hay nói thế khác, đối với các dân tộc chưa biết đến Chúa Kitô và Phúc Âm của Người, đòi một dấn thân nhiều hơn về phía tất cả các Tu Hội".
Ðây là lời mời gọi ÐTC nói lên sáng thứ Sáu 20/11/98, trong buổi tiếp kiến dành cho các vị tham dự Khóa Họp khoáng đại của Bộ Phúc Âm hóa các dân tộc, do Ðức Hồng Y Joseph Tomko hướng dẫn.
Như chính Ðức Hồng Y Tổng trường Bộ Phúc Âm hóa các dân tộc minh xác trong buổi khai mạc Khóa Họp sáng thứ Ba 17/11/98 vừa qua: Trong năm 2000, dân số thế giới sẽ lên tới sáu tỉ; ngày nay số người Công Giáo gần một tỉ, và tổng cộng tất cả các tín hữu Kitô, là khoảng hai tỉ. Như vậy còn gần hai phần ba chưa biết Chúa Giêsu Kitô và sứ diệp của Người. Trong bối cảnh này, đề tài của Khóa họp khoáng đại "Chiều kích truyền giáo của các Tu Hội về đời sống tận hiến và của các Hội về đời sống tông đồ" đã được thảo luận trong những ngày vừa qua.
Trong diễn văn, ÐTC nhấn mạnh đến đề tài rất quan trọng này. Ngài nói: "Việc truyền giáo cho dân ngoại: Missio ad gentes, trước thềm của Ngàn Năm thứ ba, đòi hỏi một đà thúc đẩy mới và khuyến khích các nhà truyền giáo mới, bằng việc kêu gọi, trong các nhà truyền giáo đầu tiên, chính những người tận hiến, vì chính ơn kêu gọi của họ". Ơn kêu gọi truyền giáo này đã được ÐTC nhắc đến trong Thông Ðiệp "Sứ Mệnh Ðấng Cứu Chuộc" (Redemptoris Missio) , và trong Tông Huấn Hậu-Thượng Hội Ðồng về đời sống tận hiến.
Hai điểm nổi bật trong diễn văn của ÐTC là: các ơn kêu gọi đời sống tận hiến gia tăng rõ ràng tại các Giáo Hội trẻ trung, nhưng trong dịp bổ nhiệm các giám mục tại một số giáo phận, nhất là tại Châu Á, ÐTC nhận thấy rằng: "việc truyền giáo vẫn còn ở vào thời kỳ khởi sự ". Vì thế ÐTC mời gọi các Tu Hội về đời sống tận hiến, hãy dấn thân nhiều hơn nữa trong việc truyền giáo cho dân ngoại "missio ad gentes". Ngài tin chắc rằng: lòng nhiệt thành truyền giáo này sẽ lôi cuốn nhiều ơn kêu gọi đích thực và sẽ là men cho việc canh tân thực sự của cộng đồng.
Một đà thúc đẩy mới về truyền giáo cũng mời gọi các tín hữu giáo dân và chính các giám mục, "những người linh hoạt của cộng đồng Giáo Hội và là những người thúc đẩy sự dấn thân mục vụ".
ÐTC quả quyết: "Tất cả Giáo Hội cần đến sự dấn thân tông đồ hăng say này. Việc rao giảng Tin Mừng và công việc truyền giáo thực sự tạo nên sự đóng góp đầu tiên và nền tảng mà Giáo Hội đem đến cho nhân loại".
ÐTC không quên nhắc lại rằng: "Việc truyền giáo không ở tại và cũng không chấm dứt trong một hoạt động hoàn toàn có tính cách tổ chức, nhưng liên kết chặt chẽ với ơn gọi nên thánh. Ơn gọinày bao gồm "một việc trở nên giống Chúa mỗi ngày mỗi hoàn toàn và rõ ràng: giống Chúa Kitô khiết tịnh, khó nghèo, vâng lời và đòi hỏi một sự gắn bó giữa đời sống và hoạt động tông đồ. Chương trình của mỗi một đời sống tận hiến, nói cách tổng hợp, là "tiến đến sự thánh thiện và từ bỏ mọi sự để theo Chúa Kitô".
ÐTC kết thúc: "Các Cộng Ðồng của đời sống tận hiến, cả trong các Giáo Hội trẻ trung, sẽ dành sự chú ý nhiều hơn cho chương trình và việc theo Chúa Kitô này và sẽ trở nên cảnh vui thích và những sở trường về đường tu đức Phúc Âm, bằng việc chỉ cho chính mình, cho các tín hữu khác và cho thế giới các giá trị quyết định và những mục tiêu cuối cùng của đường đi con người".